Bình an cho sứ vụ mới
BÌNH AN CHO SỨ VỤ MỚI
Việc đầu tiên khi Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ là Ngài trao ban bình an cho họ. Cũng dễ hiểu thôi bởi vì các môn đệ đang cần lắm sự bình an sau những chấn động do cuộc khổ nạn của Thầy mình. Dư chấn cuộc thương khó đang làm cho lòng các ông tan nát. Loạt tin tức về việc Chúa mất xác, Chúa sống lại, Chúa hiện ra, Chúa hẹn gặp… làm cho tâm hồn các ông rối tung rối bời.
Ngay cả sau khi đã được Chúa Giêsu hiện ra cũng cố đức tin và khơi lên niềm hy vọng, các ông vẫn cần lắm sự bình an của Chúa để khởi đầu cho một sứ vụ mới, sứ vụ làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh. Sứ vụ mới nay chính thức bắt đầu. Nhưng trước hết các ông cần có cái tâm an bình đã, vốn là hoa trái của đức tin. Có cái tâm an bình thì mới có thể đem tin bình an đến cho người khác được.
Trong một lần được phỏng vấn trên đài truyền hình, Mẹ Têrêsa Calcutta trực diện với một kẻ hỏi cắc cớ:
- “Bà yêu thương người nghèo, điều đó rất tốt. Nhưng còn biết bao những người giàu có của Vatican và của Giáo hội thì sao?”
Mẹ nhìn thẳng vào người ấy và nói:
- “Thưa ông, ông không phải là người hạnh phúc. Có những điều đang xâu xé ông. Ông không có một chút bình an trong lòng”.
Lời đó làm ông xụ mặt. Và mẹ tiếp tục khiến ông thêm quặn đau:
- “Ông nên có niềm tin tưởng”.
- “Làm thế nào tôi có được niềm tin”.
- “Ông nên cầu nguyện”.
- “Nhưng tôi không thể cầu nguyện”.
- “Tôi sẽ giúp ông. Nhưng phần ông, ông nên cho những người chung quanh nụ cười cảm thông. Một nụ cười cảm thông làm ông gần những người khác. Và nó mang sự thật về Thiên Chúa vào cuộc sống của chúng ta”.
Sẽ không thể đem niềm vui và sự bình an cho người khác khi chính mình chưa có bình an và niềm vui trong tâm hồn. Nhưng niềm an vui chỉ có khi người ta thực sự tin vào Thiên Chúa và tin vào Đức Kitô.
Cũng vậy chỉ khi các môn đệ được gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh và được Ngài gia ân niềm tin, thì các lòng ngài mới có được bình an đích thực. Dĩ nhiên sự bình an mà Đức Kitô muốn trao cho các môn đệ của Ngài chắc chắn không phải là bình an theo kiểu của thế gian, như lời Ngài khẳng định: “Thầy ban cho anh em sự bình an không như thế gian ban tặng”. Bình an của thế gian theo nghĩa là không có chiến tranh, không có tai ương hay xáo trộn. Đặc tính dễ thấy nơi bình an thế gian là giả tạo, chóng qua. Vì bình an thế gian thường đến từ các “ngôn sứ giả” như thời Cựu Ước; hoặc đến từ tiền bạc, danh vọng, quyền lực và những tiện nghi vật chất.
Bình an mà Chúa Giêsu để lại cho các môn sinh của mình là “bình an có Chúa luôn ở cùng”, bình an có Chúa luôn hiện diện trong tâm hồn: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Nói cách khác đó chính là bình an ơn cứu độ. Bình an đó còn là gì nữa ? Đó còn là chính Chúa Thánh Thần và các ân huệ của Người được Đức Kitô ban xuống trong tâm hồn các môn đệ vào ngày lễ Ngũ Tuần. Đây là thứ di sản bền vững mà Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ; không như di sản trần thế: tiền bạc của cải, cổ phần cổ phiếu… là những thứ rất bấp bênh, nay còn mai mất, nay được giá mai mất giá.
Các môn đệ có được bình an vì đức tin của các ngài đã có “đường” vững vàng để đi, đức cậy của các ngài đã có “lối” rõ ràng để về. Bởi vậy sau này các ngài không còn lo âu xao xuyến sợ hãi nữa, dẫu cho bên ngoài có còn nhiều sóng gió thử thách.
Cuộc sống con người ngày hôm nay đang cần lắm sự bình an của Chúa. Bản thân cần sự bình an. Gia đình cần sự bình an. Cộng đoàn cần sự bình an. Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết mở lòng ra đón nhận sự bình an của Chúa Kitô. Đồng thời biết trở nên như khí cụ bình an của Chúa, nghĩa là biết đem sự bình an của Chúa cho những anh chị em mà chúng ta gặp gỡ hằng ngày. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: