Kín đáo và thầm lặng - Về từ chốn lưu đày
KÍN ĐÁO VÀ THẦM LẶNG
“Thấy đoàn lũ dân chúng, Ngài động lòng xót thương họ!”.
Từ nhật ký của một tử tù, người ta đọc được những lời này, “Lạy Chúa, Ngài làm con bầm dập; nhưng con vô cùng mãn nguyện, vì việc con phải bầm dập đến từ tay Ngài! Chúa kín đáo sửa phạt con, nhưng thầm lặng chữa lành con! Ôi, Đấng ‘kín đáo và thầm lặng’ yêu thương con miên viễn!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Đấng ‘kín đáo và thầm lặng’ yêu thương con miên viễn!”. Sẽ khá bất ngờ khi tâm tình của người tử tù được gặp lại qua hai bài đọc hôm nay. Lời Chúa phản ánh rõ nét một trong những tính cách của Thiên Chúa, ‘kín đáo và thầm lặng!’. Ngài kín đáo sửa dạy, Ngài thầm lặng chữa lành! Matthêu viết, “Thấy đoàn lũ dân chúng, Ngài động lòng xót thương họ!”.
Bài đọc Isaia tiết lộ, Thiên Chúa âm thầm chữa lành dân, một dân ngỗ nghịch đã bị Ngài đánh phạt, “Ngươi sẽ không còn phải khóc nữa. Khi ngươi kêu cứu, Người sẽ thi ân giáng phúc!’”. Đó là ngày “Chúa băng bó vết thương cho dân, và chữa lành những chỗ nó bị đánh”. Thánh Vịnh đáp ca viết, “Hạnh phúc thay mọi kẻ đợi chờ Chúa!”; họ chờ đợi Ngài hồi hương, băng bó và chữa lành!
Với bài Tin Mừng, lời Thiên Chúa hứa trở nên hiện thực. Matthêu cho biết, Chúa Giêsu thường xuyên di chuyển! “Ngài đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền”. Ngài bày tỏ lòng trắc ẩn sâu xa đối với tất cả những ai bị loại trừ, những kẻ mất phương hướng. Đó là những ai đang “lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn”. Ngài là vị mục tử dẫn dắt họ về nơi họ thuộc về.
Thứ đến, Chúa Giêsu kín kẽ thổ lộ với các môn đệ về một mùa gặt lớn đang đợi họ. Có thể nói, Ngài cần sự giúp đỡ. Vụ mùa vẫn bội thu và nhu cầu thợ gặt vẫn lớn hơn bao giờ hết. Đó không là công việc của riêng ai, nhưng là sứ vụ chung của mọi Kitô hữu. Từ ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, mỗi chúng ta là thợ gặt vốn có thể đến một góc của cánh đồng vốn không ai có thể thay thế. Những người này bao gồm gia đình tôi, hàng xóm, đồng nghiệp và những con người bước vào đời tôi. Tôi có thể là người duy nhất âm thầm mang sự chữa lành và lòng trắc ẩn của Chúa vào cuộc sống họ.
Anh Chị em,
“Ngài động lòng xót thương họ!”. Để có thể ‘ra tận cánh đồng’, nhất định chúng ta phải có một tấm lòng thương xót như Chúa Giêsu! Thật tuyệt vời, Ngài còn tiết lộ cho chúng ta một bí quyết ‘ra tận cánh đồng’ không kém hiệu quả khác. Đó là cầu nguyện, “Hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về!”. Lửa truyền giáo còn được khám phá trong việc âm thầm cầu nguyện. Nhờ cầu nguyện mỗi ngày, bạn gần Chúa Giêsu hơn; và Ngài cũng nói với bạn như đã nói với các môn đệ, “Hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ!”. Với bạn, ai là người bại liệt; ai là người chết, phong hủi và quỷ ám? Rất có thể họ là những người chung quanh bạn, ở mức độ này hay mức độ khác. Hãy tìm họ, ‘kín đáo và thầm lặng’ tiếp cận họ, chia sẻ Chúa Kitô với họ, và ở đó vì họ!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, gửi con ‘ra tận cánh đồng’ cho những ai bầm dập nhất. Cho con xác tín, Chúa đang ‘kín đáo’ dõi mắt nhìn họ, đang ‘thầm lặng’ ngước mắt nhìn con!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
VỀ TỪ CHỐN LƯU ĐÀY
“Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi!”.
“Chúa Kitô có thể được sinh ra hàng ngàn lần ở Bêlem - nhưng tất cả đều vô ích cho đến khi Ngài được sinh ra trong tôi!” - Angelus Silesius.
Kính thưa Anh Chị em,
Nói rằng, “Cho đến khi Ngài được sinh ra trong tôi!” khác nào nói, cho đến khi tôi được thực sự tự do để đón Ngài; được giải thoát khỏi mọi hình thức nô lệ, được trở ‘về từ chốn lưu đày’. Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay mời gọi chúng ta - hưởng ứng lời Gioan Tẩy Giả - chỉnh đốn con người mình hầu có thể mở ra những con đường cho Chúa ngự đến.
Marcô thật tài tình khi mở đầu Phúc Âm bằng việc giới thiệu Gioan, vị tiền hô báo trước cuộc tiến vào ‘đất hứa mới’, “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con”. Đó là một lời hứa của Thiên Chúa, một biểu thị bảo vệ, báo trước chiến thắng và kết thúc của cuộc lang thang trong sa mạc. Marcô muốn độc giả của mình biết rằng, Gioan Tẩy Giả là tiền hô của một Môsê mới, Đức Kitô; một cuộc xuất hành mới, tiến vào Vương Quốc Ngài!
Đó là sự khởi đầu của một chiến dịch mở ra những con đường chống lại các thế lực thù địch vốn đang chế ngự đất lưu đày. “Con đường”, “hodos”, trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là đường đi hoặc hành trình; nhưng trong Tân Ước, nó thường đề cập đến “lối sống mà Thiên Chúa đòi hỏi”. Năm 586 trước Công Nguyên, Giêrusalem rơi vào tay Babylon, hàng ngàn người Do Thái bị lưu đày ở đó. 47 năm sau, Cyrus, vua Ba Tư, đánh bại Babylon, cho phép người Do Thái hồi hương về Israel. Vì thế, Marcô khôn khéo sử dụng Isaia - bài đọc thứ nhất - để nói đến cuộc xuất hành mới. Nói cách khác, “dọn đường cho Chúa” nghĩa là bắt đầu một cuộc xuất hành khỏi ách nô lệ tội lỗi. Đó là ‘về từ chốn lưu đày’; đúng hơn, một lối sống, một hành động phù hợp với lối sống Thiên Chúa đòi hỏi.
Mùa Vọng, mùa chuẩn bị cuộc trở về, một cuộc hoán cải. Mùa Vọng, mùa tái định hướng triệt để cuộc sống của mình hướng về Thiên Chúa. Phêrô - bài đọc hai - cũng có một lời kêu gọi tương tự, “Ngài muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải”. Vì thế, “Anh em phải cố gắng sao cho Ngài thấy anh em tinh tuyền!”.
Với Đức Phanxicô, “Để chuẩn bị những con đường cho Chúa đến, cần lưu ý đến yêu cầu cần hoán cải mà Gioan mời gọi. Những yêu cầu cần hoán cải là gì? Trước hết, hãy lấp đầy những “thung lũng” do sự lạnh lùng và thờ ơ gây ra, mở lòng mình ra với người khác bằng những tâm tình như tâm tình của Chúa Giêsu, nghĩa là với sự thương cảm và quan tâm huynh đệ vốn đáp ứng mọi nhu cầu của anh chị em mình”.
Anh Chị em,
“Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa!”. Để dọn đường cho Chúa, hãy lấp đầy các thung lũng do ‘giá lạnh’ gây ra. Người ta không thể yêu thương, bác ái và huynh đệ nếu vẫn còn những “khoảng không” cũng như những ổ gà trên các con đường. Điều này đòi hỏi chúng ta phải thay đổi thái độ. Sau đó, cần phải hạn chế sự thờ ơ do kiêu ngạo và tự phụ. Như Gioan đã mở ra những con đường trong sa mạc, bạn và tôi chỉ ra những viễn cảnh hy vọng, ngay trong những bối cảnh hiện sinh đầy gian khổ của thế giới vốn đang bị đánh dấu bởi những thất bại này đến những thất bại khác!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con đang ở đâu? Liệu Chúa đã được sinh ra trong con? Xin đưa con ‘về từ chốn lưu đày’ nếu con đang bị đày ải ở đâu đó!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)