Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

LẮNG NGHE

Tác giả: 
Thanh Thanh

LẮNG NGHE

 

Học nói thì dễ. Ai cũng có thể học nói một cách dễ dàng. Nói hay, nói nhiều, nói khéo… Còn bài học về nghe thì không đơn giản. Có những người khi nhắm mắt mà vẫn chưa học được bài học lắng nghe.

Nghe phía bên ngoài

 

Nhờ âm thanh từ các phương tiện khoa học, từ tạo vật, con người được mở mang kiến thức, hiểu biết nhiều hơn các lãnh vực khoa học, thiên nhiên, vũ trụ, nhân loại…

Nhờ âm thanh từ phía bên ngoài con người lĩnh hội được rất nhiều điều hay điều phải.

 

Nhờ âm thanh và các phương tiện truyền thông, con người gần nhau, hiểu nhau, thông cảm và chia sẻ cho nhau dễ dàng.

Nhờ âm thanh và các phương tiện truyền thông, ta được giải trí giúp vơi đi mệt mỏi sau những giờ làm việc.

 

Ta có thể nghe và nói chuyện nhiều giờ, nhiều ngày. Nhưng nếu phải thinh lặng để nghe tiếng lòng thì thật khó.

Nghe phía bên trong

 

Đó là nghe tiếng nói của thân xác. “Xác thịt đưa tới chỗ diệt vong” (Rm 8,6), “còn thân xác của anh em chẳng phải là đền thờ của Chúa Thánh Thần sao”(1Cr 6, 19). Nhiều khi con người làm việc như một cái máy mà chẳng cần biết đến thân xác ta đang ra sao và cần gì. Thân xác ta trở thành một đống xương thịt vô tích sự. Nghĩ xem, ta có thể sống mà thiếu thân xác chăng? Hãy quan tâm để biết thân xác bạn muốn gì. Hãy chăm sóc để thân xác khoẻ mạnh, cường tráng trong một tinh thần minh mẫn sáng suốt. “Anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1Cr 6,20).

Đó là nghe tiếng nói của trái tim. Trái tim con người không phải là gỗ đá. Trái tim có tiếng nói và ngôn ngữ riêng. Trái tim rất nhạy bén, rung cảm trước cái đẹp của thiên nhiên và tạo vật. Nhưng xem ra con người chỉ dễ nhận ra tiếng nói này lúc hai người yêu nhau. Con người bị công việc và trách nhiệm chi phối đến độ không còn nghe được sự rung cảm của trái tim trước cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ nữa.

 

Đó là nghe tiếng nói của lương tâm. Nhiều người hô to khẩu hiệu : tôi cứ sống theo lương tâm là được. Thế cũng tốt. Nhưng có nhiều loại lương tâm, vậy tôi thuộc loại nào ? Lương tâm ngay chính, lương tâm bối rối, lương tâm lệch lạc, lương tâm tương đối, lương tâm chai lỳ, lương tâm sai lầm…

Lương tâm ngay chính là khả năng phán đoán của lý trí về sự thật thiện ác. Tiếng nói lương tâm chính là tiếng nói của Thiên Chúa trong sâu thẳm lòng ta. Ngày nay, con người không phải không phân biệt lành dữ, nhưng cảm thức về tội giảm đi hay không còn.

 

Vì vậy, tốt thì tốt mà xấu thì xấu, tôi không sao là được. Như cha mẹ thấy con ăn cắp ăn trộm mà chẳng bảo gì. Chúng đánh nhau, hành hung, chửi bới người khác thì mặc kệ, làm ngơ. Hoặc chỉ nghe một chiều con mình, không phân biệt đúng sai rồi tấn công người khác…. Lương tâm vẫn còn, tiếng và vần lên tiếng nhưng mấy ai nghe theo. Thánh Phaolô dặn : “anh em đừng vui mừng khi thấy sự gian ác”(1Cr 13,6).

Đó là nghe tiếng nói của Thánh Thần. Tiếng Ngài nhè nhẹ như làn gió sưởi mát tâm hồn, sưởi ấm cõi lòng băng giá, và cũng để nhắc nhở ta sống theo sự thật. Nhưng đôi khi nhẹ quá khiến ta chẳng quan tâm cũng chẳng chú ý, bởi cuộc sống cứ mãi quay cuồng với đủ mọi thứ việc bên ngoài. Chính nhờ Ngài, ta mới có thể sống “nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật” (1Cr 13,4-7).

 

Thinh lặng

Người ta ngại nói đến hai chữ thinh lặng. Thinh lặng thật nặng nề. Một phút thinh lặng tựa cả ngày. Ta có thể trò truyện hàng giờ hàng buổi, nhưng thật khó chịu khi phải thinh lặng. Nhất là nghiêm túc thinh lặng rà soát tất cả mọi hành động trong ngày sống, phải đối diện để biết được tình trạng thật của mình thế nào.

 

Để khỏi phải đối diện với thinh lặng, con người thay thế bằng cách đi thăm người này người nọ, hay làm nhiều việc khác nhau : mở tivi, mở nhạc, ca hát, nhảy múa hoặc ăn uống, ngủ nghỉ. Nói chung là làm bất cứ thứ gì, miễn là không để cho giây phút nào thinh lặng.

Một cuộc sống ồn ào náo nhiệt có vẻ rất vui và ổn, nhưng thực chất lại quá bất ổn và trống vắng. Nó biểu lộ một con người yếu kém, một tâm hồn trống vắng, một cuộc sống rỗng tuếch, thiếu chất lượng, thiếu quân bình. Con người cứ dần lao vào vòng xoáy của cuộc đời đến chóng mặt mà không biết cách nào thoát ra cái vỏ bề ngoài ấy. Một cuộc sống kém giá trị.

 

Muốn vượt qua đau khổ, phải đi xuyên qua nó. Muốn tìm được con người thật, phải thinh lặng. Trong thinh lặng, chỉ còn mình với mình; chỉ còn mình với Thiên Chúa - “Đấng hiện diện nơi kín đáo”(Mt 6,6). Trong thinh lặng, Đấng Tối Cao sẽ chỉ cho ta là ai và đang là gì. Khi gặp Ngài, chắc chắn ta đón nhận được sức mạnh để dấn thân; có được khôn ngoan để hành động; gặp được tin tưởng cậy trông phó thác và luôn sống trong tin yêu hy vọng. Và dĩ nhiên, biết cách để nghe và lắng nghe, biết điều cần nghe và phải nghe…

Thanh Thanh