Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Những suy tư trong cuộc sống hiện tại

Tác giả: 
Người Giồng Trôm

 

 

BẰNG CẤP NGÀY NAY : MUA THIỆT CHỨ KHÔNG GIẢ !

 

          Trưa hôm qua, thấy ông anh Mai Cồ ở Cửa Lò ai oán chuyện bằng bác sĩ bán với giá 3 triệu đồng !

          Hình như anh Mai Cồ đang rảnh vì Cô Vy nên Anh lưu tâm đến chuyện này. Trước đây chưa có Cô Vy thì bị Đại Phúc "hành hạ" đến rạc cả người cơ mà.

          Chuyện cái bằng giả mà anh đọc báo và anh bức xúc xưa như trái đất. Đơn giản là tin nhắn của những nơi làm bằng cấp tốc bao uy tín cứ gửi hoài cho thằng em nhóc này. Đọc và mỉm cười chứ biết nói sao bây giờ.

          Vừa nảy, đang gõ về thực phẩm dỏm ngậm hóa chất hay nước mắm dỏm thì một người quen gửi cho bài viết với nhan đề : "Mua bằng bác sĩ giả chỉ 3 triệu đồng!"

          Thật ra chả muốn đọc bởi mình đang sống trong cái thời đại ma ma phật phật và chả biết cái nào là giả và cái nào là thật. Bằng giả vẫn có công chứng thật nên chả ai dám gọi là bằng giả. Người nhìn thật là người nhưng rồi sống sao nó giả giả để rồi ta thấy ngồ ngộ.

          Nhắc đến chuyện cái bằng giả thì có 2 câu chuyện về nó.

          Cha em đang phục vụ ở bên Úc về chơi kể câu chuyện thật bi hài :

          - Anh biết không ? Ngoài Hà Nội có đường dây làm bằng thật chứ không phải giả nha. Người nào cần bằng thì thỏa thuận và qua bên Úc nhận đàng hoàng.

          Ngạc nhiên vì là mua bằng làm sao biết ngoại ngữ mà nói khi qua Úc và nhất là khi mặc đồ lên nhận bằng nên hỏi. Chú em nói luôn :

          - Tụi nó hay lắm ! Tụi nó dặn người qua Úc nhận bằng khi lên sân khấu thì diễn diễn như là đang đau họng không nói được. Cứ đứng yên khi Hiệu Trưởng đến trao bằng thì nhận và cười. Chỉ cần nói "thánh kiu" là đủ ! Sau đó thì cứ "thánh kiu" suốt trên sân khấu cho đến tấm hình cuối cùng được nghe kêu cách cách.

          Thì ra là cái "công đoạn" làm bằng mà như kiểu chú em nói thì bảo đảm không ai phát hiện ra được vì ngay cả tiến sĩ hay thạc sĩ bay qua tận Úc để nhận bằng và có hình ảnh thật chứ không phải photoshop như ai kia. Khi về quê nhà, hình thật và bằng thật thì đố ai gọi là bằng giả.

          Những tay bán bằng trên mạng phải gọi tổ chức làm bằng kiểu như cha em kể bằng sư phụ xem ra còn ... hỗn.

          Chuyện thứ hai là mấy người đồng bào.

          Chạy xe trên đường bị cảnh sát gọi vào. Cảnh sát xem bằng lái xong nói :

          - Bằng của anh là bằng giả !

          - Bớt giỡn nha đồng chí !

          - Tui nói anh bằng anh là bằng giả !

           - Bớt giỡn nha ! Hôm bữa mới bán bò lấy tiền thiệt đi giao cho đứa bán bằng nha. Tiền là đưa tiền thiệt nha !

          Dĩ nhiên là cảnh sát chịu với lý luận theo kiểu đồng bào. 

          Cách nào đó thì họ có lý và nói đúng. Họ đã bán bò thiệt, lấy 2 triệu tiền thiệt để đi mua bằng nên gọi là bằng thiệt thôi.

          Đời ! Những chiếc bằng giả và những sản phẩm giả được sản sinh ra từ những tâm hồn giả. Chỉ có những con người tán tận lương tâm mới can đảm làm bằng giả, giấy tờ giả. Chuyện bi đát đến tận cùng nỗi bi đát của một đất nước đó là chiếc bằng bác sĩ được mua với giá thật với giá 3 triệu đồng.

          Bởi thế ! Quan điểm tôi có lẽ khác nhiều người khi họ lên tiếng chửi này chửi nọ. Tôi thì khác ! Chửi mãi chửi hoài cũng có thay đổi đâu và có khá hơn đâu. Chính vì thế nên trong các bài viết hay bài giảng chả bao giờ tôi phải tốn lời nào để chửi.

          Xin lỗi quý vị. Ra đường, quý vị thấy 1 thằng cướp thì quý vị nói thằng cướp đó xấu hay tốt ! Đàng này ta phải sống chung, sống cùng và sống với không chỉ 1 thằng mà là ... 1 ...

          Rõ ràng là tôi bỏ ngõ để ai hiểu thì hiểu chứ không bảo tôi viết tầm bậy hay nói xấu ai đó. Bản thân tôi, cực kỳ ghét nói xấu.        

          Cứ nhìn quả thì biết cây. Ngày mỗi ngày do có nhiều người "Sống, chiến đấu, lao động và làm việc theo gương ..." của ai đó nên hậu quả như thế. Chả cần phải bàn, chả cần phải nói chi cho nó mệt tâm.

          Bây giờ, chỉ có một cách để tránh bác sĩ giả xài bằng "thiệt" thì chỉ tìm đến bác sĩ mình biết nguồn gốc để khám hay cậy nhờ sức khỏe cho nó an. Sống chung với lũ thì tìm cách chứ không còn lối thoát. Thay vì ngồi đó nguyền rủa, công kích chuyện cái bằng bác sĩ có giá 3 triệu thì liệu liệu tìm bác sĩ thật xài bằng thật cho nó dễ sống.

          Giữa một cuộc sống mà ta luôn luôn phải đối diện với những chiếc bằng giả thì quả là đau đầu nhức óc. Chiếc bằng giả đã là đau đớn lắm cho con người nhưng tưởng nghĩ người giả còn kinh khủng hơn cả bằng giả nữa. Bởi tất cả mọi sự giả đều sinh ra từ con người giả mà thôi.

 

********************

 

ĂN CHI BÂY GIỜ ? ĂN GÌ CŨNG CHẾT

 

          Năm ngoái, ở gần phố, đồ ăn thức uống xem ra tiện và lợi hơn cho người dùng.

          - Cô ơi ! Cho con ký thịt đùi !

          - Chú nấu bán hay cho nhà ăn ?

          - Dạ con nấu mướn cho chủ, cho nhà ăn chứ không bán. Có gì không Dì ?

          - Tưởng chú bán thì thịt 170 ký. Còn chú mua về nhà ăn thì 190.

          Thì ra mắt thường 170 cũng như 190. Ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu đó là chàng khờ thủy chung. Có đi chợ như mấy bà mấy cô đâu mà biết.

          Từ ngày đó, không chỉ hàng thịt mà nhiều hàng khác ngoài chợ người bán cũng như thế. Có nghĩa là nếu mình đi nấu bán hay cho thợ hồ ăn thì bán đồ rẻ để có phần trăm. Nếu mình mua nhà ăn thì cao giá hơn nhưng đồ khá tốt.

          Chiều nay, dông ra chợ mua nửa ký chả lụa. Nói sao nghe vậy ! Bán sao mua vậy : 80 ngàn cho 4 lạng thêm 100 gram.

          Gần đến giờ cơm tối. Hỏi người quen bán bánh mì ở Sài Gòn là chả mua bao nhiêu một ký. Giật bắn cả mình dù bình tĩnh lắm khi nghe nói chả ở Sài Gòn loại ngon mà người ta bỏ mối cho các tiệm bánh mì lớn có giá 60 ngàn đồng 1 ký. Loại 2 là 54.000 đ/1 ký. Có người cạnh tranh nên có khỉ bỏ có 50 ngàn là 8 lạng cộng thêm 200 gram.

