Chúa lên quỷ xuống - Chúa gõ cửa hồn
CHÚA LÊN QUỶ XUỐNG
Một số truyền thống xung quanh sự long trọng của Lễ Thăng Thiên mô tả Chúa Giêsu lên trời, trong khi ma quỷ đi xuống, thu mình lại vì thất bại.
Qua nhiều thế kỷ, nhiều phong tục và truyền thống địa phương liên quan Lễ Thăng Thiên bao gồm sự tương phản giữa Chúa Giêsu và Satan.
Nói chung, Thứ Sáu Tuần Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh thường được coi là những ngày mà Satan bị đánh bại, thì lễ Thăng Thiên cũng được cho là ngày mà ma quỷ thu mình lại vì thất bại.
Lễ Thăng Thiên là ngày Giáo Hội tưởng nhớ thân thể vinh hiển của Chúa Giêsu thăng thiên trong một hành động nêu bật chiến thắng cuối cùng của Ngài trên tội lỗi và sự chết.
Bách Khoa Toàn Thư Công Giáo giải thích rằng một số truyền thống địa phương đã cố gắng thể hiện hành động chiến thắng hiển hách này: “Đá khắc họa phong tục của người Anh mang biểu ngữ có biểu tượng sư tử ở đầu cuộc rước và biểu tượng con rồng ở cuối, tượng trưng cho sự chiến thắng của Chúa Kitô khi Ngài lên trên kẻ ác. Ở một số nhà thờ, cảnh Chúa Thăng Thiên được tái hiện một cách sống động bằng cách nâng tượng Chúa Kitô lên trên bàn thờ qua một khoảng không trên mái nhà thờ.”
Hơn nữa, thậm chí một số bức tranh còn mô tả điều này, như “hình tượng của Chúa Kitô được đưa lên, hình bóng của ma quỷ được tạo ra để đi xuống.” Cuốn “Ancient Mysteries Described” (Những Bí Ẩn Cổ Đại Được Mô Tả, thế kỷ 19) đã thêm một số thông tin cơ bản về phong tục và nguồn gốc:
Truyền thuyết nói rằng việc mang biểu ngữ có hình Thánh Giá trong Tam Nhật Thăng Thiên (Rogation Days) là tượng trưng chiến thắng của Chúa Kitô trong sự phục sinh và thăng thiên của Ngài, rằng mọi người đã đi theo Thánh Giá và các biểu ngữ, giống như Chúa Kitô đã được người ta đi theo khi Ngài lên trời với các nạn nhân cao cả. Tại một số nhà thờ, đặc biệt là ở Pháp, người ta có phong tục mang một con rồng với cái đuôi dài chứa đầy trấu. Người ta hiểu rằng hai ngày ma quỷ thống trị thế giới, nhưng ngày thứ ba nó bị tước đoạt vương quốc của nó.
Một đoạn trong Tân Ước có cảm giác tương tự trong thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô: “Cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt; và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử. Vậy khi cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng! Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi? Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật.” (1 Cr 15:53-56)
Lễ Thăng Thiên là một bữa tiệc chiến thắng cho chúng ta thấy trước những gì sẽ xảy ra trong tương lai.
PHILIP KOSLOSKI
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)
Lễ Thăng Thiên – 2024
▶ Chúa Lên Trời – https://youtu.be/T9f4RJrv6Sg
*********
CHÚA GÕ CỬA HỒN
Trích bài giảng của ĐGH Benedict XVI trong Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm 2007.
Lễ Mình Máu Thánh Chúa là lễ đặc biệt và là cuộc gặp gỡ quan trọng của đức tin và lời ngợi khen đối với mọi cộng đoàn Kitô hữu. Lễ này bắt nguồn từ một bối cảnh lịch sử và văn hóa cụ thể: được sinh ra với mục đích rất chính xác là công khai tái xác định niềm tin của Dân Chúa vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng sống động và hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh Thể. Đó là lễ được thiết lập để công khai tôn thờ, chúc tụng và cảm tạ Chúa, Đấng tiếp tục “yêu thương chúng ta đến cùng, thậm chí trao ban chính Mình Máu Ngài cho chúng ta.” (Sacramentum Caritatis, ghi chú 1)
Như vậy, Lễ Mình Máu Thánh Chúa là sự canh tân mầu nhiệm Thứ Năm Tuần Thánh, có thể nói như vậy, theo lời mời gọi của Chúa Giêsu để công bố từ “trên mái nhà” những gì Ngài đã bí mật nói với chúng ta. (x. Mt 10:27) Chính các tông đồ đã lãnh nhận hồng ân Thánh Thể từ Chúa Giêsu trong sự thân mật của Bữa Tiệc Ly, nhưng bí tích này được dành cho tất cả mọi người, cho toàn thế giới.
Đó là lý do Thánh Thể phải được công bố và phơi bày trước mắt mọi người: để mỗi người có thể gặp gỡ “Chúa Giêsu đi ngang qua” như đã xảy ra trên các nẻo đường ở Galilê, Samari và Giuđê; để mỗi người khi lãnh nhận Thánh Thể có thể được chữa lành và đổi mới nhờ sức mạnh tình yêu của Ngài. Đây là di sản vĩnh viễn và sống động mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta trong Bí tích Mình Máu Ngài.
Chính vì đây là một thực tại mầu nhiệm vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta, nên chúng ta đừng ngạc nhiên nếu ngày nay có quá nhiều người cảm thấy khó chấp nhận Sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể. Không thể khác được. Điều này đã xảy ra trong hội đường Caphácnaum, khi Chúa Giêsu công khai tuyên bố rằng Ngài đến để ban cho chúng ta Thịt và Máu Ngài làm của ăn. (x. Ga 6:26-58)
Đây dường như là “lời khó nghe” và nhiều môn đệ của Ngài đã rút lui khi họ nghe Ngài nói. Sau đó, cũng như bây giờ, Bí tích Thánh Thể vẫn là “dấu hiệu của sự mâu thuẫn,” và chỉ có thể như vậy bởi vì Thiên Chúa, Đấng mặc xác phàm và hy sinh chính mình vì sự sống của thế giới, đã đưa trí tuệ loài người vào cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, với lòng tin tưởng khiêm tốn, Giáo hội coi đức tin của Thánh Phêrô và các tông đồ khác là của mình và cùng công bố với các ngài, và chúng ta công bố: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.” (Ga 6:68) Chúng ta cũng hãy lập lại lời tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô, Đấng hằng sống và hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. Đúng vậy, đó là sự thật mà mỗi tín nhân học được rằng bánh trở thành Mình Ngài, rượu trở thành Máu Ngài.”
Giống như manna đối với dân Israel, đối với mọi thế hệ Kitô hữu, Bí tích Thánh Thể là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu để nâng đỡ họ khi họ băng qua sa mạc thế gian này, bị khô cằn bởi các hệ thống ý thức hệ và kinh tế không cổ võ sự sống mà lại hạ nhục nó. Đó là một thế giới mà logic của quyền lực và của cải chiếm ưu thế hơn logic của sự phục vụ và tình yêu; một thế giới mà văn hóa bạo lực và chết chóc thường xuyên chiến thắng.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu đến gặp chúng ta và làm cho chúng ta tin chắc: chính Ngài là “Bánh Trường Sinh.” (Ga 6:35 & 48) Ngài lặp lại điều này với chúng ta trong Tin Mừng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” (Ga 6:51)
Thuật lại phép lạ hóa năm chiếc bánh và hai con cá ra nhiều mà Chúa Giêsu dùng để cho đám đông ăn “ở nơi vắng vẻ,” Thánh Luca kết luận: “Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.” (x. Lc 9:11-17)
Tôi muốn nhấn mạnh chữ “tất cả” này. Thật vậy, Chúa đã muốn mọi người được nuôi dưỡng bằng Bí tích Thánh Thể, vì Bí tích Thánh Thể dành cho mọi người.
Nếu mối tương quan mật thiết giữa Bữa Tiệc Ly và mầu nhiệm Chúa Giêsu chết trên Thập Giá được nhấn mạnh vào Thứ Năm Tuần Thánh, thì Lễ Mình Máu Thánh Chúa, với cuộc rước và cùng nhau chầu Thánh Thể, người ta được kêu gọi chú ý đến sự kiện chính Chúa Kitô đã hy sinh thân mình cho cả nhân loại. Việc Ngài đi qua các ngôi nhà và dọc theo các đường phố trong thành phố của chúng ta sẽ đem đến cho những người sống ở đó một món quà là niềm vui, sự sống vĩnh cửu, hòa bình và tình yêu.
Trong đoạn Tin Mừng, yếu tố thứ hai thu hút sự chú ý của người ta: phép lạ Chúa làm chứa đựng lời mời gọi mỗi người đóng góp phần của mình. Hai con cá và năm chiếc bánh tượng trưng cho sự đóng góp của chúng ta, tuy nghèo nhưng cần thiết, mà Ngài đã biến điều đó thành món quà yêu thương cho tất cả mọi người.
Vào cuối buổi cử hành Thánh Thể, chúng ta tham gia cuộc rước như thể rước Chúa Giêsu trong tinh thần qua tất cả các đường phố và khu phố của Rôma. Có thể nói rằng chúng ta sẽ say đắm Ngài trong thói quen hằng ngày của cuộc sống, để Ngài có thể bước đi và sống ở nơi chúng ta sống.
Như chúng ta biết, tông đồ Phaolô đã nhắc nhở chúng ta trong thư gửi giáo đoàn Côrintô rằng trong mỗi Thánh Lễ, chúng ta “loan truyền Chúa đã chịu chết cho tới ngày Chúa đến.” (x. 1 Cr 11:26) Chúng ta đi trên những nẻo đường của thế giới, nhận biết Ngài ở bên cạnh chúng ta, được nâng đỡ bởi niềm hy vọng một ngày nào đó có thể gặp Ngài mặt đối mặt, trong cuộc gặp gỡ cuối cùng.
Trong khi chờ đợi, chúng ta hãy lắng nghe tiếng nói của Ngài lặp lại, khi chúng ta đọc trong sách Khải Huyền: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.” (Kh 3:20)
Lễ Mình Máu Thánh Chúa muốn làm cho tiếng gõ cửa của Chúa có thể nghe được, bất kể khả năng nghe nội tâm của chúng ta như thế nào. Chúa Giêsu gõ cửa trái tim chúng ta và yêu cầu được vào không chỉ trong một ngày mà là mãi mãi.
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)
▶ Nguồn Sống Mới – https://youtu.be/eUKdr9c8G2g
- Tổng Hơp: