Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Nếu tôi là - Một trẻ nhỏ đã giáng sinh cho chúng ta.

Tác giả: 
Q. Vũ

Thứ bảy 25/12/21. Lễ Giáng Sinh.

“Nếu tôi là”.

 

Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng Sinh trong thinh lặng, khó nghèo, bình thường như mọi người khi gặp cảnh khó khăn. Tôi tự hỏi sẽ làm gì nếu tôi cùng được sống cạnh Chúa Giêsu khi còn tại thế?

 

- Nếu tôi là những người ở Bêlem lúc Ngài sinh ra: chắc tôi cũng không khác gì họ khi đóng cửa các quán trọ, không muốn cho cặp vợ chồng sắp sinh con với vẻ ngoài nghèo nàn vào trọ. Vì tôi không muốn phiền phức dính vào chuyện của người khác, lỡ ra có chuyện bất thường giữa đêm khuya xảy ra ở nhà mình? Hoặc là cứ để họ đi tìm quán khác, rộng rãi, có dịch vụ tốt hơn cho họ, lúc đó tôi đã bàn giao trách nhiệm cho người khác. Hoặc là quán tôi đã đủ người đặt phòng rồi, và họ là những người lịch sự, giàu có, nên không thể nhường chỗ của họ được. Và nếu tôi là người dân vùng đó hay lỡ gặp đôi vợ chồng sắp sinh con này nhờ vả tìm chỗ trọ, chắc tôi cũng chắc lưỡi trả lời: ‘xin lỗi, tôi không biết, tôi đang bận lắm!’... Tôi lý  luận rằng tôi đâu có biết đó là Thiên Chúa sắp giáng sinh!. Và cuộc sống hàng ngày của tôi bây giờ cũng vậy, tôi thường lảng tránh những điều phiền phức, cho dù đó là việc tốt, nhất là nếu việc đó không phải của tôi. Bao nhiêu người tôi biết, họ đang gặp cảnh khó khăn, cô thân cô thế, nghèo nàn, bệnh tật, kém hiểu biết, tôi cố ý tránh con mắt nhờ vả của họ, và tự nhủ: ‘chắc họ sẽ tìm được người khác giúp đỡ tốt hơn tôi’. Những chuyện như vậy xảy ra nhiều lắm trong đời tôi và tôi quen rồi, chắc chẳng sao đâu. Tôi còn bận rộn với cuộc sống cơm áo gạo tiền chứ!. Và đến một lúc, tôi chợt nghe được câu Chúa nói: “Những gì ngươi không làm cho một trong những kẻ bé mọn nhất của Ta đây, là ngươi không làm cho chính Ta vậy”. Tôi bàng hoàng chạy đi tìm những người trước đây đến nhờ vả tôi mà chẳng được, đã quá muộn, tôi không còn sức lực nữa và có lẽ sắp từ giã cuộc đời...

 

- Nếu tôi là một mục đồng hôm ấy ở Bêlem: tôi đã nghe lời báo của các thiên thần về một hài nhi nào đó mới sinh ra mà gọi là ‘Đấng Cứu Thế’, tôi có thể sẽ nói rằng: thật nhảm nhí, làm gì có chuyện hoang đường ấy, điều tôi nghe thấy có thể chỉ là tiếng gió rì rào trong tán lá, hay là ảo thanh trong lúc tôi đang ngủ sau ngày chăn chiên mệt nhọc, hoặc là lý do mơ hồ nào đó, để từ chối lời báo của thiên thần, và tìm lại giấc ngủ, mặc cho mấy mục đồng khác đi làm chuyện ‘mê tín’ ở Bêlem... Suy nghĩ như vậy chắc cũng không quá đáng, vì tôi vẫn cố tình không nghe lời Chúa trong kinh thánh, trong giáo huấn của Giáo Hội, đó còn quý giá hơn nhiều lần lời các thiên thần. Bao nhiêu người khuyên tôi từ bỏ lối sống xấu xa để nên tốt hơn, tôi cho rằng họ làm sao khôn ngoan hơn tôi mà lên mặt dạy dỗ. Và cứ như vậy, tôi bỏ qua mọi lời cảnh báo, xem thường mọi lời mời gọi đến với Chúa, tiếp tục đắm mình trong sự đời đê mê.

