Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Số 127: Trái tim tôi đang loạn nhịp nơi nao

 

 

Số 127: Thức Ăn Nhanh cho Tâm Hồn (The Fast Food for The Soul) by Fr. Quảng Trần, C.Ss.R., on Monday, July 23, 2018

 

“Đức Giêsu thấy dân chúng rất đông đảo thì Ngài chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Ngài bắt đầu giảng dạy họ nhiều điều.” (Mc 6:34)

 

TRÁI TIM TÔI ĐANG LOẠN NHỊP NƠI NAO

 

Ai trong chúng ta cũng có trái tim. Trái tim tượng trưng cho tình yêu. Vấn đề nằm ở chỗ là trái tim của chúng ta đang hướng về đâu? Trái tim của chúng ta có phải đang hướng về CON NGƯỜI (tình yêu vị tha) để “chạnh lòng thương” như Chúa Giêsu hay đang hướng về những tư lợi của riêng ta (tình yêu vị kỷ)?

 

+ Trái tim của Chúa Giêsu: luôn luôn đặt vào con người, đam mê cứu vớt con người, hướng tới tha nhân: Bằng chứng, thấy các môn đệ mệt nhọc sau những lao tác, Ngài bảo: “chính anh em hãy lánh ra nơi thánh vắng mà nghỉ ngơi” (Mc 6: 31). Nhìn thấy đám đông đi theo Ngài thì Chúa Giêsu “chạnh lòng thương và Ngài dạy dỗ họ nhiều điều.” (Mc 6:34).

 

Chúng ta nhìn vào Kinh Thánh Tân Ước để thấy một vài nhân vật vì không hướng trái tim vào tha nhân, vào người khác, mà hướng vào mình, hay những thứ liên quan đến mình, đã là nguyên cớ dẫn họ đến thái độ VÔ CẢM trước nỗi đau, hay chà đạp lên cuộc đời của người khác.

 

+ Trái tim của thầy tư tế Lêvi: trong dụ ngôn người Samari nhân hậu, ông đặt tình yêu của mình vào LUẬT: không chạm tới máu, không bi ô uế, mình phải thanh sạch để đi đến đền thờ... nên trái tim ông không cứu, không yêu thương người bị nạn bên đường. Ông đặt trái tim mình ở LỀ LUẬT không đặt ở NẠN NHÂN (x. Lk 10: 25 - 37).

 

+ Trái tim của người biệt phái/ Pharisees: họ đặt mình vào những khuân phép, những tập tục nên họ đã không nhìn thấy những đau khổ của người khác. Họ tập trung vào “cái gì bạn không được làm,” mà thất bại trong việc nhận ra “bạn nên làm gì” (the Pharisees focused on “what you can’t do,” failing to see “what you should do.”). Nó luôn luôn là đúng luật để cho chúng ta làm việc tốt trong mọi nơi mọi hoàn cảnh, vì sự đau khổ xảy đến cho những người khác đâu có kiêng nể thời gian, nơi chốn. (x. Mt 12: 1-8)

 

+ Trái tim của vua Hêrođê: ông chỉ thấy cái ngai vàng, cái uy quyền, cái tiền bạc… của ông. Ông không nhìn thấy những em bé đáng thương, đáng mến nên ông đã tìm mọi cách giết lầm hơn là bỏ sót chỉ vì muốn giữ ngai vàng của ông. (x. Mt 2: 13-18)

 

+ Trái tim của tổng trấn Philatô: ông sợ mất chức, đã không đặt vào cán cân của công lý, của sự thật để đối xử với con người, nên ông đã đồng loã với những người khác để kết án Chúa Giêsu. (x. Mt 27: 11-26)

 

+ Trái tim của ông phú hộ: ông đặt ở những yến tiệc linh đình, quần áo sang trọng nên không đặt vào người Lazaro ăn mày trước mặt ông. (x. Lk 16: 19-31)

 

+ Trái tim của thượng tế Caipha: đặt vào uy tín và quyền lực của một tôn giáo nên tìm mọi cách để giết một người rao giảng những chân lý khác với niềm tin tôn giáo của mình (x. Mt 26: 57-68).

 

+ Trái tim của MỖI NGƯỜI CHÚNG TA đang đặt, dựa vào đâu? Bạn và tôi tự xét mình…! Tuy nhiên, dấu chỉ để nhận biết trái tim chúng ta đang hướng về đâu, thì Chúa Giêsu nói rất rõ “kho tàng các ngươi ở đâu, thì trái tim (lòng) các ngươi cũng ở đó” (Mt 6:21).

 

Kho tàng tôi đang hướng tới là gì?

 

Để biết được kho tàng của mình, chúng ta chỉ cần xem những phản ứng nhỏ nhỏ trong đời sống thường ngày của chính chúng ta: cây ngả chiều nào thì đổ theo chiều đó. Trong cuộc sống này, ai cũng có suy nghĩ tính toán vì lợi ích cá nhân của mình, ai cũng mong mình đạt được lợi ích lớn nhất, đó là lẽ thường tình. Tuy nhiên, đừng vì lợi ích của mình, mà đem trái tim mình đi xa anh em, cha đạp lên họ hay VÔ CẢM trước nỗi đau của họ.

 

Hãy có “lòng chạnh thương” của Chúa Giêsu để đẩy lui lòng vô cảm trước nỗi đau của người khác. Khi giá đôla lên hay xuống, giá vàng tăng hay sụt, khi thị trường chứng khoán có điểm hay mất điểm thì mọi người xôn xao, quan tâm, thế giới chấn động. Điều này, chứng minh rằng tâm hồn chúng ta đang đặt vào tiền bạc, vật chất rồi đó. Tuy nhiên, khi nghe tin biết bao nhiêu người bị hoạ tai thiên nhiên, bị đàn áp bất công bởi các thế lực chính trị mafia, chiến tranh… thì người ta vẫn bình thản, vì những thứ đó chưa xảy, hay không liên quan đến tôi. Đời sống của chúng ta, trong thế giới hôm nay, đặt tiền bạc trở thành trung tâm đời sống của ta nên con người trở thành phương tiên, bị đẩy ra khỏi trung tâm.

 

Làm sao đưa con người, người khác trở lại vị trí trung tâm, là đối tượng đầu tiên của con tim của tôi trong một thế giới chủ nghĩa vật chất hôm nay? Hãy đặt trái tim vào những LỢI ÍCH CHUNG, quan tâm tới VẤN ĐỀ CÔNG BẰNG trong hành xử với anh chị em đồng loại của mình.

 

Tỷ phú Lý Gia Thành kể rằng:

 

Tôi vẫn còn nhớ mẹ tôi và một cô chơi với nhau rất thân. Cô ấy rất khéo, mỗi lời cô nói ra đều khiến người khác cảm thấy dễ chịu. Tôi và mẹ đều rất thích cô nhưng về sau, họ không qua lại nữa.

 

Tôi hỏi mẹ sao cô ấy không đến chơi nữa, mẹ kể cho tôi nghe một chuyện nhỏ.

 

Trong một lần đi mua sắm, cả hai mua một túi hoa quả lớn đem về nhà rồi mới chia. Về sau, mẹ tôi đến nhà cô lấy, mới phát hiện cô giữ lại tất cả những quả to, đẹp cho mình và gói cho mẹ tôi tất cả những quả xấu, nhỏ.

 

Cô cho rằng mẹ tôi sẽ không biết song thực ra người tinh mắt chỉ cần nhìn là biết. Sau lần đó, mẹ tôi còn phát hiện thêm một vài việc nữa mà qua đó, bà nhận thấy chỉ cần có xung đột lợi ích với ai, cô đều phải giành phần hơn bằng mọi giá.

 

Mẹ tôi không nói ra, nhưng bà cho rằng kết giao với người như vậy không có ý nghĩa gì nên cả hai không qua lại như trước nữa.

 

Khi đó, mẹ có nói với tôi một câu mà cho đến giờ tôi vẫn nhớ: Muốn nhìn thấu nhân phẩm của một người, chỉ cần quan sát thời điểm họ và con có xung đột về lợi ích là đủ.

 

Khi bạn và người khác đang đứng trước sự xung đột về lợi ích, đặc biệt là khi lợi ích bị hao tổn, phản ứng của họ sẽ thể hiện rõ nhất nhân phẩm trong con người đó.

 

Suy nghĩ và hành động: Trước khi tôi có thể làm bác ái, làm việc tông đồ, xin cho tôi biết có lòng chạnh thương và coi những người khác như là mục đích, chứ không phải phương tiện trong tương quan của tôi. Tôi có công bằng trong những chuyện nhỏ nhặt trong đời sống gia đình, trong đời sống bạn bè... những người mà tôi đang xây dựng các tương quan không? Hay tôi tìm tư lợi cho mình, mặc kệ những nỗi đau của họ, những thiệt thòi của họ?

 

See video