Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần

Tác giả: 
Lm Nguyễn Văn Nghĩa

ANH EM HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN (Ga 20,22)

(Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống)

 

Một trường phái triết học tuy không mới lắm nhưng vẫn mang tính thời sự, đó là “hiện tượng luận”.Theo cái nhìn này, xin được nêu lên một vài hiện tượng như sau: Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần năm xưa, khi hiện ra với các môn đệ tại nhà Tiệc ly mà không có ông Tôma ở đó, Chúa Giêsu đã thổi hơi trên các ngài và ban Thánh Thần. Hôm ấy các cánh cửa của căn phòng được đóng kín vì các vị sợ người Do Thái hãm hại. Một tuần sau, các vị cũng tề tựu ở đó, có Tôma ở cùng, thế mà các cửa vẫn đóng kín (x.Ga 20,26). Một hiện tượng khác: Các em thiếu niên 13-14 tuổi xét chung đang ngoan ngoãn, siêng năng tham dự Thánh Lễ, chuyên cần học giáo lý, sau khi được Giám Mục đặt tay ban Thánh Thần qua bí tích Thêm Sức, thì một số không ít lại trở chứng, ngang bướng, lười tham dự Thánh Lễ và hay bỏ học giáo lý…

 

Là Kitô hữu Công giáo, chúng ta tin nhận tính “tại sự” (ex opere operato) theo thần học bí tích. Tuy nhiên tính “tại sự” ấy của bí tích không cấm chúng ta đặt vấn đề rằng cớ sao trong nhiều trường hợp như chiều ngày thứ nhất trong tuần của năm nào tại căn nhà Tiệc Ly, Thánh Thần đã được ban tặng mà hiệu quả dường như chưa thấy? Vấn nạn xem ra tuy khó có lời giải, nhưng dựa vào lời của Đấng Cứu Thế chiều hôm ấy, chúng ta có thể thấy được vấn đề. “Hãy nhận lấy Thánh Thần!” Chúa đã thổi hơi ban Thánh Thần, nhưng các Tông đồ phải biết đón nhận. Mặt trời đã mọc lên nhưng các cánh cửa căn nhà còn đóng kín thì căn nhà vẫn chìm trong bóng tối. Theo toán học thì ngoài điều kiện cần, phải có điều kiện đủ, thì kết quả mới xảy ra. Triết học gọi đó là nguyên nhân và cơ hội, còn thần học thì phân biệt nguyên nhân tác thành hay còn gọi là nguyên nhân đệ nhất và nguyên nhân đệ nhị. Anh em Phật tử lại dùng hai từ nhân và duyên.

 

Để hồng ân Thánh Thần mà chúng ta được trao ban, phát sinh hoa trái, thiết tưởng không thể thiếu thái độ sẵn sàng đón nhận, vì đây chính là duyên, là nguyên nhân đệ nhị, là cơ hội, là điều kiện đủ. Để sẵn sàng đón nhận hồng ân Thánh Thần cách hiệu quả, không gì hơn, hãy nhớ lại những gì Chúa Kitô và các Tông đồ nói về Thánh Thần, đặc biệt qua vài Danh xưng của Người. Người là Thiên Chúa thật trong Ba Ngôi Thiên Chúa, là Thần Chân Lý, là Đấng An ủi, Đấng Bảo Trợ, là Nguyên lý của các đặc sủng… Qua các Danh xưng của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể thấy một vài điều kiện để có thể sẵn sàng đón nhận Người.

 

1.Sự khiêm nhu: Chúa Thánh Thần là Thần Chân lý. Người dẫn chúng ta đến sự thật, Người soi sáng cho chúng ta nhận thức sự vật hiện tượng, nhận thức chính bản thân ta và tha nhân, nhận biết Thiên Chúa và chương trình ý định của Người cách đúng đắn. Để tiếp cận với chân lý, trên hết và trước hết cần phải có sự khiêm nhu chân thành. Người khiêm nhu thì chân nhận mình còn mù mờ, thấy sự việc như trong sương, trong chiếc gương đồng (x.1Cor 13,12). Người khiêm nhu thì sẵn sàng biết lắng nghe và chân thành học hỏi. Người khiêm nhu còn can đảm nhìn nhận con người bất toàn và đầy thiếu sót lẫn sai lầm của chính mình. Thiếu nữ Maria, làng quê Nagiarét, nhờ biết khiêm nhu cách sâu thẳm, nên đã đón nhận ân sủng Thánh Thần cách đầy tràn (x. Lc 1,26-38). Trái lại, chính lòng kiêu căng đã làm cho nhiều biệt phái và luật sĩ khôn ngoan, thông thái năm xưa không thể tiếp nhận chân lý (x.Lc 10,21).

 

2.Sự tín thác vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa: Người biết tín thác vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa thì sẽ dễ dàng đón nhận Đấng Bảo trợ, đặc biệt trong những cơn gian nan thử thách. Các Thánh Tử đạo là những người làm chứng cho chúng ta về điều kiện này. Dù xuất thân bởi nhiều hoàn cảnh khác nhau, dù khác nhau về trình độ học vấn, dù khác nhau cả về mức độ đạo đức hay chức vị, danh phận…thì các ngài vẫn bình an trong cơn gian khổ, bách hại, vì luôn có Đấng Bảo trợ, Thần An ủi ở cùng. Sự bình an trong cơn gian nan, khốn khó là một trong những nét trỗi vượt của các thánh Tử đạo so với những anh hùng dân tộc. Cũng là chịu hy sinh cách anh dũng vì “chính đạo”, nhưng các anh hùng dân tộc thì phẩn uất, căm thù kẻ làm hại mình, còn các thánh Tử đạo thì hân hoan, an bình và còn cầu nguyện cho cả kẻ giết mình. Được như vậy là nhờ các ngài luôn tín thác vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa. Sự tín thác này được thể hiện bằng niềm tin rằng chính sự sống của mình là do Chúa ban tặng, tin nhận rằng Thiên Chúa không chỉ là Đấng quyền năng đã dựng nên mình từ hư vô mà còn là Người Cha nhân hậu chăm sóc mình đến từng sợi tóc (x.Mt 10,30; Lc 12,7), là Đấng trọn lành cho mưa rơi đều trên người lành lẫn kẻ dữ, cho mặt trời mọc lên soi sáng người công chính lẫn tội nhân (x.Mt 5,44-45).

 

3.Có tấm lòng vì ích chung: Một người có tấm lòng vì ích chung, cách riêng vì ích lợi của những người nghèo, những người cô thế, kém phận thì rất dễ sẵn sàng hiến thân theo khả năng và hoàn cảnh cách hết mình. Và họ sẽ nhận được nhiều đặc sủng như chữa bệnh, làm phép lạ, nói tiên tri, phân định thần khí…do Thánh Thần ban tặng (x.1Cor 12,7-11). Tấm lòng vì ích chung có thể nói là đối nghịch với tâm hồn ích kỷ, chỉ biết lợi ích riêng mình. Khi đã có tấm lòng vì ích chung thì ta sẽ dễ dàng xây dựng sự hiệp nhất trong sự tôn trọng cái khác biệt của tha nhân. Trái lại khi đã đặt cái tôi của mình lên trên hết, thì ta sẽ có nguy cơ tìm cách bắt kẻ khác phục vụ mình, làm theo ý riêng mình cách độc đoán, độc tài và có thể là độc ác nếu ta có chút quyền hay chút tài lực.

 

Gió muốn thổi đi đâu thì thổi (x.Ga 3,8). Không ai thấy gió nhưng người ta có thể nhận ra gió qua các hiệu ứng của nó như lá bay, cây lay…Xem quả thì biết cây (x.Mt 7,16-20). Mừng Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, một lần nữa xin hãy kiểm định xem chúng ta đã trổ sinh những hoa trái nào. Giả như chúng ta chưa sinh hoa kết trái tốt lành là dấu chứng tỏ rằng chúng ta chưa đón nhận hồng ân Thánh Thần mà Chúa Kitô đã ban tặng. Nếu chúng ta chưa sẵn sàng đón nhận hồng ân Thánh Thần thì cũng là dấu chứng tỏ rằng chúng ta chưa thật sự khiêm nhu, chưa biết tín thác vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, chưa biết mưu cầu ích chung, nhất là ích lợi của của người nghèo, người kém phận…

 

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.