 

- Đã bao lần tôi trách những người ở Bêlem lúc Chúa sinh ra, sao họ quá vô tình và nhẫn tâm từ chối giúp đỡ gia đình Chúa, trách những người luật sĩ, Phariseu chống đối Chúa, trách những người Do Thái vô tình không nhận biết Chúa, trách rằng: “Người đã đến nhà Người, mà gia nhân không đón nhận Người”, trách Phêrô sao chối Chúa, trách Giuđa sao phản bội, và có nhiều lời trách khác nữa. Tôi cũng nói rằng: ‘giá mà tôi ở với Chúa Giêsu lúc đó, thì tôi đâu có để có để có phải cô đơn thất vọng như vậy’. Nhưng thực tế, bây giờ Chúa Giêsu vẫn muốn được sinh ra trong lòng tôi, vẫn muốn được giảng tin mừng cho tôi, vẫn muốn tôi đến với Ngài để được tha tội và ban ơn phúc... Vậy mà tôi vẫn không muốn dọn lòng mình cho đơn sơ như máng cỏ Bêlem, mà chất đầy lòng những tham - sân - si cuộc đời; không muốn đến với Chúa trong Thánh Thể; Tôi ngại xưng tội và sống lời Chúa, tôi thấy mình không khác gì người Do Thái từ chối Chúa Giêsu khi còn tại thế. Và nếu vậy tội tôi nặng hơn họ nhiều, vì tôi biết Chúa Giêsu nhiều hơn họ. “Ai được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều”. Ngày lễ Giáng Sinh, tôi bận rộn lo trang trí hang đá, lo mở tiệc mừng, lo đi tặng quà, chúc giáng sinh tới bạn bè, lo đi nghỉ ngơi, du lịch... Nhưng lại quên lo sống cốt lõi tinh thần yêu thương mà Hài Nhi Giêsu mang lại như lời hát của thiên thần: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, hòa bình dưới thế cho người thiện tâm”.

 

Suy nghĩ như vậy, thay vì trách họ, tôi phải trách tôi, tôi phải sám hối, phải nghe và sống lời Chúa dạy ngay từ bây giờ, kẻo không còn kịp. Xin Chúa giúp con biết nhận ra tình trạng khốn nạn của mình và trở về với Chúa.

 

24/12/21.

Một trẻ nhỏ đã giáng sinh cho chúng ta.

 

Có người nói rằng: Chúa Giêsu sinh ra đời có ý nghĩa gì đối với tôi? Câu hỏi này không phải của những người chống đối, những người không tin, hay những người thuộc tôn giáo khác, mà là của người đã tin vào Chúa, nhưng họ không cảm thấy điều gì khác biệt so với cuộc sống của những người không tin. Họ đang sống trong một xã hội có đầy những bon chen, những bấp bênh của kiếp người trước dịch bệnh, thiên tai, nhân tai... Họ chẳng thấy Thiên Chúa hiện diện ở đâu. Bất công và tội lỗi cứ tràn lan, trong khi lời hứa ban hạnh phúc cho những người thực hành niềm tin vào Thiên Chúa cứ xa vời. Và rồi công việc mưu sinh, các mối quan hệ xã hội, sự tìm kiếm các tiện nghi cho cuộc sống mỗi ngày càng làm cho họ thấy rằng mình phải tự lo cho mình chứ chẳng thể chờ đợi ở một Thiên Chúa nào quá xa xôi. Niềm tin ngày càng phai lạt đến lúc nào đó họ cũng không thấy mình khác người không có đức tin là mấy, chỉ có điều họ biết mình là người có đạo, đã được rửa tội. “Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương!” có lẽ chỉ là một khẩu hiệu ru ngủ, vì mấy khi con người cảm thấy được bình an thực sự?.

 

Nếu ta chỉ nhìn cuộc sống dưới nhãn quan thuần túy nhân loại, thì đúng là như vậy, vì chính Chúa Giêsu khi xuống thế làm người cứu độ nhận loại, thì vẻ ngoài cũng không khác gì một người bình thường, thậm chí phải chấp nhận một cuộc sống nhiều khó khăn thử thách hơn một người bình thường trong chúng ta. Từ khi sinh ra đã bị từ chối của dân riêng Ngài, Hêrôđê tìm cách truy sát phải trốn chạy, sống ẩn dật nơi làng quê Nazaret với công việc thợ mộc của cha nuôi Giuse. Khi ra giảng đạo thì bị chống đối và cuối cùng bị giết trong khổ nhục tột cùng. Làm sao Chúa không chọn một phương thế cứu độ con người dễ dàng và hoành tráng hơn để tất cả mọi người cùng nhận ra Ngài là Đấng Cứu Thế? Sao Ngài lại chọn việc thành lập Giáo Hội như hạt cải để lớn lên, thay vì chỉ trong nháy mắt, bằng một phép lạ nào đấy đủ lớn, có thể quy tụ tất cả muôn loài về một mối? Đơn giản  hơn nếu Chúa Giêsu để lại một pho sách kinh thánh về ơn cứu độ chi tiết và dễ hiểu, thì loài người đâu phải ở trong sự thách đố của việc giải nghĩa bí ẩn của Thiên Chúa? Và nếu suy nghĩ theo chiều hướng đó, ta sẽ lặp lại những lời của lãnh đạo Do Thái xưa khi chế nhạo Chúa Giêsu trên thập giá: “Nó cứ xuống khỏi thập giá bây giờ đi để chúng ta tin hắn liền!”. Không, Thiên Chúa không hành động như suy nghĩ của con người, và chúng ta phải theo cách của Thiên Chúa, không có lựa chọn nào khác. Nếu ta cứ muốn tạo ra một Thiên Chúa theo cách của ta, thì sẽ có rất nhiều kiểu Thiên Chúa khác nhau dưới con mắt của mỗi người.

 

Chúa Giêsu nhập thế làm người là một mầu nhiệm, con người không thể hiểu bằng trí khôn hữu hạn của mình. Vì thế ta thấy cuộc sống phần xác của những người tin vào Thiên Chúa và những người không tin chẳng khác nhau mấy. Khi còn tại thế Chúa Giêsu làm các phép lạ chỉ để chứng minh Ngài là Đấng Thiên Sai thôi chứ mục đích chính là cứu vớt linh hồn con người chứ không phải thân xác họ. Chúng ta đừng mong rằng việc thực hành niềm tin vào Thiên Chúa sẽ đem lại những lợi ích cho cuộc sống vật chất của mình, mà trái lại có khi còn thiệt thòi nhiều nữa. Nhưng bù đắp vô cùng lớn lao là sự sống vĩnh cửu, mà điều này chỉ thấy được bằng con mắt đức tin. Chúa Giêsu sinh ra làm người, chết và phục sinh để cứu chuộc ta, cho ta hy vọng tràn trề vào sự sống vĩnh cửu hạnh phúc này. Nếu Chúa Giêsu không đến thì loài người vẫn lầm lũi trong bóng đêm của sự chết không lối thoát, và khi không có hy vọng nào cho cuộc sống hạnh phúc sau cái chết, thì sẽ rơi vào bế tắc, tuyệt vọng. Những người không có niềm tin, họ chỉ đặt cược hạnh phúc ở đời này, và tìm mọi cách hưởng hạnh phúc theo cách của họ. Dù có tìm cách kéo dài tuổi thọ để hưởng lạc thú cách mấy, thì đối với  họ chết cũng là chấm hết. Thiên Chúa tạo dựng nên ta theo cách của Ngài, và để cứu chuộc ta, Ngài cũng dùng cách của Ngài, chúng ta chỉ có một con đường duy nhất là tin tưởng, phó thác cho sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Cuộc sống bề ngoài của ta là bình thường, nhưng sự cứu độ linh hồn bên trong là một mầu nhiệm, giống như Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ, ai có thể nhận ra được đó là Đấng Cứu Thế, nếu không được Thiên Chúa mặc khải cho?

 

Nếu ai đó nghĩ rằng mình có thể hưởng được cả hai thiên đàng ở đời này và đời sau thì là người khờ dại và tự lừa dối mình. Thiên đàng đời này là sự giàu có và hưởng thụ những tiện nghi thể xác, thì làm sao phù hợp với tiêu chuẩn của thiên đàng đời sau? Chúa Giêsu nói: “Ai yêu sự sống mình ở đời này thì sẽ mất”. Khi làm người, Chúa Giêsu có chọn vinh quang đời này đâu? Ngược lại Ngài chọn con đường nghèo nàn, khổ giá, và Ngài đòi hỏi: “Ai muốn theo Ta thì phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta”.

 

Ngắm nhìn Hài Nhi Giêsu trong  máng cỏ, để nhận ra một tình yêu cứu độ hy sinh tuyệt đối, ta cũng nhìn lại mình trong cuộc sống, phải chấp nhận từ bỏ mọi xa hoa, cám dỗ thế gian, và phải sống như Ngài đã sống. “Các con hãy  yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”. Có như vậy ta mới nhận ra được ý nghĩa của việc Chúa Giáng Sinh làm người quan trọng đối với ta là nhường nào.