Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Mến Chúa yêu người

Tác giả: 
Lm Bùi Trọng Khẩn

 

 
 
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI 
 
Tình yêu là đề tài được nói nhiều trong thơ ca, phim truyện, âm nhạc,...Người ta nói mãi không chán. Khai thác đề tài này mãi không hết. Giới trẻ thích đề tài này lắm. Tình yêu của một đôi bạn trẻ được tăng tiến từng bước nhờ lời nói, ánh mắt, câu chuyện gặp gỡ, quà tặng,...cho đến sự hy sinh hiến thân, quên mình phục vụ lẫn nhau.
 
Tin mừng Chúa Giêsu nói đến một loại tình yêu : yêu Chúa, yêu người. Nếu Chúa chỉ nói về tình yêu này để chúng ta nghe chơi, thưởng thức như phim truyện thì dễ, đằng này Chúa dạy chúng ta phải sống tình yêu ấy một cách quyết liệt cho nên khó lắm.
 
Tôn giáo nào cũng có luật, luật dạy sống đạo. Đạo Do thái có cả một rừng luật. Đạo thời cựu ước có tới 613 khoản luật(248 điều răn dạy và 365 luật cấm kỵ). Cho nên, nhiều người Do thái và ngay cả những người thông luật cũng thường tranh luận xem điều luật nào nặng nhẹ, trọng hèn và họ không phân biệt giữa điều răn tôn giáo, luân lý và nghi lễ. Chúa Giêsu rút ngắn lại chỉ còn hai điều là mến Chúa, yêu người. Nói gọn hơn nữa là tình yêu hay yêu mến. Và được Chúa Giêsu chốt lại thành giới răn quan trọng nhất. Kinh 10 điều răn §c ChĩaTrời tóm lại "trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy". Thật ra, từ thời cựu ước xa xôi, Thiên Chúa đã dạy họ bổn phận ấy, nhưng người ta không nối kết hai giới răn ấy lại với nhau. Chỉ lo mến Chúa, thờ Chúa mà quên tha nhân nên mới có hình thức đối xử bất công, trả thù, báo oán, trừng phạt lẫn nhau. Đến lúc, Thiên Chúa không chấp nhận nổi điều ấy nên đã sai Con Một mình xuống thế dạy người ta nối kết hai giới răn ấy với nhau thật khớp và nhịp nhàng, ăn ý. Quả thật, Chúa Giêsu là người 'nối mạng internet' thật tuyệt diệu giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với con người. Vì bản chất 'Thiên Chúa là tình yêu'. Thánh Gioan còn nói 'Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa' (Ga 4,7).
 
Vậy khi Thiên Chúa đòi buộc ta 'hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng' Ngài muốn xác định cho chúng ta là thụ tạo phải đáp trả lại Thiên Chúa như vậy mới xứng đáng, mới đúng mức. Mà càng thờ phượng, càng yêu mến Thiên Chúa chúng ta càng được tăng thêm sức sống, tình yêu, niềm vui, bình an, hạnh phúc và sự thánh thiện. Như trong Kinh nguyện Thánh Thể giáo hội dạy ta 'việc chúng con ca tụng không thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại ơn cứu rỗi cho chúng con'. Một nhà tu đức nói : 'lòng kính mến Thiên Chúa là dịp để Thiên Chúa tiếp nhận chúng ta vào dự hiện diện của Người và tẩy rửa để chúng ta trở nên những tôi tớ của Ngài'. Vì vậy, ai không thờ phượng, yêu mến Thiên Chúa là thiệt thòi, mất mát lớn lao là người kiêu ngạo, tự loại trừ mình trong trật tự an bài của Thiên Chúa.
 
Thánh Augustinô nói : 'hãy yêu mến Thiên Chúa và thực hành điều bạn thích'. Bởi vì tình yêu Thiên Chúa hướng dẫn, chi phối tất cả mọi hoạt động của con người một cách chính xác nhất. Chúng ta phải để cho tình yêu Thiên Chúa thúc đẩy trước, nếu không sẽ dễ rơi vào sự lẫn lộn với các loại tình yêu kiểu trần tục mà ĐGH Bênêđictô 16 trong thông điệp đầu tay 'Thiên Chúa là tình yêu' có nói : từ ngữ 'tình yêu' hôm nay đang bị lạm dụng nhiều nhất, rất nhiều khi hiểu là tình dục nữa. 
 
Xét cho cùng, tội con người phạm nhiều nhất, phạm đi phạm lại là tội không yêu thương : không mến Chúa, yêu người. Hai giới răn này như hai mặt của một đồng tiền, không thể thiếu mặt bên kia, nếu không sẽ là tiền giả. Vậy sống đạo một vế cũng là giả dối. Thánh Gioan tông đồ đã nói rõ : "ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình là kẻ nói dối, vì ai không yêu thương anh em mình mà họ thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không thấy" (1 Ga 4, 20). Hai giới răn này bổ túc, soi dẫn cho nhau. 
 
Chỉ khi nào yêu mến và tôn thờ Thiên Chúa đúng như Ngài dạy, chúng ta mới nhận ra nhau là anh em, biết nhận ra phẩm giá đích thực của nhau để biết trân trọng, quý mến dù con người đó là một thai nhi yếu ớt, một cụ già lọm khọm, một người mất trí, tàn tật. Sở dĩ, ngày nay người ta coi thường mạng sống của nhau là vì người ta không chịu nhận biết, tôn thờ, yêu mến Thiên Chúa. Sống như thế là mất quân bình. 
 
Chúng ta luôn phải xem lại khoảng cách giữa môi miệng và trái tim khi nói với Chúa trong kinh kính mến 'con kính mến Chúa trên hết mọi sự, lại vì Chúa thì con thương yêu người ta như mình con vậy'. Có khi thường là công thức máy móc, vô hồn. Thiên Chúa đã từng khiển trách : "dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng lại xa Ta” (Mt 15, 8). Con người chúng ta với nhau cũng không chấp nhận kiểu yêu nhau bằng đầu môi chót lưỡi. Đối với Thiên Chúa đây là một điều ghê tởm, bôi bác, xỉ nhục Ngài, vì 'Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế". Và 'Thiên đàng không dành cho những người cằn cỗi yêu thương'(Rosalie).  
 
'Tình yêu chắc chắn kéo theo đau khổ. Điều này dẫn chúng ta đến chủ điểm sau cùng là : chúng ta nên vui mừng khi cảm thấy đau khổ vì đã dấn thân vào tình yêu. Chúng ta nên vui mừng khi phải đau khổ với cùng một người về cùng một việc hết ngày này qua ngày nọ. Chúng ta nên vui mừng khi cảm thấy đau khổ vì bị mất đi một cơ hội để hãnh diện, hoặc mất đi một vinh dự hay một dịp để thăng quan tiến chức. Khi chúng ta chịu đau khổ vì tình yêu, chúng ta có thể hoan hỉ vì biết rằng Chúa đang sử dụng chúng ta' (Theo Mark Link, SJ).   
 
Đức Giêsu liên kết giới răn mến Chúa yêu người thành một để dạy chúng ta hôm nay sống đạo cũng vậy. Yêu mến, thờ phượng Thiên Chúa trong nhà thờ thì cũng biết yêu thương anh chị em khi ra ngoài nhà thờ. 'Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em hãy yêu thương nhau'. Nói với Chúa những lời kinh tốt đẹp, tha thiết thì cũng phải biết nói với nhau những lời lịch sự, chân thành, trân trọng. Vì mỗi người chúng ta là công trình tuyệt vời của Thiên Chúa, là hình ảnh của Ngài đến độ mà Chúa Giêsu đã đồng hoá mình với những người thấp bé, nghèo khổ, bệnh tật. 
 
Những người nào tử tế, tốt với mình thì tự nhiên có sự thiện cảm, thích gần gũi hơn nên dễ yêu thương lắm. Còn ngược lại thì khó thương. Nhưng Chúa Giêsu đến dạy chúng ta tình yêu không biên giới, không phân biệt hạng người, yêu cả kẻ thù và làm ơn cho họ. Phải chăng Thiên Chúa muốn chúng ta xây dựng một thế giới, xã hội chan chứa tình người dựa trên lòng kính mến Chúa. Thế giới ấy phải loại bỏ đi sự bất công, hận thù, khủng bố, chém giết loại trừ nhau. Thực tế, có nhiều giáo dân chỉ sống đạo tốt ở nhà thờ về gia đình ở xã hội thì hoàn toàn ngược lại. Chỉ yêu thương nhau trong làng xóm, dòng họ cũng tốt rồi nhưng chưa phải là sống đạo như Chúa dạy, vì 'tất cả những gì anh em làm cho một trong những kẻ bé mọn nhất của Ta đây là làm cho chính Ta". Thật sự, nói và khuyên bảo nhau yêu thương thì dễ lắm nhưng sống mới khó.  Ca dao Việt Nam có câu : "yêu nhau kéo áo đắp chung, ghét nhau nắng lửa mưa dầm mặc nhau. Ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau ra'. Yêu nên tốt, ghét nên xấu là vậy.
 
Đối xử với nhau bằng tình yêu thương là quyền căn bản và nghĩa vụ của con người. Thánh Phaolô  nói : "yêu mến là chu toàn mọi lề luật"(Rm 13,10). Chúa Giêsu giải thích thêm 'chẳng có điều răn nào khác lớn hơn, hay hơn các điều răn đó'. Sau này trước khi chịu chết, Chúa cũng nói : Thầy để lại cho anh em điều răn mới: hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em'(Ga 15,12). 
 
Chúng ta không giữ đạo, sống đạo, đi lễ vì giữ luật khỏi tội mà vì lòng yêu mến Thiên Chúa bởi vì Ngài là Đấng đáng mến đáng yêu vô cùng.  Chúng ta yêu thương nhau không dừng lại ở tình cảm tự nhiên nhưng nhận ra nơi nhau là hình ảnh Thiên Chúa, có Chúa hiện diện. Ngày tận thế, chúng ta bị xét xử nặng nề nhất về phương diện tình yêu (x. Mt 25, 31- 46).
Chúng ta hôm nay vẫn còn lệ thuộc vào nhiều luật lệ khác nhau : luật đạo, luật đời. Luật đời lại được chia thành nhiều loại khác nhau nữa. Nhưng dù phải giữ luật nào đi nữa, người kitô hữu hãy cố gắng đưa tinh thần mến Chúa yêu người vào thì sẽ cảm thấy dễ thực thành, dễ vượt qua, dễ chấp nhận. Sống luật yêu mến là bài học sống động, hấp dẫn nhất để lôi cuốn người khác đến với Chúa, đến với đạo chúng ta là đạo yêu thương.    
 
Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn