Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Gia đình tôi học bắt chước Gia đình Thánh Gia Thất thế nào?

Gia đình tôi học bắt chước Gia đình Thánh Gia Thất thế nào?

(Suy niệm lễ Thánh Gia Thất)

 

Một người lương dân đến xin gặp cha sở họ đạo. Họ đạo của ngài không đông lắm, nhưng có điều khác nhiều họ đạo: gia đình có đạo sống xen lẫn với các gia đình lương dân.

 

Sau vài câu xã giao, anh lương dân hỏi cha sở: Thưa ông, sao thấy mấy gia đình Công giáo, có gia đình thì đi nhà thờ, có gia đình không đi?

 

Cha sở trả lời: chắc ông biết việc sống đạo đi nhà thờ là hoàn toàn tự do. Ai đi thì có phúc. Ai không đi thì chẳng được phúc gì.

 

Anh lương dân trả lời: Anh nói đùng ý tôi quá. Ai sống đạo đi nhà thờ thì có phúc. Như gia đình anh Giang ở gần nhà tôi, Chúa nhật nào cũng đóng cửa gửi nhà cho tôi, đi nhà thờ hết, nên vợ chồng thuận hoàn và làm ăn khá lắm, con cái thì ngoan ngoãn và học hành giỏi giang.

 

Cha sở trả lời: Có, tôi biết gia đình anh chị Giang rất ngoan đạo.

Anh lương dân tiếp: Còn gia đình anh Chóp cũng ở gần nhà tôi. Tôi để ý coi thấy chẳng bao giờ đi nhà thờ, nên nghèo xơ nghèo xác, vợ chồng thì cãi cọ, bất hòa bất thuận, con cái thì bụi đời, phá làng phá xóm. Chính việc đó mà tôi đến xin gặp ông hôm nay đây,...

 

Anh người lương dân nín lặng một lúc rồi nói tiếp, dường như anh muốn làm cho cha sở chú ý nghe anh hơn: Tôi bị mất đồ nhiều lắm. Hôm nay tôi bắt quả tang con anh Chóp. Xin ông kêu nó đến sửa dạy dùm tôi.

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Hôm nay toàn thể Giáo hội mừng lễ Thánh Gia Thất. Tại sao lại gọi là Thánh Gia Thất? Mừng lễ này nhằm giúp chúng ta điều gì? Hay nói đúng hơn chúng ta học được bài học gì qua việc mừng lễ Thánh Gia Thất này?

 

Nói đến Thánh Gia Thất hay Gia đình Nazaret thì chúng ta biết ngay đến Gia đình Thánh trong đó có Thánh Giuse đóng vai trò là người chồng, người cha; Đức Maria đóng vai trò là người vợ, người mẹ trong gia đình; và Chúa Giê-su đóng vai trò là người con.

 

Như chúng ta biết, tại sao gọi Gia đình Nazaret gọi là gia đình Thánh? vì nơi gia đình này có Ngôi Hai Thiên Chúa, là Đức Giê-su Ki-tô, Ngài là Thiên Chúa thật, vì yêu thương loài người, vì muốn cứu độ loài người, nên Ngài đã chấp nhận nhập thể, chấp nhận làm người, mang bản tính con người, giống con người mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi để chia vui, sẻ buồn, sướng khổ của kiếp người.

 

Khi xuống làm người, Ngài cũng được đặt để trong một gia đình, có mẹ là Đức Maria, có Thánh Giuse là cha nuôi. Dù là Thiên Chúa, nhưng khi mang bản tính con người, Ngài đã chấp nhận thân phận làm con trong một gia đình. Ngài đã sống vâng phục cha mẹ thế gian là Đức Maria, Thánh cả Giuse.

 

Có thể khẳng định rằng Gia đình Nazaret là gia đình mẫu mực cho mọi gia đình, vì đây là gia đình thánh, gia đình có Chúa ở cùng. Quả thật, đây là gia đình kiểu mẫu thực sự mà mọi gia đình, mọi thành viên trong gia đình cần quan sát, học hỏi và bắt chước các nhân đức mà các thành viên trong gia đình Thánh Gia đã sống để gia đình luôn tràn ngập niềm vui, hạnh phúc và thuận hòa.

 

Trước hết, với Thánh Giuse: ngài là một người công chính, hiền lành, thánh thiện, luôn luôn sẵn sàng phục vụ vợ con qua công việc thợ mộc của mình. Là người chồng biết tôn trọng vợ của mình. Đặc biệt, thánh Giuse đã sống một đời sống âm thầm lặng lẽ để chỉ biết phục vụ và hy sinh mọi công việc cho gia đình luôn được hạnh phúc. Những đức tính đó không đáng để cho những người chồng, người cha trong gia đình học hỏi và bắt chước hay sao? Có thể nói, chúng ta đang sống trong một xã hội bạo lực gia đình đang hoành hành, đang lên ngôi, vì những người chồng, người cha say sưa rượu chè, cờ bạc; vì những người chồng người cha vô trách nhiệm với vợ với con để chỉ biết tìm thú vui chóng qua, tìm kiếm những gì là lạc thú.

 

Thứ đến, với Đức Maria, Mẹ đã sống hết mực là một người vợ, người mẹ trong gia đình là luôn luôn biết yêu thương, quý mến, biết nói năng dịu dàng dễ thương, biết lắng nghe Lời Chúa qua việc gần gũi với con của mình trong mọi nẻo đường của Đức Giê-su đã đi. Mẹ đã luôn luôn sống âm thầm, tức là suy đi nghĩ lại trong lòng những gì Chúa làm, Chúa nói để chung chia với cuộc sống trần gian của con mình. Nhờ đời sống khiêm nhường, hiền lành đạo hạnh, Mẹ đã giúp cho Giuse chồng Mẹ và cho Chúa Giê-su con Mẹ sống tốt và tràn ngập niềm vui trong gia đình. Điều đó không đáng cho các bà mẹ, các bà vợ học hỏi và noi gương bắt chước hay sao? Cũng có thể nói, ngày nay các gia đình tan nát và bất hòa, con cái hư hỏng và lao vào các tệ nạn, ngoài lỗi của người cha, người chồng, phần lớn là do người mẹ, người vợ vì ăn nói cộc cằn, thô kệch, chửi bởi, gương mù trong cách ăn nết ở, nhất là khô khan nguội lạnh trong đời sống kinh hạt, lễ lạy. Chính vì thế, gương nhân đức của Mẹ Maria phải làm tấm gương sáng chiếu cho hết thảy những ai làm mẹ, làm vợ trong gia đình.

 

Thứ ba, với Chúa Giê-su, Ngài là Con Thiên Chúa giáng trần nhưng Ngài đã sống xứng đáng là một người con trong gia đình nhân loại. Nghĩa là Ngài luôn luôn vâng lời, hiếu thảo, ngoan ngoãn với Thánh Giuse và với Mẹ Maria. Ngài đã luôn luôn cầu nguyện và sống phục vụ trong mọi nơi mọi lúc. Là những con trong gia đình, chúng con được mời gọi hãy sống như Chúa Giê-su đã sống là hãy siêng năng học hành, vâng lời cha mẹ, tránh các tệ nạn như rượu chè bê tha, lười biếng, trộm cắp, mất nết, chửi tục nói thề, ham chơi, nghiện ngập Games, lãng lách, đua xe,...khô khan, bỏ lễ, nhác đọc kinh,...

 

Thiết tưởng, gia đình Nazaret được gọi là gia đình thánh vì luôn có Chúa ở cùng. Cũng vậy, để gia đình luôn tràn ngập tình yêu thương, trên ấm dưới êm, hạnh phúc lan tràn, tiếng cười rồn rã,...thì gia đình cần có Chúa ở cùng. Vì thế, mỗi gia đình, mỗi thành viên trong gia đình cần siêng năng đến gặp gỡ Chúa qua các giờ kinh sáng tối, qua thánh lễ mỗi ngày, nhất là lễ Chúa nhật.

 

Lạy Thánh Gia, các ngài đã sống tình yêu đích thực trong gia đình, xin cho chúng con cũng biết noi gương các ngài để mỗi thành viên trong gia đình luôn biết yêu thương, nâng đỡ và phục vụ lẫn nhau để chúng con luôn biết giới thiệu một Thiên Chúa Tình Yêu cho tất cả mọi người chung quanh. Amen.

 

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương