Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

GẦN MÀ XA

Tác giả: 
Thanh Thanh

GẦN MÀ XA
(Lc 16,19-31)

 

Gần mà xa

Ở các phòng dịch vụ Internet, ta dễ dàng nhận thấy người ta say mê “chat” với nhau. Bằng tên và địa chỉ giả, nên bạn bè, có khi cả gia đình cùng ngồi bên cạnh để “chat” với nhau mà chẳng biết nhau. Gần mặt nhưng xa lòng.

 

Còn ở nhà thì càng tiện, gọi điện thoại, gởi lời chúc mừng, gởi nhiều thiệp hấp dẫn cho những người láng giềng, người thân, bạn bè… vào các dịp lễ tết qua đường email thì càng nhanh, rẻ, đẹp, tiện. Gần mặt nhưng xa lòng.

Ngồi trong phòng máy lạnh làm việc thì thật thoải mái, không cảm thấy mệt mỏi. Còn phía ngoài là những con người đang vất vả, mệt nhoài vì công việc, đang phơi nắng dầm sương. Chỉ cách một lớp kiếng thôi, gần mặt nhưng xa lòng.

 

Ngồi ở các tiêm ăn hay quán nước, dù bình thường hay sang trọng, ta cũng thấy rõ có nhiều người ăn uống một cách sung sướng, thoả thích, không hề bận tâm đến tiền bạc. Và ta cũng sẽ gặp nhiều người bán vé số, đánh giày, những ông già bà lão không còn sức lao động xoè tay xin tiền. Họ nhìn thấy nhau nhưng lòng thì xa nhau.

Hai thế giới

 

Nhìn ra thế giới, giữa các quốc gia đều có khoảng cách. Trong đất nước cũng vậy. Đó là khoảng cách giữa giàu và nghèo; giữa người tốt và người xấu, giữa người quyền thế và tầng lớp thứ dân; giữa người sung sướng và kẻ bần cùng; giữa người may mắn và kẻ xấu số… Họ đều có thể gặp nhau, nhìn thấy nhau, có thể nói chuyện với nhau, thế nhưng đó chỉ là một thứ giao tiếp của môi miệng, một thứ giao tiếp ngoài thân mà thôi. Muốn có sự đồng cảm thực sự thì thật là khó. Con người có thể gần nhau, biết nhau dễ dàng qua sổ sách, giấy tờ, qua các phương tiện truyền thông, nhưng lại xa nhau khi ở gần bên.

Thuở ban đầu, Thiên Chúa chỉ tạo dựng có một bức tranh sống động và hợp nhất, vậy mà con người dần tạo ra những khoảng cách, khiến tác phẩm tuyệt vời phải xẻ thành hai thế giới tương phản nhau giữa những người cùng sống dưới ánh mặt trời.

 

Bức tranh của những người có đầy đủ phương tiện tốt cho cuộc sống như : hạnh phúc no ấm,, vật chất đầy đủ, gấm vọc lụa là; yến tiệc linh đình; sống trong biệt thự; quyền cao chức rộng, sống như thiên đàng trần thế.

Bức tranh kia là những người thiếu ăn, đói khát, rách rưới, đau khổ, nằm bên vệ đường, thất vọng, bệnh tật, thấp cổ bé miệng, luôn phải đối diện với thần chết vì thiếu những gì tối thiểu cho một con người, sống như hoả ngục trần gian.

 

Cả hai bức tranh này đặt sát bên nhau nhưng lại diễn tả thật rõ nét hai thế giới khác nhau.

Tiếng kêu từ vực thẳm

 

Con chó liếm những mụn ghẻ lở trên người ông. Con chó đã trở thành bạn của Lagiarô, còn Lagiarô muốn trở thành con chó của nhà phú hộ lại không được. Thật trớ trêu. Cuộc đời của Lagiarô thật đáng thương. Với sức lực và thân phận của kẻ kém may mắn này chỉ còn biết hy vọng vào lòng thương xót bố thí của kẻ qua người lại, của nhà giàu mà thôi. Thế rồi không được. Vì có bức tường ngăn cách. Ngăn cách đến nỗi con chó thì nhìn thấy mà người giàu thì không.

Tiếng kêu của Lagiarô có thể vang tới trời cao. Trời cao nghe được, nhìn thấy và đón nhận. Còn những người ở gần thì lại không nghe cũng chẳng nhìn thấy. Đơn giản vì vật chất đã làm cho tâm hồn họ ra u tối, vô cảm.

 

Tiếng kêu từ vực thẳm

Thiên đàng trần thế của nhà phú hộ rồi cũng có ngày kết thúc. Thực ra ông không hề ăn cắp ăn trộm hay cướp giựt của ai. Ông có tiền thì xài. Nhưng ông lại bị lên án. Lên án vì ông sống cho chính mình. Sống như ông ta thì sự giàu có sẽ làm tổn thương người nghèo.

 

Bị kết án như thế giúp ta hiểu rằng : tội lỗi không chỉ vì làm điều sai trái, mà còn là không làm điều tốt, tội không hoạt động, tội không biết sử dụng vật chất để sinh lợi cho tha nhân, tội của lãnh đạm, không có lòng thương xót. Mẹ Têrêsa nói thật hay :“Cái xấu lớn nhất của thế giới là thiếu tình yêu”. Mẹ còn dặn : “Nếu bạn không thể cho nhiều người ăn thì hãy cho một người”.

Nếu nhà phú hộ nhìn lên trời cao, rồi cũng biết nhìn xuống nơi đất thấp, nhìn trước cửa nhà mình và rộng lòng chia sẻ cho Lagiarô thì đâu có sự đảo ngược kinh khủng đến thế. Bức tường gỗ đá ngăn cách họ đã biến biến thành bức tường của vực thẳm đến nỗi bên này muốn qua bên kia cũng không được, mà bên đó qua bên Lagiarô và Abraham cũng không được.

 

Con người được Thiên Chúa tạo dựng nhưng cũng thuộc về hai thế giới khác nhau. Con Thiên Chúa đã ra khỏi thế giới của Ngài để bước vào thế giới chúng ta. Một tình thương vĩ đại. Ngài không muốn con người vì tiền bạc mà quên mất thân phận của mình. Ngài muốn tiền bạc, vật chất là một phương tiện tốt để con người giúp nhau tìm về cội nguồn, hưởng được sự sung túc mà nhớ về Thiên Chúa của mình, chứ tiền bạc không phải là một bảo đảm vững chắc. Ngài không muốn con người vì tiền bạc mà đánh mất sự sống đời đời như nhà phú họ là một điển hình.

Thanh Thanh