Gia đình, một hòn đảo mang lại sự sống Ki-tô
CN Lễ Thánh Gia
Gia đình, một hòn đảo mang lại sự sống Ki-tô
“Khi đã đủ thời thời gian, đến ngày các ngài phải được thanh tẩy theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong luật Chúa rằng: Mọi con trai đầu lòng phải được thánh hiến, dành riêng cho Chúa” (Lc 2,22-23).
Tại sao, “Mọi con trai đầu lòng phải được thánh hiến, dành riêng cho Chúa”? Bởi vì, “Đức Chúa đã dùng cánh tay mạnh mẽ của Người mà đưa dân Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Vì Pha-ra-ô làm khó dễ khi phải thả dân Ít-ra-en ra, nên Đức Chúa sát hại mọi con đầu lòng trong đất Ai-cập, từ con đầu lòng của loài người cho đến con đầu lòng của loài vật, vì thế dân Ít-ra-en tế dâng Đức Chúa mọi con so giống đực; còn con đầu lòng trong số con cái loài người thì lấy con vật chuộc lại. Nếu gia đình nào nghèo thì có thể dâng đôi chim gáy hay cặp bồ câu non” (x. Xh 13,11-16 và Lv 12,8).
Chúng ta thắc mắc tại sao lại là con trai đầu lòng? Vì con trai đầu lòng sẽ là người nối dòng, nhất là trong giới hoàng gia, con đầu lòng sẽ lên thay thế cho vua cha, vì thế con trai đầu lòng có một vị thế rất quan trọng. Còn trong thế giới loài vật, thì con đầu lòng sinh ra trước sẽ khỏe mạnh hơn và có khả năng chỉ huy bầy đàn.
Theo lịch sử và phong tục của dân Ít-ra-en, thì sẽ dâng con đầu lòng của loài vật lên Chúa bằng cách thiêu sinh, tức lễ toàn thiêu; còn con đầu lòng của loài người thì sẽ lấy con chiên hay đôi chim gáy hoặc đôi bồ câu non, thay thế để làm lễ toàn thiêu dâng lên Chúa. Sau đó, cha mẹ sẽ đem con mình về nuôi, chứ không thiêu sinh con mình.
Gia đình Đức Ma-ri-a và Thánh Giu-se dâng đôi chim gáy, điều đó cho thấy gia đình Thánh Gia là một gia đình nghèo. Đức Giê-su sinh ra và lớn lên trong gia đình, đó là gia đình của thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a. Hầu hết, mỗi người chúng ta sinh ra trên trần gian này đều có một mái ấm gia đình, dù là một gia đình nghèo hay một gia đình chỉ có cha mà không có mẹ hoặc chỉ có mẹ mà không có cha. Nhưng dù sao đi nữa thì chúng ta mọi người đều được sinh ra bởi một người cha và một người mẹ. Phải có cả hai thì chúng ta mới có mặt trên đời này. Người gọi đó là gia đình nhỏ; còn gia đình lớn là dòng họ; là xã hội, là Giáo Hội.
Giáo hội là “gia đình của Thiên Chúa”. Ngay từ đầu Hội Thánh được hình thành thường từ những người “cùng với cả gia đình” trở thành tín hữu (x. Cv 18,8). Khi theo Đạo, họ ao ước cả nhà được ơn cứu độ (x. Cv 16,3; 11,14). Những gia đình tín hữu này là những hòn đảo mang lại sự sống Ki-tô giữa một thế giới ngoại giáo (x. GLCG, số 1655).
Điều này cũng đúng cho thế giới chúng ta bây giờ, sau hơn 20 thế kỷ. Ngày nay, số gia đình công giáo rất ít so với số gia đình không công giáo và có khi trong gia đình chỉ có một hay hai người có Đạo. Cho nên người tín hữu công giáo chúng ta phải có lòng ước ao, sao cho cả nhà chúng ta; con cái, vợ hay chồng; cả cháu chắt nữa, được ơn cứu độ. Mỗi người tín hữu công giáo chúng ta phải là một hòn đảo mang lại sự sống Ki-tô giữa một thế giới ngoại đạo này.
“Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới xa lạ và đôi khi thù địch với đức tin. Do đó, gia đình người tín hữu có tầm quan trọng bậc nhất, vì là những ngọn đuốc đức tin sống động và chiếu sáng. Công Đồng Va-ti-ca-nô II, dùng một thuật ngữ cổ, gọi gia đình là “Hội Thánh thu nhỏ hay Hội Thánh tại gia”. Giáo hội mong ước “Trong gia đình như một Hội Thánh thu nhỏ, ước gì cha mẹ là những người đầu tiên dùng gương lành và lời nói mà truyền dạy đức tin cho con cái; cũng như cổ võ ơn gọi riêng của từng đứa con và đặc biệt chăm sóc đến ơn kêu gọi làm linh mục” (x. GLCG, số 1656).
Ngày nay, trong thời đại kinh tế phát triển, không giống như thời làm nông của các gia đình. Ngày xưa làm nông thì gia đình có thời giờ để cả gia đình đi lễ hay đọc kinh tại nhà, ngày nay, không còn không gian và thời gian cho việc làm đó nữa. Cả nhà cha mẹ đều phải đi làm; con trẻ thì phải đến trường; tối mới về thì mọi người đều mệt mỏi, chỉ lo ăn rồi lên giường ngủ thôi. Điều đó, gây khó khăn cho việc truyền thông đức tin cho con cái. Chúng ta phải làm gì bây giờ?
“Gia đình là nơi thể hiện đặc biệt chức tư tế cộng đồng của người cha, người mẹ, con cái và mọi phần tử trong gia đình, “nhờ lãnh nhận các bí tích, kinh nguyện và tạ ơn; chứng từ đời sống thánh thiện, hy sinh và đức ái hữu hiệu. Gia đình là trường học đầu tiên về đời sống Ki-tô Giáo và là một “trường học phát triển nhân tính”. Chính trong gia đình, người ta học biết làm việc với sự nhẫn nại và niềm vui; yêu thương huynh đệ; quảng đại tha thứ luôn, nhất là phụng thờ Thiên Chúa qua kinh nguyện và hy lễ đời sống” (x. GLCG, số 1657).
Theo tôi, để truyền thông đức tin cho con cái, các bậc làm cha, làm mẹ phải giáo dục đức tin cho con cái mình ngay khi chúng được cưu mang và sinh ra. Khi còn trong bụng mẹ, các thai nhi sẽ lãnh được đời sống đức tin qua đời sống đức tin của cha mẹ, nhất là của người mẹ, vì người mẹ trực tiếp với thai nhi hơn. Những gì bà tin, những gì bà cầu nguyện, những gì bà xác tín, sẽ “di truyền” cho con cái mình. Bởi đó, người mẹ phải sống đức tin của mình qua những gì mình tin; qua những gì mình cầu nguyện và qua những gì bà xác tín. Đời sống đức tin đó sẽ lớn lên cùng thai nhi cho đến khi chào đời.
Khi sinh con rồi, người mẹ phải nói, phải hành động, phải chăm sóc chúng trong đức tin. Những khi cho con bú; những khi thay tã cho con; những khi ôm con, ru cho con ngủ chẳng hạn, người mẹ có thể truyền thông đức tin mình cho con cái, bằng lời ru, bằng những bài thánh ca, bằng những kinh nguyện.
Rồi khi chúng lớn lên một chút, gia đình có thể xin rửa tội cho con mình, để hạt giống đức tin được phát triển. Và khi có thể được, bế con đi nhà thờ với mình. Dù chúng không biết, không hiểu gì hết, nhưng những lời ca, những lời cầu nguyện của cộng đoàn sẽ lọt vào tai chúng và in vào óc chúng, sau này chúng sẽ nhớ và dễ dàng tiếp thu khi được học hỏi.
Khi đứa bé bập bẹ biết nói thì cha mẹ phải dạy cho con mình nói tiếng “Chúa” hay “lạy Chúa”; dạy cho chúng làm dấu thánh giá; dạy chúng chắp tay khi cầu nguyện; dạy chúng biết cám ơn; biết xin lỗi; biết lễ phép thưa trình với người lớn tuổi.
Đó là những việc mà các bậc làm cha làm mẹ có thể dạy dỗ và truyền thông đức tin cho con cái mình, từ khi chúng ở trong bụng mình hay khi con thơ bé. Vì chỉ khi còn thơ bé chúng mới có thể ở gần ta mà thôi; khi chúng lớn lên chúng sẽ xa ta đấy. Bởi đó mà các bậc làm cha làm mẹ hãy cố gắng và tận dụng khoảng thời gian này để dạy dỗ và truyền thông đức tin cho con cái mình.
Khi chúng lớn lên, khoảng 6,7 tuổi trở lên, người cha, người mẹ sẽ theo lời của Giáo Hội mà chỉ dạy cho chúng biết:
- Học và làm việc trong sự nhẫn nại và niềm vui. Sự nhẫn nại rất cần cho đời
sống con người, để sau này chúng biết nhẫn nại khi gặp khó khăn, thử thách trong đời sống hằng ngày cũng như trong đời sống đức tin. Niềm vui, đây không chỉ làm niềm vui khi thành công, khi được cho mà còn là niềm vui của Chúa, niềm vui của đức tin. Vui vẻ học hành, vui vẻ làm việc.
- Yêu thương huynh đệ. Dạy chúng biết yêu thương, cho đi; chứ đừng ghen
ghét, ích kỷ. Yêu thương mọi người, con vật, cây cỏ; những bông hoa, chiếc lá.
- Quảng đại tha thứ luôn. Dạy chúng ngay từ bé biết nhận lỗi khi làm lỗi; biết
xin lỗi khi làm sai và biết tha thứ khi người khác chọc ghẹo mình.
- Phụng thờ Thiên Chúa qua kinh nguyện và hy lễ đời sống. Có thể dạy chúng
đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh và hằng ngày cùng với con đọc một kinh Lạy Cha; một kinh Kính Mừng, một kinh Sáng Danh, không cần đọc nhiều hay lần hạt 50 chục. Bây giờ mà bắt trẻ lần hạt 50 thì khó đấy. Nhất là nếu có thể được thì đọc Thánh Kinh cho chúng nghe; hoặc bây giờ đã có Thánh Kinh bằng hình hay bằng Video, hãy cho chúng xem, cho chúng đọc,....
Quan trọng là dạy chúng dâng ngày mỗi sáng khi thức dậy, bằng lời kinh hay : “Lạy Chúa, xin chúc lành cho ngày mới, những giờ con học, những việc con làm”, chỉ hết 1 phút, rất ngắn và dễ nhớ. Và mỗi tối trước khi ngủ, bằng lời kinh hay : “Lạy Chúa, con xin cám ơn Chúa, vì Chúa đã ban mọi ơn lành cho con hôm nay. Nếu con có làm lỗi, xin Chúa thứ tha”. Cũng rất ngắn và tiện lợi.
Vậy noi gương gia đình Thánh Gia, chúng ta cũng hãy làm cho gia đình mình nên gia đình thánh; nên một hòn đảo mang lại sự sống Ki-tô giữa một thế giới này. Mỗi gia đình chúng ta cùng nhau xây dựng gia đình lớn là xã hội và Giáo Hội, để Xã Hội và Giáo Hội là nhà và là gia đình của tất cả mọi người.
Lm. Bosco Dương Trung Tín