          9 lạng chả cộng với 100 gram chả ở Sài Gòn trị giá 60 ngàn đồng !

          4 lạng chả cộng với 100 gram ở vùng quê nghèo này trị giá đưa 100 thối 2 chục !

          Ngạc nhiên với cái giá 50 ngàn thêm 10 ngàn nữa để có 1 cân chả thì được biết bí quyết nhà nghề là ngoài hóa chất phụ gia thì người ta làm thêm ,.. thịt gà công nghiệp !

          Con bé con bà Dì ở quê bỏ tiệm bánh mì vì chả ở quê 160 ngàn 1 ký. Nay nghe được nguồn chả 54 ngàn một ký nên chiều tối qua đóng lên xe 50 ký chở về quê để bán !

          Đang còn hoang mang với chất liệu làm chả thì đến lượt cà phê.

          Người quen thành thật khai báo là cà phê của cái quán kia sau khi nghe lóm được thì đầu tư cho 1 ly cà phê pha máy hẳn hoi có giá chưa đến 2000 đồng / ly

          Hỏi ra thì nhà có cà phê hột và mang ra chỗ kia chế biến hẳn hoi. Không biết chế biến như thế nào đó mà sau khi thành thành phẩm thì giá được đội lên đến mấy chục ngàn 1 ký.

          Nghe thấy vậy nên nói :

          - Mấy đứa chơi xấu ! Ở đây ngày nào cũng uống cà phê mà nhà đông người chả nghe đứa nào nói mua cà phê tốt dùm. Chỉ được cái miệng nói thương ! Thương là thương cái miẹng ! Cho số chỗ làm cà phê đi để mai mua uống ...

          - Con có biết đâu ! Thôi đừng hỏi. Hỏi nó nó cũng bán trăm mấy như người ta à. Tại cái này nhà đặt đi bán nên có giá đó ! Để mai con làm cho. Nhà mang cà phê ra để họ làm nhưng dặn họ làm theo kiểu nhà uống !

          Thì ra là cà nhà uống người ta chế biến khác còn cà bán quán nước là cà khác nữa. Cà nhà uống thì nó phê ít ít vì ít hóa chất. Cà quán bán thì phê nhiều nhiều vì nhiều hóa chất và cứ tích lũy hóa chất mỗi ngày một ít thì "mau phê" lắm !

          Sau cú điện thoại, xuống nhìn bàn cơm mà ngao ngán !

          Thịt theo kho được nuôi bằng chất tạo độc hại.

          Trứng gà công nghiệp được nuôi bằng thức ăn thúc lớn

          Rau và nấm cũng sống nhờ phun thuốc quá liều lượng.

          May ra còn 4 quả sa kê mua buổi chiều 50 ngàn là còn trong trắng ! Nhưng chưa chắc. Bột và dầu ăn để chiên sakê cũng là hóa chất cả mà thôi.

          À ! Chưa hết ! Lúc chiều mấy nhỏ nói nước mắm bây giờ cũng y chang như rượu. Muốn 1 can bao nhiêu lít là có bấy nhiêu thôi. Chỉ cần vài phút thôi là có cả bình nước mắm ngon !

          Ồ ! Thì ra tưởng chừng chỉ có rượu mà người đồng bào nghèo hay mua uống với giá 10 ngàn 1 lít là rượu đểu thôi nhưng nước mắm bây giờ cũng vậy.

          Xong phim ! Nghe những câu chuyện ráp lại về thực phẩm đồ ăn thức uống thì ta có thể viết thành tập tiểu thuyết. Tập tiểu thuyết về thực phẩm ngày nay chắc đầy hóa chất.

          Mới hôm kia, chưa kịp vào dùng cơm trưa thì Cha anh nói : "Việt Nam ta 90% ăn gạo bẩn !"

          Thì ra là Cha bác nằm đu đưa võng ... đọc báo.

          90% gạo bẩn ! Nói như thế không đúng ! Nói cho nó vuông là 90% gạo ngậm hóa chất !

          Biết sao bây giờ ! Bây giờ thì ăn cũng chết mà không ăn cũng chết ! Có chăng vừa ăn vừa dọn mình chết lành cho nó ... sướng vì lỡ trong người hóa chất nhiều quá nên không biết chết lúc nào vì tim mạch nghẽn.

          Ờ ! Mà cũng hay ! Thời này chết đỡ phải phun thuốc hay ướp xác bởi trong người ai ai cũng có và cá nhiều chất bảo quản cơ mà !

 

*******************

 

BÌNH AN : ĐÂU TƯỞNG DỄ MÀ CÓ

 

          Ở đời ! Cần nhất có lẽ của con người không phải là tiền tài, danh vọng, quyền lực mà là sự bình an.

          Ngày còn nhỏ, đâu đó bỉ nhân có nghe đại loại những câu chuyện về chiến sự, về hòa bình ...

          Thầy giáo dạy lịch sử nói với lớp rằng : "Các em thấy các Tổng thống hay các nguyên thủ quốc gia khi gặp nhau thì bắt tay nhau cũng như biểu dương sự hòa bình, nổ lực tìm kiếm hòa bình. Thế nhưng rồi sau lưng Tổng Thống hay các quan to chức lớn thì những ông về Quốc Phòng thì lại khiêu khích nhau và họ đeo đuổi chiến tranh. Đơn giản là những ông lớn cũng với những nhà sản xuất vũ khí luôn luôn thích chiến tranh để bán vũ khí."

          Lúc đó, cứ nghĩ mãi trong đầu không hiểu tại sao lại như thế và không biết có chuyện đó không.

          Đến nay, khi gần đất xa trời cũng như xem những chương trình thời sự trên mạng internet, mọi người chứ không phải chỉ bỉ nhân mới thấy được vấn đề như ông giáo xưa nói.

          Vừa qua, mọi người đều nghe Tổng Thống Trump nói : "Tôi không nói quân đội yêu tôi. Những người lính yêu tôi ! Lãnh đạo bộ quốc phòng có lẽ không yêu tôi vì họ muốn chiến tranh vì muốn làm hài lòng những công ty sản xuất bom, vũ khí, máy bay quân sự ..."

          Lời phát biểu trên cũng như tâm huyết của Tổng Thống đương nhiệm Mỹ như cả thế giới đều biết. Ông muốn lập lại một nước Mỹ sống trong an bình, phát triển và hạnh phúc nhất cho dân. Tưởng chừng tâm huyết của ông được mọi người ủng hộ, nhưng không, ông dường như lẻ loi và cô đơn trong công cuộc giữ vững cho Cường Quốc Hoa Kỳ.

          Hiện tại, Tổng Thống Trump cũng bị Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ chống đối. Bi đát hơn nữa là người cận thân với ông cả chục năm qua đang quay lưng lại chỉ trích và nói xấu Trump. Cạnh đó, Trump phải đối đầu không chỉ với những người sợ mất lợi nhuận vì ông mà còn cả những người gần gũi ông đả phá nữa.

          Và như vậy, ta thấy nỗ lực tìm kiếm hòa bình, sự bình an của vị tổng thống thất thập cổ lai hy không phải là chuyện đơn giản. Sự bình an trong cuộc đời này xem ra không dễ có.

          Nhìn ông và nhìn những biến cố quanh ta trong cuộc đời, ta không lạ lẫm gì với những người hiếu chiến, những người muốn gây hấn, những người mang sự bất an cho người khác. Điều này cũng không khó hiểu lắm với những người như vậy vì họ loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của họ. Còn với Trump, dường như ông và vợ ông luôn luôn đặt niềm tin vào Chúa và ông Trump không ngần ngại công khai niềm tin của mình.

          Tưởng nghĩ Tổng Thống đáng yêu cảm nhận cũng như tin tưởng vào Thiên Chúa để rồi ông có đường lối lãnh đạo khác cũng như tâm tình của ông cũng khác khi hành xử trong chức vụ của mình. Hoa quả của niềm tin vào Chúa của Trump đó chính là sự bình an giữa nhiều xu hướng chống đối.

          Nhìn lại dòng chảy của lịch sử ơn cứu độ. Ta thấy từ lâu lắm rồi, có lẽ hơn hai ngàn năm, Hoàng Tử Bình An đã bỏ trời cao để xuống thế làm người và ở chung với con người. Thế nhưng rồi đáng tiếc thay là có nhiều và nhiều người không muốn đón nhận sự bình an mà Thiên Chúa trao tặng. Ngược lại, không chỉ họ không muốn nhận mà còn gây sự bất an cho người đồng loại.

          Và cũng nhìn lại trong đời sống từ gia đình cho đến dòng tu, từ cộng đoàn nhỏ đến cộng đoàn lớn, ta thấy đâu đó có những tâm hồn hiếu chiến. Những người đó dường như không thích sự bình an, họ không nỗ lực tìm kiếm bình an cho gia đình và cho cộng đoàn mình đang sống. Những người đó dường như không bao giờ bằng lòng với những gì mình đang có cũng như không đón nhận người khác. Những người như vậy cũng không khó hiểu về họ. Có lẽ hay chính xác rằng họ không cảm nhận được Hoàng Tử Bình An, họ không mở lòng ra để đón nhận đấng Emmanuel đang ở giữa họ.

          Thật thế ! Ai nào đó mở lòng ra đón nhận Emmanuel (Thiên Chúa ở cùng chúng ta) hay còn là Hoàng Tử Hòa Bình đến trong cuộc đời thì ta sẽ thấy từ khuôn mặt đến tâm tình và cung cách sống của họ sẽ bình an. Ngược lại, với những người bất an thì ta cũng dễ thấy vì họ loại trừ Hoàng Tử Bình An ra khỏi đời mình.

          Đứng trước những biến động như thế trong cuộc đời, mỗi người chúng ta được mời gọi hãy trở thành khí cụ bình an hay là mồi châm chích chiến tranh và sự bất an. Quá đau khổ để châm chích, quá khổ đau để đấu đá và tranh giành. Những ước mong mọi người hãy nhận ra chân đích của cuộc đời này đó chỉ là cõi tạm và vô thường để ngày mỗi ngày mỗi người hãy cố gắng tìm kiếm và xây dựng sự bình an trong cuộc đời.

          Hoàng Tử Bình An đã đến trong cuộc đời ! Ai nào đó đón nhận Ngài vào tâm hồn thì hiển nhiên sự bình an của Thiên Chúa ở lại trong họ và họ tìm kiếm cũng như xây dựng sự bình an cho đời và cho người. Vị Tổng Thống Mỹ đáng yêu đang làm điều đó vì ông luôn luôn tin tưởng và tín thác đời mình trong tay Chúa.

**********************

 

TÌNH GIÀ VÀ NHỮNG CUỘC HÀNH HƯƠNG ĐẦY Ý NGHĨA ...

 

          Lễ xong, "xin" Đức Mẹ cho ké vài tấm hình. Và, có lẽ đây là thủ tục sau chót trước mỗi khi "chào Mẹ con về".

          Sau lưng Đài Mẹ là hai vợ chồng già hồi nảy dự Lễ. Hai ông bà lọ mọ trong túi 2 hộp cơm để dùng bữa vì trời cũng đã trưa.

          Kẻ "già chuyện" mon men đến thăm 2 cụ. Hỏi ra thì 2 cụ nói nhà ở Kontum và ở giáo xứ Tân Hương. Ông bà cho biết là thường hay lên Mẹ lắm. Trước đây còn khỏe thì 2 ông bà đèo nhau đi trên xe 2 bánh. Giờ đây già nua tuổi tác nên hai ông bà đi bằng xe bus.

          Khi chụp ảnh, vướng hộp cơm nên bà không ngồi lại gần ông được. Kẽ "lắm chuyện" bảo bà xích vào gần ông cho tình tứ. Thế là bà lẳng lặng ngồi sát bên ông một tí theo lời đề nghị.

          Hỏi thăm ti tí về hai ông bà một chút để còn quá bộ qua bên kia đường thăm nom người "hàng xóm". Ông bị gút và sức khỏ không còn nhiều nên nay đã nằm một chỗ. Cũng bữa trưa, đứa con gái út đang chăm cho cha mình từng muỗng cháo.

          Và, dĩ nhiên là cũng rời nơi linh thánh Mẹ hiện diện để trở về với công việc và cuộc sống thường nhật.

          Xe đi xa trung tâm Mẹ rồi nhưng hình ảnh cụ già sao mà hay quá, sao mà đẹp quá, sao mà yêu quá.

          Hình ảnh cụ già trên những chuyến xe bus cũng như hộp cơm khô ngồi ăn cạnh Mẹ sao mà thương quá. Và, có lẽ đây mới đúng nghĩa là hành hương. Hai cụ đã bỏ cái lối sinh hoạt bình thường phải có, bỏ đi những tiện nghi của ngày thương để lên đường đến Mẹ. Ông bà vui vẻ dưới cành cây trĩu bóng lá sum xuê và chung chia với nhau bữa cơm trưa đúng nghĩa đạm bạc.

          Thầm nghĩ lại. Dù mình ở xa 200 cây số nhưng phương tiện cũng như bữa cơm trưa của mình nhỉnh hơn vì có gia đình thân quen khoản đãi. Mình cũng có mệt đó nhưng có lẽ vẫn không gì so với hai vợ chồng già đáng kính. Và, có lẽ những cuộc hành hương dong duỗi đường dài nắng nóng của hai ông bà đây mới là hành hương đúng nghĩa.

          Và, trộm nghĩ xa hơn một chút nữa về đời sống của hai ông bà. Có lẽ bà với ông tay trong tay dìu nhau đến bên Mẹ thì chắc chắn cuọc sống của ông bà an yên lắm. Lẽ nào cứ đến bên Mẹ mà lại chẳng an vui. Cùng với dòng suy nghĩ đó, chắc có lẽ con cái của ông bà cũng may mắn để hưởng được phần phúc khởi đi từ cha mẹ.

          Ngày nay, cơm áo gạo tiền cùng so đo tính toán, chắc có lẽ hình ảnh dễ thương của ông bà cụ ở Tân Hương là hình ảnh khó tìm không thấy nữa. Đơn giản là vì ai ai cũng ngại, ai ai cũng viện cho mình những lý do chính đáng.

          Thật thế ! Giữa một cuộc sống ồn ào và náo nhiệt người ta vẫn thích tìm đến những nơi đó để thỏa mong ước cũng như thể hiện mình.

          Thật sự thì bản thân thích đến thăm Mẹ vào những dịp trống vắng. Bầu khí lặng im và vắng vẻ như thế này có lẽ hút mình vào Mẹ hơn là mỗi khi ồn ào náo động.

          Tạ ơn Chúa ! Cảm ơn Mẹ ! Trong ngày sinh nhật Mẹ thầm lặng bên đài Mẹ để thấy mình được Mẹ và Chúa yêu thương. Kèm theo đó học được lòng thờ Chúa kính Mẹ của 2 ông bà già nua tuổi tác.

          Và, Thánh Lễ mừng kính sinh nhật Mẹ được dâng tiến sao mà dễ thương quá ! Sao mà ấm cúng quá ! Sao mà linh thiêng quá ! Sao mà nhẹ nhàng quá !

          Thánh Lễ vỏn vẹn có 7 người và sau khi vào Thánh Lễ đôi ba phút thì hai vợ chồng cụ già đi hành hương vô dính dự. Đẹp ơi là đẹp khi chủ tế cùng với 9 tâm hồn đơn sơ nhỏ bé cùng nhau cử hành bí tích Thánh Thể. Đẹp ơi là đẹp ! An ơi là an giữa núi rừng mênh mông lại ôm chầm 10 con người nhỏ hèn thấp bé. Thích ơi là thích khi được Mẹ ôm trọn cả vào lòng Mẹ những "đứa trẻ" này.

          Nghĩ về hai cụ già, những ước mong nhiều và nhiều gia đình nữa nhìn và học nơi gương của hai ông bà cụ mà sáng nay bỉ nhân bắt gặp bên đài Mẹ. Cứ tin tưởng và phó thác đời mình trong tay Chúa và Mẹ như hai ông bà cụ này chắn chắn đời sẽ mãi mãi an vui.