Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Số 22: Sự phục sinh, vượt trên trí hiểu của con người tự nhiên

Số 22: Thức Ăn Nhanh cho Tâm Hồn (The Fast Food for The Soul)

by Fr. Quảng Trần, C.Ss.R.,

 

SỰ PHỤC SINH, VƯỢT TRÊN TRÍ HIỂU CỦA CON NGƯỜI TỰ NHIÊN

 

Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi.

Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, ” (Cv 10: 39-40)

 

Con người là một loài rất độc đáo, và khác biệt hoàn toàn so với các sinh vật khác hiện hữu trên hành tinh này. Đâu là điểm độc đáo nhất của con người khi so sánh với các loài vật khác? Có lẽ không hệ tại ở vóc dáng bề ngoài khác biệt mà sự độc đáo đến từ việc con người có khả năng LÝ TRÍ. Lý trí làm con người là sinh vật độc đáo nhất trên hành tinh này.

 

Vì có lý trí nên con người biết làm tính, biết làm toán mà những loài vật khác không thể.

 

Vì có lý trí nên con người biết sử dụng tiền, điều mà không loài vật nào có được. Biết sử dụng tiền bạc, có nghĩa là con người biết đưa ra những quy định trong giao dịch mua bán. E rằng điều này là không thể cho bất cứ loài vật nào khác trên hành tinh này!

 

Vì có lý trí nên con người biết cộng tác với nhau để xây dựng một xã hội vì lợi ích chung (for common good) với những luật lệ, quy định rõ ràng như luật đi đường: đèn xanh thì đi, đèn đỏ thì phải dừng lại. Chưa thấy loài vật nào trên hành tinh này có luật giao thông, ngoại trừ con người.

 

Vì có lý trí nên con người còn biết xây dựng những nhà tù, những trại giam để giáo hoá những người phạm tội, và đồng thời có thời gian cho người phạm tội hoàn lương…

 

Rất nhiều những điều độc đáo nhờ lý trí mà chỉ con người mới có, mà không loài vật nào có được. Vấn đề đặt ra LÝ TRÍ của con người đến từ đâu?

 

Lý trí của con người không thể do sự tiến hoá tự nhiên mà có được. Nếu bảo rằng do tiến hoá tự nhiên, tại sao ngày này sự tiến hoá đó không tiếp tục diễn ra nơi các loài động vật bậc thấp hơn con người nữa? [Ở đây không bàn đến lỗ hổng của thuyết tiến hoá theo Charles Darwin].

 

Lý trí phải được phú ban cho con người từ BÊN TRÊN. Điều này được Kinh Thánh mặc khải cho biết: “con người được dựng nên giống HÌNH ẢNH của Thiên Chúa.” Vì được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa nên con người được “dự phần” vào sự sống tinh thần hay thần linh của Thiên Chúa. Phần tinh thần ấy được gọi nôm na là Lý Trí, hay LINH HỒN của con người. Theo thánh Toma Aquinas, Lý Trí của con người thuộc loại rốt hết trong các loại thần khí (spirits), và ở mức độ xa nhất về sự hoàn hảo của Thần Trí Thiên Chúa. Nếu LÝ TRÍ là thuộc tính của thần linh, hay cách cụ thể là thuộc tính của Thiên Chúa, được phú ban cho con người, thì nó không thể tan biến, không thể vào cõi hư vô.

 

Nếu lý trí không biến mất sau khi con người chết, vậy lý trí ấy đóng vai trò gì sau khi con người chết?

Thưa: Không biết!

 

Nhưng theo quy luật tự nhiên: thân xác với những thành tố hoá học thì sẽ bị phân huỷ, tan biến… sau khi chết. Tuy nhiên, để được gọi là con người thì PHẢI bao gồm cả xác lẫn hồn. Ngay sau khi con người tắt thở, cái xác nằm lù lù ra đó, trước mắt ta, nhưng lúc ấy không ai gọi cái xác đó là con người nữa, mà gọi là xác chết, vì cái lý trí, cái linh hồn không còn ở đó nữa. Làm sao cái lý trí hay cái linh hồn và cái xác cùng nhau phục sinh sau khi chết được ?

 

Vì chúng ta chưa chết, và dường như cũng không ai trong chúng ta có kinh nghiệm về việc lý trí tác động như thế nào sau khi chết. Vì lẽ, chẳng có ai từ cõi chết đội mồ về nói cho chúng ta nó như thế nào. Điều này vượt lên trên sự hiểu biết thông thường của con người chúng ta. Tuy nhiên, dựa theo lịch sử thì một người DUY NHẤT, là Đức Giêsu Kitô, đã chỗi dậy từ cõi chết, thân xác người không bị chôn vùi trong lòng đất, có thể hé mở cho chúng ta biết chút ít.

 

Đức Giêsu đã chết thật, nhưng Người cũng đã sống lại thật. Người được phục sinh vì “Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy ” (Cv 10: 40). Do vậy, theo lẽ tự nhiên một người sau khi chết thì không thể phục sinh. Với lẽ tự nhiên thì không được, nhưng nhờ sự can thiệp đầy quyền năng của Thiên Chúa thì không có gì là không thể. Do sự can thiệp của Thánh Thần Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô đã phục sinh. Còn Thiên Chúa can thiệp thế nào chúng ta không biết, chỉ biết Đức Giêsu Kitô “đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc” (1Cr 15:20). Nói theo ngôn ngữ đời thường, chúng ta được “ăn ké, ăn theo” sự phục sinh của Con Thiên Chúa.

 

Đức Giêsu Phục Sinh nghĩa là Ngài tiêu diệt thần chết. Phục sinh, có nghĩa là phục hồi lại sự sống mà Thiên Chúa cho con người được dự phần vào vinh quang của Ngài. Theo ngôn ngữ triết học thì phục sinh là phục hồi lại nguyên lý sự sống mà Thiên Chúa muốn ban cho con người. Tóm lại, biến cố Chúa Phục Sinh, hay nói đơn giản biến cố Chúa Giêsu Chết và Sống Lại vượt quá trí hiểu của chúng ta. Chúng ta chỉ TIN rằng Thiên Chúa vì yêu thương muốn cho chúng ta, con người, được dự phần vào sự sống đời đời của Thiên Chúa.

 

Chuyện kể rằng:

Một người đến gặp linh mục và muốn khôi hài một chút về niềm tin của mình nên anh hỏi: “Làm thế nào mà bánh và rượu trở nên thịt và máu Chúa Giêsu được?”

Linh mục trả lời: chẳng khó gì! Chính anh cũng biến đổi thức ăn thành thịt và máu đấy thôi. Tại sao Chúa Giêsu lại không làm được điều tương tự như vậy?

Chưa chịu thua, anh liền hỏi: “Bằng cách nào mà Chúa Giêsu ngự trọn vẹn trong tấm bánh nhỏ như vậy?”

- Cũng tương tự, quang cảnh bao la ở trước mắt nhỏ bé của anh đó.

Nhưng anh vẫn cố chấp: “Làm sao Chúa Giêsu có thể hiện diện ở tất cả các nhà thờ cùng một lúc?”

Linh mục cầm chiếc gương, đập bể thành nhiều mảnh, rồi cho anh nhìn vào và nói: “Chỉ có một mình anh nhưng bây giờ anh có thể nhìn thấy mặt mình được phản chiếu trong mỗi mảnh gương vỡ này cùng một lúc.”

 

Suy nghĩ và hành động: Bạn vẫn tuyên xưng niềm tin vào Xác Phục Sinh, vậy bạn hiểu thế nào về “xác loài người ngày sau sẽ sống lại? Tôi tin sự sống đời đời…?” Niềm tin đó có khả thi không? Khả thi là do đâu? Niềm tin vào sự phục sinh cả xác lẫn hồn ở đời sau, có giúp tôi sống tốt hơn ở đời này không?

 

See video