Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Số 116: Tay bạn đang tác phúc hay tác họa ?

 

 

Số 116: Thức Ăn Nhanh cho Tâm Hồn (The Fast Food for The Soul) by Fr. Quảng Trần, C.Ss.R., on Monday, February 5, 2018

 

“Chúa Giêsu lại gần, cấm lấy tay mẹ vợ ông Phêrô mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài” (Mc 1: 31)

 

TAY BẠN ĐANG TÁC PHÚC HAY TÁC HOẠ?

 

Chúng ta đã từng nghe câu nói: “Đời không phải là một ngày hội, cũng không phải một đám tang, nhưng là một ngày lao động”. Tin Mừng theo thánh Marcô 1: 29-39 (lễ chúa Nhật thường niên 5A)  mô tả cho chúng ta thấy một ngày sống của Chúa Giêsu. Ngài bận rộn đủ thứ công việc: lên hội đường (có thể như ta đi nhà thờ), thăm viếng bệnh nhân, đặt tay chữa lành cho những người bệnh, xua trừ ma quỷ, lên núi cầu nguyện, và đặc biệt dành nhiều thời gian rao giảng Tin Mừng. Chúa Giêsu đã là một người lao động không biết mệt mỏi, mỗi ngày sống của Ngài là một ngày lao động cực nhọc. Đó là “lý do Chúa Giêsu được sai đến trần gian” (Mc 1: 38).

 

Câu hỏi đặt ra tại sao con người phải lao động?

 

Kinh Thánh kể lại rằng, khi ông Adong và bà Evà phạm tội, sự tội thâm nhập vào thế gian, và Thiên Chúa đã truyền rằng vì tội nguyên tổ nên “đất đai bị nguyền rủa vì tội con người, con người sẽ phải cực nhọc mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc, con người phải ăn các thực vật. Con người phải đổ môi hôi trán mới có bánh mà ăn, cho đến khi trở về bụi đất, vì từ đất con người được lấy ra” (Khởi Nguyên 3: 17-9). Hoá ra, “đời con người không phải là một ngày hội, cũng không phải một đám tang, nhưng là một ngày lao động”. Vì lẽ tội lỗi đã đày đoạ con người phải lao nhọc mới có đồ ăn thức uống.

 

Nói đến lao động chúng ta nghĩ ngay đến việc các bộ phận trong cơ thể phải tập trung, dùng các dụng cụ lao động để tạo ra một sản phẩm nào đó. Hình như trong mọi ngành nghề, không ngành nghề nào là không ít thì nhiều cũng phải sử dụng đến hai bộ phận trên cơ thể con người: mắt và tay. Thế nên chúng ta mới có cầu: “giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay.” Câu hỏi đặt ra là tôi đang dùng đôi bàn tay làm gì? Đôi bàn tay tôi đang TÁC PHÚC hay TÁC HOẠ?

 

Tin Mừng kể lại rằng “Đức Giêsu lại gần, cấm lấy tay mẹ vợ ông Phêrô mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài” (Mc 1: 31). Đôi tay của Chúa Giêsu là đôi tay chữa lãnh. Đôi tay tác phúc cho người khác. Đôi tay của bà mẹ vợ ông Phêrô cũng thế, đôi tay của phục vụ. Đôi tay đem lại đồ ăn thức uống cho người khác. Tạo ra những sản phẩm phục vụ cho đời.  Vậy, đôi tay của tôi thì sao?

 

Vì tội nguyên tổ, và con người bị nguyền rủa nên không còn cách nào khác, con người phải lao nhọc mới có của ăn thức uống. Ấy vậy, nhiều người trong chúng ta vẫn cứ lầm tưởng rằng KHÔNG CẦN dùng đôi tay LAO TÁC CỰC NHỌC mà vẫn có của ăn dư thừa. Họ dùng đôi tay bấm trên điện thoại, trên bàn phí computer để cá độ bóng đá, cá độ các trò chơi... (ví dụ như cá độ Super Bowl giữa Partriot và Eagles diên ra tối Chúa Nhật ngày mùng 4 tháng 2 năm 2018 diễn ra ở Mỹ chẳng hạn) hay họ dùng đôi tay của họ trong các sòng bài... họ cứ nghĩ rằng dễ ăn tiền của thiên hạ mà không cần đổ mồ hôi sôi nước mắt. Thưa họ đang dùng đôi bàn tay đó TÁC HOẠ cho những người thân của họ, cho cho xã hội...

 

Có những người đang dùng đôi tay của mình để ký những sắc lệnh giết oan hàng loạt người vô tội, gây chiến tranh. Có những người đang dùng đôi tay của mình giết hại các sinh linh trong bụng các bà mẹ. Có những người đang dùng đôi tay của mình cầm nắm, vận chuyển thuốc phiện, xì ke ma tuý... gây chết chóc cho bao gia đình... Đó là những đôi tay đang cách nào đấy TÁC HOẠ cho chính mình và cho những người khác.

Làm thế nào để đôi tay tôi KHÔNG TÁC HOẠ?

 

“Sáng sớm tinh sương, lúc trời còn tối mịt, Chúa Giêsu đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó”(Mc 1:35). Hoá ra đôi tay của Chúa Giêsu có thể TÁC PHÚC được là do Ngài đã cầu nguyện, múc lấy ơn thánh từ Cha Ngài.

 

Đôi bàn tay biết chắp lại, hướng lên trời thường được xem như là biểu tượng của cầu nguyện của hầu hết các tôn giáo trên thế gian này. Muốn đôi tay làm những việc TÁC PHÚC thì ta phải chắp lại, hướng lên Trời, xin Ông Trời chúc phúc cho đôi tay của ta, để đôi tay ấy có thể tác phúc cho người khác. Nói như văn hào Vitor Hugo, trong tác phẩm Những Người Khốn Khổ (Les Miserables) cầu nguyện là việc làm tuyệt hảo nhất của con người. “...Ở mọi nơi chúng ta tôn kính những con người biết cầu nguyện. Chúng ta cúi đầu trước những con người biết quỳ gối. Một con người có đức tin. Đấy là những điều cần thiết cho một con người. Vô phúc thay cho những ai không có niềm tin. Không phải vô công rỗi nghề khi người ta chiêm ngắm Thiên Chúa. Có cái lao động thấy được, có cái lao động không thấy được. Chiêm ngắm là đất cày. Suy tư là hành động. Khoanh tay là lao động. Chắp tay là làm việc. Ngước nhìn trời cao cả là một sự nghiệp”.[1]

 

Chúng ta cần lắm một đôi bàn tay chắp lại để cầu nguyện, để xin ơn Thiên Chúa chúc lành cho đôi bàn tay của ta, điều này thật là tuyệt vời và cần thiết. Thế nhưng, thật cần thiết và tuyệt vời hơn nữa, nếu sau khi đã chắp lại để liên hệ với Trời Cao, thì chúng ta cũng cần phải mở ra nắm lấy anh chị em để san sẻ, TÁC PHÚC cho họ.

 

Suy nghĩ và hành động: Tôi phải dùng đôi bàn tay để kiếm sống, thế nhưng tôi có chịu khó lao động không? Tôi có đang lười biếng lao động?  Tôi muốn có của cải vật chất mà không muốn đổ mô hôi sôi nước mắt không? Đôi tay của tôi đang làm những việc gây HOẠ cho tôi và cho người khác không? Nếu thế, tôi có xin ơn Chúa giúp tôi biết dùng đôi bàn tay tôi làm những việc xoa dịu nỗi đau cho cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè của tôi không?

 

[1] Lời dịch này là của học trò, dựa trên lời dich của Linh Mục, Phêrô Nguyễn Văn Khải CSsR. Nguyên bản tiếng Pháp: “nous honorons partout l'homme pensif. Nous saluons qui s'agenouille. Une foi ; c'est là pour l'homme le nécessaire. Malheur à qui ne croit rien ! On n'est pas inoccupé parce qu'on est absorbé. Il y a le labeur visible et le labeur invisible. Contempler, c'est labourer ; penser, c'est agir. Les bras croisés travaillent, les mains jointes font. Le regard au ciel est une oeuvre”. (Victor Hugo, Les Miserables, T.2, Ch. VI & Ch.8, pp.322&327.).

 

See video