Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Niềm Hy Vọng Và Lòng Biết Ơn Đầu Năm

Tác giả: 
Lê Quang Vinh

 

 

NIỀM HY VỌNG VÀ LÒNG BIẾT ƠN ĐẦU NĂM MỚI

 

 

           Nếu Tết cổ truyền Việt nam được hiểu như thơ xưa: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây  nêu tràng pháo bánh chưng xanh” thì chắc hương vị Tết chẳng còn lại bao nhiêu. Thế nhưng cái tinh thần của ngày Tết thì khó có thể thay đổi dù cuộc sống đã khác xưa rất nhiều.

 

           Tinh thần của ngày Tết cổ truyền chắc chắn là lòng biết ơn và niềm hy vọng. Hai giá trị ấy được diễn tả qua hành động, lời chúc, màu sắc và âm thanh trong ngày Tết. Các món ăn, các vật trang  trí và trò vui ngày Tết thay đổi theo thời gian, nhưng các giá trị của ngày Tết thì vẫn mãi trường tồn.

 

           Điều đặc biệt là lòng biết ơn và niềm hy vọng được diễn tả trong Tết cổ truyền Việt nam cũng là hai giá trị được đề cao trong Tin Mừng của Nước Chúa. Khi người ta đi tìm cội nguồn văn hoá của bất cứ dân tộc nào, người ta cũng nhận ra các giá trị của Tin Mừng.

 

           Thiên Chúa khôn ngoan và đầy lòng yêu thương đã thổi vào mọi nền văn hoá và mọi tâm hồn những ý thức sâu sắc, sống động để con người có thể tìm gặp Ngài là nguồn mạch yêu thương nơi chính môi trường mà Ngài đặt họ vào trong đó.

 

           Chính điều ấy tự nó đã diễn tả một niềm hy vọng cho con người.

 

           Niềm hy vọng của dân Việt được diễn tả qua màu sắc đa dạng trong dịp Tết, nhất là màu xanh của các loại bánh, hoa quả trái, lá cây phong phú được chưng bày. Các màu ấy được gom lại trong những lời chúc Xuân thiết tha chân thành.

 

           Lòng biết ơn của người Việt trong dịp Tết được biểu lộ rõ ràng qua việc thờ cúng trong văn hoá dân gian. Tế lễ Trời, đưa Táo quân về Trời, rước ông bà... là những cách diễn đạt đơn giản lòng biết ơn Thiên Chúa Tạo Hoá và biết ơn ông bà tổ tiên.

 

           Trong năm mới Nhâm Thìn, năm của con rồng này, vị Đại Diện Chúa Kitô từ ngai toà Phêrô ở Thánh Đô Vatican hướng về các dân tộc Á Đông với lời chúc thật đặc biệt: “Cầu chúc tất cả các dân tộc ấy một năm mới thực sự ghi dấu công lý và hòa bình, đem lại sự xoa dịu cho người khổ đau; tôi đặc biệt cầu chúc cho các bạn trẻ, với lòng hăng hái và sự thúc đẩy của lý tưởng, có thể cống hiến cho thế giới một niềm hy vọng mới.”

 

           Những người khổ đau và những người trẻ chắc chắc mang trong tâm hồn mình rất nhiều lòng biết ơn và niềm hy vọng. Trong thời đại này, niềm hy vọng của họ hướng về công lý và hoà bình. Có thể những người lớn tuổi và chưa bao giờ thật sự phải gánh chịu những đau khổ, không cảm được nhiều lắm về khát vọng công lý và hoà bình. Nhưng người trẻ và người đã đi qua những nỗi khổ đau thì khác. Họ hiểu vì họ sống chính niềm hy vọng ấy.

 

           Đức Thánh Cha hẳn đã nhìn thấy, suy tư, thao thức và cầu nguyện nhiều cho các dân tộc Á đông, cho nên ngài mới có những lời cầu chúc xoáy vào chính nỗi niềm của người dân nơi đây như thế.

 

Một năm đã đi qua với quá nhiều những điều đáng nói, đáng buồn, đáng lo, và cũng với nhiều tín hiệu của hy vọng. Năm mới đang đến sẽ mang lại công lý và hoà bình cho chúng ta như lời chúc của Đức Thánh Cha hay không? Điều đó còn tuỳ cách con người hành động và tuỳ vào lời cầu nguyện của chúng ta.

 

Có người cho rằng chỉ lên tiếng thôi thì chưa đủ, còn phải hành động. Nhưng phải hiểu rằng nguyên việc lên tiếng nói đã là hành động thiết thực. Ai cũng câm lặng để chờ người khác làm gì đó cho công lý và hoà bình thì cuối cùng công lý ấy và hoà bình ấy cũng câm lặng đi xa.

 

Suy nghĩ thêm một chút, có lẽ chúng ta nhận thấy rằng lòng biết ơn mang trong lòng nó niềm hy vọng. Lịch sử dân Israel cho chúng ta thấy một kinh nghiệm rõ nét: khi Dân biết ơn Đấng kêu gọi họ thì họ cũng dạt dào hy vọng vào ngày Đức Chúa cứu thoát. Ngày nào họ vô ơn, cứ tiếc củ hành củ tỏi ở Ai cập thì ngày ấy họ mất phương hướng.

 

Dân Chúa và nhân loại nói chung ngày hôm nay cũng hoàn toàn sống kinh nghiệm ấy của lịch sử. Trong giai đoạn mà cả một đoàn người đứng lên hô hào cho bạo lực và sự chết, loại trừ Thiên Chúa và quên công ơn của Ngài thì nỗi thất vọng ê chề cứ lan xa lan xa.

 

Ngày đầu năm, suy tư về ý nghĩa sâu xa của ngày Tết, chúng ta nhìn thấy con đường mọi người đang bước đi. Con đường ấy đòi mọi người bước lên với “lòng hăng hái và sự thúc đẩy của lý tưởng” như Đức Thánh Cha dạy.

 

Và như vậy, chúng ta tin rằng lời nguyện trong Thánh Lễ sáng mùng một Tết sẽ được Thiên Chúa chấp nhận: “Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, trong ngày đầu năm mới chúng con họp nhau đây để dâng lời chúc tụng ngợi khen Chúa. Cúi xin Chúa mở lượng hải hà, ban cho hết mọi người chúng con trong năm Nhâm Thìn được bình an mạnh khỏe, càng thêm tuổi càng thêm nhân đức hầu đáng hưởng phúc lộc dồi dào.”

 

 

­­­­­­   Gioan Lê Quang Vinh