Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Niềm tin của bà lão nhà quê

Tác giả: 
Lm Bùi Trọng Khẩn

NIỀM TIN CỦA BÀ LÃO NHÀ QUÊ

 

Hôm ấy, mình gặp một bà lão vào nhà xứ gặp cha sở và thưa:“Xin cha cầu nguyện cho mỗi cháu một lễ”. Cha xứ cầm lấy phong thư và cười vui vẻ. Nhưng bà lão chưa tin tưởng lắm, dặn thêm : “Xin Cha nhớ kỹ cho con”.

 

Trường hợp như thế này, các linh mục đã gặp nhiều trong công tác mục vụ. Nhiều khi thấy vui vui, có lúc cũng thấy khó chịu. Nhưng nếu biết được tấm lòng và niềm tin của họ thì quý vô cùng. Các bà lão nhà quê nhiều khi chỉ dành dụm, chắt chiu được mươi dăm ngàn bạc đối với họ là vốn quý. Thế mà hôm nay dám dốc cạn két ra để xin cha dâng lễ cầu nguyện cho con cháu, mỗi cháu một lễ, mỗi lễ chỉ vài ngàn bạc thôi. Phải là một bà lão rất… liều mạng đấy chứ ! Nhưng sâu xa hơn, tôi hiểu được niềm tin và lòng mến của bà. Bà ấy có khi là chính bà nội hay bà ngoại của tôi xưa nay mà tôi đâu có thèm để ý. Hoặc xa hơn là chính các cụ tổ nhà mình ngày xưa đã khuất rồi ; nhưng chính vì thế mà tôi còn có niềm tin như ngày hôm nay. Xin cám ơn các cụ, các ông bà của tôi hay bất cứ một bậc cao niên vô danh nào đã vẫn và đang làm những chuyện như thế để gầy dựng và nuôi dưỡng đức tin cho con cháu mai sau.

 

Chúa Giêsu đã nhìn thấy một bà góa bỏ tiền vào đền thờ và Ngài nói : bà góa nghèo này đã bỏ nhiều nhất….

 

Ôi, phải chi tất cả chúng ta đều có cái nhìn như Chúa Giêsu thì tuyệt vời biết chừng nào. Lòng ta vẫn đầy tham lam đủ thứ, vẫn có cái óc hẹp hòi ích kỷ, tranh chấp lợi nhuận, phân bì hơn thiệt,…vì chỉ nhìn vào thực tại với con mắt xác thịt mà không nhìn thấy cái ruột của nó. Người ta vẫn nói : “một miếng lúc đói bằng một gói khi no” cơ mà, chứ đâu phải lúc nào cũng cần miếng to thì mới có giá.

 

Đã có lần cũng một bà lão đưa cho tôi năm ngàn đồng và nói với giọng tha thiết nhờ xin khấn giúp cho. Tôi ngạc nhiên quá và rất ngại không dám nhận. Tôi hỏi cụ xin khấn thế nào, cụ không nói rõ. Rồi tôi bảo cụ, thôi cứ bỏ năm ngàn đồng ấy vào hòm xin khấn ở nhà thờ rồi cháu sẽ khấn cho cụ. Cụ cũng không chịu. Bà cụ cứ dúi tiền vào tay tôi. Biết khó mà từ chối, tôi lại bảo : thôi, tốt nhất bây giờ cụ cầm tiền này đến cha xứ xin lễ thì hay hơn. Xin khấn không bằng xin lễ đâu cụ ạ ! Như vậy cụ bà mới nghe ra và đành chịu cầm lấy năm ngàn. Riêng tôi thì cứ tiếp tục suy nghĩ về hành động ấy của bà lão. Và cho đến hôm nay là bốn năm rồi, tôi không quên hình ảnh bà cụ. Đặc biệt tôi yêu quý niềm tin chân chất của bà.

 

Nhiều lần tôi đi tham dự nghi thức cho kẻ liệt rước lễ như của ăn đàng. Phải nói lúc này là lúc người ta bộc lộ niềm tin một cách mạnh mẽ nhất. Nhất là những người trong gia đình của bệnh nhân. Vì cho đến lúc này thì chẳng còn biết cậy dựa vào ai hơn Chúa nữa, cho nên người ta tin tưởng hết sức. Niềm tin ấy được thể hiện ra ngoài bằng thái độ, cử chỉ. Khi linh mục hoặc thừa tác viên đưa Mình Thánh Chúa tới gia đình bệnh nhân, mọi người cung kính thờ lạy. Có khi bênh nhân nếu còn đủ sức cũng quỳ gối ngay trên giường bệnh. Đây là hình ảnh bà tôi những ngày cuối đời. Những lúc khác, bà không thể hoặc không muốn ngồi dậy, thậm chí không muốn nhúc nhích cái thân vì đã quá kiệt sức. Nhưng khi người nhà ra hiệu cha đưa Mình Thánh Chúa tới, bà tự vực dậy và quỳ ngay trên giường. Tôi nghĩ chắc bà sẽ khẻo lại đây. Sau đó, bà lại nằm xuống ngay và không nhúc nhích. Tôi hiểu rằng, niềm tin đã nâng đỡ bà tôi trỗi dậy được như thế. Được vài lần như vậy rồi bà qua đời trong sự bình an, thanh thản. Nhiều bệnh nhân khác cũng tương tự như vậy mà tôi đã thấy. Còn khung cảnh của người nhà lúc bấy giờ thì rất sốt sắng trang nghiêm. Bầu không khí thật tuyệt vời. Sự lặng lẽ như muốn nói lên tất cả tấm lòng và niềm tin đặt ở nơi Thiên Chúa. Ai chả muốn Chúa thương tới gia đình mình lúc này. Bản thân tôi, khi tham dự trong những trường hợp như thế này làm cho đức tin của mình sốt sáng hơn, biết yêu thương người ta hơn, biết kính trọng những con người già cả neo đơn, nhất là lúc họ đau ốm nặng. Khi dạy giáo lý, tôi hay khuyên người ta: nếu trong giáo xứ mình có người đau ốm nặng thì chịu khó đến tham dự nghi thức cho bệnh nhân rước lễ và xức dầu để tỏ ý hiệp thông trong tâm tình cầu nguyện và đồng cảm với nỗi đau bệnh tật của họ. Nhưng nói chung, xem ra khó vì hầu hết người ta cho là thường nên chỉ những người anh em họ hàng hay thân thiện lắm họ mới đi.

 

Muốn nói lên cái cảm nghiệm ấy từ bản thân mình như là cái nhìn rất chân thành trong cuộc sống đạo hôm nay. Nhưng đúng ra là bài học thực tiễn của cuộc sống. Rồi đây, mai mốt có lẽ đến cái tuổi già không biết mình có được niềm tin như những bà lão nói trên không ; hay là người ta có nhìn thấy để mà khâm phục ta dẫu chỉ là một vài hành vi nho nhỏ, tầm thường và rất quen thuộc ?

 

 Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn