Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Mẹ ơi đừng bắt con về

Tác giả: 
Người Giồng Trôm

 

 

MẸ ƠI ! ĐỪNG BẮT CON VỀ

 

              Sáng ! Sài gòn ! Kéo ghế làm tô phở bò Lệ ở Nguyễn Trãi.

 

              Tô phở nóng nghi ngút khói được bê ra và đặt trên bàn. Đang lúc vắt chanh và thêm ớt thì …

 

              Đứa bé bộc bạch với cô “phó chủ” chuyện gì đó và rồi cô nói : “Nói với chỉ (chính chủ) đi rồi tính”.

 

              Thằng bé nghẹn nghẹn lời như muốn rơi hai dòng lệ. Câu chuyện không còn là kín bởi được nói không còn khẽ nữa : “Mày gọi điện về biểu bả. Dịch chưa tới đây đâu mà lo. Quán vẫn bán bình thường. Về quê chi ! Đói hả ?”

 

              Nghe như vậy, chú em đồng nghiệp đang bưng phở “xía” vào : “Nói bả là dịch đang còn lang thang đâu đó bên Tàu, chưa vô đây đâu mà lo. Lo đi làm kiếm cơm. Khi nào dịch vô đây rồi tính”.

 

              Nghe cô chủ nói thế, thằng bé lặng lẽ : “Để chút con gọi”.

 

              Câu chuyện đối thoại giữa mấy người trong quán đó là việc bà mẹ quê chắc có lẽ thương con nên điện gọi con trai về quê sống vì sợ dịch.

 

              Tô phở Lệ mỗi ngày nó ngon lắm nhưng với cầu chuyện này dường như nó đấm lệ.

 

              Chả phải mình bà mẹ quê này nhưng nhiều bà mẹ quê khác cũng lo lắm, cũng âu sầu lắm khi tin dữ của đại dịch cứ tràn về qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Tiếc thay, bà cũng chưa hiểu rõ lắm về chuyện lây lan. Hẳn nhiên với tốc độ kinh khủng này thì làm cho nhiều người hoảng sợ nhưng rồi nên chăng cần bình tĩnh để đối diện với nó.

 

              Không chỉ bà mẹ quê có con đi bưng phở ở Sài Gòn sợ đâu. Ai ai cũng sợ chứ không phải riêng bà. Dĩ nhiên sợ thì cũng nên sợ nhưng cẩn thận hết sức để giữ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

 

              Như ta thấy, trở về với các cơ gây nhiễm cũng bởi do quy trình quản lý không chặt hay nói đúng hơn là có vấn đề. Cạnh đó là chính cá nhân của mỗi người. Khi đ ingang qua những vùng có nguy cơ lây nhiễm phải thành thật khai báo để các cơ quan tìm cách xử lý kịp thời và tốt nhất. Cũng khởi đi từ chuyện ý thức cá nhân của mỗi người nên vấn đề lây lan là điều không tránh khỏi. Nếu như mỗi người tự ý thức bảo vệ cho mình thì có lẽ chuyện lây lan sẽ không lan tràn như trong thực tại.

 

              Và rồi, chuyện của bà mẹ quê cho con lên Sài Thành sinh sống không phải là chuyện của riêng bà. Đơn giản là kinh tế ngày mỗi ngày đang bị tàn phá và bị đe dọa bởi nhiều kẻ bất lương. Nhiều kẻ đầu cơ đã lợi dụng cơ hội này để trục lợi lên anh chị em đồng loại từ chiếc khẩu trang cho đến chai nước rửa cũng như nhiều thực phẩm khác nữa.

 

              Chỉ vài ngày qua, ta lại thấy người ta nhốn nháo lên để tích trữ gạo mì mắm muối. Và, hậu quả sẽ đến đó là những điều bất ổn trong cuộc sống và hệ lụy đi theo nó.

 

              Thằng bé, hay nói thêm nữa cho nó vuông là nhiều người nữa cứ chiều hướng này sẽ vể quê hết để bảo toàn sinh mạng hay sao ? Về quê để rồi nhìn nhau mà chết đói hay rơi vào cảnh túng quẩn hay sao ? Vẫn là câu hỏi chưa có đáp lời cụ thể.

 

              Tô phở sáng nay như thường ngày thì ngon lắm nhưng rồi nó lại nguội đi và có gì đăng đắng nơi cổ họng. Đơn giản là quanh ta còn biết bao nhiêu mảnh đời phải gian nan với cuộc sống và phải vật lộn với cuộc sống và nhất là với cơn đại dịch này đang ngày lan rộng.

 

              Lại thêm lời cầu nguyện cho người, cầu nguyện cho ta và cầu cho cả thế giới được an lành. Nhất là xin cho đại dịch mau qua và cầu cho lòng người tốt mãi với nhau chứ đừng vì lý do nào đó mà tranh giành xâu xé.

 

              Thương quá bà mẹ quê ơi ! Thương quá thằng bé đi bưng phở ở đất Sài gòn ơi ! Thương quá những mảnh đời vất vả ơi ! Và thương quá cả cái kẻ viết lên đôi dòng tâm sự này ơi !