Số 33: Kiên nhẫn và bao dung
Số 33: Thức Ăn Nhanh cho Tâm Hồn (The Fast Food for The Soul)
by Fr. Quảng Trần, C.Ss.R.
“Sợ rằng khi nhổ cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt” (Mt 13:29)
KIÊN NHẪN và BAO DUNG
Nếu người nào biết tiếng Hán Nôm thì biết rằng chữ NHẪN bao gồm bộ ĐAO ở trên và chữ TÂM ở dưới. Điều này ám chỉ rằng mỗi khi ta cần Kiên Nhẫn không khác gì như một nhát dao đang đâm vào trái tim ta. Nhưng kiên nhẫn là điều kiện để ta chịu đựng những gian nan xảy đến trong cuộc đời của ta.
Bao Dung (đọc ngược là Bung Dao): Nếu kiên nhẫn là chịu đựng những nhát dao đâm vào mình thì bao dung là tấm lòng mở ra đối với những sai lầm của người khác. Bao dung không phải là bung dao ra để làm người khác đau, mà là nhận những vết dao của người khác đâm mình, và cảm thông với những sai lầm, những nỗi đau của người khác.
Thái độ của người Kiên Nhẫn và Bao Dung là biết chờ đợi khi chúng ta bất lực trước những bất công trong cuộc đời, chời đợi ý định NHIÊM MẦU mở ra trên cuộc đời của ta. Vì Thiên Chúa có thể “viết thẳng trên những đường cong”. Thiên Chúa còn biết Kiên Nhẫn và Bao Dung với ta và với mọi người. Tại sao ta lại mất Kiên Nhẫn và Bao Dung khi những sự việc xảy ra không vừa ý ta? Học trò mời mọi người cùng đọc câu chuyện sau:
Truyện kể rằng có thầy ẩn tu nọ tên là Cébastien thường đến cầu nguyện tại một nhà nguyện vắng vẻ trên núi. Trong nhà nguyện này dân chúng tôn kính một tượng thánh giá với tước hiệu là “Tượng Chúa ban ơn”. Thấy dân chúng có lòng tin thường tới cầu xin ơn lành, thầy Cébastien cũng thêm lòng tin cậy. Một hôm, nhân lúc vắng người, thầy đến quỳ gối trước tượng thánh giá và đơn thành khẩn nguyện:
“Lạy Chúa, con ước ao được chia sẻ đau khổ với Chúa, xin cho con được thế chỗ Chúa trên thập giá”.
Rồi thầy quỳ yên lặng, mắt đăm đăm nhìn lên thánh giá mong được đáp lời. Một lúc sau thầy nghe như từ trên thánh giá có tiếng phán bảo:
“Được, Ta bằng lòng để con thế chỗ Ta trên thập giá, nhưng với một điều kiện duy nhất là bất cứ điều gì xảy ra, tai con nghe gì, mắt con thấy gì, con đều phải giữ im lặng không được nói năng gì hết”.
Thầy Cébastien đã hứa, và được Chúa Giêsu cho lên thế chỗ Ngài trên thập giá. Ngày qua ngày, dân chúng vẫn đến quỳ trước tượng thánh giá cầu nguyện. Nhưng không ai hay biết về việc thế chỗ đổi ngôi giữa Chúa Giêsu và thầy Cébastien.
Một hôm có người đến quỳ cầu nguyện. Xong, ông đứng dậy ra về bỏ quên lại dưới ghế cái túi đầy những đồng tiền vàng. Thấy vậy, thầy vẫn yên lặng. Một lúc sau có người nghèo đói vào nhà nguyện. Ông ta vui mừng trố mắt nhìn túi tiền tưởng là của Chúa ban cho, rồi xách túi tiền ra đi. Kế đó có chàng thanh niên vào quỳ gối khẩn nguyện xin ơn che chở vì phải xuống tàu đi xa. Chàng thanh niên vừa ra khỏi nhà nguyện thì gặp người phú hộ trở lại tìm túi tiền. Không thấy đâu, ông nghĩ là chàng thanh niên đã lấy trộm, nên điệu chàng đến trình cảnh sát. Không cầm lòng được nữa, từ trên thập giá, thầy Cébastien hô lớn tiếng:
“Đứng lại!”;
Mọi người ngạc nhiên dừng lại, và thầy phân trần sự việc. Sau đó người phú hộ ra đi tìm người nghèo đói để lấy lại túi tiền và chàng thanh niên cũng vội vã ra đi cho kịp chuyến tàu. Khi không còn ai trong nhà nguyện, Chúa Giêsu lên tiếng phán bảo thầy Cébastien:
Con hãy xuống ngay khỏi thập giá! Con không xứng đáng thế chỗ cho Ta, vì con đã không biết giữ im lặng như lời con hứa.
Thầy Cébastien vội vã phân trần:
Nhưng lạy Chúa, làm sao con có thể chịu đựng được cảnh bất công đó?
Lời bình: đã bao lần ta có phản ứng như ông thầy Cébastien trong câu chuyện trước bất công của mình và của người khác?
- Loại bài viết: