Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Muối men và ánh sáng cho trần gian

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

MUỐI, MEN VÀ ÁNH SÁNG CHO TRẦN GIAN (CN V/TN-A)

 

Đào tạo là giúp cho một người mỗi ngày nhìn thấy rõ hơn con người và sứ mệnh tương lai của mình. Qua lăng kính Tám Mối Phúc, Chúa Giê-su đã giúp chúng ta nhận ra mình sẽ làm môn đệ Chúa nổi bật hơn về phương diện nào. Tuy nhiên, làm môn đệ Chúa là mang một sứ mệnh thích hợp với tài năng của mình, để cùng với Chúa Giê-su giúp cho nhân loại và thế giới này được luôn thay đổi tốt đẹp hơn. Một trong những mục tiêu của sứ mệnh người môn đệ Chúa là làm muối, men cho đời và làm ánh sáng cho trần gian. Đấng đã phán "Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8, 12) hôm nay Người mời gọi chúng ta suy nghĩ về vai trò làm ánh sáng thế gian của chúng ta ngay tại môi trường chúng ta đang sống.

 

Khi muốn lấy một nhân vật nào đó để dạy con cháu hay học trò, người đời thường nói: “Hãy học theo, làm theo gương sáng của ông (bà) X, Y…”. Nói như vậy không phải vì nhân vật đó phát ra ánh sáng, mà là vì nhân vật đó có một cuộc sống, một cách sống tốt lành, mẫu mực, như một tấm gương rất đáng để mọi người học hỏi và thực hành theo. Tuy nhiên, trong bài Tin Mừng hôm nay (CN V/TN-A – Mt 5, 13-16), Đức Giê-su lại dạy: "Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5, 14). Cũng đã có những bài chia sẻ cho rằng Lời dạy của Đức Ki-tô là mâu thuẫn, vì chỉ có Người mới thực sự là ánh sáng, còn loài người là tội lỗi, tối tăm, làm sao có thể là ánh sáng được. Lời tiên báo của ngôn sứ I-sai-a là một minh họa: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.” (Is 9, 1). Không những thế, chính Đức Ki-tô còn khẳng định: "Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống." (Ga 8, 12). Vậy phải hiểu vấn đề như thế nào?

 

Thực ra, suy niệm chính Lời dạy của Đức Ki-tô như dẫn trên (Ga 8, 12) thì vấn đề sẽ sáng tỏ. Người nói: “Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống." Ai đi theo Đức Ki-tô sẽ “nhận được” ánh sáng, tức là bản thân người đó không có ánh sáng, nhưng nhờ tin và theo Người thì sẽ được “Ánh Sáng Đức Ki-tô” tác động và bản thân sẽ tỏa sáng. Cũng chẳng khác cây đèn dầu tự nó không phát ra ánh sáng, nhưng nếu được “thắp lên” (tác động từ bên ngoài) thì nó sẽ tỏa sáng. Điều đó cho thấy Lời dạy của Đức Giê-su không hề mâu thuẫn một chút nào, chỉ có điều đây cũng là một dụ ngôn mà ngụ ý là ở Lời kế tiếp: “Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5, 15-16) 

 

Suy niệm cả bài Tin Mừng thì thấy Đức Giê-su không chỉ nói về ánh sáng mà Người còn dạy: "Chính anh em là muối cho đời.” (Mt 5, 13). Muối là một vật thể, muối hiện hữu không cho chính nó mà để làm mặn các vật thể khác, để ướp cho thực phẩm được tươi lâu. Ngày xưa người ta thường dùng muối trộn với phân ủ, đem bón cho những nơi đồng ruộng bạc màu (đất không còn màu mỡ, trồng lúa, trồng cây không thể tươi tốt, sinh nhiều hoa trái), vì thế nên mới gọi là muối đất. Ngay trong những thứ phân hoá học ngày nay, cũng phải có muối. Bản chất muối là vị mặn, nên muối không cần làm mặn cho mình, mà chỉ có thể làm mặn cho các vật thể khác. Như vậy, bản tính của muối là chia sẻ những gì mình có để làm cho các vật thể khác được mặn mà, tươi thắm, tốt đẹp hơn.

 

Cũng vậy, ánh sáng tự thân không là một vật thể mà chỉ là sự chiếu toả từ một vật thể bị đốt cháy hay bị tác động bởi một va chạm đối kháng giữa nguyên tử hoặc phân tử, và từ đó,  ánh sáng phát sinh. Như vậy, ánh sáng cũng không chiếu toả cho chính nó, mà là soi tỏ cho các vật thể khác, cho môi trường. Nói cách khác, bản chất ánh sáng là chiếu toả, soi sáng, giúp cho môi trường, cho các vật thể khác (kể cả con người) thể hiện mình ra, nghĩa là được nhận thấy bản thân hiện hữu. Như vậy bản tính ánh sáng – cũng như muối – là giúp cho, làm cho các vật thể khác trở nên sáng sủa, tốt đẹp hơn.

 

Ngoài ra, Đức Ki-tô còn dùng hình ảnh men trong bột (Mt 13, 33) để khuyên dạy các môn đệ. Men là chất hữu cơ gồm những tế bào sống có khả năng gây nên những phản ứng hoá học (men giấm, men rượu). Cũng như muối và ánh sáng, men không hiện hữu cho chính nó, mà để giúp cho bột (hoặc vật thể khác) dậy men. Nói cách cụ thể, ở muối, men và ánh sáng, chỉ có CHO, không có NHẬN. mà nói đến cho và nhận là nói đến Tình Yêu. Chính vì thế, nên Đức Giê-su Ki-tô – Vua Tình Yêu – mong muốn các môn đệ của Người hãy trở nên như muối (với bản chất là làm cho đời thêm mặn mà trong Tình Yêu), như men (làm cho bột đời nở ra và thêm ý vị trong Tình Yêu), như ánh sáng (với bản chất là soi chiếu chân lý Tình Yêu cho trần gian đang ngụp lặn trong đêm đen tội lỗi). Người môn đệ muốn trở nên như muối, men và ánh sáng để “cho” kẻ khác, thì chính con người mình phải “có” trước đã, bởi người ta không thể cho cái mà mình không có (không có thì lấy gì mà cho?). Nói cách khác, “cây mà tốt thì quả cũng tốt” (Mt 12, 33), “lòng có đầy miệng mới nói ra” (Mt 12, 34) được vậy.

 

Khi muối bị nhạt đi, ánh sáng bị lu mờ và men bị pha trộn tạp chất, thì tác dụng tốt đẹp không còn, thậm chí nhiều khi còn bị phản tác dụng nữa, như trường hợp Đức Ki-tô nói về men Pha-ri-sêu và Xa-đốc (Mt 16, 5-12). Khi Người nói với các môn đệ  "Anh em phải cẩn thận, phải coi chừng men Pha-ri-sêu và Xa-đốc" (Mt 16, 6), các môn đệ lại cứ tưởng Người nói về men bột thực sự, cho đến khi bị quở trách, các ông mới hiểu là Người không bảo phải coi chừng men bánh, mà là phải coi chừng giáo lý Pha-ri-sêu và Xa-đốc (Mt 16, 12). Một bằng chứng hiển nhiên là trong thời gian này, Sao-lô đã thấm nhuần men Pha-ri-sêu và men Xa-đốc, đang lùng giết những người theo Giê-su. Chỉ đến khi Chúa đã hoàn tất sứ vụ Cứu Độ (đã chết và chiến thắng sự chết, sống lại hiển vinh), Người mới làm cho “Sao-lô mù nội tâm” trở nên một “Phao-lô sáng mắt sáng lòng” (biến cố Đa-mat), một Tông đồ kiệt xuất của dân ngoại. Chính điều này cho thấy khi Đức Giê-su muốn môn đệ trở nên muối, men và ánh sáng, chính là Người muốn các môn đệ phải thấm nhuần chân lý Tin Mừng Cứu Độ từ chính Người Thầy của mình đã truyền dạy và thực hành.

 

Người Ki-tô hữu hôm nay muốn thực sự trở nên muối, men và nhất là ánh sáng cho đời, thì tiên vàn phải đến với Nguồn Ánh Sáng bất tận Giê-su Ki-tô, tìm cho mình “Một ánh sáng cần được tìm ra”, đó chính là “Ánh sáng Đức Tin – Lumen Fidei” như lời dạy của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô: “Do đó, điều hết sức khẩn thiết là một lần nữa phải thấy rằng đức tin là ánh sáng, bởi vì một khi ngọn lửa đức tin tắt đi, mọi ánh sáng khác đều bắt đầu tàn lụi. Ánh sáng đức tin là ánh sáng độc đáo, vì nó có khả năng chiếu soi mọi khía cạnh của nhân sinh. Một ánh sáng mạnh như thế không thể phát xuất từ ta mà từ một nguồn nguyên thủy hơn: nói cho gọn, nó phải phát xuất từ Thiên Chúa. Đức tin phát xuất từ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống, Đấng mời gọi ta và mạc khải tình yêu của Người cho ta, một tình yêu đi trước ta và ta có thể dựa vào để được an toàn và xây dựng được đời ta. Đây là thứ ánh sáng mà giờ đây tôi muốn xem xét để nó lớn lên và soi sáng hiện tại, trở thành ngôi sao rạng chiếu chân trời hành trình của ta vào một thời điểm nhân loại rất cần ánh sáng.” (Thông điệp “Ánh Sáng Đức Tin “LUMEN FIDEI”, số 4)

 

Ấy cũng bởi vì “Khi đã được tình yêu này biến đổi, ta sẽ có được viễn kiến tươi mới, những con mắt mới để nhìn; ta sẽ hiểu ra rằng nó chứa đựng lời hứa thành tựu vĩ đại, và cả một tương lai mở ra trước mắt ta. Tiếp nhận từ Thiên Chúa như một hồng ân siêu nhiên, đức tin trở thành ánh sáng dẫn đường ta đi, hướng dẫn cuộc hành trình của ta qua thời gian. Một đàng, nó là ánh sáng phát xuất từ quá khứ, ánh sáng ký ức nền tảng về cuộc đời Chúa Giê-su, thứ ký ức mạc khải tình yêu hoàn toàn đáng tin cậy của Người, một tình yêu có khả năng chiến thắng sự chết. Ấy thế nhưng, vì Chúa Ki-tô đã sống lại và kéo ta ra khỏi sự chết, đức tin cũng là ánh sáng phát sinh từ tương lai và mở ra trước mắt ta những chân trời bao la dẫn ta ra khỏi những bản ngã cô lập của ta mà hướng tới cái rộng dài của hiệp thông.” (ibid).

 

Ôi! Lạy Chúa Giê-su, Chúa đang hiện diện trong mỗi người chúng con. Xin Chúa giúp chúng con biết gìn giữ cho đèn chúng con luôn sáng, muối chúng con luôn mặn. Sự hiện diện của chúng con ở đâu phải gây được một tác động làm đẹp cho đời. Ðời chỉ đẹp khi biết hướng về nguồn Chân Thiện Mỹ Tối Cao. Xin Chúa luôn ở trong chúng con và ở trong cuộc đời. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ Chúa nhật V/TN-A).

 

JM. Lam Thy ĐVD.