Suy niệm Chúa nhật 15 thường niên B
TRONG MỌI SỰ HÃY NGHĨ NGAY ĐẾN VIỆC TRUYỀN GIÁO
(Suy niệm lễ Chúa nhật 15 TNB)
Câu chuyện: Đẩy xe dọc đường và cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ.
Từ Khe Thơi, Piềng Khử về Con Cuông giữa trưa nắng hè, ngay dốc đoạn đường rừng trung tâm giữa Khe Choang và Khe Thơi, tôi bắt gặp hai người đàn bà đang đẩy 1 chiếc xe máy. Trông từ xa, tôi nghĩ rằng xe họ hết xăng hay sao mà như thế? Gần tới đỉnh dốc, tôi dừng lại hỏi hai bà: xe sao vậy hai bà?Hai bà nhanh nháu trả lời trong khi hơi sức đã liệt vì đẩy xe: xe nổ lốp rồi anh ơi! Tôi nói để cháu giúp hai bà nhé: tôi xuống ra khỏi ô-tô và kiểm tra xe của hai bà. Và quả thật đúng như thế. Tôi quyết định khiêng xe hai bà lên phía sau xe bán tải của tôi nhờ sự cộng tác của hai bà. OK rồi nhé! mời hai bà lên xe tôi ngồi đi. Thế là chúng tôi tuy xa lạ nhưng giờ đã cùng một chuyến đi. Đi thêm 5-7km, chúng tôi mới thấy một quán sửa xe máy. Vui lắm và chúng tôi ghé vào và đem xe máy xuống để nhờ thợ giúp hai bà. Lúc đó, tôi nhớ là có gửi tiền luôn cho bác thợ sửa xe luôn. Hai bà không hiểu được việc làm bất ngờ đó. Họ cảm ơn mù mịt và tôi chào tạm biệt hai bà để tiếp tục lên đường về nơi trụ sở!
Kính thưa mọi người,
Họ là ai không cần biết nhưng bản chất yêu thương của người theo đạo, theo Chúa phải thực thi ngay! Hãy yêu và hãy làm như Chúa đã làm. Theo tôi, đó là truyền giáo! Đơn giản vậy thôi! Quả thật, “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” ( Ga 13,35)
Hôm nay, tất cả các bài đọc trong ngày Chúa nhật 15 thường niên B muốn gửi cho chúng ta sứ điệp về bổn phận phải rao giảng Tin mừng đối với tất cả mọi người. Hơn nữa, ngang qua các bài đọc đó, chúng ta được mời gọi hãy ý thức rằng tất cả mọi sự đều bởi ơn Chúa, bởi sức mạnh của Chúa. Chúng ta không thể làm được gì nếu không có Chúa.
Thật vậy, nơi bài đọc I, khi bị Amaziah ngăn chặn và không cho nói tiên tri tại vương quốc Israel, Amos đã thẳng thắn trả lời: ông không lựa chọn để trở thành ngôn sứ, nhưng chính Thiên Chúa đã chọn và sai ông đi để nói những gì Ngài muốn nói: “Hãy đi tuyên sấm cho Israel dân Ta” (Am 7,15). Trong bài đọc II, tác giả thư Êphêsô nêu lên tất cả những hồng ân mà Thiên Chúa ban cho con người chúng ta qua Đức Giê-su Ki-tô. Trong Tin mừng Mác-cô, Chúa Giê-su lựa chọn Nhóm Mười Hai để huấn luyện, ban quyền, và sai các ông đi để rao giảng Tin mừng và chữa lành mọi vết thương hồn xác.
Chính Đức Giê-su, Vị truyền giáo tối cao và đầu tiên đã mang sứ điệp yêu thương của Thiên Chúa đến cho nhân loại. Bằng chứng đỉnh cao của tình yêu là cái chết thập giá. Tuy nhiên, Đức Giê-su không làm một mình, Ngài đã có kế sách chọn gọi Nhóm Mười Hai để các ông ở lại được huấn luyện, được dạy bảo, sau đó sai các ông ra đi loan báo Tin mừng và kêu gọi mọi người ăn năn hối cải – tin vào Đức Giê-su Ki-tô để đón nhận ơn cứu độ.
Đọc Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy Đức Giê-su sai Nhóm Mười Hai đi rao giảng Tin mừng từng nhóm hai người. Điều này muốn diễn tả rằng Nhóm Mười Hai nói riêng và mọi người nói chung cũng được mời gọi tham dự vào sứ vụ Loan báo Tin mừng của Đức Giê-su Ki-tô. Với lại, công việc rao giảng Tin mừng không riêng gì ai mà cần có sự đồng lòng, đồng sức, cùng chung tay để ra đi đem niềm vui ơn cứu độ đến cho mọi người ở mọi nơi và mọi lúc. Việc Đức Giê-su căn dặn Nhóm Mười Hai: “Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy ; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng ; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.” (Mc 6, 8-9). Điều này Ngài muốn nhắn gửi Nhóm Mười Hai nói riêng và mọi người nói chung rằng khi đi truyền giáo cần phải nhẹ nhàng, thanh thoát để không bị lệ thuộc vào tiện nghi vật chất nhưng hãy chuyên chăm cho việc gặp gỡ, trao ban và dấn thân. Người truyền giáo chỉ cần cây gậy và được đi dép. Nói đến đây, chúng ta nhớ đến ông Mô-sê đã cầm gậy trong tay khi đưa dân Israel ra khỏi Ai-cập; cái gậy tượng trưng cho quyền lực của Thiên Chúa. Với cái gậy nhỏ bé, Mô-sê làm nhiều dấu lạ điềm thiêng trước mặt Pharao (x. Xh 4,2), xẻ đôi Biển Đỏ (Xh 14,16) và làm cho nước tuôn chảy từ một tảng đá (Xh 17,5). Các môn đệ của Đức Giê-su chỉ được cầm một cái gậy, điều này cho hiểu rằng các ông chỉ có thể cậy dựa vào quyền năng của Lời Chúa mà thôi, tự sức mình chẳng làm được điều gì cả.
Ngoài ra, Đức Giê-su còn căn dặn rằng việc truyền giáo không đòi hỏi theo sở thích của bản thân nhưng cần lưu ý đến tha nhân, những người nghèo, những hoàn cảnh khó khăn và đau khổ. Họ mới là đối tượng, là chủ nhân của công cuộc loan báo Tin mừng. Bản thân người rao giảng hay truyền giáo không tìm nơi ở, không tìm tiện nghi nhưng hãy tìm bình an và gieo rắc bình an cho muôn người. Người truyền giáo phải ý thức rằng bản thân mình phải đích thân đi đến và tìm đến với người khác, những người thân cô thế cô, chứ không phải bắt họ đến với mình. Chính Đức Giê-su là người luôn đi bước trước. Ngài đi tìm người đau khổ, bệnh tật, những người bị loại trừ chứ không đợi họ đến với Ngài. Điều đặc biệt ở đây, người truyền giáo là người có thể nhạy bén đọc được sứ vụ truyền giáo hay nhìn ra được hình ảnh của Đức Giê-su trong mọi sự, mọi hoàn cảnh và trong mọi đối tượng để không bao giờ bỏ lỡ cơ hội nói về Chúa cho tha nhân, nhất là cho những ai chưa hề biết về Chúa và đạo của Ngài. Hãy chớp lấy cơ hội là vậy. (Minh họa câu chuyện trên)
Hơn nữa, điều Chúa Giê-su muốn nhắn gửi với Nhóm Mười Hai và mỗi người chúng ta là việc truyền giáo là ‘thu hút chứ không phải là quyến rũ hay mời mọc’, nghĩa rằng là chúng ta không dừng lại ở việc làm chứng ở lý thuyết, ở lời nói suông mà điều quan trọng là việc sống chứng nhân, bằng hành động cụ thể. Chứng nhân hơn là thầy dạy là vậy. Ai đó nói không ngoa chút nào là con đường xa nhất là con đường từ miệng đến tay. Đôi khi chúng ta nói hay, đọc giỏi, giảng tốt nhưng việc làm, hành động, lối sống, hành vi cử chỉ của chúng ta thiếu gương mẫu, thiếu yêu thương, thiếu chân thành, thiếu tử tế, thiếu hy sinh – phục vụ,...
Vậy, là Ki-tô hữu, chúng ta phải luôn ý thức rằng trong mọi sự cần nghĩ ngay đến việc truyền giáo, nghĩ ngay đến việc giới thiệu Chúa cho mọi người trong mọi nơi và mọi lúc. Đừng trì hoãn nữa nhưng hay mau lên đường để thực thi lệnh truyền của Chúa như Ngài đã nói với ngôn sứ Amos: “Hãy đi tuyên sấm cho Israel dân Ta”. Giữa một thế giới đầy dẫy những dối gian, chúng ta được mời gọi sống sự thật và làm chứng cho sự thật. Giữa một môi trường tranh chấp, hận thù – ghen ghét, chúng ta hãy sống yêu thương và bao dung thứ tha. Giữa một xã hội vô cảm và vô tâm, chúng ta được mời gọi hãy biết nhạy cảm, đồng cảm, gần gũi, thân thiện và quan tâm phục vụ anh chị em đồng loại. Giữa một lối sống tham lam, ích kỷ và chạy theo những thế tục bên ngoài, chúng ta hãy là mẫu gương về cách sống giản dị, đơn sơ, khiêm tốn và bám víu vào đời sống cầu nguyện.
Ước gì được như vậy!
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: