Số 108: Ghen tỵ
Số 108: Thức Ăn Nhanh cho Tâm Hồn (The Fast Food for The Soul) by Fr. Quảng Trần, C.Ss.R., on Monday, Sept 25, 2017
“Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn ta (ông chủ), ta muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ ta lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì của ta sao? Hay vì ta tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?””(Mt 20: 14-15)
GHEN TỊ
Nếu người nào đấy nói rằng họ không bao giờ ghen tị với một ai thì e rằng người này đang nói xạo, nói không thật với lòng của họ. Tính ghen tị hình như nó là một phần bản chất, một căn bệnh bẩm sinh, cố hữu của con người thì phải? Cain ghen tị vì lễ vật của Abel được Thiên Chúa đón nhận. Saul ghen tị với Đavit, vì Đavit được nhiều người thương mến hơn… Trong cuộc sống thường ngày, chính chúng ta cũng đã nhiều lần từng ghen tị:
- Trong gia đình: ta đã từng đặt cầu hỏi tại sao bố/mẹ/ông/bà cắt miếng bánh của con nhỏ hơn của anh/chị/em khi chúng ta con nhỏ?
- Lớn lên ở trường học: không hiểu tại sao tôi học giỏi hơn, tốt hơn... bạn A, bạn B, vậy mà tôi không được điểm cao bằng họ? Ghen vì thầy cô quý đứa A, đứa B hơn tôi...
- Đi làm trong công sở: tôi không hiểu tại sao tôi vất vả, làm việc nghiêm túc mà lương tôi lại thấp hơn người khác...? Ghen tị vì chủ thiên vị...
Lòng ghen tị không chừa một ai, vậy đâu là lý do ta hay ghen tị? Thưa: ta ghen tị vì không muốn ai hơn chúng ta. Ghen tị ngấm ngầm bên dưới tính kiêu ngạo. Coi mình là hơn hết, và không muốn ai hơn mình.
Ta thường ghen tị với những ai? Người ta ghen tị về nhiều mặt: của cải, tài ba, nhan sắc, thành công, thậm chỉ cả ở đàng nhân đức. Thông thường ta ghen tị với những người có liên hệ thân thiết. Ghen tị thường xảy ra với những người ở trong cùng hoàn cảnh, cùng gia tộc, cùng trường, cùng lớp, cùng dòng tu, cùng giáo phận, cùng chung một tình thân: như bạn bè mới ghen tị nhau, chị em ghen tị nhau, nhà giáo, nghệ sĩ, hàng thịt, hàng cá… ghen tị nhau.
Đâu là hậu quả của sự ghen tị? Ghen tị sinh ra ghen ghét, ghen ghét sinh ra oán thù. Ghen tị thường đi đến chỗ nói xấu, nói hành, dèm pha, bôi nhọ, xét đoán bừa bãi. Ghen tị làm mất tình bác ái và gây nên gương mù gương xấu.
Tập bỏ tính ghen tị: Chúng ta nên tranh xa sự ghen tị như tránh xa các loài rắn độc. Hơn nữa, ghen tị là một trong bảy mối tội đầu, là tội nặng. Ta cần ý thức đúng GIÁ TRỊ của mình, thoả mãn với hiện trạng đang có của mình và của người khác. Ý thức rằng trên cuộc đời này không bao giờ có sự công bằng tuyệt đối, và mỗi người được Thiên Chúa dựng nên là độc nhất vô nhị, nên không cần phải ghen tị, so bì với ai. Thiên Chúa có quyền phân phát theo như ý của Ngài muốn: “Chẳng lẽ ta lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì của ta sao? Hay vì ta tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” (Mt 20:15). Thế nên, bổn phận của chúng ta: “Cầm lấy phần của ta mà đi đi. Còn Thiên Chúa, Ngài muốn ban cho tha nhân như thế nào là tuỳ thuộc vào Ngài. Đó là chuyện của Ngài, không phải chuyện của ta (x. Mt 20: 14). Bổn phận của chúng ta hãy là chính mình và là sự khác biệt với người khác (Be yourself and be different!). Nếu không bỏ tính ghen tị, ta vừa làm hại chính mình vừa làm hại tha nhân. Chuyện kể rằng:
Chuyện xảy ra vào thế kỷ thứ 16 tại Ấn Độ. Trong triều đình có hai vị sĩ quan nổi tiếng vì những đam mê của mình. Một người thì ganh tỵ, một người thì tham lam.
Ngày kia, nhà vua có sáng kiến rất độc đó để sửa đổi những tính xấu ấy. Ông cho triệu tập hai vị sĩ quan vào giữa triều đình, loan báo sẽ tưởng thưởng họ vì đã phục vụ trong quân đội nhiều năm qua. Họ có thể xin gì tùy thích, xong người đầu tiên mở miệng xin chỉ được những gì mình muốn, còn người thứ hai sẽ được gấp đôi.
Nhiều phút trôi qua, không ai mở miệng nói trước. Người tham lam nghĩ trong lòng: nếu tôi nói trước, tôi sẽ được ít hơn người kia. Còn người ganh tỵ lý luận: thà tôi không được gì còn hơn mở miệng nói trước để tên kia được gấp đôi. Vì thế, không ai lên tiếng trước.
Cuối cùng, vua bảo người ganh tỵ nói trước. Người này nghĩ, thà không được gì còn hơn để tên tham lam được gấp đôi. Y liền tuyên bố: “tôi xin được chặt đứt một cánh tay…”. Y cảm thấy sung sướng với ý nghĩ là người tham lam sẽ bị chặt hai cánh tay.
Suy nghĩ và hành động: Trong cuộc sống, khi thấy người khác đau khổ, tôi dễ chạnh lòng thương, an ủi, giúp đỡ họ. Cho nên, tôi thường đi chia buồn với người bệnh, đám tang, tại nạn... Đây tôi chỉ dừng lại ở tâm lý chung của con người: thường đứng về phía kẻ yếu, bênh vực kẻ yêu thế. Tuy nhiên, tôi có vui một cách chân tình khi anh/chị/em/bạn bè/đồng nghiệp của tôi được may mắn, thành công không? Tôi có ngưỡng mộ những người cùng lớp, cùng nghề, cùng hoàn cảnh như tôi không? Hay tôi cảm thấy bực tức trong lòng khi thấy họ thành công, may mắn hơn tôi, rồi đi rồi mỉa mai, bôi bác họ?
- Loại bài viết: