Sự Chết - Một Cuộc Phán Xét
SỰ CHẾT – MỘT CUỘC PHÁN XÉT
Ý tưởng này mới làm người ta ghê sợ và lo âu nhiều.
Chúng ta đã từng biết về những phiên tòa xét xử tội nhân ở đời này như thế nào. Và luật pháp của mỗi quốc gia sẽ xử tội nhân ấy một cách khác nhau. Nhưmg nhìn chung luôn là sự xét xử công minh khách quan. Tội càng lớn thì xử càng nặng. An nặng nhất là tử hình. Tử hình dươí nhiều hình thức.
Không biết sự chết nơi thân xác con người có luôn luôn gây ra đau đớn lắm không thì không ai biết rõ vì chưa một lần trải qua nhưng chắc chắn có một sự dằn vặt nào đó. Đôi khi có cả dãy dụa, như người ta nói là: dãy chết!
Sự ra khỏi thân xác của linh hồn người ta là điều khó khăn vô cùng. Vì một đàng thân xác thì cứ muốn giữ linh hồn lại nơi trần gian. Nhưng “bao lâu còn sống trong thân xác này là chúng ta lưu lạc xa Chúa”. Đàng khác, bấy lâu nay, linh hồn đã quá “quen” sống trong thân xác người ta và gắn bó với nhau quá tha thiết trong việc tốt cũng như việc xấu nên có thể sẽ rất “ngại” bỏ nơi ấy mà ra đi, nếu chưa muốn nói là ra đi để chịu phán xét! Cũng như ai đó, khi phải điệu ra tòa án đều ngập ngừng, trốn tránh, hồi hộp không muốn bước đi nữa.
Không một ai tránh được phiên tòa xét xử của Thiên Chúa. Không một ai lẩn trốn trước thánh nhan Ngài. Chính sự chết của con người làm cho linh hồn bị ‘’ cô lập ‘’trước mặt Chúa. Chính Thiên Chúa quyết định “trạm dừng chân” đầu tiên cho linh hồn người ta. Nơi ấy, lúc ấy diện đối diện. Hoàn toàn trần trụi. Thanh thiên bạch nhật. Thẩm phán và tôi phạm. Vị tuyên án và kẻ lãnh án.
Sự đột nhập của cái chết dẫn người ta đến cuộc phán xét đầy bất ngờ như chính cái chết vậy. Làm sao có thể nói rõ hơn như thánh Phaolô đã diễn tả: mọi người đều phải ra trước tòa án Đức Kitô để phơi bày sự thật công trạng. tội phúc của mình. Tính chất xác thực của cuộc phán xét này nói lên sự công minh chí thành của Thiên Chúa muốn gây nên một ấn tượng trong đời sống tại thế của con người khi họ phải thi hành việc lành hay việc dữ. Tính chất xác thực của cuộc. Phán xét này cũng mở đường cho nỗi chờ mong của những kẻ lành, người công chính đang chờ ngày được “giải án tuyên công”.
Thế đã rõ là cần phải có cuộc phán xét như vậy lắm. Và ai cũng mong được Thiên Chúa phán xét một lần cho xong để rõ sự việc. Cái chết là một phương án giải quyết công việc này!
Trong cái nhìn của những kẻ thiếu niềm tin thì họ chỉ nghĩ rằng cuộc phán xét mang nặng tính kết án, luận phạt vì đã bị những tư tưởng tòa án đời chi phối nhiều mà không hiểu được cái nghĩa cuộc phán xét còn là giờ trao phần thưởng, trao triều thiên. Cho nên thánh Phaolô khi biết mình sắp chết đã nói: giờ đây triều thiên của sự công chính sắp trao lại cho cha. Vì thế, chúng ta cần phải tập loại bớt đi tính tiêu cực của một tòa án để hiểu về tình thương yêu nhân từ của Thiên Chúa thì hơn. Một mặt chúng ta không được coi thường tội lỗi, mặt khác phải phấn đấu trong việc thiện để chờ ngày lãnh triều thiên.
Tâm thức con người dễ bị ám ảnh bởi sự tội sự ác mình gây ra. “Cọp ăn thịt người cọp ngủ, người ăn thịt người thức đủ năm canh”. Nên người ta dễ dàng nghĩ đến phán xét luôn kèm theo trừng phạt. Nhưng có thể xảy ra phán xét hoàn toàn không có trừng phạt như nói trên. Điều này tùy thuộc vào hiện trạng mổi cá nhân ( phán xét riêng ) và quan trọng hơn là tùy thuộc vào lòng nhân từ bao dung của Thiên Chúa. Đỉnh cao của cuộc phán xét này là phần thưởng chứ không phải là án tử hình hoặc chung thân như chúng ta thuờng nghĩ. Đấy là đặc tính khác thường nơi cuộc phán xét của Thiên Chúa nhằm tới. Ngài tìm cái để mà thưởng cho con người chứ không nhằm nhè tìm những sơ hở hay cụ thể hơn là ngồi đó mà chờ kẻ phạm tội để phạt xuống hỏa ngục như mấy ông cảnh sát đứng ngoài đường giao thông!
Chúng ta rất mong chờ một cuộc phán xét như vậy. Chúng ta rất muốn mình được xếp vào diện người chờ lãnh phần thưởng. Đó là tâm tình tự nhiên. Tâm tình của kẻ đã chạy hết chặng đường đời về tới đích bằng tất cả nỗ lực cố gắng của mình.
Chúng ta chờ đợi một cuộc phán xét không có vành móng ngựa, không có luật sư, không có vẻ mặt lạnh lùng nghiêm khắc của vị quan tòa, nhưng nơi ấy diễn ra như trong khung cảnh một gia đình có tương quan cha – con. Đấy là điều làm cho người kitô hữu luôn phấn khởi và tự tin trong giờ phút phán xét của Chúa. Đấy cũng là lúc chúng ta được giãi bày tâm tư, nguyện vọng được sống mãi trước mặt vị thẩm phán. Đấy cũng là lúc bắt đầu cho một hành trình mới của sự sống mới ở thế giới bên kia.
Những lập luận có vẻ mang tính bảo vệ và bào chữa cho mình được lợi ở trên không phải là bảo đảm cho niềm tin hay kết quả chúng ta được hưởng mai sau nhưng là sự suy nghĩ theo mạc khải và ý định đời đời của Thiên Chúa về thân phận con người chúng ta. Hãy vững tâm và chờ đợi.
Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn
==========================================
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: