Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Sự Chết - Một Giới Hạn

Tác giả: 
Lm Bùi Trọng Khẩn
 
 
SỰ CHẾT – MỘT GIỚI HẠN
 
 
 Giới hạn của con người được thể hiện rõ ràng nhất qua cái chết.
 
 
Đang khi người ta muốn kéo dài tuổi thọ, kéo dài những thành công trong đời, kéo dài những ước mơ, lý tưởng và ngay cả việc kéo dài sự quên lãng đối với cái chết thì nó cũng ập đến. Cái chết ập đến một cách bất ngờ làm đảo lộn tất cả suy nghĩ toan tính của con người chúng ta. Một điều rất tự nhiên trong trăm ngàn cái tự nhiên ở đời, nhưng lại gây nên một nỗi bàng hoàng nhất.
 
 
 Đám tang là một cái gì rất quen thuộc với ta, người ta có thể biết trước được nó khoảng thời gian nào đó để mà chuẩn bị một số việc cần thiết, kể cả việc thiêng liêng, nhưng khi nó xảy đến thì dường như mọi người trong cuộc đều bị bối rối, nên mới có câu nói thông dụng: “trong lúc tang gia bối rối có điều chi sơ sót…”. Chính sự chết của ngưới thân ập đến làm cho người ta bối rối. Đây là một sự thật có sức lay động con người nhất. Chẳng hạn nghe tin bố mẹ chết, con cái ở phương xa đều trở về nhà, dù đã bao nhiêu năm xa cách không thể về được. Sự thật về cái chết lay động người ta.
 Nếu ai đó có người thân yêu qua đời thì sẽ cảm nghiệm được phần nào thân phận con người và nỗi chia ly của người sống và kẻ chết nó thiêng liêng sâu thẳm làm sao.
 
 
    Nếu ai đó đã được chứng kiến  giây phút ra đi của người thân yêu, hẳn sẽ khó quên hình ảnh ấy trong đời mình.
    Như thế người sống và kẻ chết có một sự gắn bó mật thiết để nói lên mối liên hệ giữa con người với sự chết là một nỗi ám ảnh gay gắt. Từ đó cho ta thấy rõ hơn: thân phận con người thật là gần gũi với cái gì giới hạn nhất của mình đó là sự chết. Bởi vì chết là một hiện tượng tồn tại trong thời gian và chi phối mọi loài thọ tạo. Nên có thể nói rằng: sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời là sự chết, vì nó kết thúc sự sống trên trần gian, nó kết thúc tất cả mọi biến cố nơi một người và là điểm dừng của mọi biến cố đối với người ấy.
 
 
 Vì thế suy ra có vẻ hơi bất thường: ai yêu thân phận con người là thích sự chết! Một sự liên hệ hỗ tương thật là hợp lý. Suy cho cùng đây là một sự tác động thuộc bản tính con người do Thiên Chúa phú bẩm, thế nhưng trong thực tế người ta thường yêu thân phận mình mà ít ai thích sự chết ,trừ những con người đặc biệt.            
 
  
           Bình thường người ta đã muốn tránh né những cái giới hạn của mình, thế nên ta không khỏi ngạc nhiên khi con người muốn tránh né sự chết – một giới hạn lớn  nhất của con người. Quy luật người ta sống để rồi chết là một nhận định bắt buộc phải đón nhận, mặc dù người ta cưỡng lại bằng mọi  cách.
 
 
      Giá trị của cuộc sống được thể hiện qua cái chết. Thực tại về cái chết làm nổi lên một cuộc sống quá khứ con người còn đang tiềm tàng trong thế gian. Nhưng điều ấy không xa lạ lắm để cho người ta thấy được phần nào sự còn lại sau cái chết bắt người ta phải suy nghĩ. Nếu con người luôn có một giới hạn to lớn là sự chết thì sẽ không còn biết bao nhiêu giới hạn khác đã được hình thành trong cuộc sống này để gộp lại thành một giới hạn sau cùng cùng với cái chết. Ai có thể phân tích được cái  giới hạn nào là chính yếu để dẫn đến cái chết? Tựu trung trong mọi giới hạn đều có bóng dáng của tội lỗi, và trong mọi tội lỗi đều có bóng dáng của sự chết.
 
 
Thiết tưởng rẳng thân phận tội lỗi là một giới hạn to lớn nhất gây ra cái chết. Vì vậy nếu cũng là một thân phận người nhưng vô tội, thánh thiện thi sẽ rất coi thường sự chết, coi cái chết nhẹ như tơ, và không bàng hoàng lo âu sợ hãi, có thể đón nhận nó bất cứ lúc nào, có khi còn vui mừng khi thấy sự chết gần kề nữa. Bởi vì đối với họ, cái chết không được đặt nặng và dù có chết thì họ vẫn đang sống bằng sự thánh thiện, vô tội của mình. Đây là tính vĩnh cửu của con người vô tội đã được gọt dũa trong thử thách của thân phận làm người ở đời.
 
 
Thì ra sự chết luôn tìm cách len lỏi vào những cái giới hạn của con người và thống trị con người bằng mọi cách để huỷ diệt được con người thì thôi.
 
 
 
Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn