Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Con người , hữu thể tôn giáo

Tác giả: 
Lm Hương Quất

 

 

CON NGƯỜI- HỮU THỂ TÔN GIÁO

 

Con người là một Hữu thể Tôn giáo, quan niệm theo Giáo lý Công giáo này cho thấy con người là một màu nhiệm, một hữu thể hữu hạn có ‘vết mở’ không sao khép lại được với Thượng Đế.

 

Ngay từ khi ý thức mình hiện hữu trong vũ trụ con người đã hướng tìm Thiên Chúa như cứu cánh, như nguồn Chân- Thiện- Mỹ. Ban đầu sơ khai qua các tín ngưỡng phong tục, qua các hành vi Tôn giáo (cầu kinh, tế lễ, phụng tự…), dẫu còn hàm hồ nhưng rất phổ quát cũng cho thấy rõ con người là Hữu thể Tôn giáo, khát vọng hướng đến Đấng Siêu Việt.

 

Thế kỷ XX Tôn giáo (chủ yếu Kitô giáo) là đối tượng cho những phê bình, bị trỉ trích nặng nề, rồi bị ‘gán’ nhìn chung hai trọng tội: Tự bản chất nó làm cho con người tha hoá, mất tự do nên không thể hiện mình một cách sung mãn; tội mang mầm bạo lực, gây ra những xung đột bạo lực.

 

Sự kiện Chủ nghĩa duy vật- vô thần của Marx- Lê như trận sóng thần với quyết tâm xoá bỏ Tôn giáo song đã thất bại ê trề, càng cho thấy rõ hơn con người là Hữu thể Tôn giáo, thuộc về bản chất. Một hữu thể Tôn giáo lại đánh mất cảm thức tôn giáo, cũng có nghĩa ta đang tự vong thân.

 

Không có sai khi nói rằng Tôn giáo có một chức năng yên ủi, nâng đỡ con người yếu đuối, vốn mỏng dòn cả về thể xác lẫn tinh thần và luân lý… nhưng không thể một cách logic dựa vào đó để kết luận rằng chính sự bất lực và ngu dốt sinh ra Tôn giáo (như chủ nghĩa vô thần khẳng định).

 

Ta sẽ trả lời ra sao khi nhiều nhà khoa học lỗi lạc- ‘cha đẻ của khoa học hiện đại’ là Kitô hữu, thậm chí Linh mục (Lm) với những đóng góp lớn mang tính cách mạng như Isaac Newton đa tài, nhà vật lý- thiên văn học, người khai sinh toán học hiện đại; Louis Pasteur- cha đẻ vi trùng học; Lm. Gregor Mendel, cha đẻ di truyền học; Lm. Georges Lemaitre, cha đẻ thuyết Big Bang; Lm. Copernicus, cha đẻ thiên văn học hiện đại, khám phá Mặt trời là trung tâm vũ trụ (Nhật tâm); Giám mục Nicolas Steno, người khai sinh khoa hóa thạch học; Thánh bác sĩ Giuseppe Moscati, người tiên phong trong việc điều trị tiểu đường bàng Insulin; Galileo cha đẻ của thiên văn học[1]…

 

Cũng cần biết, các nước Phương Tây có nền khoa học tiên tiến nhất hiện nay đã từng có cái nôi Kitô giới.

 

Nực cười ở chỗ, người vô thần chỉ tin vào khoa học nhưng các nhà khoa học vĩ đại lại tin có Thiên Chúa. 

 

‘Người có suy nghĩ nửa vời sẽ không tin vào Thiên Chúa nhưng những người có suy nghĩ thấu đáo sẽ phải tin có Thiên Chúa’ (I.Newton); 

 

‘Càng nghiên cứu khoa học tôi càng tin vào Thượng đế’ (A.Einstein); 

 

‘Ít hiểu biết khoa học làm ta xa Chúa, khi thực sự hiểu biết khoa học làm ta quay về Chúa’ (L.Pasteur)[2]…    

 

Dốt nát và yếu đuối không đương nhiên buộc con người tưởng tượng Thượng đế mà họ phải hạ mình mà bái phục. Nói con người muốn sự hoàn thiện- tuyệt đối nhưng bất lực nên mới phóng ra ‘hữu thể’ gọi là Thiên Chúa hay một tên gọi tương tự khác, thì cũng không ổn. Vấn đề là, do đâu con người hữu hạn, bất toàn lại có khao khát về cái vô biên và tòan diện?

 

Nếu không nhìn con người trong căn tính “là Hữu thể Tôn giáo”, con người sẽ luẩn quẩn bế tắc, tuyệt vọng mà hệ quả tất yếu con người sống với nhau không khác gì thú vật, lấy luật rừng mà sống. Trái lại, trân nhận con người là một thụ tạo Nhân linh có hồn- xác (nói đúng hơn: là hồn- xác) trong nhất thể không những không làm con người vong thân mà còn là bệ phóng, chuẩn mực để ta tìm được hạnh phúc, ý nghĩa cuộc sống ngay tại thế, chứ không phải đợi đến đời sau.

 

Đức Hồng y J.Ratzinger- nguyên Giáo hoàng Benedicto XVI- đã xác đáng khi nói:  Con người khi nói về Thiên Chúa, nhưng rốt cuộc lại khám phá ra ý nghĩa của đời người; điều xem ra quá sức nghịch lý nhưng cuối cùng lại tràn đấy ánh sáng và đem lại ý nghĩa cho cuộc sống đến mức không ngờ[3].

 

(Trích: 'Thay Lời Kết' bài 'Con Người Một Hữu Thể Tôn Giáo', bài làm tại Nhà (có bổ sung), ĐCV Thánh Giuse Xuân Lộc- 2010)  

 

Lm. Đaminh Hương Quất

 

[1] x. ‘11 Linh mục khoa học gia kiệt xuất’, http://conggiao.info/11-linh-muc-khoa-hoc-gia-kiet-xuat-d-34377; ‘7 nhà khoa học lừng danh mà ta quên mất là người Công giáo’, https://nhathothaiha.net/7-nha-khoa-lung-danh-ma-chung-ta-khong-nho-la-nguoi-cong-giao/ ; ‘25 nhà khoa học lừng danh nói về Thiên Chúa’, http://conggiao.info/25-nha-khoa-hoc-lung-danh-noi-ve-thien-chua-d-40183

[2].x x. Người vô thần chỉ tin vào khoa học, các nhà Khoa học lại tin vào Thần học, https://www.dkn.tv/van-hoa/nguoi-vo-than-chi-tin-vao-khoa-hoc-cac-nha-khoa-hoc-lai-tin-vao-than-hoc.html;

Bất ngờ, web của Ban Tôn giáo chính phủ đăng bài: ‘Những nhà khoa học nổi tiếng thế giới có niềm tin Cơ đốc (Kitô giáo, nv)’, http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/5899/Nhung_nha_khoa_hoc_noi_tieng_the_gioi_co_niem_tin_Co_doc

[3] x. Joseph Ratzinger, sdd tr.99