ĐỒNG TIỀN CHO ĐI
ĐỒNG TIỀN CHO ĐI
Một người kia suốt đời chỉ lo thu gom tiền bạc, cho nên rất giàu. Khi chết, ông còn ôm túi vàng theo mình đi sang cuộc sống bên kia. Đi một hồi ông thấy đói. Bỗng ông thấy một quán ăn bên đường, liền ghé vào. Vì hà tiện, ông hỏi người chủ quán : Tô cơm nhỏ này giá bao nhiêu ?
- Chỉ một đồng thôi, chủ quán nói.
- Còn tô lớn kia ? Người khách hỏi.
Chủ quán trả lời : Cũng chỉ một đồng thôi.
Thấy rẻ, ông gọi luôn hai tô lớn. Nhưng người chủ quán bảo : Ở đây chỉ xài loại tiền cho đi thôi. Ông có không ?
Người hà tiện chỉ vào túi vàng của mình. Nhưng chủ quán nói : Đó chỉ là thứ tiền lấy vào. Ở đây không xài được.
- Thế tiền cho đi là tiền gì ?
- Khi còn sống, mỗi lần ông cho ai bao nhiêu đồng thì ông được ban lại bấy nhiêu đồng loại tiền cho đi.
Ông nhà giàu lục lọi khắp nơi trong mình nhưng chẳng có đồng nào thuộc loại tiền cho đi cả. Thế là ông phải nhịn đói.
Bao nhiêu đồng tiền cho đi là bấy nhiêu đồng tiền để dành cho đời sau vậy.
-------------------------
Con người thường quan niệm : có rồi mới cho. Bây giờ tôi còn chưa có đầy đủ tiện nghi, chưa nhà cửa, còn thiếu nhiều thứ lắm, khi nào có thì tôi làm việc bác ái, mới chia sẻ, còn bây giờ thì thôi.
Khôngn đúng. Không phải là có rồi mới cho, nhưng là : Cho rồi mới có.
Thử hỏi, đến bao giờ ta mới có cho đủ. Ta có ruộng vườn, nhà cửa, tiền bạc, rồi có nhiều đến vài tỷ, vài chục tỷ đồng, thế đã đủ chưa? Giả như Thiên Chúa có ban cho ta hết thế giới này, toàn cõi điạ cầu được trao gọn vào lòng bàn tay của ta, ta có hài lòng, có coi đó là đủ chưa ? Thưa, chưa. Hoặc nếu thế giới và cả Thiên Chúa được ta nắm gọn trong lòng bàn tay, như thế cũng đủ chưa ? Thưa chưa. Vậy đến bao giờ mới có ?
Quan niệm sai là có rồi mới cho. Quan niệm đúng là cho rồi mới có. Bởi tất cả những gì mình đang có, chính là hồng ân Chúa ban. Vì vậy, chỉ một việc cần làm là chia sẻ, là biết cho đi. Cho rồi mới có.
- Thể loại khác: