Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

LỜI CẦU NGUYỆN ĐÚNG

Tác giả: 
Thanh Thanh

LỜI CẦU NGUYỆN ĐÚNG

 

Là Kitô hữu thì ít nhiều ai cũng đã cầu nguyện và xin ơn. Cầu nguyện, đơn giản của nhiều người đó là xin. Xin Chúa cho con, cho vợ chồng con, cho gia đình con, cho nội ngoại con, cho công việc của con, cho tương lai của con… Xin cho mình trước, phần ít ỏi còn lại mới đến tha nhân, đến kẻ thù, sau cùng mới dành cho Giáo hội và Thiên Chúa.

Theo bản thăm dò trước đây trên trang Tin Vui, cho thấy :

 

- 90% xin cho bản thân và gia đình;

- 5% xin cho tha nhân;

 

- 3% xin cho kẻ thù;

- 2% xin cho Danh Chúa cả sáng.

 

Lời cầu xin đẹp lòng Thiên Chúa nhất, chính là xin cho được làm sáng danh Chúa trong mọi công việc. Vua Salômôn đã chọn phần tốt và chỉ xin một điều : được khôn ngoan để cai trị dân Chúa. Đức Giavê hài lòng và đã ban cho ông được như thế.

Vậy thứ tự lời cầu xin đúng là :

 

 

Xin những sự trên trời. Khôn ngoan của thụ tạo là nhìn nhận sự thật về Đấng đã tác tạo nên mình. “Ngài đầy phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang và muôn lời cung chúc” (Kh 5, 12) Vì vậy, tiên vàn con người phải xin là cho Thiên Chúa tỏ bày tất cả mọi sự tốt lành của Ngài khắp mặt địa cầu. Xin cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Thiên Chúa phải phủ sóng toàn cầu, để mọi nơi, mọi nhà, mọi người, mọi ngõ ngách đều biểu lộ vinh quang của Ngài giống như mắt trời chiếu soi sáng liên lỉ và khắp mặt địa cầu.

 

 

Xin cùng một ý. Ta là thành viên của Giáo hội, vì thế không thể tự tách mình ra khỏi đời sống đức tin của Giáo hội. Mỗi tháng, mỗi tuần, Giáo hội nói chung hay cộng đoàn địa phương đều có ý cầu nguyện.

 

Ví dụ : Ý chung tháng Mười là cầu nguyện cho các kitô hữu ở vùng dân tộc thiểu số có nhiều sức mạnh và can đảm kiên trì sống niềm tin.

Rồi cầu nguyện cho việc truyền giáo của người kitô hữu ngày càng phát triển cụ thể và sâu sắc hơn.

 

Rồi cầu nguyện cho đồng bào bị lũ lụt được bình an, sớm được hỗ trợ và mau trở lại cuộc sống bình thường.

Hoặc cầu nguyện cho xứ đạo theo một nhu cầu riêng…

 

Không lời cầu nguyện nào đẹp và hiệu quả cho bằng tất cả mọi thành phần dân Chúa đều một lòng một ý trong lời cầu nguyện cùng với hy tế tạ ơn trên bàn thờ của Chúa Giêsu để dâng lên Chúa Cha.

Xin cho kẻ thù. Ai giống ta, mến ta, phục vụ ta thì ta đáp lễ. Kẻ thù chỉ làm hại mình mà thôi. Cách tốt nhất là không đụng tới, không liên hệ gì với họ cho an toàn. Chúa không muốn ta sống như thế. Ngài dạy : “đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5,39). Hơn vậy, ta còn phải “yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi vu khống mình” (Mt 5,44). Điều Chúa muốn là “nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Như vậy, “ta mới được trở nên con cái của Cha, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì nào có ích chi” (Mt 5, 46).

Xét cho cùng, kẻ thù, họ là những người đáng thương. Vì những điều hay lẽ phải, những điều tốt lành của Thiên Chúa đáng ra họ được hưởng thì họ bị quỷ giữ lấy đi. Lòng họ chỉ còn là đấu tranh, dành dựt, chống đối, làm điều ác và luôn sống trong hận thù, thiếu tình thương, thiếu bình an.

 

Vì thế, cầu nguyện cho họ đón nhận được hồng phúc bởi trời cũng là điều hợp lý, đáng làm và nên làm. Còn nếu ta hành xử theo cách thức như họ thì ta cũng có khác gì họ đâu.

Xin cho tha nhân. Tất cả chúng ta đều là anh em con cùng một Cha, ta không sống một mình mà được sinh ra là để sống cùng, sống giữa và sống trong thế gian. Điều khác là ta không thuộc về thế gian. Điều khác là ta có trách nhiệm nên thánh và giúp người khác nên thánh. Tha nhân đâu có xa lạ gì với ta. Họ là xóm làng, là bạn bè, thầy cô, là bác sĩ, kỹ sư… Ta giúp họ, họ giúp ta. Cuộc sống này là một cộng tác hỗ tương mà. Tất cả mọi người đều là ân nhân của nhau. Vì vậy, cầu xin cho họ tốt hơn cũng là lẽ thường tình.

 

Xin cho bản thân và gia đình.

Ta không phải là một con số, là kẻ vô danh. Con người sinh ra từ đất bụi, rồi sẽ trở về bụi đất, nhưng là loại cát bụi có giá trị. Giá trị đến nỗi Con Thiên Chúa sẵn sàng đổi bằng máu, bằng mạng sống. Vì thế xin ơn cho bản thân và gia đình cũng không phải là vô lý.

 

 

Điều ta cần xin là ơn biết mình là ai, thân phận thế nào, bởi đâu và sẽ về đâu. Nếu không biết mình thì cũng không biết lượng sức mình. Vì không biết mình và không lượng sức mình nên sẽ gây ra nhiều xung đột, tranh chấp, lấn sân, lấn cấn. Nhất là không biết thân phận nay còn mai mất của mình, ta sẽ dễ tự coi mình là tất cả, là chủ, là Chúa và sẽ tung hoành ngang dọc, nếu không nói là cướp quyền Thiên Chúa mà hành xử cách bất chính, tội lỗi.

 

 

Điều chúng ta xin là có lòng ước ao nên tốt. Gương của Mẹ Maria thật tuyệt vời để gẫm suy, bắt chước. Mẹ quả là người biết mình. Mẹ không kênh kiệu, không kiêu căng khi sứ thần loan tin vui. Mẹ nhận ra thân phận nhỏ bé của mình và nói : “này tôi là nữ tì của Chúa, xin Ngài Người cứ thực hiện những gì Người muốn nơi tôi” (Lc 1,38).

 

 

Nếu ta để cho Thiên Chúa động và thực hiện chương trình của Ngài nơi ta thì mọi sự đều ổn. Ích lợi không phải là người khác, mà là ta được sống trong tình yêu và bình an của Chúa, bình an không phải do người đời ban tặng, mà là bình an đích thực của Chúa Kitô.

 

Nếu ta biết cầu nguyện và xin ơn theo thứ tự vừa kể trên thì quả thật, đức tin của ta đã trưởng thành.

Nếu ai thể hiện được đức tin của mình như thế thì thật vui thay! Đẹp thay! Hạnh phúc thay!

 

Thanh Thanh