Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Số 105:Chúa biết rõ tôi là đủ

 

 

Số 105: Thức Ăn Nhanh cho Tâm Hồn (The Fast Food for The Soul) by Fr. Quảng Trần, C.Ss.R., on Monday, August 28, 2017

 

Chúa Giêsu nói với các tông đồ: “Phần các còn, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16: 15-16)

 

CHÚA BIẾT RÕ TÔI LÀ ĐỦ!

 

Một lần kia trên con đường rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ xem người ta nói Ngài là ai. Khi ai đó hỏi những người khác: “tôi là ai?”. Điều này đồng nghĩa với việc người đó muốn đi xem người khác có hiểu đúng căn tính của họ không.

 

Chúa Giêsu khi đi hỏi những người khác về căn tính của Ngài, Ngài đã nhận được nhiều câu trả lời khác nhau: “Kẻ thì bào là Gioan Tẩy Giả, người thì bảo là Êlia, kẻ khác lại cho là Giêrêmia hay một vị tiên tri nào đó” (Mt 16: 14). Khi đi hỏi những người khác về căn tính của mình, chúng ta sẽ nhận được nhiều câu trả lời khác nhau, thậm chí bao gồm những câu trả lời còn trái ngược nhau.

 

Mời bạn thử đi hỏi những người không ưa, không thích bạn nơi sở làm, nơi cộng đồng bạn sinh sống... và đồng thời cũng đi hỏi con cái, vợ, chồng, bố mẹ, thầy cô... những người thương yêu bạn cùng một câu hỏi: tôi là ai?

 

Bạn sẽ thấy cùng một CON NGƯỜI của bạn ấy vậy sao lại có nhiều nhận định khác nhau đến thế! Và dường như chẳng câu trả lời nào làm bạn thật sự toại nguyện. Vì trên thế gian này làm gì có ai định nghĩa được căn tính THẬT của bạn. Thậm chí chính bạn cũng còn chẳng thể nào định nghĩa đầy đủ bạn là ai.

 

Tại sao những người thân yêu nhất của bạn và cả chính bạn cũng chẳng thể nào trả lời: bạn là ai một cách đầy đủ và trọn hảo?

 

Thưa: Bởi lẽ, bạn hiện hữu trên đời vốn là một huyện nhiệm thì việc đi tìm căn tính của bạn cũng huyền nhiệm không kém. Có thể bạn cần đi tìm hiểu về căn tính của mình để sống tốt hơn, cám ơn Trời, cám ơn đời, và cảm ơn cả chính mình. Nhưng bạn nên nhớ trước khi bạn đi tìm hiểu “tôi là ai?” thì có Đấng đã đi tìm bạn và hiểu bạn hơn chính bạn.

 

Chuyện kể rằng:

 

Lúc ấy, chừng hơn 8 giờ rưỡi sáng. Phòng cấp cứu rất bận. Một cụ ông khoảng 80 tuổi chậm rãi bước vào phòng. Cụ xin được ưu tiên cắt chỉ khâu trên ngón tay cái đã được giải phẫu của cụ. Cụ nói rằng cụ rất vội vì cụ sẽ có một cuộc hẹn nữa lúc 9 giờ.

 

Tôi kiểm tra mạch tim và đo áp huyết cho cụ xong, rồi tôi bảo cụ ngồi chờ. Theo giờ làm việc, tôi biết chắc cụ phải đợi sau 9 giờ mới có người đến cắt chỉ giải phẫu cho cụ. Tôi thấy cụ nôn nóng cứ ti tí lại nhìn đồng hồ, nên tôi quyết định đích thân khám vết thương ở ngón cái cho cụ.

 

Lúc ấy, tôi cũng không bận lắm. Nghĩa là tôi không phải chăm sóc bệnh nhân nào. Khi khám vết thương cho cụ, tôi nhận thấy vết thương đã lành lặn, và không nguy hiểm nên tôi liền đi lấy y cụ để cắt lớp chỉ khâu vết mổ giúp cụ.

 

Đang khi săn sóc viết thương, tôi hỏi cụ: “Giả thiết là cụ đang có cuộc hẹn với bác sĩ nào khác, phải không ạ?

 

Tôi rất ngạc nhiên khi nhận được câu trả lời của cụ: “Thưa bác sĩ, tôi không có cuộc hẹn với bác sĩ nào nữa. Nhưng tôi cần đến viện dưỡng lão để ăn điểm tâm với bà xã của tôi đang sống ở đó vào lúc 9 giờ.

 

Tôi liền hỏi thăm sức khoẻ của cụ bà ra sao thì cụ chia sẻ: cụ bà đã nằm trong viện dưỡng lão nhiều năm rồi. Nhưng, tệ hơn nữa là cụ bà bị bệnh Alzheimer (bệnh mất trí nhớ) nên sinh ra nhiều chuyện.

 

Tôi hỏi: “Liệu cụ bà có buồn lắm không, nếu như sáng nay cụ đến trễ?”

 

Ông cụ chẫm rãi trả lời: “Bà ấy có còn biết tôi là ai nữa đâu, mà buồn ! Đã hơn 5 năm nay rồi, bà ấy không còn nhận ra ai nữa, thậm chí kể cả tôi !

 

Ngạc nhiên, tôi bèn hỏi thêm: “Dạ, thế sáng nào cụ cũng đến dùng điểm tâm với cụ bà ư? Vì cụ bà không còn nhận ra cụ là ai nữa, tại sao cụ vẫn cứ đến làm chi vậy?”

 

Ông cụ mỉm cười, vỗ nhẹ vào tay tôi rồi nói: “Bà ấy không còn nhớ ra tôi là ai. Nhưng phần tôi, tôi vẫn còn nhớ bà ấy là ai chứ ! Vì thế, tôi vẫn đến điểm tâm với bà ấy”.

 

Suy nghĩ và hành động: Tôi đã bao lần trong đời thất vọng vì không ai hiểu tôi không? Tôi đã bao lần thất vọng (trong lúc cô đơn, lẻ loi, thất bại, mất người thân…) vì chính tôi cũng không hiểu tôi? Và đã bao nhiều lần tôi tự hỏi tại sao tôi lại hành động, nói năng suy nghĩ khác thường? Tôi không hiểu nổi! Tôi đã bao giờ nghĩ rằng Thiên Chúa như cụ ông trong câu chuyện trên không? Dù tôi như cụ bà phủ nhận Thiên Chúa, và không biết tình thương của Ngài nhưng Ngài vẫn yêu thương tôi, hiểu tôi hơn cả chính tôi:

 

“Lạy CHÚA, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ,

biết cả khi con đứng con ngồi.


Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa,


đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét,


mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.

Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời,


thì lạy CHÚA, Ngài đã am tường hết.” (Tv 139:1-4)

 

 

 

Ngay khi con trong bụng mẹ… Ngài đã biết rõ con.

 

[Sau khi ông cụ ra khỏi phòng, tôi phải cố lắm để giữ nước mắt khỏi chảy ra và để không bật thành tiếng khóc cảm phục. Vô cùng xúc động, tôi trộm nghĩ: Ước gì mình cũng có được một tình yêu đẹp như thế. Ước gì mình có được mối tình tuyệt vời như của hai cụ nói trên. Chắc chẳng còn sẽ phải than thân trách phận và chán đời”. ]

 

[Tôi xin phép được mạo muội ví Thiên Chúa như ông cụ trong câu chuyện kể trên. Tình yêu của Ngài thật khó hiểu. Cho dù chúng ta, vốn là con cái do Ngài tạo dựng và ban muôn ân phúc, vẫn có những con người không nhận ra Ngài là ai, thì trái lại, Ngài vẫn nhận ra chúng ta là ai và hết lòng yêu thương từng người chúng ta. Chúng ta đã từng là bà cụ mang chứng bệnh Alzheimer, lúc thì vô tình, nhiều lúc lại cố ý, quên mất sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình. Trong khi ấy, Chúa vẫn âm thầm đến “dùng điểm tâm” với những kẻ vô tình, vong ơn, bội nghĩa như chúng ta. Nghĩ lại, thật tội nghiệp cho Chúa ! Vì thế, lời nguyện của thánh Nicolas De Flue đẹp vô cùng : “ Lạy Chúa là Chúa Trời của con, xin hãy cất đi khỏi con tất cả những gì khiến con xa Chúa (nghĩa là những gì làm chúng con không nhận ra Chúa). Xin hãy ban cho con tất cả những gì giúp chúng con tới gần Chúa (nghĩa là những gì giúp chúng con nhận ra Chúa vẫn yêu thương chúng con).]

 

 

See video