Mẹ tôi, một đời ngược xuôi
Mẹ tôi, một đời ngược xuôi
Lại Thế Lãng
Mẹ tôi, một phụ nữ nhà quê sinh quán tại xã Qũy Nhất, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Mẹ tôi là con út trong số ba người con gái của bà ngoại. Tôi chỉ nói đến bà ngoại vì ông ngoại tôi đã mất từ lâu lắm rồi. Không có ai nói với tôi về ông ngoại nên tôi chẳng biết gì về ông, ngoại trừ một điều do tôi suy đoán. Tôi thường nghe người ta gọi bà ngoại tôi là bà “tuần” cho nên tôi đoán ông ngoại tôi trước đây đã làm xã tuần, một chức vụ trông coi về an ninh trong xã. Bà ngoại tôi là người trực tính. Tính tình mẹ tôi cũng giống bà ngoại. Mẹ tôi chẳng khéo ăn khéo nói, cứ nghĩ sao nói vậy, nhiều khi làm mất lòng người khác. Nhưng mẹ là thầy dậy chúng tôi về sự thật thà, tính thương người và lòng đạo đức.
Khi tôi có trí khôn thì không thấy bố tôi đâu, trong nhà chỉ có mấy mẹ con: anh tôi, tôi, đứa em gái và hai đứa em trai. Anh trai tôi chết khi mới 10 tuổi trong lúc bố tôi vắng nhà. Mẹ tôi buồn lắm nhưng trong cái đau buồn bà cũng tìm được nguồn an ủi. Mẹ tôi tin chắc anh tôi đã được lên thiên đàng “thẳng rẵng” vì anh là một đứa trẻ ngoan ngoãn, hiền lành, đạo đức. Khi anh tôi mất đi, tôi trở thành đứa con lớn nhất trong nhà. Thỉnh thoảng anh em tôi hỏi bố đi đâu bao giờ bố mới về thì mẹ tôi chỉ nói bâng quơ “chừng nào chúng mày chống gậy”. Dù trí óc còn non nớt, tôi cũng hiểu được chống gậy tức là đã già. Chẳng lẽ đến khi anh em chúng tôi già thì bố tôi mới về? Sau này tôi mới biết bố tôi và những người em của bố tôi đều bỏ làng chạy trốn Việt Minh. Trong ý nghĩ của mẹ tôi có lẽ ngày trở về của họ thật là xa vời, mù mịt...
Như những người phụ nữ khác ở trong làng, mẹ tôi làm lụng vất vả đầu tắt mặt tối. Công việc thường ngày của mẹ tôi là chăm lo khu vườn ở sau nhà trên đó trồng mọi thứ hoa màu. Đến mùa thu hoạch mẹ tôi đem sản phẩm như cải bắp, cải bẹ, xu hào, cà ghém... ra chợ bán lấy tiền đong gạo. Ngoài công việc này mẹ tôi còn đi cấy, làm cỏ lúa, vun gốc lúa cho người ta để kiếm tiền. Những lúc khác mẹ tôi đi đong thóc về xay, giã lấy gạo bán, lấy tấm để ăn và cám để nuôi lợn. Khi mẹ tôi bận việc, anh em chúng tôi phải dẫn nhau sang nhà ông bà nội để được cho ăn cho uống. Những lúc hết việc mẹ tôi đi câu cáy, xúc tép về làm mắm... Nói chung là mẹ tôi làm việc từ sáng đến tối, quanh năm suốt tháng không lúc nào ngơi tay.
Năm tôi khoảng 10 tuổi bố tôi từ Phát Diệm (vùng do quốc gia kiểm soát) nhắn tin về nhà và nhờ người hướng dẫn tôi đến gặp bố tôi. Tôi vừa đi bộ vừa đi đò mất gần một ngày thì đến được Phát Diệm. Bố tôi giao tiền cho tôi đem về cho mẹ tôi nuôi anh em chúng tôi. Tôi không biết đã mang bao nhiêu tiền về nhưng thấy mẹ tôi vui mừng lắm, mẹ tôi nói như vậy là có tiền đong gạo rồi không sợ đói nữa. Về sau tôi mới biết lúc đó bố tôi đã đi lính và được lĩnh lương hàng tháng. Từ khi có tiền của bố tôi gửi về, mẹ tôi đỡ vất vả hơn.
Một thời gian sau bố tôi lại nhắn tin về nhà, lần này bố tôi nhờ người đưa cả gia đình tôi sang Phát Diệm. Từ Phát Diệm chúng tôi đi Hải Phòng rồi từ Hải Phòng đi Hải Dương, nơi bố tôi đang làm việc. Sau chuyến đi này mẹ tôi mãi mãi không có cơ hội trở lại nơi “chôn rau cắt rốn”. Cũng từ đây mẹ tôi không còn phải làm lụng vất vả đầu tắt mặt tối như trước. Nhưng mẹ tôi có vẻ không được vui vì không quen với đời sống thị thành nhất là lo nghĩ cho cuộc đời lính tráng đầy hiểm nguy của bố tôi. Dường như lúc nào mẹ tôi cũng nghĩ đến sự an toàn của bố tôi nên trong lòng luôn bất an.
Để lấp đi nỗi âu lo, sáng nào mẹ tôi cũng đi lễ, chiều đến nhà thờ và tối nào mẹ tôi cũng giục giã chúng tôi đọc kinh để cầu nguyện cho bố tôi được bình an. Sau buổi đọc kinh bao giờ mẹ tôi cũng đọc chặng đường Thánh giá thứ 12 “Đức Chúa Giêsu sinh thì trên Thánh giá . . . Xin ban ơn cho tôi giữ đạo cho đến giờ sau hết được phó linh hồn trong tay Chúa tôi”. Tôi nghe mãi cũng thuộc và cho đến bây giờ tôi vẫn còn thuộc lòng chặng đường Thánh giá này.
Những ngày mưa gió không ra khỏi nhà được, mẹ tôi lấy sách truyện các linh hồn ra đọc. Mẹ tôi đọc ê a, thỉnh thoảng gặp chữ khó phải ngừng lại đánh vần. Dầu vậy tôi rất phục mẹ tôi vì những phụ nữ ở nhà quê cỡ tuổi như mẹ tôi có mấy ai biết đọc. Mẹ tôi rất quan tâm đến việc cầu nguyện cho các linh hồn. Mẹ tôi dặn mỗi khi đi qua bãi tha ma (nghĩa địa) phải nhớ cầu nguyện cho các linh hồn. Mẹ tôi bảo mình cầu nguyện cho các linh hồn thì các linh hồn cũng sẽ cầu guyện lại cho mình, mà lời cầu của các linh hồn thì đắt lời (được chấp nhận) hơn lời cầu của người trần.
Những ngày mới xa quê, thỉnh thoảng mẹ tôi kể về những người bạn của mẹ thời con gái, đặc biệt là người chị họ và cũng là người bạn thân thiết tên Nghĩa. Mẹ tôi tỏ ra rất ngưỡng mộ bác Nghĩa và dường như còn ao ước cuộc sống tu trì của bác. Cho đến khi mẹ tôi đã vào Nam, bác Nghĩa vẫn giữ liên lạc và thỉnh thoảng còn gửi qùa cho mẹ tôi. Khi tôi đi Mỹ mẹ tôi có đưa địa chỉ của bác ở Canada. Tôi cố tìm cách liên lạc với bác để báo tin cho mẹ tôi mừng nhưng không có kết quả. Có lẽ bác đã qúa già yếu và cũng có thể không còn sống.
Ở Hải Dương được mấy tháng bố tôi có lệnh thuyên chuyển về Đông Triều, mẹ con chúng tôi lại phải theo bố tôi chuyển đến sinh sống ở vùng đồi núi có nhiều mỏ than này. Sau này tôi mới được biết vì địa thế hiểm trở Đông Triều là một chiến khu của Việt Minh. Bố tôi thuê nhà cho mẹ con chúng tôi ở tại Đông Triều còn bố tôi thì đóng đồn ở một nơi xa khác. Những ngày tháng ở Đông Triều lòng mẹ tôi càng thêm héo hon vì đêm nào cũng nghe tiếng đại bác bắn đi từ một đồn binh của người Pháp ở trên đồi cao. Sáng dậy thì thấy xe tải thương chạy qua nhà chở người chết và bị thương. Mẹ tôi trở nên ít nói và luôn thở dài, đôi mắt xa xăm. Có lúc không biết làm sao vơi đi nỗi buồn, mẹ tôi đã thổ lộ với tôi “Nếu lỡ bố mày xẩy ra chuyện gì, mấy mẹ con không biết làm sao mà trở về quê”. Nghe mẹ tôi nói tôi thông cảm được nỗi lòng của mẹ nhưng cũng chỉ biết buồn rầu nhìn mẹ chứ chẳng biết làm gì.
Ở Đông Triều một thời gian bố tôi được lệnh thuyên chuyển về vùng đồng bằng là Phú Nhai. Mẹ con chúng tôi lại đi theo bố tôi về nơi này. Lúc đó tôi chỉ biết Phú Nhai có ngôi nhà thờ đồ sộ, nguy nga chứ đâu có biết ngôi nhà thờ này có cả một lịch sử. Theo tài liệu của Giáo phận Bùi Chu thì vào năm 1858 sau khi thành lập được 10 năm, Giáo phận Bùi Chu (cũng như tình hình chung của Giáo hội Công giáo Việt Nam) lúc đó gặp rất nhiều khó khăn, vô cùng đen tối. Trong hoàn cảnh bi đát đó Đức Cha Vinh, Giám mục cùng với cha Hòa, cha chính địa phận đã cùng nhau tha thiết khẩn cầu cùng Đức Mẹ Vô Nhiễm và hứa rằng nếu Đức Mẹ ban sự bình an cho Giáo phận thì Giáo phận sẽ nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm làm quan thầy và sẽ xây một Đền thờ xứng đáng để dâng kính Người. Lời khấn được Đức Mẹ chấp nhận. Tình trạng của Giáo phận dần dần trở nên khả quan hơn: tinh thần giáo sĩ và giáo dân lên cao, nhiều người bỏ đạo đã ăn năn quay về, bình an trở lại. Năm 1861 Đức cha Vinh tử vì đạo, cha chính Hòa lên làm Giám mục. Giữ lời đã khấn hứa với Đức Mẹ, năm 1881 Ngài cho xây dựng Đền thờ Phú Nhai dâng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm và tuyên bố nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm làm quan thầy Giáo phận. Giáo xứ Phú Nhai nơi đã sản sinh được 6 vị Hiển thánh Tử đạo. Cũng đã cung cấp cho Giáo hội 5 Giám mục và hàng trăm linh mục, tu sĩ.
Giáo dân ở đây rất sùng đạo và rất đoàn kết cho nên Việt Minh không dám bén mảng tới. Nhưng nơi bố tôi đóng đồn thì không được an ninh. Dường như đêm nào cũng nghe tiếng súng từ xa vọng về. Nỗi lo lắng của mẹ tôi hiện rõ trên nét mặt. Mẹ tôi thúc giục chúng tôi phải siêng năng đi lễ, đọc kinh cầu nguyện nhiều để bố tôi được bình an. Phần mẹ tôi ngày nào lễ xong mẹ tôi cũng nấn ná ở lại cầu nguyện thêm cho đến khi nhà thờ đóng cửa mẹ tôi mới về nhà. Tôi không nhớ rõ chúng tôi ở đây được bao lâu thì bố tôi được lệnh đi thụ huấn một khóa quân sự ở Bãy Cháy (Hòn Gay). Trước khi vào trường, bố tôi đưa mẹ con chúng tôi về Phát Diệm thuê một căn nhà cho chúng tôi cư ngụ ở xã Vinh Trung.
Về đến Phát Diệm mẹ tôi như tươi tỉnh hẳn ra không còn vẻ u sầu như lúc trước. Là vì Phát Diệm không xa làng quê Qũy Nhất là bao. Như tôi đã nói ở trên, trước đây tôi chỉ mất chưa tới một ngày để đi từ nhà đến Phát Diệm. Ở Phát Diệm tôi cũng có được một thời gian thật vui vẻ. Ngày nào tôi cũng có mặt để nô đùa ở khu nhà thờ, vui nhất là chiều thứ Bảy. Sau buổi chầu Thánh Thể chiều thứ Bảy người ta đổ xô đến đọc kinh, ca hát cầu nguyện trước hang đá Đức Mẹ. Thỉnh thoảng Đức cha Lê Hữu Từ xuất hiện nói chuyện với giáo dân. Tôi không để ý đến việc Đức cha nói gì nhưng chỉ chăm chú chờ đến hết buổi nói chuyện thì chạy thật nhanh đón đường để được Đức cha cho hôn nhẫn.
Khu nhà thờ Phát Diệm gồm một nhà thờ lớn và bốn ngôi nhà thờ nhỏ được xây dựng phần lớn bằng đá. Đặc biệt trong bốn ngôi nhà thờ nhỏ có một ngôi nhà thờ được làm hoàn toàn bằng đá từ: nền, cột , kèo, xà, tường cho đến chấn song cửa đều bằng đá.
Mẹ tôi kể cho tôi nghe một câu chuyện mẹ tôi nghe được từ người dân Phát Diệm về việc xây dựng công trình khu nhà thờ này. Công trình mà ngày nay người ta đánh giá là một công trình nghệ nghệ thuật độc đáo trên thế giới. Nhiều đoàn khảo cứu từ khắp thế giới đổ đến đây để tìm hiểu công trình đặc biệt này. Câu chuyện nói rằng từ khi khởi công cho đến khi hoàn thành công trình khu nhà thờ Phát Diệm, Cụ Sáu (tức cha Trần Lục) luôn được sự giúp sức của các linh hồn.
Câu chuyện nghe có vẻ như là huyền thoại nhưng những người tin vào nó cũng có cái lý của họ. Tôi lấy thí dụ khối đá đặt ở gian giữa Phương Đình (nhà treo chuông, trống) mà ngày nào tôi cũng lê la trên đó (ngày nay du khách chỉ được chiêm ngưỡng từ bên ngoài). Sau khi đục đẽo, mài dũa còn có kích thước 4,2m x 3,2m x 0,3m chắc chắn khối đá nguyên thủy phải nặng đến mấy chục tấn. Việc vận chuyển khối đá nặng như vậy ngay cả với kỹ thuật và phương tiện tân tiến của thời đại ngày nay cũng không dễ dàng huống hồ gì chỉ với phương tiện thô sơ của vài trăm năm trước. Đây chẳng phải là lạ hay sao? Câu chuyện này cũng ăn khớp với một giai thoại được truyền tụng trong dân gian giữa những người không phải là Công giáo. Họ truyền tai nhau những câu chuyện ly kỳ chung quanh việc xây dựng ngôi nhà thờ lớn. Họ nói mỗi khi dựng cột (cao đến 11mét, nặng 7 tấn) họ nhìn thấy một đoàn người mặc áo trắng đến giúp dựng những cây cột cũng như kéo những cái xà nặng lên cao.
Khi Hiệp định Đình chiến 1954 được ký kết giữa Pháp và Việt Minh, khóa huấn luyện quân sự mà bố tôi đang theo học bị giải tán. Bố tôi được thuyên chuyển về Hà Nội. Hiệp định này chia Việt Nam thành hai miền ngăn cách bởi sông Bến Hải. Những ai theo Việt Minh thì ở phần đất phía Bắc, ai không theo Việt Minh sẽ sinh sống ở phần đất phía Nam. Bố tôi ở trong quân đội tất nhiên phải đi vào miền Nam. Trong thời gian này, bố tôi nhờ người đưa tin về Phát Diệm nhắn mẹ tôi đưa gia đình lên Hà Nội để đi vào Nam. Nhận được tin này mẹ tôi và bà nội tôi (lúc đó cũng đang ở với chúng tôi) đã có cuộc tranh cãi gay go vì mẹ tôi muốn trở về làng cũ trong lúc bà nội tôi quyết không chịu sống chung với Việt Minh vì họ thù ghét người có đạo. Cuối cùng bà nội tôi đưa ra một giải pháp dung hòa: mẹ tôi có thể đưa mấy đứa em của tôi trở lại quê nhà nhưng phải để bà nội dẫn tôi lên Hà Nội với bố tôi. Mẹ tôi đã đồng ý.
Ngay ngày hôm sau bà nội và tôi tức tốc lên đường. Tôi nhớ trên đường đi cũng có rất đông người đổ về Hà Nội. Chúng tôi có lúc đi bộ, có lúc đi đò dọc nhưng tôi không nhớ rõ chúng tôi đã mất thời gian bao lâu để tới được Hà Nội. Bố tôi mừng vì bà nội và tôi đã đến được Hà Nội nhưng rất buồn vì không có mẹ tôi và các em tôi. Nhưng rồi mấy ngày sau mẹ tôi đột ngột xuất hiện cùng với mấy đứa em làm cho mọi người thật bất ngờ. Trong sự vui mừng và ngạc nhiên của mọi người, mẹ tôi kể: “nó (tức là tôi) đi rồi trong lòng nóng như lửa đốt, không làm ăn làm gì được. Gặp lúc có người đi Hà Nội mấy mẹ con lền xin đi theo họ”.
Ở Hà Nội bố tôi thuê lại căn nhà do người bác họ trước kia đã thuê ở tại số 106 phố Hàng Bột. Nơi đây có thể coi như “trạm trung chuyển” đón tiếp tất cả bà con xa gần từ quê lên Hà Nội. Mẹ tôi giữ phần đi chợ lo cơm nước cho mọi người. Bữa nào cũng có món rau muống luộc với nước dùng qủa sấu. Sấu là một loại cây có thân to, cao. Qủa sấu có hình dạng gần giống trái cóc ở trong miền Nam, có vị chua thanh hơn me. Luộc rau muống xong vớt rau ra cho vào mấy qủa sấu là đã có nồi nước dùng thay cho canh chua rất ngon.
Tôi không nhớ ở Hà Nội bao lâu thì mẹ con chúng tôi lại đi theo bố xuống Hải Phòng. Tại đây bố tôi thuê một căn nhà sát bên nhà thờ ở khu Cửa Cấm. Chẳng có nhiều việc để làm, ngày ngày mẹ tôi chỉ biết sáng chiều đến nhà thờ. Khi gần đến hạn quân đội quốc gia phải rút hết khỏi miền Bắc, bố tôi để cho mẹ con chúng tôi vào Nam trước. Chúng tôi không đi bằng tầu “há mồm” nhưng di chuyển bằng máy bay quân sự.
Tới phi trường Tân Sơn Nhất, như những gia đình khác, gia đình chúng tôi được xe chở đến khu tạm cư ở gần cầu Nhị Thiên Đường trên đường Phạm Thế Hiển. Đây là một khu nhà kho gồm có mấy dãy nhà rất rộng dùng để chứa thóc lúa từ miền Tây chở về nay được dùng vào việc tiếp đón người di cư. Những người ở khu tạm cư này chờ đợi sắp xếp để được đưa đi những trại định cư ở những nơi khác.
Trong thời gian ở đây tôi đi lang thang trên đường Phạm Thế Hiển lúc đó hai bên đường đều đã có nhà cửa. Những người ở đây là những người vào Nam trước chúng tôi nhiều tháng nên đã có nhà cửa ổn định. Do tình cờ mà tôi biết phần lớn họ là giáo dân ở vùng Phát Diệm và vị chủ chăn hiện tại của họ là linh mục Hoàng Quỳnh. Từ tin tức này mẹ con chúng tôi tìm gặp được gia đình bác tôi (người chị kế của mẹ tôi) vì bác là em dâu của linh mục Hoàng Quỳnh. Tìm được người thân, mẹ con chúng tôi rời khu tạm cư đến tạm trú tại nhà bác và được bác tôi chia cho một miếng đất đủ dựng một căn nhà nhỏ cho gia đình chúng tôi. Mấy tuần sau bố tôi cũng vào Nam và được thuyên chuyển về Cần Thơ. Mẹ con chúng tôi vẫn ở trong giáo xứ của cha Hoàng Quỳnh gọi là giáo xứ Bình An. Tuy cuộc sống đã ổn định, mẹ tôi thỉnh thoảng vẫn thấy tiếc vì đã không chờ để được đưa đi các trại định cư, vừa được hưởng trợ cấp mỗi đầu người 700 đồng lại còn có đất đai để canh tác.
Ở Bình An được mấy tháng bố tôi về đem mẹ tôi và các em đi theo (tôi ở lại Sài Gòn để đi học). Những nơi bố tôi đóng quân như: Long Mỹ, Trà Nóc, Cái Răng, Long Xuyên ... mẹ tôi đều có mặt. Sau khi giải ngũ bố tôi chuyển gia đình về sống ở một vùng đất gọi là Hàn Giang (có lẽ thuộc Long Khánh). Biến cố 30 tháng Tư lại đưa đẩy bố mẹ tôi đến vùng đồng ruộng thuộc huyện Kế Sách tỉnh Sóc Trăng. Đây là chặng dừng chân cuối cùng của mẹ tôi.
Trong một lần ngồi nói chuyện với mẹ khi về thăm nhà sau khi ra tù, mẹ tôi chỉ cho tôi bộ ván gồm bốn tấm gỗ me sẽ được dùng để đóng quan tài. Mẹ tôi nói vì chỉ sắm được có một bộ nên bố mẹ tôi đã giao hẹn với nhau rằng ai chết trước sẽ được nằm trong cỗ quan tài gỗ me đó. Nghe mẹ tôi nói mà thấy đau lòng nhưng vì hoàn cảnh, tôi đành chịu bất lực. Bố tôi đã chết trước và bốn tấm gỗ me đó đã được bà con trong giáo xứ đến giúp đóng thành cỗ áo quan cho bố tôi.
Sau khi đi Mỹ tôi có về thăm mẹ tôi được một lần. Chú em tôi còn ở Việt Nam bảo tôi về như vậy là quá liều vì vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp. Một thời gian sau cô em út cho biết có hai người rất khả nghi tìm đến nhà dò hỏi tin tức về tôi. Khi mẹ tôi qua đời có ý kiến khuyên tôi không nên về và vì vậy tôi đã không có mặt trong ngày tiễn biệt mẹ tôi. Dù sao tôi vẫn cảm thấy có lỗi vì đã không thể tiễn đưa mẹ tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng.