Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Vào Đời Tìm Chúa Kitô

Tác giả: 
Fr. Trần Minh Quân, S.J.

Vào Đời Tìm Chúa Kitô

Fr. Trần Minh Quân, S.J.

+ + +

Chắc bạn cũng đồng ý với tôi là cuộc sống của chúng ta hôm nay xem ra rất quay cuồng vội vã. Niềm tin và thực tế dường như không cùng bước đi trong một vũ điệu. Ta có thể thấy Chúa trong lời kinh và tiếng hát, nhưng tìm ra khuôn mặt của Người giữa chợ đời bon chen thì chẳng dễ chút nào. Bởi đó bài hát sinh hoạt thuở còn bé “Vào Đời Tìm Chúa KiTô” đã hơn một lần khiến lòng tôi chùng lại: “Với gói hành trang tôi vào đời tìm Chúa Kitô. Với gói hành trang tôi lang thang tìm con Thiên Chúa. Hai ngàn năm đã qua đi rồi, giờ này Người ở đâu? Giờ này Người ở đâu trong rạp hát hay trong phòng trà, trong thương xá hay đêm màu hồng? Người ở đâu cho hồn tôi chơi vơi giữa chợ đời hôm nay?” Thật gần gũi, thật dễ thương, nhưng cũng rất thách đố, phải không bạn? . . .

 

Một phần mục vụ trong chương trình năm ba của các tu sĩ Dòng Tên tại Phi Luật Tân là đi tìm bóng hình của Thiên Chúa trong cuộc sống. Có người chọn cách tìm Chúa trong môi trường giáo dục. Có người đi vào vùng sâu vùng xa nơi cỏ dại mọc quá đầu người và thú hoang lởn vởn quanh nhà như thể giữa chốn không người. Lại cũng có anh đi tìm Chúa giữa những mảnh đời bất hạnh. Tôi thuộc vào nhóm thứ ba này. Sau thánh lễ sai đi của cha linh hướng, tôi vác gói hành trang lên đường tìm đến Tondo, một trong những vùng nghèo nhất nước Phi. Chẳng những nghèo mà nó còn nổt tiếng với hàng triệu tấn rác từ khắp nơi đổ về. Và tất nhiên, vòng quanh những núi rác khổng lồ đó là gần một trăm ngàn con người ngày đêm cắm mặt tìm kế sinh nhai. Đường từ Quezon City về Tondo không xa, nhưng các khu nhà ổ chuột xấu xí ẩn nấp đằng sau những tòa nhà to lớn ngạo nghễ đã khiến tôi phải tự hỏi: “Vâng lạy Chúa, giờ này Người ở đâu giữa những tấm lưng trần nhễ nhại mồ hôi và những khuôn mặt đen đủi nhếch nhác vì cuộc sống?”

 

Missionaries of Charity – điểm dừng chân thứ nhất:

            Theo sự sắp xếp của Cha Roger, tôi sẽ đến làm việc tại một trung tâm nuôi dưỡng người già và khuyết tật bị bỏ rơi do các sơ dòng Mẹ Teresa chăm sóc. Trung tâm không lớn lắm nhưng cũng cưu mang tới trên 80 con người. Công việc thường nhật của tôi là thay và trải lại những tấm drap giường vào mỗi sáng, giúp một số bệnh nhân tắm rửa, cho họ ăn trong ngày, cắt móng tay, chăm sóc các vết thương, cho uống thuốc, lắng nghe tâm sự và nỗi buồn của họ, làm lễ, xức dầu, giải tội, làm phép xác, và dạy học cho gần 50 em học sinh nghèo sống quanh trung tâm.

 

            Tôi còn nhớ mãi ánh mắt xa vắng của một bà cụ trên 70 tuổi. Thập cổ lai hy, trải đời đã khá nhiều nhưng đến lúc về già lại phải tức tưởi với tâm tình: “Tôi rất cô đơn cha ơi. Chẳng còn họ hàng nào muốn chấp nhận tôi nữa rồi.” Cuộc sống đẩy đưa, bà dành những chuỗi ngày của tuổi trẻ trong công việc làm vú em cho một gia đình giàu có tại Manila. Giật mình nhìn lại, xuân thì đã đi vào dĩ vãng và bởi đó đành chấp nhận cảnh làm gái chẳng chồng cũng không con. Rồi tuổi già ập đến, gia chủ thấy bà chẳng còn làm được việc như xưa nên cho bà ra đi. Bà lặng lẽ xách bị về ở với đứa cháu ruột. Được đúng một ngày, thằng cháu nghèo đã phải mời bà ra khỏi nhà anh trong nước mắt: “Dì ơi, nhà cháu cũng có tới bảy miệng ăn. Làm tối ngày cũng không đủ sống. Giờ thêm dì về nữa là chết cháu rồi. Thôi dì ráng ra ở dưới gầm cầu Katipunan may ra có ai thương tình cho dì thức ăn hay tiền bạc để dì sống những chuỗi ngày còn lại.” Bà đã sống dưới gầm cầu ấy cả năm cho đến khi các sơ đưa về trung tâm. Trách ai bây giờ nhỉ, ông trời, xã hội, cá nhân bà cụ, hay thằng cháu kém yêu thương?

 

            Tôi cũng chẳng quên được những dòng nước mắt ngắn dài của người mẹ trung niên cụt chân. Chồng bà bỏ đi khi ba đứa con hãy còn chập chững. Sống trong lây lất với chúng được vài tháng thì bà nhận ra một thực tế phũ phàng: bà không có cách nào lo nổi cho chúng nữa và bởi thế bà buộc phải đem chúng về quê quẳng cho một gia đình phú nông hiếm muộn rồi trở lại Manila kiếm sống với những mong sẽ có lúc để dành đủ tiền chuộc lại con. Thời gian phi đi như vũ bão. Tiền không thấy chỉ thấy toàn bệnh tật và năm tháng chồng chất. Các con bà nay tán loạn mỗi đứa một nơi. Bà chẳng còn biết phương nào mà tìm. “Có những đêm gối tôi ướt sũng vì buồn cha ạ. Tôi quay quắt mơ được nhìn thấy chúng dù chỉ một lần trước khi nhắm mắt. Nhưng cả khuôn mặt của chúng tôi cũng không hình dung ra. Tôi đã bỏ chúng ra đi đến hai mươi mấy năm trời. Thằng lớn năm nay đã ngoài 30, con giữa 28 và thằng út cũng 25 rồi còn gì. Giờ này chúng ở đâu, đang làm gì và khi gặp tôi chúng có nhận ra hay thấu hiểu và tha thứ cho mẹ của chúng?” Nói đến đó, bà ôm mặt tức tưởi.

 

            Rồi ánh mắt vô hồn của một cậu bé tâm thần bên gốc cây trong trung tâm cũng làm tôi ái ngại. Gia đình em quá nghèo nên việc chữa trị cho em là chuyện không tưởng đối với họ. Một ngày họ thuê xe chở em đến một khu chợ xa và bỏ em ở lại. Và đó là lý do em trở thành một thành viên mới của trung tâm. Có những chiều tôi đến bên cạnh em ngồi và chăm sóc những vết thương còn sót lại trên thân thể của nó. Vẫn ánh mắt vô hồn nhưng đôi môi của nó bắt đầu nở ra những nụ cười. Theo thời gian, nó bắt đầu gắn bó với tôi và hôm từ biệt trung tâm, nó đã làm chính tôi và các sơ ngỡ ngàng. Trong hàng nước mắt, nó ôm chặt tay tôi rồi nói: “Cha đừng đi.” Và đấy là câu nói đầu tiên tôi nghe được sau mấy tuần sống với nó.

 

            Vâng tôi đã đi vào dòng đời của những con người đó và bóng hình của Đức Kitô vẫn còn chưa rõ nét. Thế nên ngay chính cá nhân mình khi đêm về tôi cứ phải vắt tay lên trán và tự vấn: “Giêsu ơi, giờ này Người ở đâu?”

 

Smoky Mountain – điểm dừng chân thứ hai:

            Vòng trong vòng ngoài, đám con nít vây chặt lấy tôi và hai sơ tập sinh dòng Mẹ Teresa. Chúng hồn nhiên vồn vã như đang gặp lại những người thân trở về sau bao năm xa nhà. Chỉ trong chớp mắt, tà áo trắng của hai sơ đã phủ đầy những dấu tay và quần áo của tôi cũng phảng phất mùi ai ải khăm khẳm do chúng để lại. Nhanh như sóc, ồn ào như thú hoang, chúng bám chặt lấy cổ chúng tôi đến độ tôi phải phì cười mà nói: “Tụi con đang làm cha ngạt thở mất rồi.” Chúng phá lên cười như một trò vui ngộ nghĩnh. Các sơ lấy ra những miếng bánh quy nho nhỏ và chia cho đám con nít. Chỉ lúc ấy chúng mới tạm rời cổ chúng tôi để ngấu nghiến những tấm bánh vừa được chia với mũi dãi lòng thòng và những bàn tay lấm lem lâu ngày chẳng rửa. Ít phút sau tôi để ý thấy tốc độ ăn chậm dần. Trong khoảng khắc tôi chộm nghĩ có lẽ các em không thích bánh quy cho lắm. Nhưng nhìn cách liếm láp và ngậm bánh của chúng, tôi chợt hiểu ra một điều: các em muốn kéo dài bữa tiệc hiếm có trong ngày.

 

            “Trông vậy chứ đứa nào cũng bị bệnh hết đó cha. Mỗi thứ tư hàng tuần tụi nó đến nhà dòng con nhận thuốc. Ở đây trên 80% các em bị nhiễm lao và 100% bị nhiễm ký sinh trùng đường ruột các loại.” Một sơ thì thào với cung giọng xót xa. Mà thật sống trong môi trường như thế mà không bịnh thì có lẽ mình phải bằng đồng và da phải bọc sắt. Chẳng biết làm gì hơn, tôi xiết chặt các em vào lòng. Hồn tôi man mác một nỗi buồn. Vòng xoay định mệnh vẫn quay đều. Rồi những khuôn mặt này sẽ tiếp tục cắm mặt xuống những bãi rác khổng lồ để tìm kế sinh nhai. Như những làn khói mờ ảo đêm ngày bao phủ toàn khu, tương lai của chúng sẽ mãi là một khuôn màu không được sáng. Cổ họng chợt thấy đắng ngắt. Tôi nhíu mày và hướng mắt nhìn về phía tháp cao của một thánh đường ở xa xa, một lần nữa tôi tự hỏi: “Chúa yêu, chẳng lẽ Người cũng lang thang trong chốn này?” 

 

North Cemetery – điểm dừng chân thứ ba:

Len lỏi giữa hàng ngàn ngôi mộ của nghĩa trang Bắc Manila, chúng tôi bước đều trong cái nóng hừng hực như muốn thiêu đốt tất cả. Thỉnh thoảng những ánh mắt e dè hiện ra rồi nhanh chóng biến mất để lại những dấu chân trần đầy bùn trên thành mộ. Và đến khi những cái bóng thoắt ẩn thoắt hiện ấy nhận ra ai là kẻ đang bước đi về phía chúng, thì từ nhiều phía, chúng ào ra như cái chợ vỡ: “Chào cha, chào các sơ.” Rồi tiếp theo chúng là một đám đông những người lớn tuổi hơn: “Chào cha, chào các sơ. Mời cha và các sơ vào nhà uống nước.” Nhà của họ là chính những ngôi mộ hoang được trang hoàng thêm bằng những mảnh nilon và tôn sắt đủ kiểu. Hai bên thành của thánh giá phía đầu mộ được biến hóa thành những chiếc kệ để mọi thứ linh tinh mà họ nhặt được trên phố. Những chiếc cốc ngả mầu đựng chút nước vàng vàng lờ lợ được chuyền tay. Tôi thoáng rùng mình vì có cảm giác như đang thăm một cộng đoàn của cõi âm.

