Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Sự Chết - Một Vượt Qua

Tác giả: 
Lm Bùi Trọng Khẩn

 

 

SỰ CHẾT - MỘT CUỘC VƯỢT QUA

 
     
 
 

Ai đã một lần thực hiện một chuyến đi xa thì dễ dàng nhận ra sự liên hệ giữa hành trang với chính bản thân mình. Càng đi xa người ta chuẩn bị hành trang càng kỹ. Chuyến đi càng dài thì người ta chuẩn bị hành trang càng chu đáo Hành trang chính là những gì cần thiết để mang theo mình lúc thực hiện chuyến đi.

 

 

      Thế nhưng đôi khi những  thứ cần thiết ấy lại trở thành những vật cản hoặc gây trở ngại cho một hành trình. Thành thử ra, nhiều khi chúng ta cố gắng loại bớt đi sự cồng kềnh, rườm rà bao nhiêu có thề để bản thân được nhẹ nhõm trước những bận tâm khác.

 

 
      Thực tế, cuộc sống con người là những chuyến đi liên lỉ tùy theo mức độ dài ngắn khác nhau. Và kết thúc cuộc đời thì người ta phải làm một chuyến đi quan trọng, vĩ đại nhất. Lúc ấy người ta phải thực hiện bằng tất cả sự đánh đổi để dứt bỏ tất cả những thực tại trần thế nên xảy ra sự chết. Và chuyến đi cuối cùng này chúng ta dành cho nó một tên gọi là “cuộc  vượt qua”.
 
 
 Cuộc vượt qua này được thực hiện có kèm theo sự chết . Sự chết được lồng vào cuộc vượt qua để nói lên nội dung mà cuộc vượt qua hướng tới rất quan trọng. Phải đánh đổi bằng cái chết thật là bi đát. Điều mà người kitô hữu chúng ta muốn dùng để nói lên rằn : chết đi cho tội lỗi.
 
 
 Khi cuộc đời con người kết thúc bằng sự chết có nghĩa là chính tội lỗi đã đưa con người đến cái chết là hậu quả tất yếu, đàng khác cũng muốn diễn tả một sự khác biệt lớn lao so với tất cả những chuyến đi trước đây trong cuộc đời mà người ta không phải chết. Như thế, chúng ta tạm hiểu về cuộc vượt qua này vừa mang tính mầu nhiệm vừa mang tính mạo hiểm. Nếu có ai đó đồng hành trong cuộc vượt qua này rồi lại trở về cuộc sống trần gian nói lên cảm nghiệm ấy thì chúng ta mới hiểu rõ được. Vì phải vượt ra khỏi thế giới này để đi vào một thế giới khác nên người ta cũng không thể quay trở về hiện diện trong thế giới cũ như tình trạng trước đây. Cho nên những điều gì phải vất bỏ lại cũng là rất hợp lý. Từ những gì là gắn bó và cần thiết nhất cho mình cũng phải vất bỏ lại để lao mình về phía trước như một vận động viên muốn về tời đích trước nhất. Thế mới gọi là vượt qua. Vượt qua hàng rào, vượt qua mọi cản trở, vướng víu nơi bản thân để lao mình về phía trước.
 
 
 

         Cuộc vượt qua của Đức  Giêsu Kitô gồm sự chết và sự phục sinh, tất cả đều phải trút bỏ và trút bỏ một cách trần trụi như lúc Ngài trên thập giá. Và khi Ngài phục sinh thì cũng phải trút bỏ những thứ ràng buộc nơi thân xác mình là khăn liệm và dây băng để ra khỏi mồ, để về với  Thiên Chúa. Vinh quang và danh dự chỉ được trao lại cho Ngài cũng như mọi người kitô hữu chúng ta khi đã thực hiện xong cuộc vượt qua là sự chết nơi thân xác. Bao lâu còn bám víu vào những thực tại trần gian này thì người ta chưa thực hiện được cuộc vượt qua để về thế giới bên kia. Bao lâu còn nuối tiếc với những tham vọng trần thế thì người ta cũng không thể có được sự an bình, thanh thản trong cuộc vượt qua và không nhận được danh dự sau này.Thế mà khi sự chết ập đến bất ngờ, lúc ngươì ta đang có tất cả những điều trên lại là một cuộc vượt qua sao? Chúng ta vẫn gọi là một cuộc vượt qua theo nghĩa khách quan của nó. Đây là một sự đòi buộc tất yếu: thân xác con người phải được bỏ lại tương tự như khăn liệm và dây băng của Đức Giêsu để linh hồn cũng như vẻ đẹp tinh thần được siêu thoát và siêu thăng khỏi thế gian.Tính chất khác thường của cuộc vượt qua này gói gém tất cả sự bí ẩn sâu xa nơi đích điểm của nó. Hẳn nhiên là không ai biết rõ được bên kia cuộc vượt qua có những gì, trừ Đức Giêsu đã từ trời xuống mà thôi.

 

 
Người kitô hữu thực hiện cuộc vượt qua bằng sự chết của mình để về cùng Cha, gặp gỡ Cha với những công trạng của mình ở đời này, nhưng phải là một con người với tâm hồn sạch tội. Thế nên, chuẩn bị chết ai cũng lo âu về vấn đề tội lỗi của mình , làm sao để được thanh thoát, bình an. Người kitô hữu nhìn lại quá khứ để hối tiếc về lỗi lầm của mình; chứ không hối tiếc về những gì mình phải bỏ lại để ra đi. Họ phải là người luôn muốn được giải thoát khỏi tình trạng tội như cái thuở vừa mới sinh ra được lãnh phép rửa tội ngay . Họ phải là người luôn gầm ghì, cầm cự với những đợt tấn công tinh vi của ma quỷ trong những giây phút cuối cùng của sự sống trên trần gian. Và thực tế đây là lúc phải chiến đấu một cách cam go nhất để ra khỏi thế gian với một trạng thái hồ hởi của kẻ đã chiến thắng ma quỷ. Họ phải là người mang về cho Chúa những chiến công, tấm huân chương là đức tin sắt son và lòng mến yêu tha thiết . Chỉ có điều này mới gìn giữ để cho người kitô hữu không bị đánh bật ra khỏi lập trường của mình đang theo đuổi. Một cuộc vượt qua như thế quả là đáng gờm. Và chỉ được thực hiện một lần mà thôi. Sự giằng co giữa hai thế giới của sự chết và sự sống tạo nên một cơn hồi hộp nhưng cũng đáng nghi ngờ cho nhiều người, kể cả những tâm hồn thánh thiện. Nó giằng co như một cơn mê sảng tự nhiên khi mà trạng thái con người không được bình tĩnh , không có sức khỏe tốt. Cần phải tập chiến đấu từng ngày với những nỗi ám ảnh của sự tội, sự ác để mình có một sự tự chủ tới mức trưởng thành mà đương đầu được với cuộc vượt qua sau cùng lúc mà thân xác đang kiệt quệ. Cần phải luôn sẵn sàng cho một  hành trình dài đang chờ đón ta ở cuối chặng đường đời khi mà ta không còn sức để chuẩn bị gì thêm mà chỉ biết cậy dựa vào người khác. Cần phải san sẻ với những ai cùng cảnh ngộ để hiểu thêm về thân phận người trước những nỗi lao đao của những cơn cám dỗ đang rình rập, đặc biệt trước lúc chết.
 
 
 
 
Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn