Khát nước hay khát đức tin?
KHÁT NƯỚC HAY KHÁT ĐỨC TIN?
(CN III-MC-A)
Trong kiếp nhân sinh, người ta thường khao khát một điều gì đó tốt hơn những gì đang sở hữu. Có những khát khao làm cho cuộc sống của con người tốt hơn sau khi đạt được. Nhưng cũng không thiếu những thỏa mãn làm cho tình trạng của con người trở nên tồi tệ hơn. Trình thuật của thánh sử Gio-an cho thấy có một thứ khát khao mà theo lẽ thường thì ít ai nghĩ tới, đó là khát khao “Nước Hằng Sống”. Một khi đã được thỏa mãn niềm khát khao quan trọng nhất này, thì mọi khát khao khác cũng được trở nên dư đầy.
Bài Tin Mừng CN.III/MC-A (Ga 4, 5-42) trình thuật việc Đức Giê-su tới miền Sa-ma-ri, và Người đã xin nước uống nơi một người phụ nữ đến lấy nước tại giếng Gia-cóp. Khát nước mà xin nước uống là chuyện bình thường đối với phàm nhân. Đức Giê-su là Thiên Chúa mặc xác phàm, nên chuyện đói khát về thể lý cũng bình thường như bao người khác. Nhưng câu chuyện thánh sử Gio-an trình thuật lại gây một ấn tượng độc đáo, đó là sự hoán vị của 2 nhân tố "xin" và "cho": Người xin nước uống trở thành người cho nước và người cho nước uống lại trở thành người xin nước. Một câu hỏi được đặt ra: Như vậy thì "người xin nước" và "người cho nước", ai mới là người thực sư khát nước?
Thực ra, việc Đức Giê-su xin nước uống chỉ là một cái cớ để Người cho những người Do Thái biết được Người không phân biệt dân ngoại hay dân nội như quan niệm hẹp hòi của họ, bởi họ thường cho mình mới thật là dân xịn – dân Thiên Chúa chính hiệu – còn ngoài ra, tất cả đều là dân ngoại, là "quân tội lỗi", là đồ bỏ. Đám người Do Thái vẫn tự nhận mình là con cái tổ phụ Ap-ra-ham và liệt Đức Giê-su vào hạng người bị qủy ám, là “dân ngoại” (“Người Do Thái đáp: "Chúng tôi bảo ông là người Sa-ma-ri và là người bị quỷ ám thì chẳng đúng lắm sao?” – Ga 8, 48), rồi còn “lượm đá để ném Người” (Ga 8, 59). Ỷ mình là dân nội, họ không tin vào những điều giảng dạy của Đức Ki-tô, nhưng người phụ nữ Sa-ma-ri – là dân ngoại – thì lại thật sự tin tưởng vào Đấng Mê-si-a mà chị được gặp lần đầu. Và thế là chị đang là người được Chúa Giê-su xin nước uống, đã trở thành người xin nước hằng sống.
Sở dĩ vậy, vì Đức Ki-tô đã khơi lên sự tò mò để người phụ nữ Sa-ma-ri tìm hiểu qua một công việc thường ngày là đến giếng kín nuớc về để giải toả cơn khát thể lý. Từ đó, Đức Giê-su gợi ý đến cơn khát tinh thần: nước hằng sống. Câu chuyện chưa dừng lại ở đây, mà chuyển sang hướng khác, khi Đức Ki-tô đề cập đến đời sống riêng tư của người phụ nữ, mà cơn khát tình yêu dường như vẫn chưa được thoả đáng (đã sống với 5 đời chồng và hiện đang sống với người không phải là chồng mình). Đức Giê-su muốn người phụ nữ mở rộng tầm mắt để nhìn ra người đang nói chuyện với mình và quả nhiên chị đã nhìn ra. Với một người được gặp lần đầu tiên, mà người ấy lại biết rõ đời sống riêng tư của mình thì người ấy chỉ có thể là: "Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ.” (Ga 4, 19).
Tin người đối diện với mình là ngôn sứ, nên chị nêu thắc mắc không hiểu vì sao mà: "Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa." – Ga 4, 20). Đức Giê-su đã chỉ rõ cho chị biết là thờ phượng Thiên Chúa không phải ở núi này hay núi khác, ở chỗ này hay chỗ kia, mà là "Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật." (Ga 4, 24). Cuối cùng thì "Người phụ nữ thưa: "Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự." Đức Giê-su nói: "Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây." (Ga 4, 25-26). Và thế là “Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với mọi người: "Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao?" Họ ra khỏi thành và đến gặp Người.” (Ga 4, 28-30).
Chính cái quá khứ của người phụ nữ bị Đức Giê-su khơi lại, khiến chị ta tin tưởng vào những gì Người nói với chị và từ "người khát nước hằng sống" chị đã trở nên “người gieo” tin tức về một Đấng Mê-si-a mà chị đã được diện kiến: "Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao?" (Ga 4, 29). Mọi người tin lời chị, "Họ ra khỏi thành và đến gặp Người" (Ga 4, 30). Như vậy, sau khi gặp “người xin nước” Giê-su, chị phụ nữ Sa-ma-ri đã tin và làm chứng cho Chúa Ki-tô giữa những người vốn được coi là dân ngoại, và chính những người này sau khi được gặp Chúa đã xin Chúa ở lại với họ và tuyên xưng: "Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghevà biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian." (Ga 4, 42).
Vấn đề đã sáng tỏ như lời dạy của Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô XVI: “Câu Chúa Giê-su nói với người phụ nữ xứ Sa-ma-ri: ”Xin cho tôi uống nước” (Ga 4, 7), được đề nghị trong phụng vụ Chúa nhật thứ ba (Mùa Chay), diễn tả lòng hăng say của Thiên Chúa đối với mỗi người và muốn khơi lên trong tâm hồn chúng ta ước muốn hồng ân ”nước vọt lên cho sự sống đời đời” (câu 14): đó là hồng ân Chúa Thánh Linh, Đấng biến các tín hữu Ki-tô thành ”những người tôn thờ chân thực” có khả năng cầu khẩn Chúa Cha ”trong tinh thần và chân lý” (câu 23). Chỉ nước ấy mới có thể thỏa mãn ước muốn của chúng ta mong được chân, thiện, mỹ! Chỉ nước ấy, do Chúa Con ban cho chúng ta, mới tưới gội được những sa mạc của tâm hồn bất an và không được mãn nguyện, “cho đến khi được an nghỉ trong Thiên Chúa”, theo câu nói thời danh của thánh Augustino”. (Sđ Mùa Chay 2011, số 2).
Quả thực sống trong cái “hoang mạc cuộc đời” luôn khô cháy vì thiếu nước hằng sống, nhưng con người thì lúc nào cũng hoang tưởng cho rằng mình không hề khát nước. Và từ cái ảo tưởng đó, lại ngụp lặn trong cái hố sâu tội lỗi, mà không biết tìm đến Đấng đã phán truyền: "Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời." (Ga 4, 14). Ôi! Lạy Chúa! Suy niệm bài Tin Mừng hôm nay, chúng con mới hiểu ra rằng chúng con luôn luôn khát nước hằng sống, mãi mãi khao khát Lời Chân lý. Cúi xin Chúa đoái thương giải tỏa cơn khát tâm linh cho chúng con, ban cho chúng con thứ nước chúng con uống vào sẽ không còn khát nữa, đó chính là thứ nước đem lại cho chúng con sự sống đời đời. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: