Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

CHIÊN CỨU ĐỘ

Tác giả: 
Thanh Thanh

CHIÊN CỨU ĐỘ

 

(Ga 1, 29-34)


Trong các sách Phúc Âm, chỉ có Phúc Âm thánh Gioan nói tới tước hiệu "Chiên Thiên Chúa" hai lần (Ga 1, 29 và 1,36), đó là lời Gioan khẳng định khi ông nhìn thấy Chúa Giêsu.

 

Chiên Thiên Chúa, xóa tội trần gian, nhắc cho người Do Thái nhớ đến hy lễ con chiên được cử hành trong đền thờ Giêrusalem hằng ngày và nhất là trong đại lễ Vượt qua. Con chiên trong sạch được dẫn tới bàn thờ, mọi người giơ cao tay đổ hết mọi tội mình lên đâu con chiên: rồi nhổ lông, xé thịt nó. Nó không mở miệng kêu một tiếng: Người ta thiêu sống làm lễ dâng lên Thiên Chúa, để xin Thiên Chúa xóa hết tội mình (Lêvi 1,4). Con chiên đó chính là chiên lễ Vượt qua, máu nó đã cứu sống con trai Do Thái, thịt nó làm của ăn cho toàn dân được mạnh sức vượt qua khó ách nô lệ Ai Cập (Xh 12, 7).

Đối với dân Do thái. Con chiên Vượt qua là hình bóng Đấng Cứu thế như ngôn sứ Isaia đã loan báo : "Chính các bệnh tật của chúng tôi. Ngài đã vác. Ngài đã bị đâm vì những phản nghịch của chúng tôi. Vì tội vạ của chúng tôi, Ngài đã bị nghiền tán... Ngài đã chịu đựng, không mở miệng, như chiên con dẫn đến lò sát sinh... Thiên Chúa đã ái mộ Ngài, đã phục sinh Đấng đã làm lễ hy sinh tạ tội. Ngài đã được trường sinh bất tử” (Is 53, 4-5.7.10). Đấng trường sinh bất tử đó, Gioan đã cam đoan thêm rằng : "Chính Ngài là Con Thiên Chúa” .

 

Chiên, con vật hiền lành

Là con vật được nuôi để xén lông, để lấy thịt. Chiên tượng trưng cho sự hiền lành, thanh khiết, vô tội. Vì những đặc tính này mà người ta, người Dothái đã đặt, đã trút mọi tội lỗi lên con chiên để hiến dâng cho Thiên Chúa như một lễ vật, vào ngày lễ Vượt Qua.

 

Ở Đức, có một nhà thờ kia đặt trên nóc nhà một con chiên. Lý do đơn giản là để mang ơn nó. Một ngày kia đang xây nhà thờ, một người thợ bị đứt dây an toàn, rơi xuống đất. May mắn là có một con chiên đi ăn cỏ, bị lạc vào khu vực nhà thờ. Người thợ rơi xuống ngay trên mình con chiên. Con chiên chết ngay tại chỗ, vì phía dưới là một đống gạch đá. Hình ảnh chiên thật đẹp, vì nó phục vụ và hy sinh cho con người.

Hôm nay, thánh Gioan đã giới thiêụ cho chúng ta con chiên, là Chiên Thiên Chúa. Chiên này được đồng nghĩa với người Đầy tớ đau khổ, không một tiếng kêu la khi bị dẫn tới lò sát sinh.

 

Giống như con chiên không những hiền lành, lại còn cung cấp thịt ngon cho con người, thì Chúa Giêsu cũng vậy, Ngài đã mang lấy tội, gánh lấy lỗi của nhân loại, Ngài còn trở nên lương thực nuôi dưỡng ta qua bàn tiệc Thánh Thể. Ngài vừa là con chiên của lễ vượt qua, vừa là biểu tượng của sự cứu chuộc của Israel, vừa là dấu chỉ cho mọi thời đại về ơn cứu độ. Dấu chỉ này là Chiên Thiên Chúa phục vụ và hiến mạng.

Ngài là hình ảnh của chiên hiến tế. Chiên này mang tội của chúng ta đi, cất đi sự chết đang, sẽ bao trùm và chiếm lấy con người yếu đuối của chúng ta.

 

Tình yêu đáp đền tình yêu

Thuở trái đất này còn hoang sơ, có một con thỏ tên là Pôlixa rất thương người, ai xin gì cũng cho, không bao giờ từ chối người nào. Ngày kia, một ông già lom khom chống gậy tới than thở với thỏ Pôlixa : Suốt mùa nước lũ vừa qua, ta không có gì để ăn, đói lả người, chắc chết nay mai thôi. Trước khi chết, lão chỉ xin một miếng thịt thỏ mà lão rất thèm thuồng bấy lâu.Vậy thỏ Pôlixa có cho lão được không.

 

Thỏ Pôlixa nhìn ông già tội nghiệp, rồi nói : Được, ông chờ một lát. Và chú thỏ vội đi kiếm củi, xếp thành đống, mồi lửa và nói: Ông chờ thịt cháu chín, rồi lấy mà ăn nhé ?

Nói xong, thỏ chụm chân nhảy vào lửa. Bỗng nhiên, lửa tắt, ông lão biến mất. Thì ra đó là một vị thần được sai tới để thử lòng thỏ. Về sau để thưởng công, Thượng Đế đã cho thỏ Pôlixa về vui đùa mãi mãi bên mặt trăng.

 

Huyền thoại nào cũng mang một sứ điệp cho con người. Nếu thỏ Pôlixa là hình ảnh của những ai biết hy sinh thân mình cho kẻ khác, thì Đây Chiên Chiên Chúa mà thánh giao an vừa giới thiệu cho chúng ta chính là hiện thân của Đấng đã hiến thân vì nhân loại. Đó là Đức Giêsu Kitô mà Gioan đã giới thiệu với các môn đệ của ông và cho mọi người : “Đây Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29).

Chỉ có Con Chiên thanh sạch và hiền lành, con chiên bị sát tế mà không một lời thở than, mới đền thay được tội lỗi. Chỉ có Đấng vô tội mới có thể chết thay cho các tội nhân.

 

Mặc dù chúng ta là người tội lỗi, nhưng đã được rửa bằng Máu của Con Chiên Thiên Chúa, và được tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể.

Giáo hội mời gọi chúng ta yêu mến và đền đáp công ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu. Đồng thời, cũng kêu gọi chúng ta hãy đi làm nhân chứng cho Người. Nghĩa là giới thiệu cho người khác. Đây Con Thiên Chúa.

 

Tình yêu đáp lại tình yêu, ân tình đền đáp ân tình, tình yêu Thiên Chúa cao mãi muôn đời. Đó là qui luật căn bản nhất của con người, người kitô hữu : là mang ơn, là đáp trả tình yêu Thiên Chúa.

Đáp trả ân tình Chúa không chỉ là thiết tha yêu mến Người, mà còn là quyết tâm sống hiến thân như Người đã sống. Thành người thanh sạch trinh trong vẹn tuyền.

 

Đền đáp ân tình Chúa không chỉ là nhìn nhận những ân huệ Người ban, mà còn luôn biết chia sẽ cách quảng đại cho anh em mình những ân huệ đã nhận được nhưng không từ Thiên Chúa.

Đáp đền ân tình Chúa không chỉ là biết yêu thương con người mà còn là yêu thương không mong đền đáp, là cho đi không tính toán thiệt hơn.

 

Tất cả những ai quảng đại đáp trả ân tình Chúa thì đều là những chứng nhân cho Đức Kitô. Làm chứng cho Đức Kitô cách hữu hiệu nhất là hiến trọn đời mình, dâng trọn xác hồn cho Thiên Chúa, để con người chúng ta biểu lộ tình yêu và lòng bao dung tha thứ của Thiên Chúa trước mặt người đời. Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian.

Thánh Gioan đã trả giá đắt cho lời cam đoan của mình. Chúng ta cũng có biết bao nhiêu lời cam đoan, lời thề ? Trước tổ quốc, trước nhân dân, trước bàn thờ, với những hứa hẹn thật đẹp như : từ bỏ tội lỗi, từ bỏ những việc ma quỷ, tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa, nhưng những điều ấy có trở thành hiện thực hay không, và được bao nhiêu phần trăm. Ta hãy trả lời cho Thiên Chúa.