Số 89: Nhân đức biết ơn
Số 89: Thức Ăn Nhanh cho Tâm Hồn (The Fast Food for The Soul) by Fr. Quảng Trần, C.Ss.R., on Monday, October 10, 2016
Tin Mừng của thánh Luka: 17, 11-19, kể lại câu chuyện xảy ra khi Chúa Giêsu đang trên đường tiến lên Giê-ru-sa-lem. Có MƯỜI NGƯỜI phong hủi đón Ngài để xin Ngài chữa lành. Họ không giám tiến tới gần Ngài nhưng chỉ đứng đằng xa. Họ cất tiếng thưa rằng: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi”. Ngài bảo họ đến trình diện với tư tế, và họ đã vâng lời Ngài. Trên đường đi, tất cả mười người đều được sạch. Trong mười người đó, có MỘT NGƯỜI đã quay trở lại cám ơn Chúa Giêsu.
NHÂN ĐỨC BIẾT ƠN
Nhân Đức (virtue = arete): là hoa trái của những thói quen tốt (as the result of good habits). Trong cuốn Nicomachean Ethics của Aristotle, cuốn sách đặt nền tảng cho lĩnh vực đạo đức và luân lý của Triết học Phương Tây, học trò thấy vị triết gia này liệt kê rất nhiều nhân đức, nhưng không thấy nói đến nhân đức BIẾT ƠN (Gratitude). Là Kitô hữu chúng ta rất quen thuộc với ba nhân đức đối thần: Tin (Faith), Cậy (Hope), Mến (Charity), và bốn nhân đức trụ: Khôn ngoan (Prudence), Công bình (Justice), Can đảm (Fortitude), Tiết độ (Temperance). Sau các nhân đức liệt kê trên, nếu được hỏi đâu là đức tính, nhân đức mà một con người cần tập luyện, học trò nghĩ đó là nhân đức biết ơn. Tại sao vậy?
Thái độ biết ơn rất cần thiết để cuộc đời được hạnh phúc. Thái độ biết ơn chứng tỏ ta cảm thấy mình ĐƯỢC nhiều hơn MẤT. Theo tâm lý, nếu một người sống mà cảm nhận mình ĐƯỢC nhiều hơn MẤT thường cảm thấy thoả mãn với cuộc đời, cảm thấy an vui, bình an. Ngược lại, nếu ai đó sống trong cuộc đời cảm thấy mình MẤT nhiều hơn là ĐƯỢC thường tỏ ra cáu gắt, cay cú với cuộc đời. Vì cảm thấy đời mình bị thua thiệt, bị bất công, bị bỏ rơi, không được như mình đáng lẽ phải được.
Thái độ biết ơn thường ĐI NGƯỢC với bực dọc, căm phẫn, thù hằn... Thái độ bực tức, cay cú không thể đi đôi với lòng biết ơn. Vì thái độ cảm thấy đời mình bị MẤT nhiều hơn ĐƯỢC dẫn đến làm tắc nghẽn sự sống là một hồng ân đáng quý đang tuôn trào hay có sẵn nơi con người của ta. Dẫn đến ta không cảm thấy đời sống này đáng quý, đáng trân trọng. Dẫn đến bất mãn cuộc đời! Một khi không thấy cuộc đời đáng quý, đáng sống thì thử hỏi còn làm được gì cho đời nếu không muốn nói là tàn phá nó. Đó là nguyên cớ của những bất hạnh, những cay đắng nảy sinh triền miên.
Nếu sống trong thái độ biết ơn thì tất cả những gì ta có đều là hồng ân của Thiên Chúa ban. Tất cả những gì tôi làm được đều là món quà của Thiên Chúa trao ban (hạn từ gift trong tiếng anh diễn tả rất rõ ý nghĩa này: vừa là quà tặng vừa là tài năng). Biết ơn là một thái độ đòi hỏi có nhận thức. Tôi có thể biết ơn ngay trong hoàn cảnh khó khăn. Khó khăn, gian khổ cũng là món quà Thiên Chúa ban.
Tính tự nhiên của con người “mau quên những lần được giúp đỡ, nhưng lại nhớ rất lâu những lần bị chối”. Thế nên, cần tập cho ta một TẦM TÌNH TẠ ƠN trong cuộc sống. Tỉ lệ 1/10 quay lại cảm ơn Chúa Giêsu trong câu chuyện của Tin Mừng Luke 17, 11-19 có lẽ cũng là tỉ lệ thật trong đời của ta. Ta nhận 10 ơn may chăng ta nhớ 1 ơn hoặc ta thi ơn 10 mà chỉ được nhớ 1 lần. Làm thế nào để tăng tỉ lệ biết ơn và thi ơn trong đời của ta?
Suy nghĩ và hành động: Liệt kê một vài ơn ta nhận mỗi ngày từ Thiên Chúa, mà ta dường như chưa bao giờ cảm ơn Ngài (khí trời, cơm ăn, áo mặc, nước uống, sức khoẻ, tài năng...). Ta nhớ lại những khuôn mặt âm thầm giúp ta trong hành trình cuộc đời (cha mẹ, thầy cô, bạn bè...thậm chí cả những người chỉ trích...)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: