Thoát tục
THOÁT TỤC
Những ngày vừa qua, chúng ta chứng kiến cảnh hàng chục ngàn người tháo chạy khỏi những nơi “nóng” về dịch bệnh. Có người lội bộ cả trăm cây số, có người vượt cả ngàn cây số. Sự mệt mỏi hiện rõ trên nét mặt. Có người về tới quê hương, có người không còn dịp gặp lại người thân. U buồn trĩu nặng. Trang www.worldometers.info cho thấy Việt Nam là một trong các quốc gia có “màu đỏ” tang tóc liên quan đại dịch cúm Tàu.
Không thể thoát khỏi đau khổ, nhưng ai cũng cố gắng thoát nó bằng mọi giá. Cái giá cuộc đời vô cùng đắt đỏ. Cuộc mưu sinh không chỉ phải trả bằng mồ hôi và nước mắt, mà còn phải trả bằng máu, thậm chí là chính sinh mạng mình. Chạy dịch chẳng khác gì chạy giặc, cũng rất quyết liệt. Chạy thoát rồi mới biết mình còn sống và an toàn.
Cuộc tẩu thoát gay go nhất là cuộc lữ hành trần gian, đặc biệt là phải thoát tục ngay cả khi đang sống giữa thế gian. Kiếp người có nhiều kiểu di tản, cách riêng đối với người Việt. Không có cuộc di tản vui mừng mà chỉ có đau buồn. Cuộc đời phàm nhân được khắc họa đậm nét trong Kinh Thánh – đặc biệt là Phúc Âm.
Kinh Thánh cho biết rằng sau khi Chúa Giêsu tiên báo lần thứ nhất về cuộc thương khó và phục sinh, (Mt 16:21-23; Mc 8:31-33; Lc 9:22) đồng thời đưa ra điều kiện để theo Ngài, (Mt 16:24-28; Mc 8:34-38; Lc 9:23-27) và Ngài cho biết: “Tôi bảo thật các người: trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết, trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực.” (Mc 9:1) Triều Đại Thiên Chúa đã đến, vậy mà nhiều người vẫn chưa nhận ra các dấu chỉ thời đại, cụ thể là đại dịch corona đang làm đảo lộn cả thế giới.
Một hôm, Chúa Giêsu dẫn theo ba đệ tử –Phêrô, Giacôbê và Gioan. Ngài đưa họ lên cao trên đỉnh Tabor, và rồi Ngài biến đổi hình dạng trước mắt các ông: Khuôn mặt sáng chói như mặt trời, y phục rực rỡ, trắng tinh, không thợ giặt nào có thể giặt trắng được như vậy. Họ thấy ông Êlia cùng ông Môsê hiện ra đàm đạo với Thầy Giêsu. Trong giây phút vui sướng tột cùng, ông Phêrô thưa ngay: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.” (Mc 9:5)
Ông Phêrô sung sướng quá nên nói mà chẳng biết mình nói gì, như kiểungày nay người ta gọi là “nói sảng” vậy. Quả thật, Thánh Máccô cho biết: “Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng.” (Mc 9:6) Hẳn là phải kinh hoàng thôi, phần thì chưa thấy bao giờ, phần thì quá kỳ lạ. Lạ thì lạ lắm, mà sướng thì cũng sướng vô cùng. Đúng là “quá đã” luôn! Ông Phêrô sướng đến nỗi quên cả chính mình và hai anh bạn, nên ông chỉ xin làm lều cho Sư Phụ và hai nhân vật quan trọng kia mà thôi. Khi thực sự thấy “phép lạ” (chính hiệu chứ không là “sự lạ”), người ta sẽ quên hết mọi sự và thay đổi,không còn vướng bận chuyện đời này nữa.
Cả ba đệ tử đang lâng lâng hạnh phúc, quên hết thế gian, bỗng dưng có đám mây bao phủ họ, và tiếng nói từ đám mây: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” (Mc 9:7) Lại lạ lùng quá chừng! Rồi họ nhìn xung quanh, không thấy ai ngoài Thầy Giêsu. Tiếc thật! Khi từ trên núi xuống, Chúa Giêsu cấm các ông kể lại cho người khác biết những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Lạ lùng rồi lạ lẫm, khó hiểu ghê!
Rất nhân từ và đại lượng, nhưng Thiên Chúa cũng rất công bằng. Ai được nhiều thì bị đòi lại nhiều, ai được ít thì bị đòi ít. Đừng tưởng được nhiều mà kiêu ngạo, nhưng cũng đừng thấy mình được ít mà buồn hoặc so đo với người được nhiều. Thiên Chúa biết ai có khả năng gì thì Ngài trao công việc phù hợp, mà phải làm cho Ngài chứ không phải để được nổi tiếng, khoe khoang. Ba môn đệ được thấy Chúa Giêsu biến hình vì Ngài muốn củng cố đức tin cho họ, và tất nhiên được ưu tiên thì cũng phải “trả giá” cân xứng,vì đó là luật công bình.
Là Kitô hữu, chúng ta được biết rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng, mặc dù chúng ta chỉ là tội nhân và hoàn toàn bất xứng với Ngài, nghĩa là chúng ta không có quyền đòi hỏi chi cả. Thánh Tôma Aquinônói: “Chúng ta không có quyền đòi hỏi, nhưng phải nài xin Thiên Chúa ban cho ơn bền đỗ. Nhận ra những ai là người mà chúng ta PHẢI TRÁNH, đó là phương thế quan trọng để cứu lấy linh hồn mình.”Tuyvậy,Chúa Cha đã bắt Con Yêu Dấu Giêsu chịu đau khổ tột cùng: “Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả. Nhưng Đức Chúa đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta.” (Is 53:6) Chúa Giêsu đã “cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình, để chúng ta khỏi sờn lòng nản chí” (Dt 12:3) khi phải chịu gian lao và khổ đau trong cuộc đời này.
Thật vậy, chí sĩ Phan Bội Châu nhận xét rất chí lý: “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai.” Gian khổ tôi luyện con người, hơn nhau ở chỗ đó. Ngược lại, sướng quá hóa rồ và “nhàn cư vi bất thiện.”
Cuộc đời như chiến trường, luôn phải chiến đấu – chiến đấu ngay với chính mình. Cuộc sống nhàn rỗi rất nhàm chán. Vả lại, không có đấu tranh thì không cần cố gắng, không thể gọi là cuộc đời. Người ta luôn phải chiến đấu với mọi thứ, vì chẳng có cuộc chiến nào lại thanh thản. Càng cam go hơn khi cuộc chiến đó là cuộc chiến tâm linh. Thánh Phaolô so sánh: “Quả thật, trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu.” (Dt 12:3-4) Cha mẹ yêu thương con cái, nhưng đâu phải chúng đòi hỏi gì cũng được. Có những thứ không cho hoặc cấm thì mới thực sự là yêu thương đúng nghĩa.Phàm nhân xấu xa mà còn phải biết cách cư xử như vậy huống gì Thiên Chúa là Đấng chí thánh, toàn trí và toàn tri.
Cách yêu thương của Thiên Chúa độc nhất vô nhị, kỳ lạ mà rất tuyệt vời! Quả thật, Thiên Chúa dành khối tình rất đặc biệt cho chúng ta, vì thế Ngài cũng muốn chúng ta phải sống “khác người” – khác theo nghĩa tích cực chứ không tiêu cực, và còn phải ghi nhớ điều này: “Chính NHỜ Ngài, VỚI Ngài và TRONG Ngài.”
Rất mong manh giữa làn ranh sinh – tử, cũng tương tự đối với khoảng hên – xui, may – rủi, sướng – khổ,... Cái gì cũng có “cái giá” nhất định, và giá đó rất đắt. Có vậy mới là “lột xác” để có thể thoát tục. Trong khi đại dịch hoành hành, cái may – rủi như một phương trình kỳ diệu.
Theo truyền thông xã hội, anh Nguyễn Thanh Tòng (P.3, Q.11, Saigon) thấy anh chạy Grab ngồi khóc, anh hỏi lý do thì anh chạy Grabcho biết rằng anh đi giao hàng mà bị lừa mất chiếc Wave. Anh Tòng nói: “Xe mất rồi, có khóc cũng không lấy lại được. Anh cho em chiếc xe SH150 nhập của Ý này chạy Grab đỡ.” Anh lấy hết giấy tờ xe, bảo hiểm, chìa khoá,... giao cho anh Grab. Anh còn nói sau dịch, nếu cần sang tên thì quay lại gặp anh để làm giấy sang tên, nhưng anh Grab nói sẽ không sang tên, muốn giữ làm kỷ niệm. Hai vợ chồng anh Tòng có cách nói chân thành, không tỏ vẻ kiêu kỳ. Anh cho biết rằng anh không giàu, cũng làm lụng vất vả, hằng ngày anh vẫn sử dụng chiếc SH, nhưng anh cảm thương anh Grabnên muốn giúp thôi.Hai vợ chồng anh Tòng đã thực sự thoát tục, vì họ không nặng lòng dính bén vật chất.
Một trường hợp khác là chị Huệ.Chị cũng là người thoát tục. Chị vất vả kiếm sống, có lúc đã phải ngủ gầm cầu, nhưng thấy người ta chạy dịch về quê xa xôi, chị không thể cầm lòng nên đích thân chị đã đứng trao tờ 500.000 đồng tận tay cho mỗi người đi xe máy. Số tiền chị cho đi tính ra cả trăm triệu đồng tiền Việt. Dù đã kiếm được nhiều tiền, nhưng chị Huệ vẫn ăn mặc giản dị, với đôi dép tổ ong cũ kỹ.
Lạy Thiên Chúa uy linh toàn năng, xin giúp chúng con không nặng lòng về vật chất, để trong mọi hoàn cảnh, dù ở đỉnh Tabor hay Canvê, chúng con vẫn vững lòng tín thác, luôn tin mến Ngài hết lòng, biết lắng nghe và thi hành lời dạy của Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU