Tôi đi giữa trời Paris mà nhớ thương Sàigòn
Chuyện phiếm đọc vào tuần Lễ Lá rất Vượt Qua năm B 01.4.2012
“Tôi đi giữa trời Paris mà nhớ thương Sàigòn,”
“Nắng Sàigòn hôm nao dìu bước chân em,
Qua phuờng, vào quán chợ thân quen.”
(Ngô Thuỵ Miên – Nắng Paris Nắng Sàigòn)
(Cv 2: 24)
“Hát Cho Nhau” buổi đầu năm 2012, bần đạo ngồi nghe bạn bè hát câu trên mà lòng thấy u hoài nhớ cả nắng Sàigòn và Sydney. Sydney, là nơi bần đạo phơi nắng mỗi ngày, nay đã quen. Còn Sàigòn, thì bần đạo cũng đã rời thành đô yêu dấu đến hơn hai chục năm trời chẵn/lẻ mà chưa một lần về lại quê hương. Thật ra, thì bần đạo cũng từng đi giữa trời Paris những hai lần, một lần vào năm 2006 và lần kia năm 2010. Và, cũng thấy lòng bâng khuâng một nỗi nhớ giống nghệ sĩ họ Ngô từng có câu hát:
“Tôi bỗng thấy lòng bâng khuâng
vì nắng Paris sao quá ư mặn nồng.
Có một trời thênh thang và có riêng tôi.
Nhưng hết rồi ngày tháng mặn ngọt môi…”
(Ngô Thuỵ Miên – bđd)
Có thể vì Sydney nay đã là quê hương thứ hai của bần đạo rồi chăng, nên nắng Sydney có lẽ vẫn đẹp và mặn nồng hơn nắng Paris và Sàigòn nữa! Duy có điều, là: bần đạo đi giữa trời Sydney dịp lễ Vượt Qua và Phục Sinh năm nay lại thấy mình cứ mải nghĩ suy nhiều điều về thứ nắng ngọt ngào ngày Chúa sống lại, mãi mãi. Chúa sống lại, bần đạo cũng nghĩ và suy về câu hỏi của bạn đạo nọ có cho biết: “Đọc sách Công vụ Tông đồ, tôi thấy thánh Phêrô từng bảo: Thiên Chúa đã làm cho Ngài sống lại, giải thoát Ngài khỏi mọi đau khổ của sự chết. Vì sự chết không tài nào khống chế được Ngài.’ (Cv 2: 24) vậy ta nên hiểu thế nào về Phục Sinh? Có giống như sự sống lại của Ladarô hoặc con bà goá Na-im ở Tin Mừng không?”
Nghe hỏi, bần đạo lại nhớ đến lời đáp của đức thày rất quen tên vẫn trụ trì ở Sydney đã từng nói:
“Việc Chúa Giêsu sống lại, khác với sự trỗi dậy của Ladarô hoặc của con bà goá thành Na-Im ở điểm: Chúa sống lại không theo luật tự nhiên hệt như cuộc sống hôm xưa của Ngài trước khi chết. Trước ngày Ngài chịu chết, Đức Giêsu sống giống như ta, nghĩa là Ngài cũng tuỳ thuộc vào không gian và thời gian; tức: hiện diện bằng xương bằng thịt, như ta ở trái đất. Sau ngày Sống lại, và đây là điều hiển nhiên, Ngài đã trỗi dậy với thân xác đã có khi trước. Thế nên, Ngài mới tỏ cho tông đồ ở phòng hội hôm ấy các dấu tích hằn in nơi tay chân và Ngài phán cùng thánh Tôma Tông Đồ là: ông hãy xỏ ngón tay vào vết dấu tích tình thương của Ngài nữa. (Lc 24: 39; Ga 20: 24-27).
Thế nhưng, thân xác của Chúa đã không còn tuỳ thuộc vào thời gian và không gian theo cách xưa nữa. Từ nay, Ngài đã có thể bất chợt hiện đến và biến đi, hệt như khi Ngài xuất đầu lộ diện với môn đồ trên đường Emmaus (Lc 24: 13-31) hôm ấy; hoặc, khi Ngài đi xuyên vào phòng hội cửa đóng khen cài cẩn thận để ở với môn đồ trong ít phút như trình thuật các thánh sử vẫn còn ghi.” (Lc 24: 36; Ga 20: 19).
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, lại cũng nói: “Thân mình thực hữu của Ngài gồm cơ phận mới mẻ nay vinh hiển sẽ không còn bị ràng buộc bởi không gian và thời gian nữa, nhưng Ngài có khả năng hiện diện bất cứ khi nào, ở bất cứ nơi đâu, dưới bất cứ hình thái nào Ngài muốn.” (x. GLHTCG đoạn 645)
Trong khi đó, sách giáo lý La Mã do Công Đồng Triđentinô đề ra, cũng viết: “Bằng cụm từ “Sống Lại” ta hiểu được không chỉ mỗi một điều là Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết mà thôi, nhưng Ngài còn tự trỗi dậy do quyền uy sức mạnh và cung cách của riêng Ngài. Cung cách và quyền uy ấy chỉ mình Ngài mới có được. Chính Ngài đã khẳng định điều này qua Tin Mừng do thánh Gioan viết: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến Tôi, vì Tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của Tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính Tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha Tôi mà Tôi nhận được (Ga 10: 17-18).” (x.Lm John Flader The Catholic Weekly ngày 12/4/2009, tr. 10)
Nói về “Sống lại” theo ngôn ngữ nhà Đạo, là nói và hiểu như thế. Nhưng, nói và hát ý/lời về “sống lại” theo ngôn ngữ ngoài đời, là nói và hát như quả quyết của nghệ sĩ như sau:
“Nhưng hết rồi ngày tháng mặn ngọt bùi.
Em ở đâu hỡi người em rất nhớ.
Trời Paris nào có lụa Hà Đông.
Bao năm qua khi tình giá trong lòng
Tôi lang thang bên cuộc đời vội vã.
Em ở đâu hỡi người em rất nhớ.
Trời Paris nào có lụa Hà Đông.
Bao năm qua khi tình giá trong lòng
Tôi lang thang bên cuộc đời vội vã.
Ngày tháng, đã cho ta xa nhau một thời
Đi vắng ngắt khi ta xa nhau một đời
Người yêu ơi xin giữ cho em nụ cười
Vì đời ta rồi sẽ mãi có nhau bền lâu.”
Đi vắng ngắt khi ta xa nhau một đời
Người yêu ơi xin giữ cho em nụ cười
Vì đời ta rồi sẽ mãi có nhau bền lâu.”
(Ngô Thuỵ Miên – bđd)
Kể ra thì, nói và hát như nghệ sĩ ngoài đời, đâu là hát và nói về sự “sống lại” của con người như ta hiểu. Cũng thế, nói về cuộc Vượt Qua và Sống Lại của Đức Giêsu mà lại hát và nói như nghệ sĩ, kể ra cũng hơi kỳ. Nhưng có hát và nói như thế mới cảm thông được thắc mắc cũng như hỏi han qua bao năm tháng về Sống Lại. Hỏi và đáp, về Chúa Sống Lại cho rõ nghĩa hơn, có lẽ nên về với lời đáp rất ý nghĩa của đấng bậc chuyên môn về chú giải hồi xưa ấy, là cố giáo sư Kinh thánh Nguyễn Thế Thuấn,DCCT như sau:
“Hỏi rằng Tân Uớc nói gì về sự Sống Lại của Chúa Kitô thì: tựu chung ta có thể toát yếu như thế này: Sự sống lại không chỉ là một thây chết được hồi dương (như đã xảy ra với Ladarô) -cũng không phải là hồn bất tử từ nay sống hoàn toàn theo tính thiêng liêng hoặc nơi thực-hữu của linh hồn, hoặc nơi thanh danh con người truyền cho hậu thế; nhưng cốt thiết là Con Thiên Chúa làm người nay nhập vào với Vinh Quang Thiên Chúa:
-Đức Kitô được tôn dương là Chúa, nay ngự bên hữu Thiên Chúa Cha;
-Ngay cả với thực-hữu xác thể và lịch sử của Ngài;
-Sau khi Ngài chết trên thập giá.
Các kiểu nói của ta xưa nay là dựa vào những gì tương tợ xảy đến giữa loài người. Tất nhiên là nó què quặt không đủ để diễn tả một điều không thấy có ở đâu giữa loài người. Nhưng ngang qua những lời giới hạn đó, chúng ta quả quyết được trong lòng tin cái sự thực nhiệm mầu cốt thiết là Đức Kitô đã nhập vào với vinh quang Thiên Chúa.” (x. Lm Yuse Nguyễn Thế Thuấn CSsR, Sách Thánh và Mạc Khải Cứu Rỗi, Tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ tr. 89)
Nói về Đức Kitô Vượt qua mới nghe sơ tưởng đã hiểu, nhưng hơi khó. Nói về Chúa Sống Lại thuận theo ý Cha, để nhập vào với Vinh Quang của Cha, còn khó hơn. Bởi, ngay như trong kinh Tin Kính ta đọc hằng tuần vào Tiệc Thánh, có khi con người chỉ đọc mà không hiểu rõ, thì làm sao có thể hiểu được sự-kiện trọng-điểm của niềm tin là Chúa Sống Lại rất thực thụ và chính đáng!
Nói theo ngôn ngữ nhà chú giải, là nói cũng khá dài nhưng lại khó nắm vững. Tuy nhiên, có nói như thế mới đúng bài bản thần học rất thánh kinh. Nói về sự “Sống lại” của Đức Chúa theo thánh kinh, là nói một cách nghiêm chỉnh bằng ngôn từ cao siêu nhiệm mầu, tuy xa vời đầu óc của quần chúng vốn bình dân, đa phần không được học rộng biết nhiều.
Chính vì thế, nên cha giáo Nguyễn Thế Thuấn sẽ còn diễn giải dài dài ý niệm “Sống lại” là để đưa thần học Phục Sinh vào với mầu nhiệm cứu rỗi, như Hội thánh từng cảm nhận để rồi mọi người sẽ nắm vững sự kiện Chúa vẫn sống theo cung cách rất mới mẻ. Bần đạo còn nhớ: cha giáo Nguyễn Thế Thuấn có lần nói: “Chúa Sông lại, không có nghĩa là Ngài trở về lại với đời sống rất phàm trần một lần nữa, như khi trước. Nhưng, nói như thế, phải hiểu là: Chúa đã thuộc về thế giới của Thiên Chúa, rất cánh chung.
Nói nôm na, là khẳng định rằng: Đức Kitô sống lại chính là Ngài về với thế giới của Chúa Cha, tức đi vào sinh hoạt của thế giới mới mẻ. Có như thế, ta mới được Chúa dẫn đưa vào thế giới có giá trị khác hẳn giá trị ở chốn gian trần. Bởi thế nên, thay vì hỏi: Đức Kitô sống lại có nghĩa lý gì đối với thế giới gian trần, hãy làm như thánh Phaolô từng khẳng định với giáo dân Rôma, qua lập luận rất ư là chắc nịch:
“Đức Giê-su chính là Đấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta
và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại
để chúng ta được nên công chính.”
(Rm 4: 25)
Và, cha giáo Kinh thánh lại đã tóm tắt những điều mình trích dẫn bằng một giải thích tóm tắt, rằng:
“Màu nhiệm sống lại đích thực là trọng tâm ý nghĩa của niềm tin ta có. Bằng vào sự kiện này, Đức Kitô cho ta thấy Thiên Chúa đã yêu thương cứu rỗi con người nhờ vào sự sống lại vinh quang của Ngài; và từ đó, mọi sinh họat của Kitô-hữu và toàn thể nhân lọai mới có nghĩa và mới kéo dài đến cõi miên trường. Điều đó cũng là trọng tâm của toàn bộ mặc khải nơi Tân Ước, cũng như niềm tin của Hội thánh.” (x. Lm Nguyễn Thế Tuấn, bđd tr.90)
Nói theo cung cách của đấng bậc chú giải ở nhà Đạo thì nói như hế. Và, nói theo kiểu minh hoạ cho điều mà mọi người ở nhà Đạo vẫn còn tin, còn là nói và hát theo cung cách rất ngoài đời, như sau:
Tôi cất tiếng đàn hôm nay,
Và hát cho em bài hát Tình này,
Nắng Sài gòn xin em còn giữ trong tim
Xin vẫn còm mầu áo lụa Hà Đôn.”
(Ngô Thụy Miên – bđd)
Đúng thế. “Xin em còn giữ trong tim”, cả “Nắng Sàigòn” lẫn “màu áo lụa Hà Đông”... là giữ cho “bài hát Tình” của Chúa Kitô Phục Sinh , cũng rất đúng. Và, đúng hơn nữa khi bạn và tôi, ta lập lại lời của Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô 16 vẫn bảo rằng: “Thiên Chúa là Tình Yêu”, thì hôm nay, nghệ sĩ ở đời cũng đã và đang trân trọng hát “cho em bài hát Tình này”, bài hát Phục Sinh cũng rất tình và trân trọng.
Quả thật. Còn gì đẹp bằng Tình Chúa yêu thương thế giới nhân trần bằng sự Phục Sinh quang vinh ngõ hầu đưa con người vào với thế giới của Thiên Chúa có cứu rỗi, có “Bài hát Tình” còn giữ trong tim. Để tập trung nhấn mạnh ý chủ của Phục Sinh quang vinh, tưởng cũng nên nghe thêm ý kiến của đấng bậc thày dạy ở Hoa Kỳ, từng nói:
“Nhà chú giải nổi tiếng là Rudolf Bultmann có lần viết: “Đức Giêsu đã trỗi dậy để đi vào điều mà mọi người gọi là “Kerygma” tức: đi vào niềm tin của tín hữu thời tiên khởi. Nói khác đi, những người theo chân Đức Kitô vẫn xác tín rằng Ngài vẫn luôn ở với họ, đó mới là Phục Sinh, rất đích thực.
Nếu cứ đưa ra câu hỏi bảo rằng Phục sinh có thật không? Và hỏi thế là muốn nói chỉ mỗi thi hài đã hồi sinh mới có thể tạo được bằng chứng, và như thế tức là đã áp đặt tiêu chuẩn để thẩm định của trí tuệ lên trên nền văn hóa của huyền thọai và xảo giả trước khi khoa học được xất hiện.” (x. Robin R. Meyers, Easter as presence, not proof, Saving Jesus Christ from the Church, HarperOne 2009, tr. 76)
Thời Hội thánh tiên khởi, mọi con dân tín hữu Đức Kitô đều muốn biết xem Chúa có chết vì lỗi tội của con người trần gian không? Và, khi chết Chúa có được chôn cất đàng hòang và Ngài có trổi dậy sau ngày ở dưới mồ hệt như Kinh Sách Cựu Ước từng ghi chép hay không?
“Nếu kẻ chết không sống lại,
thì Đức Kitô đã không trỗi dậy.
Mà nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy,
thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng,
và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.”
(1Cr 15: 13-14)
Nói về sự Sống lại của Đức Kitô theo ngôn ngữ truyện kể, có thể cũng nên nói như sau:
“Có lần sư tăng Wu Jincang từng hỏi Lục Tổ Huệ Năng, rằng:
-Con đọc nhiều kinh rất nhiều năm, mà sao vẫn chưa nhập định và cũng không rành cho lắm. Vậy, xin ngài soi sáng cho con hiểu rõ.
Lục Tổ Huệ Năng cầm quyển kinh rồi đưa cho đệ tử, và nói:
-Ta không đọc được chữ. Con hãy cầm lấy quyển này mà đọc cho ta nghe. Ta sẽ giải thích giúp con hiểu.
-Thế, Tổ không đọc được chữ sao ngài thông hiểu được mọi sự?
-Chân lý ở đời là không dựa vào chữ nghĩa. Nó như trăng sao trên trời vậy. Trường hợp này,
như ngón tay trỏ. Ngón tay của con chỉ vào mặt trăng, nhưng không phải là trăng con đang chỉ. Cứ ngắm nhìn mặt trăng thôi, thì đâu cần dùng ngón tay để chỉ, phải thế không con? Như thế là chân lý ở đời, không tuỳ thuộc vào sự hiểu biết của người biết đọc chữ hay không, mà là biết sống chân lý ấy, mà thôi.
Thì ra là như thế. Ở đâu cũng vậy. Chân lý ở đời cũng như sự thật trong Đạo, rất giống nhau. Bởi thế nên, muốn hiểu cho rõ thế nào là “Sống Lại” theo đúng tinh thần của Đạo, đều phải sống đích thực chân lý ấy mới hiểu được.
Chân lý “Chúa Sống Lại” cũng thế. Người phàm ở đời, dù là con Chúa cũng chỉ có thể hiểu được mọi chân lý Chúa loan truyền, nếu biết sống thực Tin Mừng và làm theo lời Chúa thì mới thấu hiểu được tư tưởng và Tin Mừng cho đúng cách. Bởi thế nên, ở đâu cũng thế, bao giờ cũng vậy, chân lý là chân lý. Không cần chữ nghĩa cho nhiều mới hiểu, mà là cảm nhận và có quyết tâm.
Trong quyết tâm như thế, bần đạo nay đề nghị bạn, đề nghị tôi, ta lại tiếp tục hát thêm câu của nghệ sĩ có hừng mà sống thực chân lý ngàn Chúa thực thi. Hát những câu rằng:
“Tôi cất tiếng đàn hôm nay
Và hát cho em bài hát Tình này.
Nắng Sài gòn xin em còn giữ trong tim,
Xin vẫn còn màu áo lụa Hà Đông…”
(Ngô Thuỵ Miên – bđd)
Áo lụa hôm trước em mặc, vẫn là “giữ trong tim” bài hát “Tình này”. Bài hát ấy, có thể là Tình Chúa Sống lại vẫn yêu thương cả người anh người chị ở khắp nơi, trong cuộc đời. Và trong nhà Đạo một khi đã tin rồi, cả bạn và tôi, ta sẽ cứ thế mà “sống lại” cũng rất thực, như Chúa muốn.
Tâm tình ấy, bạn và tôi, ta vẫn thấy bàng bạc, trải dàn nơi Tin Mừng có Lời Chúa vẫn không phai. Suốt mọi thời. Ở nhiều kiếp.
Trần Ngọc Mười Hai
vẫn xin hát và xin giữ
bài hát Tình này
Tình Sống Lại
Của Đức Chúa
và muôn người.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: