Số 123: Thánh Thể, tình yêu tự hiến của Thiên Chúa
Số 123: Thức Ăn Nhanh cho Tâm Hồn (The Fast Food for The Soul) by Fr. Quảng Trần, C.Ss.R., on Monday, June 4, 2018
Đức Giêsu nói với người DoThái rằng “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh Ta sẽ ban tặng, chính là thịt Ta đây, để cho thế gian được sống.” (Ga 6:51)
THÁNH THỂ, TÌNH YÊU TỰ HIẾN CỦA THIÊN CHÚA
Bí tích Thánh Thể là một Bí Tích về Tình Yêu nhiệm mầu đến từ Thiên Chúa, đến từ sáng kiến tình yêu của Thiên Chúa. Không phải đến từ phía con người. Con người chỉ cần đón nhận tình yêu nhưng không (unconditioned love) đến từ Thiên Chúa.
Về phía con người, chúng ta luôn đặt câu hỏi làm thế nào mà một Thiên Chúa hiện hữu từ đời đời, toàn năng, toàn tri…lại hiện diện thật trong một tấm bánh, trong chút rượu khi được linh mục đọc lời hiến thánh, là thứ bị giới hạn về không gian, bị thời gian tàn phá?
Thưa chỉ vì “Thiên Chúa là tình yêu”(1Ga 4: 16).
Hơn nữa, về phía con người, chúng ta dù có sốt sắng thế nào đi nữa, dù có ý thức rất rõ Chúa vì yêu ta đã hiện diện thật trong bí tích Thánh Thể, thì chúng ta cũng chẳng tài nào hiểu thấu được tại sao Chúa lại làm vậy.
Có thể chúng ta cứ việc tìm hiểu, cứ nghiên cứu để hiểu biết hơn về tình yêu của Thiên Chúa trong bí tích Thánh Thể, nhưng nói như thánh Thomas Aquinas, tiến sỹ các thiên thần, “ta hãy lấy đức tin bù lại nếu giác quan chẳng cảm thấy gì.” Thậm chí chúng ta có thể chẳng hiểu, chẳng cảm nếm được tình yêu của Thiên Chúa nơi Bí Tích Thánh Thể cho đủ, nhưng xin cho chúng ta trung thành đến “ăn, uống” Ngài mỗi khi có thể. Hầu Bí Tích Thánh Thể sẽ “bổ sức” cho cả hồn xác chúng ta. Vì trong tình yêu, lời mời gọi đáp trả là cần thiết, nhưng tình yêu đích thật luôn luôn vô điều kiện. Chỉ biết cho đi mà không cần so đo tính toán đến sự đáp trả của người được yêu thương.
Nhà thờ tôi (Mission Churt in Boston – Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Boston) có cụ ông già lắm rồi, từ khi tôi đến đây đã thấy cụ già rồi, tên cụ là Phillip Furey. Mỗi lần lên rước lễ cụ luôn lãnh nhận thêm một bánh thánh để trao cho một ai đó. Dần dà tôi khám phá ra cụ ông Phillip “làm thưa tác viên Thánh Thể ngoại thương” cho một mình cụ bà, vợ ông đang ở nhà hưu dưỡng Maris Stella.
Mỗi sáng, lễ xong, cụ ông Phillip lên xe bus số 66 ở ngày trước mặt tiền nhà thờ, đến thẳng nhà hưu dưỡng VÀO KHOẢNG 8:30 để trao Mình Thánh Chúa cho cụ bà, rồi ăn sáng với bà.
Một ngày kia, nhà thờ chúng tôi có chương trình đặc biệt mãi đến 9:00 mới lễ xong. Cụ ông Phillip cứ thấp thỏm, bồn chồn như mất sổ gạo thời bao cấp bên Việt Nam. Mấy người giáo dân trong nhà thờ thấy cụ ông Phillip như vậy nên nói: ông già rồi, đâu có làm gì vội vàng đâu mà lo lắng, bồn chồn về việc lễ xong muộn hơn bình thường?
Cụ ông Phillip trả lời: Đã 20 năm nay, cứ đúng 8:30 tôi cho bà nhà tôi rước Mình Thánh Chúa, rồi sau đó chúng tôi điểm tâm sáng với nhau.
Mọi người mới xúm vào nói: bà ấy vừa đãng trí, vừa điếc (hình như bệnh của hầu hết các người già thì phải???). Bà ấy đâu có nhớ ai. Bà ây không nhận ra ông là ai, vậy ông cần gì phải lo lắng. Ông chỉ là một người như bất cứ người nào khác đối với bà ấy mà!
Cụ ông Phillip Furey chậm dãi trả lời: Đúng! Vợ tôi chẳng nhận ra ai, dù là chồng hay những đứa con. NHƯNG ÍT NHẤT LÀ TÔI CÒN NHẬN RA BÁ ẤY, VÀ BIẾT BÀ ẤY LÀ AI. BÀ ẤY LÀ VỢ TÔI. TÔI YÊU BÀ ẤY. TÔI KHÔNG CẦN BÀ ẤY NHẬN RA TÔI, vì TÔI YÊU BÀ ẤY. Tôi đến thăm bà ấy mỗi sáng vì tôi yêu bà ấy.
Tình yêu không cần đòi đền đáp, tình yêu không cần điều kiện mới là tình yêu đích thật. Cha mẹ chúng ta dọn sẵn bữa ăn tối, các ngài chỉ cần con cái về ăn, chỉ cần chúng về ăn là được, là đủ và cảm thấy chúng ta ăn ngon là các ngài mừng rồi. Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể cũng thế. Cần chúng ta “ăn, uống” Ngài là Thiên Chúa vui rồi.
Suy nghĩ và hành động: Lời mời gọi tôi có muốn “ăn, uống” Thánh Thể không? Tôi có dành thời gian cho Chúa Thánh Thể không? Như rước lễ thường xuyên mỗi khi tham dự thánh lễ, hay rước lễ thiêng liêng mỗi khi không có dịp tham dự thánh lễ, hay có hay viếng thánh thể trong các nhà thờ, các nhà tạm khi có dịp không?
- Loại bài viết: