Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Số 84 : Tính khẩn trương của việc loan báo Tin Mừng

 

 

Số 84: Thức Ăn Nhanh cho Tâm Hồn (The Fast Food for The Soul) by Fr. Quảng Trần, C.Ss.R., on Monday, June 27, 2016. (TN 13 C)

 

Đức Giêsu bảo: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn bạn, bạn hãy đi loan báo Triều Đại của Thiên Chúa.” (Lk 9: 60)

 

TÍNH KHẨN TRƯƠNG CỦA VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG

 

Đức Giêsu bảo: “Hãy để kẻ chết (1) chôn kẻ chết (2) của họ.” Khi đọc câu này, học trò tự đặt câu hỏi: kẻ đã chết rồi thì làm sao chôn cất người chết khác được? Ta phải hiểu câu nói trên trong Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã nói như thế nào?

 

Khi chúng ta lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy (rửa tội), chúng ta trở nên con Thiên Chúa. Chúng ta không còn thuộc về sự chết, sự tội nữa. Khi chúng ta thuộc về Thiên Chúa, nghĩa là chúng ta thuộc về sự sống. Chúng ta trở nên một thọ tạo mới – con Thiên Chúa. Trái lại, nếu chúng ta chưa được Thanh Tẩy, hoặc sống trong sự tội thì chúng ta chưa là con Thiên Chúa. Khi đó, chúng ta vẫn thuộc về sự chết, chúng ta là kẻ đã chết. Từ đó, chúng ta có thể hiểu câu nói của Chúa Giêsu: “Hãy để kẻ chết (1) chôn kẻ chết (2) của họ”, nghĩa là kẻ chết (1) về đàng linh hồn đi chôn kẻ chết (2) về phương diện thể xác.

 

Nếu hiểu như trên thì những người đi theo Chúa, những người tin đứng trước một chọn lựa cấp bách. Giữa một bên là đi CHÔN một người đã chết về thể lý (có thể là cha mẹ, những người thân thuộc, bạn bè…) sẽ KHÔNG quan trọng, khẩn thiết bằng đi CỨU người đang có nguy cơ về chết phần linh hồn. Chọn lựa giữa CHÔN một người đã chết và CỨU một người đang có nguy cơ chết, lẽ tự nhiên chúng ta phải đi CỨU người sắp chết. Cứu sống là điều quan trọng, khẩn thiết hơn. Vì vậy, chúng ta có thể hiểu câu nói của Chúa Giêsu: “Hãy để kẻ chết (1) chôn kẻ chết (2) của họ” một cách như trên.

 

Chọn lựa CỨU và CHÔN trong cuộc sống chưa bao giờ là một quyết định dễ dàng. Vì chọn lựa luôn đòi hỏi một hy sinh. Chọn cái này thì thôi cái kia. Trong cuộc đời mỗi người chúng ta, chọn lựa đứng về phía “sự sống” luôn khó khăn hơn là chọn đứng về phía “sự chết”. Chọn lựa CỨU đòi hỏi chúng ta phải hao tổn nhiều công sức. Bởi lẽ, cuộc sống ai cũng đầy gian lao khốn khó, chọn lựa sự sống mời gọi ta chiến đấu liên lỉ. Hai đứa trẻ trong cùng một hoàn cảnh như sau, bạn sẽ chọn lựa là ai?

 

Hai đứa trẻ nọ có một người cha tối ngày say xỉn. Tuổi thơ của chúng trôi qua với hình ảnh một người cha rất đáng sợ mỗi khi nhậu say về. Năm tháng qua đi, hai đứa trẻ đã lớn và mỗi người có một cuộc sống của riêng mình.


 

Một nhà tâm lý học đi tìm thực tế cho bài nghiên cứu "Tác động của sự say xỉn" đã tìm đến hai người. 


 

Một người giờ đây đã trở thành phiên bản mới của cha cậu ngày xưa: Một tay bợm nhậu suốt ngày chìm trong bia rượu. 
Còn người kia lại là một trong những người đi đầu trong việc phòng chống bia rượu.


 

Nhà tâm lý học hỏi người đầu tiên:


- Tại sao anh trở thành bợm nhậu?


Và hỏi người thứ hai:


- Tại sao anh lại tham gia phong trào bài trừ rượu bia?


 

Các bạn biết không, thật là bất ngờ, cả hai người cùng đưa ra một câu trả lời: “Có 1 người cha như vậy đương nhiên là tôi phải trở thành người như thế này rồi”.

 

Suy nghĩ và hành động:  Trong cuộc sống không phải lúc nào sáng – tối cũng rõ ràng. Làm sao để tôi có thể đưa ra chọn lựa mang tính sự sống cho tôi, cho gia đình tôi, cho cộng đồng của tôi, cho sự sống chung của con người? Làm thế nào để tôi tìm ra sự sống trong những nghịch cảnh của cuộc đời? Tôi đang là người đi CỨU người khác hay tôi đang đi CHÔN người khác?

 

 

See video