Số 103: Nhân chi sơ tính bản thiện hay bản ác ?
Số 103: Thức Ăn Nhanh cho Tâm Hồn (The Fast Food for The Soul) by Fr. Quảng Trần, C.Ss.R., on Monday, July 24, 2017
“Nước Trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng của mình. Trong lúc mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất.” (Mt 13: 24)
NHÂN CHI SƠ TÍNH BẢN THIỆN hay BẢN ÁC?
Khi quan sát cuộc sống của con người chúng ta thấy rằng lúc thì con người hiền lành thánh thiện như thiên thần, lúc thì con người hung ác hơn các loài cầm thú. Chúng ta đọc hay thấy nhiều gương tốt của những người hy sinh mạng sống mình để cứu người khác. Nhưng, đồng thời chúng ta cũng đọc hay thấy nhan nhản những kẻ giết người không gớm tay, gây chiến tranh hận thù… Từ thực tế đó, trong dòng lịch sử suy tư về bản chất của con người, có những người cho rằng bản chất của con người là “BẢN THIỆN” và trái lại những người khác lại cho rằng bản chất của con người là “BẢN ÁC.” Vậy đầu là BẢN CHẤT THẬT của con người theo nhãn quan Kinh Thánh, theo ý định tạo thành của Thiên Chúa?
Theo Kinh Thánh, từ nguyên thuỷ Thiên Chúa dựng lên vạn vật và con người đều là TỐT ĐẸP: “Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài đã dựng nên quả là rất tốt đẹp” (St 1:31). Thiên Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành, tự bản chất, căn tính của Ngài thì Thiên Chúa không thể dựng nên điều xấu, điều ác được mà chỉ dựng nên, gieo điều tốt đẹp, điều thiện mà thôi.
Khi dựng nên con người, Thiên Chúa chỉ gieo vào lòng con người những HẠT GIỐNG TỐT= THIỆN CĂN. Sở dĩ con người mang trong mình những mầm mống của sự ác là do kẻ thù của Thiên Chúa đã đến gieo sự ác = CỎ LÙNG vào trong tâm hồn con người. “Người kia gieo giống tốt trong ruộng của mình. Trong lúc mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất” (Mt 13: 24). Tự bản chất nhân chi sơ tính bản thiện, nhưng vì kẻ thù của Thiên Chúa đã đến gieo sự ác vào trong ruộng lúa tâm hồn của con người. Điều này giúp chúng ta lý giải có những lúc trong cùng một con người ta thấy có khi họ hành động rất nghĩa hiệp, nhưng lúc khác họ lại hành động hết sức bỉ ổi. Vì lẽ, nơi ruộng lúa tâm hồn của họ nguyên thủy được gieo điều thiện, nhưng trong quá trình sống đã bị sự ác. Thiện ác lẫn lộn trong tâm hồn con người.
Mặc dù thửa ruộng tâm hồn của con người nguyên thuỷ là bản thiện, nhưng đã bị gieo bản ác lẫn trong đó. Cả lúa và cỏ lùng đều lớn lên trong thửa ruộng tâm hồn của chúng ta. Nếu Thiên Chúa chỉ gieo sự lúa tốt = sự thiện trong tâm hồn ta, tại sao Thiên Chúa không ra tay tiêu diệt “cỏ lùng” đi để chỉ còn lúa thôi?
Xin thưa: “Sợ rằng khi các anh gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa” (Mt 13:29). Thiên Chúa gieo lúa tốt và Ngài lo lắng và chăm bón cho lúa. Trái lại, kẻ thù của Thiên Chúa đến gieo sự ác vào trong ruộng lúa ban đêm và “rồi đi mất” (Mt 13:25). Thiên Chúa hằng chăm sóc lúa của Ngài, NHƯNG Ngài vẫn để cỏ lùng mọc lên. Một trắc nghiệm về tình yêu! Nếu Ngài ra tay loại trừ cỏ lùng ngay khi nó chưa kịp mọc lên thì e rằng chúng ta không cần phải đưa ra chọn lựa. Không đưa ra chọn lựa thì làm sao đo được tình yêu!
Thiên Chúa gieo sự thiện vào tâm hồn ta và ngài chăm sọc để nó lớn lên, trong khi đó kẻ thù của Ngài gieo sự ác và không chăm xóc. Chọn lựa để lúa lớn lên hay cỏ lùng lớn lên trong tâm hồn của ta là do ta quyết định. Nếu ta để lúa/thiện lớn lên trong hồn ta thì đến mùa gặt: hãy thu vào kho lẫm cho Chúa còn nếu ta để cỏ lùng/sự ác lớn lên trong hồn ta thì: hãy gom lại, bó thành từng bó mà đốt đi (x. Mt 13:30).
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để ta phục hồi bản chất nguyên thuỷ mang tính thiện và đẩy lui những tính xấu trong thửa ruộng tâm hồn của chúng ta đã bị kẻ thù gieo vào?
Thói quen là bản tính thứ hai của con người (The habit is the second nature), và nhân đức (virtue) là những thói quen tốt. Do vậy, chúng ta cần tập các nhân đức = để lúa lớn lên. Muốn có những nhân đức thì chúng ta phải tập tành những thói quen tốt. Trái lại, nếu chúng ta thường xuyên nuông chiều những thói quen xấu thì cỏ lùng sẽ dẫy tràn trong ruộng lúa tâm hồn của ta.
Suy nghĩ và hành động: Tôi đã, đang tập, hay làm cái gì để có những thói quen tốt để nuôi dưỡng tính thiện trong tâm hồn tôi? Đâu là cỏ lùng tôi cần nhổ đi? Bắt đầu từ hôm nay, tôi cần làm gì để khởi đầu tập một thói quen tốt? Bắt đầu từ hôm nay, đâu là một tính xấu tôi muốn dứt bỏ?
Có thể cùng một lúc tôi tập một đức tính tốt và bỏ một thói xấu, hoặc đơn giản hơn là chỉ có thể tập một đức tính tốt (50%), hoặc là chỉ cố gắng bỏ một thói xấu (50% ).
- Loại bài viết: