Sống di chúc : Yêu như Thầy yêu
Thánh Lễ Tiệc Ly- 2023:
SỐNG DI CHÚC: YÊU NHƯ THẦY YÊU
(Ga 13, 1-15)
Đầu lễ: Trong bữa Tiệc ly, trước khi Chúa Giêsu ra đi chịu chết Chúa đã trăn trối cho chúng con ba báu vật vô cùng cao quý, làm nền tảng và làm nguồn sống cho đời sống kitô hữu. Đấy là Giới luật mới Yêu Thương: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em; Bí tích Thánh Thể và gắn liền Bí tích cực trọng ấy là Bí tích Truyền chức.
Là người con hiếu thảo trong Gia đình Mẹ Hội Thánh, mỗi người chúng ta nhờ ơn Chúa xin cho ta sống được- sống hăng say và sung mãn Lời Di chúc của chính Chúa Giêsu: Say mê Chúa Giêsu Thánh Thể, siêng năng Rước lễ; Sống đời Thánh thiện- hiến tế qua chu toàn trách nhiệm, nêu cao gương đạo đức; nhất là giữ được Giới răn mới: Yêu như Chúa Yêu.
Chia sẻ:
Thánh Lễ Chiều Thứ Năm Tuần Thánh- bước vào Tam Nhật Vượt qua được gọi là Thánh lễ Tiệc Ly, bữa ăn cuối cùng của Thầy Giêsu với 12 Tông đồ trước khi bước vào cuộc Vượt qua Tử nạn Thập giá và Phục Sinh vinh quang.
Như thế, bữa ăn cuối- Thánh lễ Tiệc ly này rất quan trọng, những chia sẻ, bộc bạch của Thầy Giêsu được coi như những lời trăn trối, như di chúc. Di chúc không chỉ nói nên điều quan trọng nhất mà người sắp đi xa hằng ôm ấp, hằng khao khát và muốn người ở lại tiếp nối mà còn có giá trị thiêng liêng, không thể không tuân giữ, nhất là đối với người con thảo hiếu.
Trong bữa ăn cuối- Tiệc Ly Thầy Giêsu cũng để lại Ba báu vật cao quý- như Ba lời trăn trối- lời Di chúc: Giới luật Yêu thương – Yêu như Thầy yêu (1)- Bí tích Thánh Thể (2) và gắn liền Bí tích Thánh Thể là bí tích Truyền chức Thánh (3).
Điểm trung và nổi bật ba món quà cuối cùng mang tính di chúc là Tình yêu, diễn tả Tình yêu đến cùng của Chúa Giêsu, không phải Tình yêu chung chung, mà là yêu như Thầy yêu. Thầy ở đây là Chúa Giêsu.
Như thế, Tình yêu Kitô giáo, Tình yêu đem lại cho ta ơn Cứu độ chính là Tình yêu Chúa Giêsu. Và chính Chúa Giêsu là tiêu chuẩn, là nền tảng, là mục đích cho việc sống Bác ái Kitô giáo, làm cho Tình yêu người môn đệ theo Chúa Giêsu có giá trị, làm thăng hoa Tin mừng…
Có lần cà phê hội ngộ với các bạn thời sinh viên, bất ngờ cô bạn vốn là Phật tử ăn chay trường, hiện là Nhà thơ- Nhà Văn... có tiếng tặng tôi quyển sách mới tái bản, tựa ‘Yêu Thương là Tự do’, tuyển tập tản văn những bài viết hay từ những điều bình dị trong đời sống gia đình nhưng có chiều sâu chất lượng, gợi nhiều suy tư[1]…
- Tựa sách Bạn chọn thẫm đẫm tinh thần Kitô giáo…
- Thế á !…
- Nhờ trải nghiệm sống động cùng Ngôi Lời Nhập Thể là người - làm người, các Tông đồ, cụ thể Tông đồ Gioan khám phá và đưa ra định nghĩa ‘Thiên Chúa là Tình yêu’.
Đúng thật, có Chúa Tình Yêu là có Tự do, Tự do đích thực…
Tôi trao đổi Tự do…
Theo Công giáo hiểu tự do là một ‘quà tặng Tạo dựng’- là cái đã nằm trong cấu trúc tạo dựng, nằm trong bản chất Con người, cho thấy rõ hơn Con người một thụ tạo vượt trội trên các Thụ tạo hữu hình khác vì được dựng nên giống Hình ảnh Thiên Chúa, làm nên giá trị Con người nhân Linh. Tự do là sức mạnh để tăng trưởng và trưởng thành trong Chân lý và điều Thiện… Ta chỉ hưởng được Tự do đích thực nếu biết sống phục vụ điều Thiện và Chân lý… Ai sống tốt, làm lành lánh dữ người đó càng trở nên Tự do. Điều này cũng có nghĩa khi làm điều xấu ta mất Tự do và rơi vào nô lệ tội lỗi, cho sự dữ, đồng nghĩa ‘nô lệ cho ma quỷ’[2].
Tác giả có vẻ thích thú ý tưởng ‘Tự do đích thực’ trên.
- Cha nói đúng, ‘Yêu thương là Tự do’ ý em không phải sống bừa bãi, phóng túng, bất chấp…
Vấn đề ‘Yêu thương là Tự Do’ hay ‘Yêu sao để có tự do’ ?
Yêu Thương- Tình Yêu thuộc về bản chất Kitô giáo chính là nhất chuẩn quyết định số phận đời đời lên Trời hay xuống Hỏa ngục nơi Tòa phán xét; là khát vọng thao thức của người sống đạo đức hàng ngàn ngàn năm trước, muốn cuộc đời có ý nghĩa giá trị ngay tại thế…
Đấy chính là- đối với Luật Môisen (Do Thái giáo, Cựu ước) Điều răn quan trọng nhất trong một rừng luật quan trọng trên 600 điều cấm và phải làm[3] (x.Mt 22,34-39)
Đây chính là Điều Răn mới đệ nhất Thầy Giêsu trăn trối trong bữa Tiệc ly. Cái mới chính là ‘Yêu như Chúa yêu’.
Đây chính là dấu chỉ nhận ra người Môn đệ đích thực của Chúa Giêsu. ‘Cứ dấu chỉ này người ta nhận ra anh em là môn đệ Thầy là anh em hãy Yêu thương nhau’…
Và đấy chính là thao thức của Người Thiện tâm…
Một nhà Thông luật Do Thái giáo đến hỏi Thầy Giêsu: Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?
Chúa Giêsu đồng ý: Giữ luật Yêu Thương- Mến Chúa yêu người. Người đưa hình ảnh người Samaria nhân hậu để cho thấy Lòng Yêu Thương không có giới hạn, không phân biệt chủng tộc, giai cấp… Mọi người đều có thể là Anh Chị Em, trở nên người thân cận. Và mời gọi: Hãy làm như Người có Lòng thương xót! (x.Lc 10, 25-37)
Một Thanh niên đại gia đến tìm Tôn Sư Giêsu mong tìm được con đường trọn lành: Con phải làm gì để được sự sống đời đời?
Sau khi biết ăn sống tốt Thập giới, vẫn khắc khoải… Chúa Giêsu đưa ra con đường mang tính ‘phẫu thuật’ để thanh thoát với của cải trần gian: Cho người nghèo hết của cải rồi đến làm Môn đệ Người (Mt 19,16,22). Làm môn đệ Người là sống yêu thương,‘yêu như Chúa yêu’ và sẽ có Tự do, thanh thoát với cuộc đời.
(Rất tiếc chàng Thanh niên này chưa có đủ Tình yêu- đủ can đảm để hưởng Tự do; Chàng vẫn còn nệ thuộc- nô lệ cho tiền bạc và bị chúng cản bước thăng tiến trên đường trọn lành ngay tại đời này)
Và thánh Phaolô quả quyết: Yêu thương là chu toàn Lề luật (x. Rm 13,10).
Thánh Tông đồ Gioan tuyên bố:
'Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa.
Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa.
Ai không Yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu’. (1Ga 4, 7-8).
Tôi muốn dẫn chứng nhiều căn cứ Kinh Thánh để thấy tầm quan trọng của Tình yêu Kitô giáo.
Nhưng xin phép đặt lại vấn đề- Yêu sao để có Tự Do ?
Xét về mặt luân lý (tốt-xấu; tội- không tội) Tình Yêu chân chính đưa đến Tự Do khi mà mục đích phương tiện cùng chiều, đều tốt.
Không có chuyện mục đích biện minh cho phương tiện. Chẳng hạn, mục đích vì yêu thương giúp người nghèo, ta đi ăn trộm, hoặc cờ bạc, hoặc gian tham…
(Thực tế cho thấy nhiều nơi đã đang và trả giá qua mắc vì mục đích giải phóng dân tộc mà bất chấp phương tiện kích động thù hận giai cấp, bạo lực cách mạng, tuyên truyền giả dối…).
Càng không thể phương tiện biện minh cho mục đích. Mục đích xấu nhưng cách ta làm thì tốt lắm… Đây là hình thức lừa đảo. Việc ‘nịnh’ xem ra đang rất phổ biến và đang tìm được mảnh đất phì nhiêu nơi quan trường, thăng tiến xã hội... nguy hiểm đến độ giới lãnh đạo cao cấp nhất nước còn ra văn bản ‘cấm nịnh’, loại kẻ nịnh ra khỏi ứng cử đại biểu (đấy là trên mặt lý thuyết, còn thực tế thế nào thì phải xem quả biết cây; hoặc nói theo đúng định hướng Macxit về ‘con đường nhận thức chân lý: Từ trực quan sinh động…)
Chúa Giêsu gọi chung là ‘đạo đức giả’ hoặc giả hình. Mà Người rất ghét và lên án nặng nề thói đạo đức giả, bởi Người rõ biết hơn ai hết sự giả dối thuộc về ma quỷ, cội nguồn từ ma quỷ. Và như thế, nó làm băng hoại lương tâm nhanh nhất, vong thân nhanh nhất, Nguy hiểm hơn, chiến thắng bởi tâm tà- lừa đảo- bạo lực dễ làm ta vong thân vì kiêu ngạo, hoang tưởng, rất sợ rất ghét Minh bạch- Sự thật[4].
Chúa Giêsu nói rõ hơn ‘tiêu chuẩn’ để có Tự do là yêu thương đích thực cần phải có Công Lý Sự thật. Ngài tuyên bố; ‘Sự Thật sẽ giải phóng anh em’. “Giải phóng’ tức giúp con người thoát khỏi nô lệ đưa đến chân trời tự do… Mà Sự thật ở đây chính là Chúa. Ngài tuyên bố: ‘Ta là Đường là Sự thật và là Sự sống’. Chúa Thánh Thần- Ngôi Ba Thiên Chúa được gọi là Thân Chân lý…
Yêu có Tự do là yêu như Chúa Giêsu yêu, hiền lành và khiêm nhường, điều Thầy Giêsu minh nhiên đòi hỏi các Môn đệ học nơi mình và nhờ đó Tâm hồn được an nghỉ dẫu cuộc sống vẫn còn nhiều sóng gió bao quanh vùi dập.
Yêu như Chúa thì không có kẻ thù, tha thứ kẻ làm hại mình, không có chuyện tích tụ ghen ghét, giận hờn… Cứ tích tụ năng lượng xấu này rồi có lúc vón thành cục, thành khối u… và sẽ có kẻ thù, khó mà tha thứ…
Tôi chưa nói đến đời sau, đời này cứ căm thù, căm thù đến mức truyền kiếp, mãi mãi căm thù, tạc ghi trên bia đá… thì sao có ‘Yêu thương là Tự do’ được; nhìn đâu cũng kẻ thù, nhìn ai cũng phản động, sống đố kỵ, nghi ngờ… thì đâu phải đợi đời sau, đời nay đã nếm cảnh hỏa ngục….
Nói tóm lại: Chúa Giêsu chính là mẫu chuẩn để ta biết rõ, biết chắc Yêu sao để có Tự do.
Theo Chúa Giêsu. Yêu như Thầy Giêsu yêu, đời này có Độc lập- Tự do- Hạnh Phúc và đời sau chắc vé vào Nước Trời, điều mà thánh Phaolô nói- Quê hương đích thực.
Tình yêu đưa đến Tự do đích thực cũng có nghĩa giải phóng ta khỏi sợ hãi… Cái đáng sợ nhất là sự chết, mà bây giờ ta coi chết thành mối phúc nhờ biết sống là Chúa Giêsu Kitô, thì còn gì đáng sợ trên cõi đời này này nữa.
‘Ở đâu Tình Yêu thống trị ở đó có toàn điều tốt đẹp’ (Chị Thánh Faustina, Nhật ký Lòng Chúa Thương Xót).
* Xin kết luận bằng Bài Ca Đức Ái của Thánh Phaolô:
“Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có Đức Mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói Tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả Đức Tin đến chuyển núi dời non, mà không có Đức Mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có Đức Mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.
Đức Mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn. Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn. Khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi. Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con. Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi. Hiện nay đức tin, Đức Cậy, Đức Mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là Đức Mến” (1Cr 13, 1-13).
Lm. Đaminh Hương Quất
[1]x.Báo Phụ Nữ- ‘Yêu Thương Là Tự Do’,
https://www.phunuonline.com.vn/yeu-thuong-la-tu-do-a118682.html
[2]x. Sách giáo lý của Hội thánh Công giáo, s.1731-1748; Joseph Ratzinger- Đức Giáo hoàng Benedicto XVI, Thiên Chúa và Trần Thế, Phạm Hồng Lam dịch, Nxb Tôn giáo-2014, tr.94-96
[3] x.Theo truyền thống Do Thái có 613 điều răn, trong đó có 365 điều cấm; 248 điều phải làm (‘Yêu thương là chu toàn Lề luật’- http://hoidongxitothanhgia.com/gioi-thieu/yeu-thuong-la-chu-toan-le-luat-2035.html)
[4]x.‘Lương tâm còn áy láy là không sợ sa hỏa ngục’ http://conggiao.info/luong-tam-con-ay-lay-la-khong-so-sa-hoa-nguc-d-39899