Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Những người vợ về nguồn trong đời sống hôn nhân gia đình

Tác giả: 
Trần Mỹ Duyệt

NHỮNG NGƯỜI VỢ VỀ NGUỒN TRONG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN GIA ĐÌNH

Trần Mỹ Duyệt

 

 

Nếu có dịp đọc tác phẩm “The Surrendered Wife” (Người Vợ Về Nguồn) của Laura Doyle [1], thì cũng giống như phần lớn các độc giả, bạn sẽ bị thu hút vào một cuộc tranh chấp nội tâm: tán thành hoặc phản đối nội dung và triết lý được tác giả trình bày trong đó.

 

Trong khi cao trào về nam nữ bình quyền, về nữ quyền đang được đề cao mà có ai đó nói rằng đã đến lúc chị em phụ nữ cần dừng lại để xem xét lại những gì mình đã làm, đã đòi hỏi liệu có đem lại hạnh phúc hôn nhân cho mình, cho người phối ngẫu, và cho gia đình hay không thì chắc chắn sẽ bị nhiều người lên tiếng phản đối, và cho rằng đó là một hình thức tụt hậu, một sự quay về với quá khứ thiệt thòi và thua lỗ của phụ nữ. Nhưng một ý tưởng về nguồn trong vai trò làm vợ và làm mẹ của người phụ nữ với ý nghĩa trung thực và trưởng thành có phải là điều nên làm hay không?

 

Trong quá khứ với quan niệm “chồng chúa vợ tôi”, quan niệm “trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng”, hoặc “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” không phải chỉ là một sự thua thiệt, tủi hổ cho giới phụ nữ, mà đúng hơn, đó là một sự xỉ nhục và đáng xấu hổ của những đầu óc thủ cựu và những cái tôi vô lý của giới đàn ông nữa, vì họ đã tự cho mình quyền được sai khiến, khống chế, và làm chủ phụ nữ. Nhưng tất cả đã là quá khứ, những quan niệm và lối sống ấy họa chăng chỉ còn tồn tại ở các nước kém mở mang, những nước còn đang bị cai trị bởi những đầu óc nặng về giáo điều như ở một số quốc gia mà nơi đó phụ nữ không được đi học, không được lái xe, không được đi ra đường một mình, hoặc phải trùm đầu, phủ kín mặt. Hồ Xuân Hương (胡春香,1772 - 1822) là một thi sĩ sống ở cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX dưới thời Hậu Lê, một người có tư tưởng nữ quyền. Bà đã dùng thơ văn để diễn tả sự bất bình đẳng thuộc xã hội bấy giờ. Chúng ta có thể tìm được tư tưởng này qua hai câu thơ:

 

“Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.”

 

(Lấy Chồng Chung- Hồ Xuân Hương)

 

Tuy nhiên, nhìn vào những phong trào bình quyền và những gì mà giới nữ quyền ngày nay đang đòi hỏi và tranh đấu, vô tình đã cho thế giới biết họ chính là những phụ nữ đáng thương nhất. Bởi vì họ đã vứt bỏ những phẩm giá đáng cao quí của mình, để chạy tìm những hình ảnh về một người phụ nữ trong ảo tưởng, ảo giác. Một trong những phụ nữ ấy đã dám ngừng bước để đối diện với mình và tìm về nguồn đích thực của nữ giới là Laura Doyle.  

 

Là một nhà nữ quyền (feminist), và đồng thời cũng là một nhà tâm lý học tại Nam California, bà đã trình bày lý do cũng như triết lý “về nguồn” qua tác phẩm gây tranh cãi của bà là The Surrendered Wife. Nội dung của tác phẩm nêu lên quan điểm của tác giả nhằm bảo vệ hạnh phúc hôn nhân, vì theo tác giả, phải chăng cuộc chiến bình quyền đến đây đã tới một khúc quanh mà người trong cuộc nên dừng lại suy nghĩ để tìm những giải pháp khả dĩ mang lại hạnh phúc cho cuộc đời hôn nhân của mình.

 

Từ một phụ nữ cấp tiến, say mê điên cuồng chủ nghĩa nữ quyền. Bà thú nhận là từ khi lấy chồng năm 22 tuổi, bà không ngớt chỉ trích, gắt gỏng, xỏ xiên, bươi móc, hạ nhục chồng về bất cứ sơ xuất nào. Bà thích chỉ huy, kiểm soát, khống chế, sai khiến chồng, xem chồng như tấm thảm chùi chân. Nhưng cuối cùng bà đã nhận ra rằng càng ngày chồng bà càng có khuynh hướng tách rời ra xa bà. Vợ chồng mất dần đi sự đồng cảm của buổi ban đầu. Tình yêu phai nhạt. Cay đắng chán chường chồng chất thêm lên mãi từ cả hai phía. Viễn ảnh ly dị đang ngấp nghé ngoài cửa… Để cứu vãn hạnh phúc quá mong manh, bà cố tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ những cặp vợ chồng thật sự gắn bó yêu thương nhau và đang có cuộc sống hạnh phúc. Từ những kinh nghiệm quý báu của họ, bà đem áp dụng cho trường hợp của bà. Bà đã ngộ ra chân lý: phải tự mình thay đổi chính bản thân mình chớ không phải mong đợi sự thay đổi ở phía người khác. Sau đó một thời gian, chồng bà trở nên vui vẻ trở lại, tự tin hơn và bắt đầu quan tâm đến trách nhiệm gia đình. Phần bà thì cũng cảm thấy thanh thản, hạnh phúc hơn xưa nhiều. Tình yêu vợ chồng đã được hàn gắn trở lại nhờ bà đã biết thay đổi suy nghĩ, thái độ và cách ứng xử với chồng. Bà đã trở nên một người vợ về nguồn và quyết định đem chia sẻ các kinh nghiệm của mình với các chị em phụ nữ qua tác phẩm The Surrendered Wife.

 

Ngoài ra bà còn đi khắp nước Mỹ tổ chức những buổi hội thảo, thuyết trình, và gặp gỡ những người vợ có cùng quan điểm, trao đổi kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau nhằm bảo vệ hạnh phúc hôn nhân và gia đình. Phong Trào “Những Người Vợ Về Nguồn” (The “Surrendered Wives” movement) đặt căn bản trên 6 nguyên tắc: [2]

 

1.Chấm dứt việc kiểm soát chồng những điều không thích đáng.

2.Tôn trọng những suy nghĩ của chồng.

3.Biểu lộ lòng biết ơn và cám ơn những gì chồng làm cho mình.

4.Bày tỏ những gì mình muốn nhưng không áp đặt chồng.

5.Tin tưởng chồng trong việc giải quyết những khó khăn tài chính của gia đình.

6.Chú tâm vào việc săn sóc và hoàn tất những công việc của mình.

 

Tóm lại, để sống với thiên chức làm vợ của mình, người phụ nữ cần nên:

 

-Tế nhị thay vì cằn nhằn.

-Thoải mái thay vì kiểm soát.

-Tôn trọng thay vì miệt thị.

-Biết ơn thay vì coi thường.

-Tin tưởng thay vì nghi ngờ.

 

Phong trào Những Người Vợ Về Nguồn hiện lan rộng ra khắp thế giới, có mặt tại nhiều quốc gia như Canada, Anh Quốc, Úc Châu, Norway, Finland, Singapore, Nhật Bản…

 

Tác phẩm cũng như những việc làm của bà đã tạo một chấn động mạnh mẽ trong xã hội Hoa Kỳ và nhiều nơi, thành công ngoài sức tưởng tượng. Tuy nhiên, kẻ khen, người chê cũng từ đó nổi lên. Nhiều phê bình trái chiều mà tựu trung cũng chỉ là đối với những phụ nữ theo chủ thuyết bình quyền cực đoan, và những nhóm ủng hộ nữ quyền. Họ cho rằng việc trở về nguồn với trách nhiệm làm vợ và làm mẹ theo Laura Doyle như vậy sẽ đi ngược lại hoàn toàn với những gì mà họ mong đợi, phá vỡ những gì mà họ đã mất bao công sức để có được, hướng dẫn giới phụ nữ trở về với xuất xứ nô lệ cho đàn ông, và tạo cơ hội cho phía đàn ông phủ nhận, coi thường việc thể hiện sự bình đẳng, tài năng và vai trò của giới phụ nữ.

 

Thực tế thì để tạo điều kiện cho việc trở về nguồn, và để chinh phục được người vợ, vẫn theo Laura Doyle, những người chồng ấy phải là những người:  

 

-Không vũ phu, hành hung, đánh đập vợ.

-Không bạo hành con cái.

-Không bê tha rượu chè, cờ bạc, nghiện hút.

-Không trăng hoa, ngoại tình. [3] 

 

Đó gọi là có đi, có lại. Một người người chồng, người cha có trách nhiệm, có tư cách và có bổn phận với vợ con, với gia đình, đương nhiên xứng đáng có một người vợ hiền đức và biết yêu thương.

 

Phụ nữ ngày nay không phải thuộc kiểu “tam tòng, tứ đức” một cách máy móc. Họ cũng không thuộc thành phần “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, nên việc họ đòi hỏi những gì chính đáng thuộc phẩm giá và tư cách con người của họ là điều chính đáng. Tuy nhiên, trong việc tranh đấu, đòi hỏi ấy, giới phụ nữ cũng cần phải tôn trọng, tế nhị với những đối thủ mà họ vẫn cho rằng đã làm họ phải thiệt thòi, đã khống chế, hoặc coi thường họ. Thật ra, cả nam cũng như nữ cần phải trở về với con người, phẩm cách, và đặc thù riêng biệt của phái tính mình để thể hiện trách nhiệm, tình cảm, và tình yêu trong đời sống hôn nhân và gia đình. Đi đâu thì đi, làm gì thì làm khi về đến nhà vai trò và vị trí cao quí nhất, đặc biệt nhất của người phụ nữ vẫn là vai trò và địa vị làm mẹ và làm vợ. Đây cũng là kinh nghiệm thực tế trong cuộc sống của một nhà tâm lý học. Thời còn là sinh viên, khi học môn tâm lý phụ nữ, vị nữ giáo sư của tôi đã có lần nói với các sinh viên của bà là ở nhà, mỗi khi bà dùng kiến thức và địa vị xã hội để cư xử với chồng hoặc con cái bà đều thất bại. Nhưng ngược lại, mỗi khi bà dùng tâm tình và tư cách của một người vợ và người mẹ thì mọi chuyện đều trở nên tốt đẹp.     

 

Thượng Đế ngay từ ban đầu đã biết rằng “Đàn ông sống một mình không tốt”, và vì thế Ngài đã phải “Tạo cho hắn một người phụ giúp xứng với hắn” (Genesis 2:18). Người đó, Adam gọi là “xương của xương tôi, thịt của thịt tôi” (Genesis 2: 23). Người mà vì người ấy, “người nam sẽ từ bỏ cha mẹ mình và kết hợp với vợ nó, và cả hai trở nên một xương một thịt” (24).  Đây chính là ý nghĩa cuối cùng của tình yêu, của hôn nhân, và của gia đình. Và đây cũng chính là lý do về nguồn của nữ giới theo sau những ồn ào, kiếm tìm, đòi hỏi, và tranh đấu cho những gì không thiết thực về một hôn nhân và gia đình hạnh phúc.

 

_________

Tài liệu tham khảo:

1. Simon & Schuster 2001.

2 & 3. https://lauradoyle.org/surrendered-wife-sample-chapter/