Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

MẸ TA THẾ NÀO?

Tác giả: 
Thanh Thanh

MẸ TA THẾ NÀO?

 

Trong mọi lãnh vực của cuộc sống, con người dễ quan sát, chú ý để tìm những bài học hay, những kinh nghiệm quý giá để làm giàu đẹp cho cuộc sống.

Tháng 10, kính Đức Mẹ Mân côi, ta cũng cùng nhau nhìn những nhân đức quý giá của Mẹ để bắt chước, noi theo.

 

Vậy Mẹ ta thế nào ?

- Đức Mẹ, con người của khiêm nhường. Mẹ không nhận mình là người khôn ngoan, chỉ nhận là “tôi tớ và xin Chúa cứ làm những gì Người muốn” (Lc 1, 38). Khi nghe bà Isave nói : “Em có phúc hơn mọi người phụ nữ” (Lc 1,41), Mẹ không lên mặt làm phách, nhưng cất tiếng nhìn nhận sự thật về thân phận của mình. “Này tôi là nữ tỳ hèn mọn mà Người đoái thương nhìn tới. (Lc 1, 48).

 

- Đức Mẹ, con người tôi tớ. Tôi tớ thì luôn tìm ý chủ. Mẹ cũng vậy, luôn tìm ý Chúa, lắng nghe và suy gẫm trong lòng, đi theo Con mình trong sứ vụ của Cha trao phó.

- Đức Mẹ, con người của quan sát chú ý. Nhiều người cùng đi đến dự tiệc, nhưng chỉ có Mẹ phát hiện cái khó và ngượng ngùng của gia chủ khi hết rượu đãi khách. Mẹ sẻ chia nỗi lòng ấy và nói với con mình : họ hết rượu rồi.

 

- Đức Mẹ, con người của truyền giáo. Truyền giáo là ra khỏi xứ sở, quê hương để giới thiệu Chúa cho người khác, chia sẻ hạnh phúc cho tha nhân. Mẹ cũng làm thế khi đến thăm bà Elisabeth.

- Đức Mẹ, con người của quan tâm. Chắc chắn mẹ đã nhìn thấy những người phụ nữ mang thai, và hiểu được những khó khăn vất vả của các phụ nữ mang thai, nên cần thiết phải đến để giúp chị mình lúc thai nghén.

 

- Đức Mẹ, con người của hy sinh. Mẹ có thể ở nhà. Nhưng Mẹ vẫn dành phần thời gian quý báu cho chị họ mình,

- Đức Mẹ, con người của phục vụ. Mẹ có đủ lý do để ở nhà lo riêng cho cuộc sống bản thân, nhưng Mẹ lại không làm thế. Mẹ vẫn đến phục vụ chị mình trong lúc tuổi già. Tuy bà có niềm vui sắp sinh con nhưng lại buồn dần vì cánh cửa cuộc đời đang khép lại.

 

- Đức Mẹ, con người của trách nhiệm. Lo cho Thiên Chúa, lo cho Con mình, lo cho họ hàng, lo cho người thân, lo cho những người xung quanh như khi đi hành hương cùng với họ hàng, láng giềng...

- Đức Mẹ, con người của đạo đức. Mẹ hằng lắng nghe và suy gẫm lời Chúa trong lòng. Mẹ không vội nói, nhưng mau nghe. Điều khó hiểu hay không hiểu thì gẫm suy xem ý nghĩa là gì.

 

- Đức Mẹ, con người của tạ ơn. Khi được người chị họ chào, Mẹ liền cất lời tạ ơn : “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn người đã đoái thương nhìn tới. Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả. Danh Người thật chí thánh chí tôn.” (Lc 1,46-49).

- Đức Mẹ, con người của chấp nhận và chịu đựng. Chấp nhận gièm pha, nghi kỵ, xì xèo của dân chúng khi nhìn, nói và không hiểu đúng về gia đình, về Con mình. Chịu đựng từ phía con mình bởi những lời chẳng tình nghĩa chút nào : Con phải lo việc của cha con…, việc tôi can chi đến bà, giờ ta chưa tới…

 

- Đức Mẹ, con người của lề luật. Mẹ thực hiện luật tôn giáo, luật xã hội một cách nghiêm túc.

- Đức Mẹ, con người của đi theo như người môn đệ đích thực. Mọi nơi, mọi lúc đều có Mẹ khi có Chúa, có Chúa là có Mẹ. Vui như ở Cana, phấn khởi như hành hương Giêrusalem, trầm lặng như ở Nagiaret, náo nhiệt như ở Caphacnaum hay đau buồn khi đứng bên thập giá con mình ờ đồi Canvê.

 

- Đức Mẹ, con người của tình yêu. Chính tình yêu sâu thẳm khiến Mẹ cần phải thể hiện ra cuộc sống và biểu lộ tình yêu mãnh liệt bằng cách gắn bó chặt chẽ với Con Chí Ái trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

- Đức Mẹ, con người của ngôn sứ. Mỗi một ngôn sứ, tuỳ vào thời gian mà Thiên Chúa muốn nhắc nhở dân chúng, hoặc muốn làm nổi bật một vài khía cạnh nào đó. Nếu nhìn theo chiều hướng trên thì, Đức Mẹ cũng được kể là một ngôn sứ. Mẹ cũng đã giới thiệu cho ta biết được những điều cao cả, quý giá phát xuất từ Thiên Chúa, từ con Mẹ. Đây cũng là những điều báo trước cho con người biết, rồi đây, con Mẹ sẽ biểu lộ tròn đầy và hoàn hảo sau này.

 

Thanh Thanh