Số 61: Những nỗi sợ hãi
Số 61: Thức Ăn Nhanh cho Tâm Hồn (The Fast Food for The Soul)
by Fr. Quảng Trần, C.Ss.R., on Monday, May 25, 2015.
“Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì các ông SỢ NGƯỜI DO THÁI. Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói: Bình an cho các con” (Ga 20: 19)
NHỮNG NỖI SỢ HÃI
Cuộc đời chúng ta có rất nhiều nỗi sợ hãi. Có những nỗi sợ hãi đến từ sâu thẳm của thân phận làm người: sợ chết, sợ bị tai ương hoạn nạn, sợ bị bệnh tật… Có những nỗi sợ hãi đến từ những hoàn cảnh cụ thể như sợ thi rớt, sợ bị thất bại trong một cuộc phỏng vấn nào đó… Có những nỗi sợ hãi rất vu vơ như sợ hãi khi ở độ cao, sợ bóng tối… và cả sợ ma nữa…
Nỗi sợ hãi (fear) khác với nỗi lo lắng (anxiety or dread). Đối tượng của nỗi sợ hãi là những gì cụ thể, còn đối tượng của lo lắng thì không cụ thể. Lo lắng có những trường hợp là tốt, là hữu ích, nhưng sợ hãi luôn là điều không tốt, là nguy hại. Vì đối tượng của sợ hãi là cụ thể, ta có thể nêu đích danh điều làm ta sợ hãi để tìm cách khắc phục hoặc tiễu trừ chúng. Ví dụ: Các môn đệ sợ những người Do thái. Tại sao các ông sợ người Do thái, vì các ông dính dự với Đức Giêsu. Người Do thái đã giết Đức Giêsu thì chắc chắn cũng muốn làm hại các đồng bạn của Ngài, nên các tông đồ sợ. Nhưng khi biết người Do thái, và mọi thế lực thần chết không thắng nổi Chúa Giêsu – Ngài đã Phục Sinh, đang ở giữa các ông, dù cửa có đóng kín then cài thì nỗi sợ người Do thái nơi các ông tiêu tan.
Khi biết được nguyên nhân của sợ hãi và tìm cách khắc phục hay chữa trị nguyên nhân đó thì nỗi sợ hãi đó biến mất và bình an lại đến. Bình an không phải không có khó khăn, gian khổ, mà là làm sao sống giữa những thứ đó mà vẫn bình an. Cuộc đời chúng ta chắc chắn có nhiều khó khăn, quan trọng là giữa những khó khăn, giữa những sợ hãi ấy ta có để cho Chúa, Đấng làm chủ, điều khiển mọi sự đến đập tan những nỗi sợ hãi đang dày vò ta không?
Ngày xửa ngày xưa có một vị vua treo giải thưởng cho nghệ sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp nhất về sự bình an. Nhiều hoạ sĩ đã cố công vẽ những bức tranh tuyệt đẹp để trình lên vua. Nhà vua ngắm tất cả các bức tranh đó nhưng chỉ thích có hai tấm và ông phải chọn lấy một.
Một bức tranh vẽ hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng mịn màng. Tất cả những ai ngắm bức tranh này đều cho rằng đây là một bức tranh bình an thật hoàn hảo.
Bức tranh kia cũng có những ngọn núi nhưng những ngọn núi này trần trụi và lởm chởm đá. Ở bên trên là bầu trời giận dữ đổ mưa như trút kèm theo sấm chớp. Đổ xuống bên vách núi là dòng thác nổi bọt trắng xoá. Bức tranh này trông thật chẳng bình an chút nào.
Nhưng khi nhà vua ngắm nhìn, ông thấy đằng sau dòng thác là một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt của một tảng đá. Trong bụi cây một con chim mẹ đang xây tổ. Ở đó, giữa dòng thác trút xuống một cách giận dữ, con chim mẹ đang an nhiên đậu trên tổ của mình… Bình an thật sự!
Nhà vua công bố: “Ta chấm bức tranh này! Sự bình an không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không khó khăn, không cực nhọc. Bình an có nghĩa ngay chính khi đang ở trong phong ba bão táp ta vẫn cảm thấy sự yên tĩnh trong trái tim. Đó mới chính là ý nghĩa thật sự của bình an”.
Suy nghĩ và hành động: Đâu là nỗi sợ hãi đang vây bủa tôi? Tôi có thể đọc tên của chúng được không? Tôi tìm phương pháp nào, hay ai giúp để diệt những nỗi sợ hãi này?
- Loại bài viết: