Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Không nhận ra - Ắp đầy niềm vui

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

KHÔNG NHẬN RA

 

“Êlia đã đến rồi và họ không nhận ra ông,

nhưng đã xử với ông theo ý họ muốn”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giới thiệu hai ngôn sứ vĩ đại, một của thời Cựu Ước, một của thời Tân Ước; và đây là bằng chứng cho thấy sự cứng lòng của nhân loại mọi thời khi nó ‘không nhận ra’ sứ điệp yêu thương của Thiên Chúa qua những kẻ Người sai đến. Chúa Giêsu nói lên sự thật đáng buồn này, “Êlia đã đến rồi và họ không nhận ra ông, nhưng đã xử với ông theo ý họ muốn”.

 

Bài đọc Huấn Ca tôn vinh Êlia như một ngôn sứ lẫy lừng với những chiến công hiển hách, ông “Khác nào ngọn lửa, lời ông tựa đuốc cháy bừng bừng”; ấy thế, dân Chúa ‘không nhận ra’ ông là người được Chúa sai đến, nữ hoàng Ideven truy đuổi ông. Cũng thế, Gioan Tẩy Giả, một người được Chúa Giêsu coi là cao trọng nhất trong tất cả con cái người nữ, mang sứ điệp thống hối cho người đương thời, chuẩn bị họ đón Đấng Thiên Sai; cũng vậy, họ cũng ‘không nhận ra’ sứ vụ của Gioan và Hêrôđê, vị vua ngông cuồng đã giết chết Gioan.

 

Số phận ngôn sứ ở mọi thời đều giống nhau, xưa cũng như nay. Êlia, Gioan và cả Chúa Giêsu; tất cả có chung một vận mệnh. Thế nhưng, như Êlia, Gioan đã chu toàn sứ vụ một cách trọn vẹn; và hơn thế nữa, Chúa Giêsu còn chu tất sứ vụ của Ngài một cách tuyệt vời hơn. Sứ vụ của Chúa Giêsu không chỉ là dọn đường nhưng còn là cứu độ cả thế giới bằng cái chết và sự phục sinh của Ngài. Và qua mọi thời, Thiên Chúa vẫn tiếp tục gửi đến những chứng tá của Người.

 

Đức Mẹ Guadaloupê Hội Thánh mừng kính hôm nay cũng là một chứng tá hùng hồn của lòng thương xót Chúa. Với đa số giáo dân Việt Nam, Đức Mẹ Guadaloupê xem ra vẫn còn khá xa lạ; thế nhưng, với người châu Mỹ thì không. Năm 1910, Đức Piô XI công bố Ðức Mẹ Guadalupê là Quan Thầy châu Mỹ Latinh và Philippines, 1935; năm 1999, Đức Gioan Phaolô II tuyên bố Mẹ Guadalupê là Bổn Mạng của toàn châu Mỹ, Nữ Vương châu Mỹ Latinh. Đền thờ Ðức Mẹ Mexicô là điểm hành hương đông nhất thế giới với ‘tấm áo kỳ diệu’ của Mẹ vẫn đang được lưu giữ ở đó.

 

Cách đây gần 500 năm, tại Mexicô, Đức Mẹ đã hiện ra năm lần liên tiếp cho Juan Diego, một thổ dân da đỏ tân tòng. Sáng sớm ngày 9/12/1531, Juan đi đến Tlatelolco, nơi anh sẽ tham dự thánh lễ và lớp giáo lý. Bỗng khi đi qua đồi Tepeyac, anh nhìn thấy một vầng sáng rực rỡ và tiếng nhạc du dương trên đồi; Đức Mẹ đã hiện ra cho anh, Mẹ nói, “Ta là Mẹ nhân từ của con!”. Đức Mẹ ngỏ ý muốn có một nhà thờ tại đó và Juan phải đi nói điều này với Giám mục giáo phận, lúc bấy giờ là Đức cha Fray Juan de Zumarraga. Juan làm theo lời Mẹ dạy, nhưng vị Giám mục không tin; ngài đòi một dấu chỉ. Juan cho Đức Mẹ biết điều ấy cùng với việc người chú của mình đang bệnh nặng; Đức Mẹ cho biết, người chú sẽ không chết và Giám mục sẽ có dấu chỉ. Đức Mẹ bảo Juan lên đồi, hái những bông hoa trái mùa đem về cho Giám mục; Juan làm theo lời Mẹ dạy. Trước chứng kiến của nhiều người, khi Juan mở chiếc áo để trút xuống những bông hoa, thì lạ thay, áo của anh đã in đậm chính hình ảnh của người đã hiện ra với anh. Ảnh này không được vẽ nhưng từng đường chỉ của chiếc áo sợi xương rồng thô sơ này đã thay màu để tạo nên một ảnh tuyệt đẹp. Cùng ngày, Đức Mẹ đã hiện ra và chữa lành người bệnh một cách kỳ diệu. Sau gần 500 năm, ‘tấm áo kỳ diệu’ vẫn không hư hoại, một thách đố cho các nhà khoa học, kể cả NASA của Hoa Kỳ, như trường hợp bức khăn liệm Turinô, mà đến nay, vấn nạn vẫn chưa được giải đáp.

 

Anh Chị em,

 

Phép lạ kỳ diệu này đã trở thành một phần của nền văn hoá Mexicô, nhưng thông điệp của Mẹ còn nhiều ý nghĩa hơn mà bao người ‘không nhận ra’, “Ta là Mẹ nhân từ của con!”. Ước mong sâu sắc nhất của Đức Mẹ là ôm tất cả chúng ta vào lòng từ ái của ngài; Đức Mẹ muốn chia sẻ với chúng ta những niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống; Đức Mẹ muốn dạy dỗ chúng ta, dẫn dắt chúng ta và bày tỏ cho chúng ta lòng thương xót của Đấng Mẹ cưu mang. Qua Mẹ, ánh tôn nhan của Chúa Con được toả rạng hầu mỗi người ‘biết nhận ra’ mình cần được phục hồi, cần được cứu độ như Thánh Vịnh đáp ca hôm nay nguyện xin, “Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con; xin toả ánh tôn nhan rạng ngời, để chúng con được ơn cứu độ”.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Mẹ Maria, Trinh Nữ Guadaloupê, Mẹ nhân từ của con, xin đừng để con ‘không nhận ra’ lòng thương xót của Chúa; cho con ‘biết nhận ra’ điều Chúa muốn, là bất cứ giá nào, con phải nên thánh và được cứu độ”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

****************

ẮP ĐẦY NIỀM VUI

“Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

Hôm nay, Chúa Nhật Gaudete, Chúa Nhật Hồng, Chúa Nhật mừng vui giữa một mùa tím chờ mong; một lần nữa, Lời Chúa mời gọi chúng ta chiêm ngắm Gioan Tiền Hô. Tin Mừng mở đầu thế này, “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan”, và nếu hiểu được tầm quan trọng của câu đầu tiên này, chúng ta sẽ hiểu ý nghĩa cao cả của một sứ vụ gắn liền với một trọng trách nơi một con người ‘ắp đầy niềm vui’ một khi họ ý thức rằng, họ đang được Chúa sai đi.

 

Một mặt, Gioan Tiền Hô là một thành viên bình thường của loài người như chúng ta, Gioan có một tên gọi như mỗi người có một tên gọi; mặt khác, Gioan còn có một sứ mệnh vượt quá chính con người Gioan như mỗi chúng ta cảm nhận một sứ mệnh vượt quá chính con người mình. Thánh Kinh nhiều lần chứng thực, Thiên Chúa ‘đã sai’ những con người; Thiên Chúa mặc khải chính bản thân Người cho một ai đó và sai người ấy đi, để rao truyền cho những người khác sự thật về bản thân Người. Isaia trong bài đọc hôm nay là một điển hình, “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi; Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó”. Hơn thế nữa, ai thật sự biết Thiên Chúa, người ấy sẽ ‘ắp đầy niềm vui’, họ cảm thấy được thôi thúc phải truyền đạt Đấng mình nhận biết cho người khác, “Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, và lòng tôi hoan hỉ trong Chúa tôi”; niềm vui đó trào tràn nơi Đức Mẹ, cũng là một con người được sai đi, bộc lộ trong Magnificat, Thánh Vịnh đáp ca, “Linh hồn tôi nhảy mừng trong Chúa”.

 

Để luôn ‘ắp đầy niềm vui’, người được sai biết mình không phải là ai như Gioan biết mình không phải là ai, “Tôi không phải là Đấng Kitô”, “Không phải là Êlia”, cũng “Không phải là một tiên tri”. Sự hiểu biết trung thực về bản thân là bước thiết yếu trên con đường nên thánh. Mặc dầu đang thu hút sự chú ý của nhiều người nhưng Gioan không say sưa với vị thế của một người nổi tiếng, không nắm bắt quyền lực, không tìm cách trở thành một người không phải là mình; đúng hơn, Gioan đang chuẩn bị lòng người cho Đấng đến sau ông. Ma quỷ sẽ làm mọi cách để người được sai mải mê nhìn vào bản thân và tài năng mình, hầu tìm cách đánh lạc hướng đôi mắt người môn đệ khỏi Thiên Chúa và kế hoạch của Người. Gioan đã cho chúng ta một tấm gương ngời sáng của sự hiểu biết về bản thân trước mưu chước của ma quỷ. Một khi hoàn toàn tập trung vào Chúa, chúng ta cảm thấy buộc phải loại bỏ mọi sự trùng lặp phù phiếm hay lòng tự trọng được thổi phồng; từ đó, bắt đầu sống trong sự thật, đánh giá đúng tất cả quà tặng Chúa ban và sử dụng chúng cho vương quốc Người; và đó là bí quyết giữ cho lòng mình ‘ắp đầy niềm vui’.

 

Bí quyết thứ hai, biết mình là ai, “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa, hãy sửa đường Chúa đi”, thế thôi! Lòng Gioan không có một phân chia nào giữa điều Chúa muốn và điều Gioan muốn; Gioan chỉ biết, Chúa đưa Gioan vào thế giới để tạo nên một sự khác biệt; điều này cho thấy căn rễ sự nhiệt thành nơi Gioan vốn đã mang lại cho lời Gioan rao giảng một sức mạnh. Đơn giản, Gioan được trao một sứ mệnh, trái tim Gioan dành cho sứ mệnh, và lòng Gioan ‘ắp đầy niềm vui’.

 

Mọi học sinh đều biết câu chuyện ‘quả táo rơi’ và Isaac Newton, cha đẻ định luật hấp dẫn vốn đã tạo ra một cuộc cách mạng nghiên cứu thiên văn thế kỷ 16; nhưng mấy ai biết, nếu không có Edmund Halley, thế giới không bao giờ có các nguyên lý của Newton. Chính Halley, một người bạn, nhưng cũng là nguồn trợ lực vĩ đại không thể thiếu của Newton; các nhà sử học gọi Halley là một trong những tấm gương vị tha nhất trong biên niên sử khoa học. Khi Newton gặt hái những phần thưởng thì Halley như một bóng mờ; về sau, Halley đã sử dụng các nguyên lý để dự đoán ‘quỹ đạo và sự trở lại’ của sao chổi, sau này mang tên ông; chỉ sau khi chết, Halley mới nhận được sự thán phục. Phải chăng, bởi sao chổi chỉ quay trở lại sau mỗi 76 năm, một ‘năng diễn’ hiếm hoi ‘đủ cho một đời người’, nhưng Halley vẫn là một nhà khoa học tận tụy, một người lòng ‘ắp đầy niềm vui’, không quan tâm ai được tín nhiệm, miễn sao các nguyên lý được nhận thức.

 

Anh Chị em,

Gioan Tiền Hô là một Edmund Halley, một sao chổi Halley, “Cần Chúa lớn lên, còn tôi nhỏ lại”. Thế nhưng, Gioan không phải là duy nhất; trong mọi đấng bậc, Chúa cũng đã kêu gọi, đã sai mỗi người chúng ta đi hoàn thành một sứ mệnh. Nếu trái tim chúng ta gắn bó thiết tha với kế hoạch của Người, chắc chắn chúng ta cũng tạo nên một sự khác biệt, lòng chúng ta cũng ‘ắp đầy niềm vui’ một khi mỗi người luôn ý thức rằng, “Cần Chúa lớn lên, còn tôi nhỏ lại”.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con nhận ra sự vĩ đại của con, cùng lúc, nhận thức sự hư vô của mình; từ đó, con sẵn sàng cởi bỏ những sân si ích kỷ và trở nên một công cụ trung thành cho tình yêu Chúa, và như vậy, lòng con cũng sẽ ‘ắp đầy niềm vui’ hôm nay và ngày sau trên trời”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)