Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Cú Đụng Tay Đổi Đời

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

CÚ ĐỤNG TAY ĐỔI ĐỜI (CN VI/TN-B)

 

Hồi mới di cư vào miền Nam VN, tôi hay gặp cảnh mấy thanh niên, trung niên bày cuộc nhậu, Khi đã say, nếu có sự tranh cãi đến hồi gay cân, hai đối thủ rời khỏi bàn nhậu, xăn tay áo múa võ, miệng lè nhè: “Tao sẽ thí mạng cùi với mày”. Hai bên xáp lá cà tay đấm, chân đá, nhưng thường là đấm đá vào… không khí, 10 cái may ra trúng đối thủ được 1, nhưng cũng chỉ như phủi bụi. Rồi thì ôm nhau vật lộn được vài cài, té lăn cù, đánh một giấc Nam Kha tới bên. Thực đúng là “Giấc Nam Kha khéo bất bình, Bừng con mắt dậy thấy mình… sương sương” (kẻ viết bài này sửa 2 từ cuối của câu 8 cho phù hợp với cảnh “men ba-xi-đế hành”. Nguyên văn 2 câu thơ trên là của Ôn Như Nguyễn Gia Thiều, và câu 8 là: “Bừng con mắt dậy thấy mình tay không”). Giấc Nam Kha ấy có thể kéo dài từ sáng tới chiều, hoặc từ trưa tới tối khuya, còn nếu là cuộc nhậu tối thì có thể kéo dài tới 9 – 10 giờ sáng hôm sau. Tỉnh dậy, đôi bên nhìn nhau cười hề hề, rồi lại bá vai nhau tổ chức tăng 2, tăng 3. Tôi không hiểu “thí mạng cùi” là nghĩa thế nào. Mãi sau này mới hiểu miền Nam gọi bệnh hủi là bệnh cùi. Nói với đối thủ thượng cẳng chân hạ cẳng tay muốn “thí mạng cùi” là hàm ý “tao chơi chết bỏ, quyết thí cái mạng tao cho mày biết tay, tao có chết thì mày cũng đi tong hoặc giả cũng cùi cut như mấy thằng mắc bệnh phong vậy”. Khiếp! Nghe thấy mà ghê! Nhưng cuối cùng cũng chẳng chết thằng tây nào!

 

Tôi còn nhớ làng tôi (Dũng Vy – huyện Tiên Du – tỉnh Bắc Ninh) có luỹ tre rất dày bao bọc quanh làng. Từ cổng phía Nam của làng phát xuất một con ngòi (lớn hơn suối, nhỏ hơn sông) ôm lấy luỹ tre làng đi hết ranh giới phía Tây thì chảy thẳng theo hướng Bắc Đến gần hết cánh đồng của làng thì hợp lưu với con ngòi của làng bên cạnh thành một dòng nước khá lớn chảy về phía Đông. Nghe nói con ngòi này chảy mãi tới gần Lục Đầu giang mới nhập vào sông Đuống (Thiên Đức giang) rồi chảy ra biển Đông. Ở ngã ba nơi hợp lưu hai con ngòi thì gọi là đầm Tam Giang, có một gò đất nổi lên ở giữa. Trên gò đất ây có một ngôi đền thờ Thuỷ thần, xung quanh đền trồng toàn si (còn gọi là cây sanh) buông rễ xuống nước, cành lá um tùm che khuất cả đền.

 

Có truyền thuyết nói rằng: Đã từ lâu lắm, nơi gò đất giữa đầm Tam Giang có một túp lều lá dành cho những người kéo vó, đánh cá nghỉ trưa, ăn uống. Nhưng từ khi trong làng có người mắc bệnh hủi, thì túp lều ấy được dành cho bệnh nhân để cách ly với cộng đồng. Người bệnh chỉ loanh quanh trong gò đất và túp lều, không được tiếp xúc với bất cứ ai, ngoại trừ những người thân như cha mẹ, vợ con mới được phép ngày hai lần mang cơm nước cho bệnh nhân. Ai mắc phải chứng bệnh quái ác này thường bị làng nước, xã hội ghẻ lạnh. Sự cách ly không chỉ là để tránh lây bệnh cho cộng đồng, mà còn biểu lộ sự ghê tởm, khinh ghét người bệnh. Sau một thời gian dài, làng không còn người phong hủi nữa, thì có ông Từ (người quét dọn, nhang đèn) ở chùa làng ra đó dựng một cái miều thờ vong hồn. Dần dần về sau miếu đó được xây cất lại thành ngôi đền thờ Thuỷ thần (Thần sông, vì nơi đó hai nhánh ngòi hợp lưu thành một nhánh, vị chi là nơi có 3 dòng nước, nên mới gọi là Tam Giang: đầm Tam Giang, miếu Tam Giang, đền Tam Giang).

 

Hoá cho nên không lạ khi thấy bên Do thái từ thời Cựu Ước đã coi bệnh phong cùi là thứ bệnh ô uế và người bệnh phải bị cách ly. Nêu bệnh nhân thấy ai tới gần thì phải hô lớn “ô uế! ô uế!” để họ tránh xa (“Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên: “Ô uế! ô uế!” Bao lâu còn mắc bệnh, người ấy sẽ còn là ô uế. Người ấy phải ở riêng ra, chỗ ở của họ là một nơi bên ngoài trại” – Lv 13, 45-46). Người Do Thái không những coi bệnh nhân là người dơ bẩn ô uế, mà còn quan niệm bệnh hoạn là do tội lỗi gây ra, bệnh càng nặng thì chứng tỏ tội người ấy càng lớn. Đối với bệnh phong cùi, họ cho rằng đây là căn bệnh bất trị, người mắc bệnh này là người bị Chúa phạt, Chúa nguyền rủa bởi vì họ quá tội lỗi. Chính vì thế, người Do Thái xa lánh người bị bệnh phong cùi, đẩy những người phong cùi ra khỏi xã hội và ghép họ vào những thành phần bất hảo, còn sống nhưng coi như đã chết rồi.

 

Đối với người bị bệnh phong cùi trong bài Tin Mừng hôm nay, có một điều rất đáng lưu ý là người ấy vẫn chấp hành luật lệ Do thái nghiêm túc đối với mọi người, nhưng khi thấy Đức Giê-su Ki-tô thì người ấy đã phá lệ, thay vì kêu lớn tiếng “ô uế! ô uế!” thì người đó lại “…quỳ xuống van xin rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch." (Mc 1, 40). Điều này nói lên rằng đức tin của anh ta rất vững mạnh. Anh đã biết và tin rằng Đức Giê-su là Thiên Chúa, mà khi Người là Thiên Chúa thì Người sẽ thương xót và chữa anh khỏi bệnh. Ước nguyện chính đáng của anh xuất phát từ niềm tin tuyệt đối đã giúp anh toại nguyện, khi “Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi! " Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch”. (Mc 1, 41-42). Còn một điều đáng lưu ý nữa là Đức Giê-su Ki-tô, vì Người là Thiên Chúa nên chỉ cần đứng từ xa, phán một lời là bệnh nhân khỏi bệnh. Vậy mà Người lại “chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh”, trái ngược hẳn với luật lệ khắt khe của người Do thái. Điều đó chứng tỏ Chúa Giê-su luôn quan tâm đến với những người nghèo khó, bệnh hoạn, tật nguyền, bởi "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi" (Mc 2, 17).

 

Trên thế giới ngày nay, bệnh phong cùi không còn là bệnh nan y nữa, nhưng mặc cảm khinh chê ghê tởm đối với căn bệnh này vẫn không phải là đã chấm dứt. Người ta vẫn kinh sợ bệnh này và vẫn còn cái nhìn ghẻ lạnh, thiếu thiện cảm với những con người mắc phải bệnh đó. Kể ra, để gột sạch được mặc cảm ấy cũng không phải là chuyện đơn giản, vì con số người tin vào Đức Giê-su Thiên Chúa vẫn còn là thiểu số trong cộng đồng nhân loại. Nhưng cái đáng sợ không phải là phong cùi thể xác, mà là phong hủi tinh thần. Phải chăng khi con người chẳng hề nghĩ đến những người anh em đang gặp cảnh khốn cùng vì bệnh hoạn, vì thiên tai, mà co cụm vào trong lâu đài ích kỷ, thì đã là người bị phong hủi tinh thần? Đáng ngại nhất là những người lòng chai dạ đá trước những người anh em đang quằn quại rên siết với không chỉ phong hủi mà là đủ thứ bệnh quái ác.

 

Bệnh tật là do định luật tự nhiên của con người (sinh – lão – bệnh – tử). Ai cũng có bệnh, không bệnh nặng thì bệnh nhẹ. Chẳng ai thoát khỏi cái vòng kim cô ấy. Bệnh tật là điều bình thường của kiếp sống con người. Không phải có tội là bị bệnh, có người bị bệnh nhưng không có tội, nhưng cũng không hiếm trường hợp khoẻ như voi mà tội lỗi đầy mình. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là bệnh tật về đường tinh thần. Cũng như thể xác, mà còn hơn thế nữa, khi con người phạm tội mà không tự biết, cứ tưởng mình là thánh sống, hiu hiu tự đắc. Tội lỗi cũng như bệnh tật, chẳng ai là không có tội. Duy có điều là có biết nhìn lại mình để biết rằng mình có tội và ăn năn hối cải hay không mà thôi.

 

Ấy cũng bởi vì “Lầm lỗi là bản tình của con người” (“errare humanum est” – châm ngôn La ngữ), nên anh đừng lo sợ thái quá mà hãy NHÌN LẠI mình để biết mình tội lỗi, nhiên hậu NHÌN LÊN Đấng mà mình đã biết và đã tin: Đức Giê-su Ki-tô, cầu xin “Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào“ đáy sâu tâm hồn của anh, chắc chắn ngay lập tức “chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch“. Anh vui mừng phấn khởi vì đã được sạch, ngoài việc tạ ơn Người đã cho anh khỏi bệnh, anh còn cần phải NHÌN RA xung quanh, để cảm thông, giúp đỡ và chia sẻ với những anh em bị bệnh, đặc biệt đối với những người mắc phải chứng bệnh hiểm nghèo. Chỉ có như thế mới không phụ lòng Người Thầy Thuốc Chí Nhân Chí Lành – Đức Giê-su Chí Ái – đã chữa lành cho anh và cũng chính Người đã dạy anh, dạy tất cả chúng ta: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em“ (Ga 15, 12). Môt cách cụ thể, hãy sống với châm ngôn : “Vui với người vui. Khóc với người khóc“ (Rm 12, 14). Ước được như vậy. Amen.

 

 

JM. Lam Thy ĐVD.