ÔNG CHỦ
ÔNG CHỦ
Ba người đi ngang qua qua sa mạc. Một là quan đầu tỉnh, một là thương gia, một là nhà trí thức. Cả 3 bị bọn cướp chặn đường đánh dở sống dở chết và bỏ giữa sa mạc.
May sao họ tìm đến được túp lều của vị ẩn sĩ. Băng bó vết thương cho họ, vị ẩn sĩ nói: túp lều của tôi quá nhỏ mà mùa đông lại sắp đến, xin các ông hãy tự làm cho mình mỗi người một căn lều để trú ẩn. Tuyết bắt đầu rơi và các ông không thể ra khỏi sa mạc được. Nhưng chúng tôi làm thế nào bây giờ ?
Nhà trí thức thở dài : Tôi không có sách vở trong tay.
Thương gia nói : cả đời tôi chỉ biết đến tiền của và giao dịch.
Vị quan lên tiếng : ta làm được gì nếu không có thuộc hạ.
Thế nhưng, cả 3 vẫn phải làm, vì trời sắp đổ lạnh. Khi mùa đông đến cũng là lúc họ làm xong lều. Suốt mùa đông, họ chẳng biết làm gì ngoài ôn lại chuyện cũ bên bếp lửa. Còn vị ẩn sĩ thì thường xuyên ghé thăm họ.
Hết mùa đông, 3 người muốn lên đường trở về nhà, nhưng lòng tốt và tình bạn của vị ẩn sĩ không nỡ để họ ra đi. Vì thế, họ ở nán lại một thời gian để giúp ông gieo trồng và chăm sóc gia súc và rồi khi ánh xuân chiếu toả trên sa mạc, họ cũng ở lại một thời gian để ngắm cảnh thiên nhiên.
Một ngày kia, vị ẩn sĩ hỏi, có chuyện gì xảy ra mà sao không nghe thấy các ông nhắc đến chuyện làm ăn, sách vở và những thuộc hạ nữa.
Cả 3 đều thinh lặng. Vị ẩn sĩ nói: trước đây các ông có một ông chủ mang tên tiền bạc, sách vở, thuộc hạ. Giờ không còn nữa, các ông cảm thấy tự do.
Nhưng tôi khuyên các ông nên trở về với tiền bạc, sách vở, thuộc hạ. Nhưng đừng nô lệ cho nó, hãy làm chủ chính mình.
[Sưu tầm]
Nếu xét kỹ từng giai đoạn trong đời, ít nhiều có thể có những ông chủ lớn nhỏ trong ta.
Ông chủ là nguyên tắc và lề luật
Hình ảnh của người Samaria nhân lành giúp đỡ kẻ bị nạn trái ngược lại với những tiến sĩ, tư tế, biệt phái khư khư giữ lấy luật tế tự, cần tránh đụng chạm… cho khỏi ô uế, mà bỏ qua một Thiên Chúa đang hiện diện trong kẻ bất hạnh dọc đường.
Hình ảnh của những người bị quỷ ám, và đủ mọi thứ bệnh được Chúa Giêsu chữa vào ngày sa bát trái ngược lại với những người chủ trương ngày nghỉ thì không được làm bất cứ việc gì, dù là việc tốt, cứu sống, giải thoát.
Hình ảnh của một nhu cầu được giúp đỡ, phục vụ, nhận lãnh các bí tích trái ngược lại với một số lối sống rập khuôn theo chương trình định sẵn trong ngày, và tất cả đều phải tuân thủ thứ tự kế hoạch đã lên.
Hình ảnh của những người con đang cần được chia sẻ, nâng đỡ, gợi mở để có một hướng đi, một lý tưởng đúng đắn trái ngược lại với cha mẹ chỉ áp dụng nguyên tắc cha-con, mẹ-con, mà không phải là bạn, thích răn đe, doạ nạt, thưởng phạt.
Hình ảnh của một tầng lớp cần được hội nhập vào văn hoá, văn minh thời hiện đại trái ngược lại với những người đấu tranh để tầng lớp này phải giữ những lề thói, truyền thống cổ xưa của một gia đình, hay một tập thể dù không còn phù hợp.
Hình ảnh của một số người cần được giải toả ức chế tâm lý trong đời sống tự nhiên của con người trong cộng đoàn tu trì như về thăm gia đình, anh em, bệnh nhân, người qua đời, hay đi du lịch… trái ngược lại với một số quan điểm lấy bình phong là hãy hy sinh, là luật dòng để nghiêm túc phải giữ, phải thực hiện, phải vào khuôn khổ. Vì thế, yếu tố “con người” bị bỏ quên.
Ông chủ là tiền bạc và vật chất
Có tiền mua tiên cũng được. Có tiền làm chuyện gì cũng thuận lợi, dễ dàng. Thử hỏi không có tiền thì làm được gì với mọi nhu cầu của của sống : Học vấn, nghề nghiệp, giải trí, du lịch, văn hoá, nghệ thuật, âm nhạc, khoa học, y tế, tiện nghi, lễ nghĩa, giao tiếp, tương quan, trao đổi, mua bán, tôn giáo, phục vụ, bác ái, truyền giáo, xây dựng, chia sẻ…
“Mạnh vì gạo bạo vì tiền”. Vật chất trở thành sức mạnh và lực hấp dẫn lôi cuốn con người. Nhờ nó mà con người tự tin, can đảm hơn. Nói năng, phát biểu, quyết định mạnh dạn, nhanh chóng hơn, và, xem ra cũng được nhiều người dễ tin tưởng hơn. Thế rồi, tiền bạc trở thành cây gậy, thành mái nhà che nắng tránh mưa, thành bạn thân, thành thầy, trở thành người cha, thành ông chủ và thành chúa của mình.
Thật nguy hiểm khi con người chỉ dựa vào tiền bạc vật chất như là thước đo sự thành đạt, cho mọi giá trị trong đời sống. Và mọi giá trị đạo đức, luân lý, lương tâm, tình yêu, hạnh phúc và Thiên Chúa đều được quy đổi ra bằng tiền bạc. Tình yêu, ân sủng, bình an, hạnh phúc ư, giá bao nhiêu?
Để thoát khỏi vực thẳm này, Chúa Giêsu nói: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc ghét chủ này mà yêu chủ kia, gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Mt 6,24).
Ông chủ là chức vụ và quyền thế
Tiền bạc hấp dẫn nhiều bao nhiêu, thì chức quyền cũng hấp dẫn nhiều bấy nhiêu. Con người bị lôi cuốn. Nó là chỗ dựa, mà nhờ nó, mọi thứ vinh quang, danh dự, vinh hoa phú quý, thú vui sẽ đến. Rồi nhờ nó mà ta dễ dàng ăn to nói lớn, đôi khi quát nạt, hù doạ, khống chế, chế tài, áp bức người khác.
Nhờ chiếc ghế này, không những bản thân, gia đình mà còn họ hàng được nở mặt nở mày, được giàu sang, sung túc. Ta sẽ trở thành người trên, thành kẻ ban ơn, bố thí. Mọi người phải cậy dựa, phải nhớ ơn và bày tỏ lòng biết ơn tôi.
Cũng vì chỗ ngồi này mà biết bao người tranh đấu, bon chen, khử trừ, mua bán, trao đổi để có được. Vậy, nên ta sẽ tìm cách bảo vệ, lấy lại những gì đã bỏ ra. Nó là một phương tiện để kiếm lợi nhanh và an toàn.
Vì ông chủ này, mà nhiều người nghiêng mình, cúi đầu, rạp gối làm theo mọi thứ điều khiển, đôi khi bất chấp thủ đoạn, mưu mẹo. Vì để giữ chiếc ghế này mà nhiều người bất chấp công lý, nhân cách, nhân phẩm, mặc cho lương tâm kêu la, mặc cho mọi người oán trách, không màng đến biết bao người đang bị hại.
Ông chủ là kiến thức và bằng cấp
Chưa chắc đi tìm khôn ngoan là một nhu cầu vì thăng tiến, nhưng có thể vì bù trừ. Vì thế,
Kiến thức trở thành mục tiêu tìm kiếm, là chỗ dựa vững chắc, là cùng đích đời mình.
Bằng cấp là khuôn mẫu chi phối mọi suy nghĩ và hành động trong các tương quan ứng xử với con người, vũ trụ, với Thiên Chúa.
Kiến thức là mặt trời sáng chói thu hút hết thời gian của con người như thể cuộc sống không còn điều gì khác nữa.
Bằng cấp là tiêu chuẩn để nói chuyện, so sánh, đánh giá người khác, cũng như với mọi lãnh vực trong cuộc sống.
Kiến thức và bằng cấp có thể trở thành sức mạnh, thành nguồn hạnh phúc sướng vui nhất của cuộc đời, cho riêng ta.
Ông chủ là đạo đức và số lượng
Tôi không giết người, chẳng trộm cắp, cướp giựt hay ngoại tình.
Tôi không làm chứng gian hay làm hại ai.
Tôi không bỏ lễ Chúa nhật, lễ trọng.
Tôi không bỏ xưng tội rước lễ theo luật buộc năm một lần.
Tôi không bỏ giữ chay 2 ngày một năm.
Tôi đã đọc kinh rất nhiều, lần chuỗi mân côi thì vô kể. Nói chung là tôi luôn có mặt trong các việc đạo đức : thánh lễ, chặng đàng thánh giá, kính lòng thương xót, chầu Thánh thể, dâng hoa… rồi đến quét dọn nhà thờ, vệ sinh môi trường nhà xứ…
Được vậy cũng tốt. Nhưng điều quan trọng không phải là làm nhiều việc đạo đức, mà trở thành người đạo đức. Người đạo đức thì luôn kính sợ, yêu mến và đặt Thiên Chúa làm trung tâm chi phối mọi hoạt động trong cuộc sống của mình.
Không phải cứ làm nhiều việc đạo đức thì trở thành người đạo đức. Nhưng người đạo đức thì luôn chứng minh lòng đạo đức bằng hành động theo sự mách bảo của trái tim tình yêu và kính thờ. Vì mến Chúa yêu người, tôi phục vụ, tham gia các sinh hoạt đạo đức để có thêm ân sủng Chúa, nhờ vậy, đức tin được vững vàng và can trường.
Nguy hiểm khi các việc đạo đức trở thành thước đo để so sánh với người xung quanh. Ai không tham gia như mình là khô khan nguội lạnh. Ai không làm nhiều như mình là lười biếng. Ai không đi đúng giờ, không đọc kinh to như mình là thiếu đạo đức.
Đạo và Thiên Chúa trở thành bình phong để che đậy, khoả lấp tham vọng nâng mình lên hàng đầu, dù là cố ý hay vô tình.
Cuối cùng, Thiên Chúa đáng lẽ phải được thờ phượng, thì ta lại trở thành trung tâm, là khuôn mẫu cho mọi người xem vào, noi theo.
Ông chủ là thói quen và định kiến
Từ bấy lâu nay, trong gia đình đâu có ai kêu ca gì.
Từ trước đến giờ, mọi công việc và nghề nghiệp đều do người lớn chuẩn bị cho tốt lắm.
Từ xưa tới nay, gia đình và dòng họ tôi vẫn ăn uống, ngủ nghỉ, nói năng, giao tiếp, cư xử, đi đứng, làm việc và sống như vậy.
Từ nào tới giờ, tư tưởng, quan điểm và lối sống của cả làng là vậy mà.
Cả bao đời nay mọi người vẫn thế, vẫn tốt, có chết chóc gì đâu.
Quả thực mỗi gia đình, thôn xóm, giáo xứ đều có những truyền thống khác nhau và cũng đã duy trì thời gian dài thành một thói quen. Rồi dần nó trở thành một ý thức hệ, một luồng tư tưởng xoay quanh tôi, gia đình tôi, xóm làng tôi. Cái nếp ấy đã đóng khung lại với thế giới, với văn minh. Và cái thói quen ấy trở thành khuôn mẫu để người đời noi theo.
Vì là khuôn mẫu nên phải càng tích luỹ cho nhiều, đầu tư cho chắc, phát triển cho mạnh, chứ làm gì có chuyện từ bỏ để theo cái khác, dù là mới, là hay, là tuyệt vời.
Ta sẽ dễ dàng khoanh tay làm ngơ hay từ chối người khác cùng với mọi sự tốt lành của họ và Thiên Chúa họ thờ.
Chưa kể cái ý thức hệ này biến ta thành kẻ độc đoán, nghi kỵ, định kiến đối với làng xóm khác, với xã hội và con người nói chung. Nó làm cho ta nhìn mọi sự theo một công thức định sẵn trong đầu vốn đã bị nhồi nhét hoặc hấp thụ cái gọi là truyền thống, thói quen ấy.
Những ông chủ như thế này dần biến con người thành cỗ máy. Nên thiếu hội nhập và uyển chuyển, khó du di và hoà hợp, càng khó đón nhận thế giới với tất cả mọi tốt lành và thánh thiện của nó.
Con người sẽ bị mất quân bình, chao đảo hoặc mất đi sự thanh thản, bình an, nếu lệ thuộc vào thứ gì đó không phải là Thiên Chúa. Nếu bị một ông chủ nào đó chi phối, khống chế, cuộc đời ta sẽ mất dần hết ý nghĩa, mất hết chất lượng, mất hết tự do. Và con người sẽ chẳng có thể cảm nhận và đón nhận ân sủng, công lý từ trời cao, cũng như hạnh phúc niềm vui từ nơi đất thấp.
Hỡi thế nhân, đừng tự đóng khung lại với thế giới, đừng tách mình ra khỏi tình yêu Thiên Chúa, nhưng hãy mở lòng ra như trẻ thơ đón nhận tình yêu cha mẹ; như phượng hoàng, hãy tung cánh bay cao để ngắm nhìn kỳ công Chúa đã thực hiện cho con người. Nó thật đẹp và hoàn hảo.
Thanh Thanh
- Thể loại khác: