Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

LÝ TƯỞNG

Tác giả: 
Thanh Thanh

LÝ TƯỞNG

 

Lý tưởng

Về chăn nuôi. Một gia đình có kế hoạch làm kinh tế theo mô hình vườn ao chuồng, tính toán thế này : Ao nuôi cá. Bờ ao trồng cỏ. Trên là chuồng heo, bên cạnh là chuồng bò. Chỗ cao trồng cây ăn trái. Lấy cỏ bờ ao cho bò ăn. Cắt dây khoai lang trồng trong vườn cho heo ăn. Lấy phân bò và phân heo làm thực phẩm cho cá. Nếu phân còn dư thì vun vào gốc cây ăn trái cho tốt. Thỉnh thoảng bơm đảo nước cho ao cá. Lấy nước mới vào ao, đẩy nước cũ ra đồng lúa. Chắc chắn lúa sẽ tốt hơn, vì trong nước thế nào mà chẳng có phân cá. Lấy ngắn nuôi dài mà. Khi đủ tháng sẽ thu hoạch cùng lúc: heo, bò, cá, lúa, củ khoai lang và sau cùng là trái cây. Ôi, khủng khiếp quá!

 

Lý tưởng

Về giáo dục. Cha mẹ thấy con thông minh nên tính kỹ rằng: khi vào đại học sẽ bố trí thời gian cho con học được nhiều. Sáng một trường, chiều một trường, tối một trường. Vào mỗi kỳ nghỉ hè, lễ Tết sẽ tranh thủ học gom thêm vài tín chỉ. Như vậy chỉ sau 4 năm, sẽ có 4 bằng đại học. Gia đình đầu tư 8 năm thì có được 8 bằng, như thế thì kiến thức thật quá nhiều. Ôi, tham vọng quá!

 

Lý tưởng

Về nhân bản. Thật chẳng có khoa học, chẳng biết tính toán gì. Có bao nhiêu nhân đức đâu : nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, công bằng, trung thực, điềm đạm, tiết độ, chân thành, hiếu thảo, nhẫn nại, tha thứ… Cứ chia ra 1, 2, 3 tháng một nhân đức, thì chỉ vài ba năm là học xong hết. Cần gì phải vất vả cả đời. Ôi, trưởng thành quá!

 

Lý tưởng

Về giải trí, du lịch. Điều kiện ít, khó khăn thì đi trong nước, còn kinh tế khá hơn thì đi ra nước ngoài. Mỗi năm du lịch một vài điểm thì chẳng mấy chốc thì hết. Ôi, tuyệt vời quá!

 

Lý tưởng

Về tu đức. Có gì là nhiều, có gì mà làm không được. Chỉ cần biết phân chia và lên chương trình hành động cho từng ngày từng tháng cho mỗi nhân đức thì rất khoẻ. Quá lắm 10 năm là “tốt nghiệp”. Nào là không nóng giận, không hận thù, không tìm tư lợi, không làm điều bất chính, không gian ác, không kiêu căng tự phụ, không vênh vang tự đắc; Nào là hy sinh chịu đựng, thứ tha, tin tưởng, bác ái, nhận nhục, từ tâm, hiền hoà, trung tín, nhân hậu; Nào là khôn ngoan, kính sợ Thiên Chúa, nào là tin, là cậy, là mến, và là là gì đi thì cũng chỉ vài chục thôi… Ôi, hoàn hảo quá!

 

Lý tưởng

Về thanh tẩy. Cách tính toán thật hay rằng: mỗi tháng ta chú tâm tu sửa, sám hối, sửa sai các thứ lỗi tội về điều răn của Chúa. Tháng đầu thì sửa điều răn thứ nhất. Tháng hai là điều răn thứ hai. Và cứ như thế, 10 tháng, cùng lắm 12 tháng là xong 10 điều răn. Thế là sạch tội, trong trắng, thanh khiết. Ôi, thánh thiện quá!

 

Lý tưởng

Lý tưởng đang nói là thứ không thực tế, không khả thi, nếu không nói là hoang tưởng, ảo vọng. Bởi con người đâu phải cái máy mà là một huyền nhiệm. Con người sống trong không gian và thời gian, nên chịu ảnh hưởng, tác động và pha trộn theo năm tháng về mọi hoàn cảnh: chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hoá, khoa học, nghệ thuật, tuổi tác, sức khoẻ, thời tiết, địa lý… từ phía gia đình, xã hội, giáo hội. Con người luôn chuyển động. Và mỗi chuyển động ấy chính là biến đổi. Dù biến đổi theo chiều hướng tốt đi lên hay chiều hướng xấu đi xuống. Vì vậy, thời gian làm cho con người trở nên vừa tế nhị vừa ý nhị, vừa đơn giản vừa phức tạp, vừa dễ hiểu vừa khó hiểu, vừa mạnh mẽ vừa yếu đuối, vừa can đảm vừa sợ hãi, vừa tự nhiên vừa siêu nhiên…Và dĩ nhiên, con người phải chấp nhận tiến trình thực tế này để luôn suy gẫm về cuộc đời và sự đời.

 

Lý tưởng

Thế nhưng, lại có một thứ lý tưởng. Lý tưởng nhưng thực tế. Lý tưởng nhưng lại thực. Thực mà lại lý tưởng. Lý tưởng ấy chính là: “Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con hồn lặng lẽ an vui” (Tv 130,2). Vâng tựa nép bên lòng Chúa, con xin ngỏ hết tâm tư, vui buồn của cuộc sống dương gian.

 

Trong mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh, mọi ơn gọi, mọi lứa tuổi, mọi trình độ, mọi phái tính, mọi người, ai cũng đều có thể tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu, nép mình vào lòng Ngài. Điều này chẳng có gì là không thể. Quan trọng là ta muốn gì. Thiên Chúa, Ngài không hề đặt bất cứ điều kiện nào giống con người như: tiền, quyền, sức khoẻ, sắc đẹp, bằng cấp, nghề nghiệp, năng khiếu… miễn là tin tưởng và đến với Ngài, như thế là đủ. Có cha mẹ nào lại đặt điều kiện với con cái khi chúng đến với mình. Càng không có cha mẹ nào lại hất hủi khi con cái tâm sự, bày tỏ mối quan tâm yêu thương cũng như cậy dựa vào mình. Thiên Chúa còn hơn cả cha mẹ trần gian nữa.

Lý tưởng, đúng là lý tưởng. Lý tưởng nhưng lại gần gũi, đơn giản, dễ thực hiện, có thực. Thực nhưng lại lý tưởng.

 

Thanh Thanh