 

Dõi mắt về phía một ngôi mồ bên trái, tôi nhận ra một người phụ nữ được băng bó bằng một cách thế rất lạ: chị dùng một mảnh gỗ mỏng, một nhánh cây gãy, và một que sắt bao chung quanh đùi rồi dùng dây nilon buộc chặt chúng lại. Tôi đến ngồi bên chị và hỏi: “Chuyện gì thế?” “Con bị gãy chân. Mấy tuần trước trời mưa lớn quá. Chúng con ở đây lại không có điện nên con trượt té và ngã gãy xương đùi.” Chị trả lời rồi nhe hàm răng sún cười bẽn lẽn. “Thế sao chị không đến phòng khám từ thiện để được khám và điều trị cho đàng hoàng. Buộc lung tung thế này nhỡ có gì thì xi-cà-gue cả đời à?” Tôi tiếp. Chị vân vê tà áo rồi bật khóc: “Con biết chứ nhưng không có cách nào hơn. Con đã đến phòng khám từ thiện mà các sơ chỉ. Các bác sĩ ở đó nói con phải chụp x-quang thì họ mới biết đường mà chữa. Cha nghĩ coi, một tấm phim tới 360 peso (khoảng 8 đôla) thì làm sao con lo nổi? Trong túi con chưa bao giờ có hơn 200 peso cha ạ.” Tôi dúi nhẹ vào tay chị ít tiền rồi dặn dò: “Đừng để dành nhé. Đi chụp phim rồi trở lại phòng khám chữa cho đàng hoàng. Còn nữa, tối nay mua gì ngon ngon cho chị và lũ nhỏ. Cần gì thêm thì lại chỗ cha.” Bà ôm chầm lấy tôi thổn thức. Tôi quay mặt đi chùi vội nước mắt.

 

Một ý tưởng ngộ nghĩnh len lỏi trong đầu: các Thánh Sử trong Phúc Âm dường như đã sai khi tường thuật lại việc Thiên Thần khuyên các môn đệ đừng tìm người sống trong cõi chết. Bởi hôm nay Giêsu của tôi lại xúi tôi làm điều ngược lại. Tôi nghe theo và đã gặp trên ngàn người như thế. Nhiều vị đã sống ở đây từ những năm 1970. Tôi mỉm cười chia tay họ mà lòng cứ nặng như chì.

 

Happy Land – điểm dừng chân thứ tư:

Chúng la lên như thể bắt được vàng. Từng đám túm năm túm ba bàn tán sôi nổi về những báu vật mà chúng mới tìm được giữa đám đất đen pha lẫn bùn hôi thối: mảnh vỡ của một chiếc lược đồi mồi, sợi giây chuyền sắt đã hoen rỉ đến hai phần ba, những đồng 1 peso méo mó, và nhất là những con nhện hoa đủ màu bò lổm ngổm trên tay. “Chào tụi con, coi chừng nhện độc thì khốn đấy,” tôi khơi mào. “A, chào cha. Nhện này không độc đâu.” Chúng vui vẻ đáp. “Sao mấy đứa biết là nhện không độc?” “Tại khi nó cắn tụi con không chết mà thì thấy tê tê nhức nhức khoảng vài ngày thôi. Lâu lâu mới có đứa bị mưng mủ.” Thật hết cỡ, tê tê nhức nhức đến mấy ngày mà chúng bảo là không độc. Hôm nào gặp con nhện thứ thiệt cắn cho thì nhức đến tận bên kia thế giới. Nhưng trách chúng sao được khi những đồ chơi như xe hơi nhựa, búp bê, hoặc những con vụ quay là những gì chỉ có trong mơ? Quả vậy, bố mẹ chúng đa phần sống bằng nghề lượm rác. May thì họ kiếm được 70 peso một ngày. Ấy vậy mà nguyên tiền điện họ đã phải trả đến 300 peso mỗi tuần. Bạn nhẩm tình với tôi nhé, sau khi trừ tiền điện đi, một gia đình 6-7 người chỉ sống dựa vào khoảng 30 peso (dưới 1 đôla) mỗi ngày. Thế nên thức ăn thường chỉ là những rau quả thối lượm được ngoài chợ. Hèn chi 100% dân chúng ở đây bị suy dinh dưỡng nặng.

 

Tôi bước vào những chuồng heo nhỏ với diện tích khoảng 6-7 mét vuông mà họ gọi là nhà. Không chỗ nào có khu vệ sinh cả. Bởi vậy mỗi khi có nhu cầu, họ tìm một bao nilon rồi sau đó vứt đại đằng sau chỗ mình ở. Khổ một nỗi sau nhà mình lại là trước cửa nhà hàng xóm. Vì lẽ đó cả vùng hồn nhiên đóng vai trò của một chuồng xí công cộng. Mùi hôi nồng nặc có dịp bốc ra từ trong lẫn ngoài. Trong vòng 30 phút thôi, tôi đếm được trên 100 con gián lổm ngổm và khoảng 20 con chuột chạy khắp nơi. Từng đám trẻ trần truồng ngồi bệt dưới sàn. Chúng thản nhiên nhìn đàn gián và đàn chuột như thể bạn bè. Tôi đến bên một bé trai và hỏi: “Con bao nhiều tuổi rồi?” “Dạ 14.” Mười bốn tuổi mà vẫn trần truồng như người tiền sử. Lý do? Tiền không có mà ăn thì đào đâu ra mua quần áo? Nâng máy ảnh lên định chụp vài tấm để đời những mắt cứ hoa đi. Bất nhẫn quá, chúng đâu phải là những con thú được chưng bày trong vườn bách thảo. Chúng là những đứa con của tình yêu cơ mà. Máy ảnh hạ xuống đã lâu, không một tấm hình được ghi lại nhưng từng dòng nước từ đâu cứ dâng tràn mi. “Cha có sao không? Sao cha không chụp tấm nào vậy? Máy hết pin à?” Một bà sơ thì thào. . .

 

Tôi và hai sơ còn đang nói chuyện với bà mẹ trẻ của 5 con thì đứa con gái lớn nhất đội mâm trở về. “Không bán hết được mẹ ơi. Con đã cố đi lòng vòng đến 6 lần mà vẫn thế. Thôi mẹ cho các em ăn đi kẻo hư.” Con bé run run đề nghị. Người mẹ trẻ gật đầu nhè nhẹ. Chỉ chờ có thế, đám lau thau nhào vào mâm chộp giựt. Nhìn kỹ lại hóa ra nó là một chút thạch lầy nhầy trắng không ra trắng, đen chẳng ra đen đổ trong những khuôn nhựa nhỏ bằng ngón chân cái. Thằng út hút vội tới hai cái liên tục. Miếng thạch mắc nghẹn nơi cuống họng khiến mắt nó trợn ngược lên. Tôi hốt hoảng giúp em nuốt trôi. “Từ từ con, đừng vội.” Ít phút sau, nó trở về trạng thái bình thường và lao vào mâm như một tráng sĩ can trường trong trận chiến có tên gọi sinh tồn. Một lần nữa, dạ dày tôi đau buốt như có ai đâm thấu. Tôi bước vội ra khỏi nhà trong trạng thái nửa tỉnh nửa say. Happy Land, bạn có happy thật không khi cuộc đời xem ra quá khắc nghiệt?

 

Các bệnh viện nghèo quanh vùng Tondo – điểm dừng chân thứ năm:

Trong dòng nước mắt họ chất vấn tôi như thể là tôi nắm trong tay mọi câu trả lời: “Con đào đâu ra số tiền 200 peso một ngày để trả viện phí? Rồi còn tiền ăn, tiền thuốc, và tiền đi lại nữa. Cha ơi, con khổ quá! Hay cha xin Chúa cho con chết sớm hơn để gia đình con bớt một gánh nặng.”

 

Ở một giường khác, cặp vợ chồng trẻ gục đầu bên đứa con nằm thoi thóp trong khăn. Họ van nài tôi đặt tay trên đứa bé may ra nó được chữa lành. Tôi lặng lẽ đến bên em cầu nguyện và xức dầu: “Lạy Cha xin ban cho con cái Cha khi được xức dầu thánh này với lòng tin, được bổ dưỡng trong cơn đau đớn, được sức mạnh trong cơn bệnh tật . . .” Lời cầu của tôi chợt bì chìm đi trong tiếng nức nở của bố mẹ em.

 

Bệnh thì có nhiều thứ lắm. Phổ biến nhất vẫn là những căn bệnh của kiếp nghèo: lao, viêm não mô cầu, nhiễm giun sán, và suy dinh dưỡng nặng. Nhưng dầu bất cứ sự gì xảy ra, lòng tin của họ vẫn khiến tôi cảm mến. Hơn một lần tôi nghe được những lời tâm tình đại loại như lời kinh của Gióp: “Tôi sinh ra vốn trần truồng, tôi trở về đất cũng trần truồng, Chúa ban cho Người lại lấy đi, tạ ơn Chúa.”

 

Lời kết:

Có một cái gì chung nhất nơi những người tôi gặp gỡ. Muôn người như một đều nói rằng họ cảm thấy ủi an và bớt cô đơn hơn trong hành trình kinh qua đau khổ: “Qua cha chúng con hiểu rằng Chúa vẫn luôn đồng hành trên từng bước chúng con đi. Ngài chưa một lần từ bỏ chúng con cha ạ.” Họ xác tín. Và cũng bởi vì những lòng tin đơn sơ nhưng vững chắc đó, tôi vẫn tiếp tục được gặp gỡ Đức Kitô bất chấp nhiều đêm thao thức mất ngủ vì nỗi khổ của nhân gian. . .

 

“Giữ vững niềm tin tôi đã gặp được Chúa Kitô. Giữ vững tình thương tôi hân hoan tìm con Thiên Chúa. Không tìm nơi phố đô đông người. Vì Người là tình yêu, vì Người là niềm vui, không đài các xa hoa lụa là, không gian dối không gây hận thù. Người ở đâu không tiền không cơm áo giữa chợ đời hôm nay.”

 

Phần hai của bài hát sinh hoạt ngày nào vang vọng trong thâm tâm. Vâng nếu như tôi vẫn giữ vững niềm tin nơi Người, nếu tôi vẫn tiếp tục bước đi trong yêu thương thì bóng hình của Con Thiên Chúa vẫn đằng đẵng nơi những con người ở Smoky Mountain, Happy Land, North Cemetery, hay bất cứ nơi nào tôi gặp gỡ. Và qua họ, niềm tin của tôi trưởng thành hơn và khao khát phục vụ của tôi nhạy bén hơn. Có lẽ sẽ còn lâu lắm tôi mới hiểu được những bí ẩn đằng sau sự khổ đau. Nhưng tôi biết bao lâu tôi còn mở lòng chấp nhận cùng song hành với anh chị em đang phải ngụp lặn trong những tai ương của cuộc sống thì bấy lâu tôi và họ sẽ không cô đơn trong hành trình vào đời tìm Đức Kitô.

Nguồn: 
Dong Hanh online