Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Phúc Đức Tại Mẫu

Tác giả: 
Lm Nguyễn Văn Độ

Phúc Đức Tại Mẫu

SUY NIỆM LỄ VỌNG ĐỨC MARIA HỒN XÁC LÊN TRỜI

 

(Lc 11, 27-28)

Phụng vụ Thánh lễ vọng Đức Maria hồn xác lên trời chiều nay dìu chúng ta về với Mẹ Chúa Giêsu và là Mẹ chúng ta là người có phúc.

 

Phúc đức tại mẫu

“Phúc đức tại mẫu” có thể hiểu là “phúc đức từ người mẹ mà ra”. Ông bà ta xưa cho rằng người mẹ nếu ăn ở tốt sẽ để lại những điều tốt lành cho con.

 

Ai đó đã từng nói : “Muốn giáo dục một đứa trẻ, thì phải giáo dục 20 năm trước khi đứa bé đó chào đời”. Chín tháng cưu mang, ba năm bú ẵm.v.v… những điều đó làm cho ảnh hưởng của người mẹ trên người con hơn từ khi bắt đầu hoài thai cho tới lúc lọt lòng. Thánh Alphônsô Ligouri, sáng lập Dòng Chúa cứu thế đã thốt lên : “Tất cả những gì tôi có, đều do mẹ tôi ban cho”.

 

Người việt ta vẫn thường nói: “Phúc đức tại mẫu”, nghĩa là theo quang niệm truyền thống, con cái được thừa hưởng điều tốt lành, may mắn từ người mẹ, do cách ăn ở cư xử, sự gương mẫu, cách giáo dục của người mẹ mà ra. Phúc đức tại mẫu, một chân lý ở mọi nơi, mọi tôn giáo đều không bao giờ cũ. Người mẹ chính là thầy dạy đầu tiên của việc hình thành nhân cách nơi đứa con. Chẳng thế, George Herbert đã không tiếc lời khi viết: “Một bà mẹ tốt thì giá trị hơn cả trăm ông thầy!”

 

Người Do thái cũng vậy, khi Chúa Giêsu đang giảng cho dân chúng, thì có một phụ nữ ở giữa họ, vì ngưỡng mộ con người cũng như cách giảng dạy của Chúa Giêsu cho rằng, Thầy tài giỏi như thế này, hẳn là Mẹ Thầy phải là người có phúc lắm, nên bà đã không ngần ngại vượt qua rào cản của chính mình là phụ nữ, bà đã cất tiếng nói với Đức Giêsu về Mẹ của Người: “Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy, và vú đã cho Thầy bú” (Lc 11, 27).

 

Hòm bia hạnh phúc

Ngay từ rất sớm, các nhà Kinh Thánh Tân Ước, các Giáo Phụ và huấn giáo của Hội Thánh đã nhận ra sự tương đồng giữa Đức Maria và hòm bia Thiên Chúa trong câu chuyện truyền tin (Lc 1, 26-38), thăm viếng (39-56) và sách Khải huyền (11, 19 – 12, 1.5. 17) những chi tiết gợi lên hình ảnh về hòm bia Thiên Chúa.

 

Sách Sử Biên Niên quyển thứ nhất mô tả cảnh “con cái Lêvi rước hòm bia Thiên Chúa với nhạc khí râm ran, vừa đi vừa hát hòa điệu với đàn sắt, đàn cầm, và não bạt, tấu lên những hân hoan” (1Sb 15, 3-4. 15-16; 16, 1-2) làm chúng ta nhớ đến biến cố Mẹ về Trời như lời ca của Triệu Hà diễn tả: “Mẹ lên trời giữa một ngày rực ánh sáng. Đàn ca các Thánh tung hô! Nhân loại vui hát mừng vì xác hồn vẹn tuyền Mẹ về thiên cung. Mẹ lên trời ngày mừng vui cho thiên quốc. Hào quang Mẹ Chúa Ba Ngôi. Sáng ngời khắp chín tầng vì xác hồn vẹn tuyền Mẹ tới thiên đường”. Ngày khiêng hòm bia dân chúng rỗn rã tung hô. Ngày Mẹ được rước lên Trời chín tầng mây thắp sáng, các Thánh tung hô, nhân loại hát mừng, triều thần thiên quốc và trái đất mừng vui, đúng là ngày trời đất hân hoan.

 

Hình ảnh Đức Maria chỗi dậy, đon đả lên đường viếng thăm bà Isave gợi lên hình ảnh Đavit, chỗi dậy, vội vã cùng toàn dân rước hòm bia Thiên Chúa từ Baalê Giuđa lên Giêrusalem (2 Sm 6, 2). Cũng vậy, bà Isave nghe lời Maria chào thì đứa con trong bụng nhảy lên vì vui sướng (Lc 1, 44) gợi nhớ hình ảnh Vua Đavit nhảy múa quay cuồng trước Nhan Đức Chúa khi hòm bia Thiên Chúa được rước vào Thành (2 Sm 6, 16). Lời bà Isave nói “Em được chúc phúc hơn mọi người nữ, và người Con em đang mang cũng được chúc phúc” (Lc 1, 42) gợi nhớ việc Đavít nhân danh Thiên Chúa chúc lành cho toàn dân (2 Sm 6, 18). Tâm tình của bà Isave: “Bởi đâu tôi được diễm phúc Thân Mẫu Chúa tôi đến viếng thăm” (Lc 1, 43) làm ta liên tưởng đến Đavit nghĩ về sự bất xứng của mình trước Thiên Chúa nên nói: “Hòm bia Thiên Chúa đến với tôi thế nào được” (2 Sm 6, 9).

 

Trong Kinh Cầu Đức Bà có câu: “Đức Bà như hòm bia Thiên Chúa vậy”. Chúng ta phải khẳng định Đức Maria là hòm bia hơn cả hòm bia Thiên Chúa.

 

Hòm bia trong Cựu Ước chỉ chứa đựng Mười Điều Răn, hay những vật thánh chứ không cưu mang những vật đó. Trong khi Đức Maria mang trong mình chính Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, Đấng từ đời đời vẫn là Thiên Chúa (Ga 1, 1 – 2). Mẹ  là hòm bia đích thực, vì qua Mẹ và trong Mẹ, Thiên Chúa đã cắm lều giữa chúng ta. Mẹ đích thật là hòm bia hạnh phúc vì cưu mang Đấng là Hồng Phúc.

 

Đức Maria, người mẹ phúc đức

“Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy, và vú đã cho Thầy bú” ( Lc 11, 27) là lời của một người nữ thính giả nghe Chúa Giêsu giảng đã khen Mẹ Người như thế. Phúc đức tại mẫu. Mẹ hạnh phúc vì có “Thiên Chúa ở cùng” (Lc 1, 28 ). Lời bà Isave xác nhận: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc” (Lc 1, 42 ). Phúc của Mẹ trổi vượt trên mọi thần thánh trên trời, phúc vì Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng là Hồng Phúc đã cư ngụ trong dạ chín tháng mười ngày, đến khi chào đời, Mẹ đã ôm ấp bú mớm nâng niu. Mẹ thật diễm phúc, hồng phúc ấy vượt quá sự hiểu biết của chúng ta. Mẹ được rước lên Trời hưởng niềm vinh phúc. Mẹ hạnh phúc, Mẹ cũng muốn con cái mình hạnh phúc, nên Mẹ dạy: “Người bảo gì các con cứ làm theo” (Ga 2, 5). Chúa Giêsu bảo: “Ai nghe và giữ lời Thiên Chúa còn có phúc hơn” ( Lc 11, 28 ).

 

Xin Mẹ giúp chúng con vâng nghe và giữ lời Thiên Chúa, để trở nên những người con diễm phúc của Mẹ. Amen.

 

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