Nghèo có phải là do Chúa phạt?
NGHÈO CÓ PHẢI LÀ DO CHÚA PHẠT?
Mình nghèo có phải là Chúa phạt con không vậy chú? Tại sao Chúa để nhà con xảy ra nhiều chuyện đến như vậy?
Ng Hà
Góp ý:
Nghèo, khó khăn, và thử thách là những vấn nạn mà mọi người, mọi gia đình thường gặp phải trong cuộc đời. Quan niệm nhà Phật gọi đời là “bể khổ!” Còn trong kinh Lạy Nữ Vương, chúng ta đọc thấy những lời này: “Chúng con, con cháu Evà ở chốn khách đầy kêu đến cùng Bà, chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khẩn Bà thương”. Tóm lại đã mang kiếp nhân sinh, không ai tránh khỏi cảnh nghèo và cũng ít ai tránh gặp phải những khó khăn, thử thách.
Câu hỏi của Hà xảy ra đúng lúc hàng trăm, ngàn người và có lẽ nhiều hơn nữa đã bị nước lũ cuốn trôi đem theo cả gia tài, nhà cửa, mùa màng; cùng với bao nhiêu làng mạc, thành thị bị ngập lụt tại Bắc Kinh và các vùng phụ cận của Trung Quốc do trận bão Doksuri gây ra.
Có ít nhất 93 người chết, hàng trăm người còn đang mất tích, cộng với bao nhiêu nhà cửa, tài sản của người dân tỉnh Lahaina, đảo Maui, bang Hawaii, Hoa Kỳ đã bị ngọn lửa nuốt sạch trong trận hỏa hoạn thế kỷ tại đây.
Rồi còn bao nhiêu người chiến sỹ, thường dân, trẻ em đã phải chết dưới làn mưa pháo và không kích. Nhiều làng mạc, trường học, bệnh viện, thánh đường, nhà cửa, và khu dân cư bị phá hủy do cuộc chiến hiện còn đang kéo dài ở Ukraine.
Ngay tại Việt Nam, nhiều người vẫn không đủ cơm ăn, áo mặc. Nhiều gia đình, con cái phải sống trong nheo nhóc, khổ sở. Đồng bào Công Giáo trên Cao Nguyên vẫn đang bị bọn chính quyền địa phương bắt bớ, gây khó dễ…
Tất cả những sự kiện trên nếu đem so sánh với cái nghèo, và những chuyện gì đó đang xảy đến cho gia đình Hà liệu có giống nhau hay khác nhau, và ai khổ, ai nghèo hơn ai lúc này?
Trở lại quan niệm cho rằng nghèo là bị Chúa phạt là hoàn toàn không đúng. Vẫn biết nghèo có thể khiến ta khổ, đói khát, bị người khác khinh miệt, nhưng nghèo không phải là hình phạt, chưa kể đến nếu cái nghèo ấy lại do tự mình gây ra, thí dụ, rượu chè, hút sách, cờ bạc, và gái gú, bồ bịch…
Còn gia đình có nhiều chuyện xảy ra - dĩ nhiên là không vui, không vừa ý - cũng không phải là do Chúa làm. Rất nhiều gia đình đổ vỡ, nghèo túng là do mình. Lười không chịu làm ăn. Muốn ăn ngon, mặc đẹp mà không muốn làm. Thánh Phaolô đã viết cho những người này: “Những ai không làm thì đừng có ăn” (2 Thessalonians 3:10). Về phần mỗi người, đứng trước cái mà ta gọi là nghèo, cần bình tâm để tự hỏi lòng mình: “Thế nào là giầu, thế nào là nghèo?” Và đương nhiên nghèo không phải là tội. Con Thiên Chúa làm người là hình ảnh của những người nghèo: sinh ra trong chuồng bò, mưu sinh bằng nghề thợ mộc, đi truyền giáo không có hòn đá gối đầu, và khi chết được chôn nhờ trong ngôi mộ của người khác. Nghèo đến thế mà Ngài lại nói: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3)”. Nghe ra thì cũng hơi “chói tai”, nhưng lại là một chân lý, bởi vì nó sẽ dẫn đến lời chúc phúc.
Còn những chuyện này, chuyện khác xảy ra trong gia đình. Chuyện gì? Người thân hay chính mình bị bệnh nan y, gặp tai nạn, hoặc tù tội? Nếu là những chuyện xảy ra ngoài ý muốn, vượt quá tầm tay của mình, thì cách tốt nhất là chạy đến với Chúa và Đức Mẹ. Trong những trường hợp ấy, chúng ta chỉ biết tin cậy và phó thác. Chúa có quan phòng và cách giải quyết của Ngài. Ngài không để chúng ta phải thất vọng.
Còn chuyện gia đình bất hòa, con cái hư hỏng thì sao? Tâm lý khác nhau, hiểu biết khác nhau, ảnh hưởng tôn giáo, giáo dục khác nhau nên cách thức suy nghĩ khác nhau, và lối hành xử cũng khác nhau… Có khi vì tự ái, vì cái tôi, vì ươn lười, vì gia trưởng, và tệ nạn xã hội khiến cho cuộc sống, không khí gia đình trở nên bất an, cãi vã, đánh đập, và chia ly. Nếu những thứ đó là lý do gây ra những chuyện lục đục, không vui vẻ, mất hạnh phúc trong gia đình mà tại mình, mình phải lo sửa sai. Nên nhớ thêm là dù mình có tốt đến đâu đi nữa thì những khốn khó, thử thách vẫn theo mình, vì đó là con đường người công chính phải đi qua: “Lửa thử vàng, gian nan thử đức!”
Nói chung, nghèo khó, đau khổ và thử thách người Công Giáo gọi là “thánh giá”, mà thánh giá ấy Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gọi nó bằng một cái tên rất huyền nhiệm: “mầu nhiệm đau khổ!” Đến vị thánh còn suy không ra, hiểu không thấu mà phải gọi chúng là mầu nhiệm, liệu chúng ta hiểu được bao nhiêu giá trị, hay ý nghĩa đích thực của những cái nghèo, cái khó và cái khổ?
Về phần tâm linh, chỉ có một điều là “vác lấy thánh giá”, chấp nhận thử thách bằng lời cầu xin. Xin Chúa giúp ta hiểu nó để vui lòng đón nhận. Vui lòng đón nhận, chứ không chống đối, khó chịu hoặc bỏ trốn, vì “Khi Chúa thử thách tôi, ai sẽ an ủi được tôi?”
Còn lại mọi thứ cứ từ từ tìm cách để giải quyết, bởi tất cả mọi chuyện đều có nguyên nhân và cách để giải quyết. Trên hành trình cuộc sống, ai cũng phải đi qua những cơn giông bão, những buổi trưa hè nóng nực, những gập ghềnh, trơn trượt, và dĩ nhiên cũng có lúc đi qua những cánh đồng với nhiều hoa thơm, cỏ lạ.
“Nếu đời cho ta một trái chanh, hãy dùng nó để vắt lấy một ly chanh đường”.
Những góp ý trên mong trả lời phần nào các băn khoăn và suy tư của Hà. Xin Chúa là Thiên Chúa của sự bình an đến ngự trị trong tâm hồn và hướng dẫn Hà để biết nhận ra đâu là những lý do và ý nghĩa của cái nghèo và những thử thách mà mình gặp để cầu xin ơn trợ giúp, và ơn khôn khoan trong việc giải quyết từng vấn đề.
Trần Mỹ Duyệt