Tô-ma thời đại
TÔ-MA THỜI ĐẠI (CN II/PS-A – CN LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA)
Một tuần sau khi Chúa sống lại, Phụng vụ Lời Chúa bắt đầu từ Chúa Nhật II Phục Sinh trình bày tất cả những đổi mới trong mọi lãnh vực cuộc sống như đức tin, tâm hồn, lối sống, đời sống cá nhân cũng như cộng đoàn. Bài Tin Mừng cho thấy sự canh tân về đức tin là nguyên lý đổi mới mọi sự. Tiêu biểu là trường hợp tông đồ Tô-ma. Tiếp đến, thánh Phê-rô nói đến niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã từ cõi chết sống lại. Còn bài trích sách Công Vụ Tông Đồ giới thiệu một nếp sống mới của cộng đồng Ki-tô hữu tiên khởi. Tất cả những đổi mới này đều là nhờ mầu nhiệm Phục Sinh.
Trong dân gian thường có câu “Đa nghi như Tào Tháo” để chỉ những người hay ngờ vực, nghi kỵ. Tào Tháo là ai mà có tính cách đa nghi đến độ trở nên điển hình như vậy? Tào Tháo, tự là Mạnh Đức, là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở miền Bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc. Ông được con trai suy tôn là Thái tổ Vũ Hoàng Đế. Tào Tháo là người đã có công lớn trong việc dẹp loạn Khăn Vàng và Đổng Trác. Tuy nhiên, hình ảnh về ông không được các nhà nho học ưa thích và thường được mang ra làm biểu tượng cho sự dối trá, đa nghi.
Trong truyện Tam Quốc Chí của Trung Quốc có kể về tính đa nghi của Tào Tháo: Một hôm Tào Tháo giết hụt Đổng Trác, bị tầm nã trả thù cho nên quất ngựa truy phong. Trên đường bôn tẩu, ông tìm tá túc tại nhà Lã Bá Sa, anh em kết nghĩa của cha mình là Tào Tung. Lã Bá Sa cho hay công văn tầm nã đã gửi đến khắp nơi, và ai giết được Tào Tháo sẽ được thưởng vàng bạc, chức tước. Nghe thế, Tào Tháo giật mình, nhưng Lã Bá Sa dắt vào trong chỉ nơi ẩn trốn. Sau đó, Lã Bá Sa ra ngoài bàn với người nhà dọn tiệc đãi quí tử của người anh em kết nghĩa. Hồi lâu, ông trở vào bảo Tào Tháo cứ ở nhà, ông cưỡi ngựa sang làng bên mua rượu về nhậu.
Tào Tháo chờ một hồi lâu chợt nghe có tiếng mài dao soàn soạt ở nhà sau, mới lần mò đến gần nghe ngóng; bỗng có tiếng nói: “Trói nó lại mà giết thì dễ hơn”. Tào Tháo hoảng hốt xông thẳng ra sau nhà, tuốt gươm chém một lúc tám mạng người nhà của Lã Bá Sa. Sau đó, xách gươm vào nhà bếp định giết sạch nếu còn ai trong bếp, để trừ hậu hoa. Bỗng nhìn thấy một con lợn béo bị nhốt cạnh một chậu nước đang sôi, Tào Tháo biết mình lầm, vội vàng lên ngựa chạy trốn. Dọc đường, thấy Lã Bá Sa đang đủng đỉnh trên ngựa trở về, hai bên đeo hai bầu rượu, Lã Bá Sa không hiểu gì giơ tay vẫy Tào Tháo. Không nói không rằng, Tào Tháo vừa vung gươm chém một phát đứt đầu ông già bạc phước, vừa lẩm bẩm: “Đã lỡ cho lỡ luôn, để ông già về đến nhà, thằng này sẽ không yên thân.”
Lại một lần khác, Tào Tháo đem quân đi chinh phạt nhà Thục. Quân Thục chống trả quyết liệt và cố thủ vững chắc. Cuộc chiến kéo dài, quân Tào mệt mỏi, tiến thoái lưỡng nan. Thấy tình thế khó nuốt được Thục, Tào Tháo bèn ban mật khẩu “Kê cân”. Một tướng giỏi của Tào là Dương Tu nghe lỏm được, liền truyền lệnh cho quân sĩ thu xếp hành trang, chuẩn bị rút. Thấy lạ, quân tả hữu liền hỏi: “Tại sao tướng quân lại cho quân rút sớm vậy?” – Dương Tu đáp: “Thừa tướng đã ban mật khẩu “Kê cân” (nghĩa là gân gà) ý muốn nói ăn không được, vứt thì tiếc. Vậy việc rút quân chỉ nay mai thôi.” Biết chuyện này, Tào Tháo khép tội Dương Tu là tiết lộ việc quân cơ, đem ra chém đầu. Nhưng đó chỉ là cái cớ, cái chính là Tào biết Dương Tu là tướng có tài, chuyện gì cũng đoán biết được trước, nên phải tìm cách hạ sát để trừ hậu họa.
Tuy Tào Tháo là người đa mưu, túc trí, nhưng vẫn rất sợ quân lính làm phản và bọn thích khách ám hại. Để đề phòng mọi bất trắc có thể xảy ra, Tào ra lệnh: “Đêm ta ngủ thường mơ nơi trận mạc, tung hoành đao kiếm, đừng ai đến gần mà thiệt mạng.” Một hôm, đang ngủ say, bỗng trở mình khiến chăn (mền) rơi xuống đất. Tên lính hầu canh cửa thấy vậy bèn rón rén đến bên giường nhặt chăn lên đắp lại cho chủ tướng. Tào Tháo vùng phắt dậy, rút ngay gươm đã thủ sẵn ở đầu giường chém chết người lính, rồi lại nằm ngủ tiếp. Hành động chém giết tàn bạo của Tào Tháo không chỉ là lời răn đe khắc nghiệt đối với quân lính, mà còn bộc lộ bản chất hay ngờ vực, hay nghi kị đến mức điển hình của một tính cách. Hậu thế đã tóm gọn trong cụm từ “Đa nghi như Tào Tháo” để chỉ những người có tật đa nghi. (Wikipedia).
Hiện nay ở Việt Nam vẫn lưu hành câu ví (như một tục ngữ) đó. Và thời gian gần đây (khoảng hậu bán thế kỷ XX + thập niên đầu thế kỷ XXI), trong Đạo Công Giáo lại thấy xuất hiện cụm từ “Tô-ma thời đại” để nói về những người hay nghi kỵ, ngờ vực. Tuy rằng cả 2 cụm từ “Đa nghi như Tào Tháo” và “Tô-ma thời đại” đều ám chỉ những người hay nghi kỵ ngờ vực, nhưng xét cho thấu đáo thì tính cách 2 nhân vật này (Tào Tháo, Tô-ma) khác nhau xa, nếu không muốn nói là đối nghịch nhau như nước với lửa. Thật thế, Tào Tháo tuy là một tướng tài, văn võ song toàn (không những là võ tướng giỏi mà còn là một nhà thơ tài hoa nữa), nhưng lại là một người tâm địa ác độc, chỉ lấy chém giết làm trọng (ngay lịch sử Trung Quốc cũng đã cho Tào Tháo là một nhân vật “đại gian hùng”). Còn Tô-ma thì chỉ là một người như mọi người, nếu không được “thực mục sở thị” (chứng kiến tận mắt) thì không tin.
Tâm lý chung của con người chuyện gì cũng đòi phải được “trông thấy nhãn tiền” hoặc phải có chứng cớ xác thực, mới chịu tin. Không những thế, mà nhiều khi được thực mục sở thị, cũng vẫn còn có kẻ “không tin vào mắt mình”, mà lại đi tin vào những truyền thuyết hoang đường, những ma mị quỷ quái. Các Tông đồ (kể cả Tô-ma) cũng không ngoại lệ, các ông mới chỉ “nghe” thì chưa tin, mà còn phải được “thấy”, được “đụng vào” vật chứng mới tin. Và cũng chính cái tâm lý chỉ tin khi được “thực mục sở thị” đã đẻ ra tâm trạng hoài nghi. Thật thế, chỉ vì được trông thấy nhãn tiền Thầy mình đã chết khổ nhục trên thập giá, đã được chính tay mình liệm xác Thầy và táng trong hang đá, thì làm sao tin được Thầy mình đã sống lại? Và vì thế nên khi thấy Thầy hiện ra thì “Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma” (Lc 24, 37). Ấy là chưa kể lúc Thầy còn sống và ở liền bên không rời một bước, vậy mà khi trông thấy nhãn tiền Thầy đi trên mặt biển đã vội cho là ma! (Mc 6, 45-52)
Cũng vì được thực mục sở thị nên sự kiện Chúa Giê-su Ki-tô bị bắt, chịu xét xử, bị kết án tử hình, chết treo thảm khốc trên thập giá, đã như một nỗi ám ảnh kinh hoàng tột đỉnh, khiến các môn đệ sợ hãi và tuyệt vọng. Không còn một tia hy vọng nào rọi vào tâm trí nữa. Tất cả là bóng tối và tảng đá liệm mồ Chúa đã trở nên như một tảng đá nặng nề khô cứng niêm kín tâm hồn họ. Đã bước sang ngày thứ ba kể từ khi Thầy tử nạn, các Tông đồ vẫn như đám gà con mất mẹ co cụm vào nhau; đến độ Chúa đã sống lại, hiện ra với bà Maria Mác-đa-la và sau đó là với 2 môn đệ trên đường Em-mau, bà và cả hai môn đệ này đã đi báo tin cho các môn đệ đang buồn bã khóc lóc, “Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin.” (Lc 24, 11). Vì thế, nên “Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: "Bình an cho anh em!" Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma, khiến Người phải quở trách: "Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?" Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem (Lc 24, 36-39).
Lần hiện ra đó, Tô-ma không có mặt, nên khi nghe thuật lại, ông không tin. Ông nói thẳng thừng: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin." (Ga 20, 25). Nếu nói về trực tính (nói thật, nói thẳng) thì Tô-ma cũng chẳng thua gì Phê-rô. Phê-rô không những không tin mà còn coi Thầy là ma, thì Tô-ma đòi xỏ ngón tay vào lỗ đinh, thọc bàn tay vào cạnh sườn Thầy, cũng là lẽ thường tình. Thực ra, đâu chỉ có Phê-rô và Tô-ma, mà vẫn còn cảnh “Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi.” (Mt 28, 16), khiến “Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy.” (Mc 16 14). Theo thường tình thế sự, chưa được trông thấy nhãn tiền thì chưa tin, điều đó không đáng trách, chỉ đáng trách khi đã được thực mục sở thị mà vẫn chưa tin. Thánh Tô-ma khi được kêu xỏ ngón tay vào lỗ đinh và đặt bàn tay vào cạnh sườn Thầy, thì ngay lập tức đã hoàn toàn xác tín bẳng lời nói xuất phát tự tâm can: “Lạy Chúa con! Lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20, 28).
Với Thánh Tô-ma thì "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin.” (Ga 20, 29), nhưng còn những Ki-tô hữu sống xa các ngài 20 thế kỷ thì sao? Các tín hữu ngày nay tuy được mang tước hiệu Ki-tô hữu, nhưng xem ra còn thê thảm hơn các môn đệ thủa xưa. Vẫn còn không ít người tin vào thần nhà thần bếp, thần cây đa cây đề, thần sông thần núi, thần sấm thần chớp, thần năm tuổi, thần hộ mệnh nọ kia… Và nếu có tin vào Đấng Ki-tô thì chỉ là tin trên môi trên miệng, chỉ cần sợ bóng sợ vía đã vội vàng “chối Thầy không chỉ ba lần mà có thể lên tới ba mươi lần ba” bằng cách cất bàn thờ vào một xó xỉnh nào đó để chưng hình lãnh tụ, khai vào lý lịch là không tôn giáo, theo đạo thờ ông bà v.v…và v.v… Chính vì thế, vấn đề thiết thân đặt ra luôn luôn và mãi mãi vẫn là củng cố đức tin, không thể khác hơn.
Tóm lại, hãy lắng nghe và để cho Lời Chúa thấm tận đáy lòng: “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin!” Ấy cũng bởi vì: “Phúc thay những người không thấy mà tin!" Dù người tín hữu ngày hôm nay không trực tiếp được “thực mục sở thị” mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh, nhưng biết bao nhiêu chứng nhân chứng tá (từ các Tông đồ tiên khởi, các Thánh sử đến các vị Hiển Thánh, nhất là các Thánh Tử Vì Đạo) minh họa cho mầu nhiệm cao vời khôn ví đó. Mầu nhiệm đó chính là “Lòng Thương Xót Chúa” trải dài theo lịch sử loài người, từ “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người… Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời." (Lc 1, 50-54).
Muốn được hưởng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cách viên mãn, thì không gì bằng chạy đến với Đức Mẹ Lòng Thương Xót (“Như vậy Đức Maria là người biết thấu đáo hơn cả về mầu nhiệm lòng Thiên Chúa thương xót. Người biết giá của mầu nhiệm ấy và biết nó lớn lao biết chừng nào. Trong ý nghĩa ấy, chúng ta cũng gọi người là Mẹ của lòng thương xót: Đức Bà có lòng thương xót hay Đức Mẹ của lòng Thiên Chúa thương xót; mỗi tước hiệu này đều có một ý nghĩa thần học sâu sắc, bởi vì đều nói lên việc tâm hồn và tất cả con người Đức Mẹ đã được chuẩn bị đặc biệt để người có thể trước tiên, thông qua các biến cố phức tạp của Israel rồi thông qua các biến cố liên quan tới mọi người và toàn thể nhân loại mà thấy được lòng thương xót, ai ai cũng được hưởng phần “suốt đời nọ đến đời kia” theo ý định đời đời của Ba Ngôi Chí Thánh.” – Thông điệp Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót “Dives In Misericordia”, số 9).
Người Ki-tô hữu hôm nay còn đợi chờ gì nữa mà không cất cao lời tuyên xưng: “Lạy Chúa! Con tin tưởng nơi Ngài” như Thánh nữ Faustina sống cùng thời đại với mình (1905-1938). Không sai, bởi chính Thánh nữ Faustina đã được Đức Giê-su Thiên Chúa truyền dạy thực hành ngày Chúa nhật Lòng Thương Xót Chúa vào đúng Chúa nhật đầu tiên sau ngày Chúa Phục Sinh và đó chính là ngày CN II/PS vậy. Song song với lời tuyên xưng đức tin đó, hãy cầu nguyện với Đức Mẹ Lòng Thương Xót, xin Mẹ dạy dỗ, che chở, cầu bầu, để “Nhờ Mẹ, con đến với Chúa – Ad Jesum per Mariam”. Ước được như vậy.
Ôi! “Lạy Mẹ Maria rất thánh, Mẹ Sầu Bi của chúng con, xin dạy chúng con nhận biết giá trị của thánh giá trong đời sống chúng con, để bất cứ những gì đang thiếu vắng sự đau khổ của Chúa Ki-tô chúng con có thể lấp đầy thân xác của chúng con cho nhiệm thể của Chúa, chính là Giáo hội của Chúa. Và khi hành trình của chúng con nơi dương thế chấm dứt, chúng con sẽ được sống vĩnh cửu với Mẹ trên Nước Trời. Amen.” (Kinh Cầu Cùng Đức Mẹ Kibeho – Đức Mẹ Lòng Thương Xót).
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: