Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

SỰ THẬT VÀ CHÂN THẬT

Tác giả: 
Thanh Thanh

SỰ THẬT VÀ CHÂN THẬT

 

 

Sự thật là gì ? Ai có thể nắm giữ sự thật ? Ích lợi của sự thật là gì đối với đời sống ta ?

Thực sự, sự thật giải thoát không nhận được từ lý trí nhưng nhờ đức tin. Và chỉ có Thiên Chúa mới giải thoát ta. Vì, chỉ có Thiên Chúa mới là Sự Thật. Sự thật đích thực là chân lý. Mà chân lý hoàn hảo chỉ có nơi Thiên Chúa mà thôi.

 

Thực tế cho thấy, nhiều khi người ta nói, quả quyết như thể mình là sự thật, mà quên rằng mình chỉ có sự thật tương đối mà thôi.

Sự thật giải thoát con người. Sự thật không đơn giản chỉ là một sự phù hợp trí năng. Sự thật không tách rời nhưng gắn liền với con người. Trong đời sống, dù sự gian trá có tràn ngập, thì cuối cùng, sự thật vẫn chiến thắng. Có người chết vì sự thật, nhưng chẳng ai giết người vì sự thật.

 

Sự thật, vấn đề quan trọng được mọi người trân trọng và coi đó như là chuẩn mực để đánh giá, xét đoán. Quả thực, sự thật cũng đã được nói đến trong Kinh thánh. Ngày nay, ta gọi một ý tưởng hay một câu nói là thật khi nó phù hợp với thực tại hay với xác tín và hiểu biết nội tại của một người. Kinh thánh lại quan niệm sự thật mang ý nghĩa gần giống như chân thật. Sự thật là lòng trung thành với luật Chúa và với sứ điệp Tin mừng. Luật Chúa và Lời Chúa là sự thật. Nên người chấp chận và giữ điều ấy là người chân thật.

 

Cựu Ước

Cựu Ước trình bày Thiên Chúa là Sự Thật. Sự thật ấy được biểu lộ qua sự trung thành của Người qua giao ước (Đnl 7, 9). Lời Người nói là sự thật và chắc chắn, đáng tin, Người không hề rút lại những gì Người đã hứa (Tv 132, 11). Sự thật của Chúa là sức mạnh, là nguồn trợ lực cho ta khi đối diện với kẻ thù…

 

Đối với con người thì thể hiện qua lòng trung thành với Chúa, với giáo huấn của Người. Phụng sự Người hết cả tâm hồn, hết con người mình.

 

Tân Ước

Tân Ước trình bày về sự thật gần giống Cựu Ước. Như, sự thật chỉ về lòng trung thành của Thiên Chúa và đối với lời hứa của Người. Lời Chúa là sự thật, là chân lý, giờ đây, Tin Mừng cũng là chân lý.

 

Trong tác phẩm của Gioan, ta biết, sự thật chính là sự mạc khải Thiên Chúa nơi Đức Kitô. “Lề luật được ban qua Môsê, còn ân sủng và chân lý thì được ban qua Đức Giêsu Kitô” (Ga 1, 17). Đức Kitô luôn mạc khải sự thật vì Người là Ngôi Lời của Chúa Cha. “Người là Đường, là Sự Thật và là sự sống” (Ga 14, 6). Chúa đã ban sự thật thì ta cũng phải có bổn phận chấp nhận và sống phù hợp với sự thật ấy. Người kitô hữu thì càng phải thực thi cách nghiêm túc hơn nữa. Phải bỏ men cũ, men gian ác và xấu xa và thay vào đó là “bánh không men của sự thật và lòng chân thành” (1Cr 5, 8). Ta phải mặc lấy sự thánh thiện như chân lý đòi hỏi. Sự thật ngược lại với sự dữ, như ánh sáng ngược với tối tăm. Còn đối với các môn đệ thì càng phải là người “của sự thật”, phải bước theo sự thật, làm những điều chân thật”.

Như vậy, không chỉ Cựu Ước, Tân Ước cũng đòi hỏi ta phải sống chân thật, sống trong sự thật. Vì thêm “thắt điều gì là do ma quỷ” (Mt 5, 37).

 

 

Sống sự thật như Tin mừng đòi hỏi là một lý tưởng mà kitô hữu phải dấn thân. Và khi dấn thân, chắc chắn gặp phải những khó khăn, trở ngại cho sự thật hay tính chân thật. Vì sự thật và tính chân thật bao giờ cũng khơi lên những vấn đề, cũng như con người luôn là một vấn đề đối với chính mình.

 

Ngày nay, sự tin tưởng vào chân lý phần lớn nhường chỗ cho sự hoài nghi. Bên ngoài, người ta ca ngợi tính chân thật, nhưng lại chẳng dành cho nó sự chú tâm phải có trong thực hành cuộc sống. Tương quan của con người đối với sự thật bị xáo trộn, nhất là khi con người quá chú tâm đến chân lý “thấp hơn”, tức là chân lý liên quan đến những lãnh vực thực tiễn của cuộc sống, trong khi lại giữ thái độ hoài nghi hay không tha thiết gì đến chân lý “cấp cao”. Dầu vậy, chân lý sự thật vẫn phải được thể hiện trong đời sống kitô hữu.

Kinh Thánh đã cho ta biết về sự thật, bây giờ ta dựa vào đó, làm kim chỉ nam cho đời sống luân lý. Tính chân thật không hẳn chỉ là nói điều chân thật cho tha nhân. Sống, hành động trong sự thật đòi hỏi cao hơn. Tiên vàn, người kitô hữu phải tìm cách thể hiện đúng bản chất của mình khi tỏ ra chân thật trong lời nói. Có thể gọi đó là sự thật bản thể. Vì thế, kitô hữu phải cộng tác cách tích cực, có tự do để thể hiện điều Chúa muốn là trở nên tạo vật mới. Trong bản thể và trong sinh hoạt, ta phải đáp ứng ơn ban mà Chúa đã kêu gọi chúng ta.

Sự thật và chân thật là một nhân đức, là thái độ của tinh thần, qua đó người ta phải tỏ lòng tôn trọng sự thật, coi đó như một giá trị có quyền đòi hỏi người khác phải tôn trọng. Đây là một đức tính, nên con người cần phải mở lòng ra để đón nhận sự thật; và cũng phải sẵn lòng hành động theo sự thật một cách vô điều kiện. Tiếp theo, phải luôn biết chia sẻ cho đồng loại như một điều mà họ có quyền được biết.

Như đã trình bày, Kitô hữu, trước tiên phải thể hiện đúng bản chất của mình, đúng sự thật như nó là. Ngược lại, đó là sai lầm. Tư tưởng dẫn đến hành động. Tư tưởng đúng sẽ hành động đúng. Tư tưởng lầm lạc, hành động sẽ thiếu đúng đắn. Sự thật trong tư tưởng thật quan trọng.

 

Sự thật trong tư tưởng.

Để có sự thật, trước hết ta phải có sự thật trong tư tưởng mình. Sự thật và chân thật bao gồm ước muốn đạt tới nhận thức sự thật cách hoàn hảo theo khả năng. Ta phải chấp nhận sự thật đặt ra cho mình dưới nhiều hình thức và phải nhiệt tình tìm cho ra sự thật ấy. CĐ Vat.II cũng nói đến nghĩa vụ tìm kiếm sự thật của mọi người: “con người bị buộc phải tìm kiếm sự thật, tìm bằng cung cách thích hợp với phẩm giá con người và với bản tính con người ; nhất là sự thật tôn giáo, đặc biệt những gì liên hệ đến Thiên Chúa và Giáo hội của Người, và… đời sống mình phải thể hiện những đòi hỏi của sự thật ấy” (TD 2 ; cf.1-3). Muốn vậy những đòi hỏi cơ bản phải có là lòng can đảm đối diện với sự thật trong lòng mình. Vì con người có thể che giấu sự thật trước mặt người khác và cả trước mặt mình; ta có thể lừa dối, hoặc chạy trốn cả bổn phận vào một thế giới có vẻ không thật nữa.

 

 

Người kitô hữu cần ý thức về sự thật mình có là do đón nhận từ Lời Chúa như được mạc khải cho ta thấy trong niềm tin tâm hồn. Có được sự thật trong tư tưởng thôi chưa đủ, trái lại, điều cần phải có tiếp theo là :

 

 

Sự thật trong cách sống

 

Hành vi của của con người phải chân chính, nghĩa là phù hợp với tư tưởng và lời nói. Kinh Thánh nói về những kẻ thuộc về Chúa cũng phải làm sự thật, bước đi trong sự thật và vâng nghe sự thật. Ý nói tới việc sống trung thành với Luật Chúa và những đòi hỏi của đức tin. Nếu hành vi mâu thuẫn với sự thật mình đã nhận là không chân thật. Hình thức của thiếu chân thật là giả hình, thể hiện bằng vẻ bề ngoài rất đạo đức, nhưng thực tâm lại khác… đại diện cho nhóm này là người Pharisêu và các kinh sư-họ giảng nhiều mà sống thì ít. Thái độ của người sống chân thành cũng đòi phải can đảm chấp nhận những tác động, góp ý hay những ác cảm của người khác dành cho mình để điều chỉnh cho mỗi ngày một thăng tiến hơn.

Cao hơn thế là can đảm làm chứng về sự thật mà ta đã nhận từ Thiên Chúa trước mặt mọi người. Làm chứng, yếu tố quan trọng của nhân đức trung thành. Là kitô hữu phải trở thành chứng nhân cho sự thật của Đức Kitô.

 

Sự thật trong lời nói hay tính chân thật

Nói, hiểu là cách biểu lộ cho kẻ khác tư tưởng và xác tín nội tại của mình. Chân thật trong lời nói là một đòi hỏi của đức công bằng, kính trọng và bác ái. Ngược lại, tức là nói dối. Tệ hại hơn là điều thiếu sự thật ấy lại dẫn người khác tới đường lầm lỗi, sai lạc. Bác ái huynh đệ đòi buộc ta giúp đỡ người khác trong những nhu cầu của họ, thì nó cũng buộc ta phải chia sẻ cả sự thật nữa. Nếu ta nói dối vì nghĩ rằng người khác không đáng được biết sự thật hoặc không đủ tư cách thì đó cũng là cách xúc phạm đến người ấy. Kinh Thánh là nền tảng đạo đức của bổn phận này đối với đồng loại.

 

 

Tuy nhiên, không phải nhân danh sự thật mà ta có thể nói bất cứ lúc nào, ở đâu hay đối tượng nào. Dù là người thành thật, ngay thẳng cũng phải biết chừng mực, nói những gì có thể. Nói cách khác, phải biết giấu kín những việc, vì lý do hơn cả là tôn trọng người khác và vì cần bảo vệ mình khỏi bị lạm dụng.

 

Ví dụ : Lời nói dối của bà mụ người Hípri để đánh lừa Pharaô hầu ngăn chặn không cho các trẻ nam sơ sinh bị giết, chắc chắn được được coi là chính đáng. Chính vì kính sợ Thiên Chúa nên bà mới làm thế và bởi đó họ đã được Chúa chúc lành (Xh 1, 15-21).

Nhưng vấn đề này cũng thật rắc rối. Nguyên tắc là nói dối thì có tội. Có nghĩa là nói ngược với tâm ý, ngược với những gì mình nghĩ trong đầu, nhất là với dụng ý lừa người nghe. Vậy ta phải nói thế nào đây ?

 

Theo quan điểm Kinh Thánh thì đây là một giới luật : “Không được làm chứng gian” (Xh 20, 16). Cách tổng quát là “không được nói dối”. Các ngôn sứ, các tông đồ, đặc biệt là Đức Giêsu, các Ngài cũng đòi hỏi ta phải giữ điều luật trên. Đừng nói dối nhau. Là kitô hữu, “hãy loại trừ mọi sự ác ý và thiếu thành thật, mọi sự ghen tuông và vu cáo” (1Pr 21, 1). Còn theo Gioan thì : “ai nói mình biết Chúa mà không giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối và sự thật không có nơi người ấy” (1Ga 2, 4). Xét cho cùng, dối trá là thái độ thù nghịch với Thiên Chúa. Chân chính mới là giá trị cao quý, và cần được cổ võ.

Nói dối đáng là điều để phản đối. Và nó sẽ trở thành tội khi điều không đúng sự thật ấy, vì nó lại khiến người khác bị sai lầm và làm hại tới sự tin tưởng lẫn nhau.

 

Nói dối còn là phá vỡ lời hứa, hàm chứa trong mọi câu nói. Vì khi ta trình thuật các sự kiện hay nói những xác tín của mình, mặc nhiên ta bảo đảm rằng đó là sự thật. Chính vì đó mà người khác tin vào ta. Nhưng cũng vì đó mà đồng loại có thể bị ta lừa dối do lời ta.

Bàn về bản chất lời nói, lời nói có vai trò tự nhiên, chính vì lý do phục vụ mà Thiên Chúa đã ban cho con người có khả năng này. Tự bản chất, đó là điều tốt đẹp, ngược lại với mục tiêu Chúa gán cho là hành vi xâm phạm tới trật tự và bản chất của sự vật đòi hỏi phải tôn trọng.

Thấy được sự quan trọng và cần thiết của sự thật cũng như những hệ luỵ tai hại của nó, người kitô hữu càng cần dấn thân nhiều hơn trong việc sống và làm chứng cho sự thật.

 

 

Nếu chỉ dừng lại ở luật, những điều phải giữ thì đời sống thật nặng nề. Trái lại, ta hãy hướng về lý tưởng cao đẹp của mình. Không phải là người khác, mà là chính ta được lãnh nhận phép rửa tội, được gia nhập vào Giáo hội, được làm con của Chúa-Đấng là Sự Thật và ban phát Sự Thật; là Chân Lý và ban phát Chân lý. Ta được biết, được đón nhận và được giải thoát nhờ sự thật.

 

 

Tuỳ vào ơn gọi của Chúa ban mà ta làm chứng cho sự thật cách khác nhau. Nhưng dù ở bậc nào thì ta cũng phải nắm rõ là sự thật có trong bản chất tốt lành mà Thiên Chúa đã đặt để trong ta. Theo đó là phải có sự thật trong suy nghĩ, tư tưởng của mình, vì tư tưởng hướng dẫn hành động. Và trong mỗi hành động, mỗi lời nói, ta phải biểu lộ được tính chân thật nằm trong từng giá trị thực của mỗi sự vật hay sự việc. Cao cả hơn mà mỗi người phải nhớ và tâm niệm là, không phải người khác, chính ta, chỉ có ta là người được vinh dự được Chúa kêu gọi và trao ban những ơn để ta sống và làm chứng cho sự thật, để Sự Thật đích thực được thể hiện nơi thế giới này, như Đức Giêsu đã đến và chứng minh Người là Chân Lý, là Sự Thật, là Đường và là Sự Sống. Ai tin và theo Ngài, chắn chắn sẽ được Ngài dẫn đi trong Đường Sự Thật.

 

Thanh Thanh